Trường THCS mang tên người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Trọng Dân đã được khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 11-2013 Ảnh: Hoàng Nam |
Ông sinh năm 1917 tại làng Bình Nghị, tổng Hòa Lạc Hạ (nay là xã Bình Nghị), trong một gia đình nông dân có truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột.
Tháng 8-1945, ông giác ngộ cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà. Tháng 10-1945, ông gia nhập đội du kích xã, chiến đấu chống thực dân Pháp khi bọn này quay trở lại xâm chiếm Gò Công. Sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ Xã đội trưởng, Bí thư Chi bộ xã Bình Nghị, Huyện ủy viên Gò Công.
Sau hiệp định Genève (tháng 7-1954), ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Tuy bị địch theo dõi ráo riết, nhưng ông vẫn kiên cường bám trụ xây dựng cơ sở cách mạng ở các xã ven biển của tỉnh Gò Công và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, đòi chính quyền Diệm thi hành Hiệp định Genève, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
Năm 1958, địch tăng cường đánh phá phong trào cách mạng ở Gò Công vô cùng ác liệt. Theo sự phân công của cấp trên, ông đi “điều lắng” ở Sài Gòn và Tây Ninh. 1 năm sau, mặc dù tình hình cách mạng ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh, gian khổ, ông trở về Gò Công hoạt động, gầy dựng lại cơ sở cách mạng và tham gia lãnh đạo phong trào “Đồng khởi” ở huyện nhà.
Năm 1961, ông được bầu làm Huyện ủy viên Gò Công. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, phong trào nổi dậy tiến công phá ấp chiến lược và chiến tranh du kích của huyện tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 1969, ông là Tỉnh ủy viên Gò Công, Bí thư Thị ủy Gò Công. Đây là thời kỳ địch tập trung lực lượng tiến hành phản kích ở khắp nơi trong tỉnh với mức độ ngày càng khốc liệt. Tại thị xã Gò Công, nhiều cơ sở cách mạng bị lộ do địch truy lùng gắt gao và đã có không ít cán bộ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tuy vậy, ông vẫn bám trụ tại nhà của một cơ sở ở bến xe thuộc nội ô thị xã để tiện việc lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Gò Công.
Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, phong trào cách mạng ở thị xã vẫn được giữ vững và ngày càng phát triển. Được sự chỉ đạo trực tiếp của ông, Thị ủy đã tổ chức hàng trăm cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng chục ngàn quần chúng đấu tranh chống địch cào nhà, càn quét, bắt lính, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, chống bắt gia đình cách mạng “đi học nội trú”, đòi trở về quê cũ làm ăn…
Phong trào binh vận phát triển mạnh đã động viên, giáo dục hàng trăm gia đình binh sĩ học tập chủ trương của cách mạng, xây dựng cơ sở nội tuyến cách mạng trong hàng ngũ binh lính, vận động nhiều binh sĩ bỏ ngũ để hợp tác với cách mạng, cung cấp vũ khí, tin tức hoặc đấu tranh không đôn quân, không đổi đi nơi khác, tạo thuận lợi cho các cuộc đấu tranh của nhân dân. Phong trào diệt ác phá kềm được đẩy mạnh, ta đã diệt hàng chục tên tề ấp; cảnh cáo, giáo dục hàng trăm tên khác khiến nhiều tên phải bỏ trốn, nghỉ việc… Những cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân, phong trào binh vận, diệt ác phá kềm chứng tỏ cơ sở Đảng và cách mạng bất chấp sự đánh phá điên cuồng của địch vẫn tồn tại vững chắc trong nội ô thị xã, hỗ trợ tích cực cho các cuộc tiến công quân sự nhằm tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang tỉnh nhà.
Sáng 24 tháng Chạp năm Canh Tuất (khoảng đầu tháng 2-1971) ông bị địch bắt. Mặc dù bị tra tấn rất dã man, nhưng ông vẫn giữ vững tinh thần và khí tiết, quyết không khai báo, thậm chí không để cho địch trói. Bất lực trước ý chí gang thép của người chiến sĩ cộng sản chân chính, bọn địch đã hèn hạ bắn chết ông ngay tại chỗ. Ông đã anh dũng hy sinh lúc 54 tuổi trong niềm tiếc thương, mến phục vô hạn của đồng bào thị xã Gò Công.
bình nghị, tiền giang, chiến sĩ, cách mạng, thu hút, linh cữu, cuối cùng, hiện nay, đặt tên, cơ sở
Ý kiến bạn đọc