Hiệu quả thiết thực từ mô hình "Thêm yêu cuộc sống"

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/11/2013 10:46
Anh Phạm Thành Công, Phó Bí thư Huyện đoàn Gò Công Đông cho biết: “Thật ra, trước đây nhiều năm, mô hình này đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chưa có tên gọi cụ thể. Đến tháng 8-2013, Công an huyện và Huyện đoàn mới quyết định lấy tên gọi chính thức là “Thêm yêu cuộc sống”.
 
Anh Phạm Thanh Tú và anh Lâm Đức Hiệp giao lưu tại buổi gặp mặt trong Chương trình “Thêm yêu cuộc sống”.
Anh Phạm Thanh Tú và anh Lâm Đức Hiệp giao lưu tại buổi gặp mặt trong Chương trình “Thêm yêu cuộc sống”.

Quá trình khảo sát thực hiện mô hình, cho thấy từ năm 2004 đến nay, toàn huyện có 327 thanh niên vi phạm pháp luật bị lập hồ sơ đưa vào diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Trong đó, đã có 101 trường hợp tiến bộ được đưa ra khỏi diện, 73 trường hợp chưa có việc làm đã được các ngành tạo điều kiện giúp ổn định cuộc sống.

Trong đó, có nhiều gương thanh niên hoàn lương tiêu biểu, vượt qua mặc cảm, lầm lỗi trong quá khứ, chuyên tâm phát triển kinh tế gia đình và đã có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Điển hình như anh Phạm Thanh Tú, ngụ ấp 2, xã Gia Thuận. Trước đây, Tú thường chạy xe rú ga, nẹt pô nên bị Công an xã xử lý hành chính và đưa vào quản lý theo Nghị định 163 của Chính phủ.

Sau đó, Tú đã nhận thức ra việc làm sai trái của mình và làm đơn tự nguyện xin tham gia vào Đội Cứu hộ giao thông, Đội Dân phòng của xã làm nhiệm vụ tuần tra giữ gìn trật tự xã hội (TTXH), giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT); đồng thời với nhiệm vụ là tuyên truyền viên về ATGT, anh tham gia cùng Đoàn Thanh niên xã tuyên truyền ATGT trong đoàn viên, hội viên và vận động được 5 thanh niên trong ấp tự nguyện tham gia vào Đội Cứu hộ, Đội Dân phòng.

Riêng bản thân Tú, từ đầu năm 2012 đến nay đã 2 lần kịp thời phát hiện, sơ cứu và nhanh chóng đưa người bị va quẹt giao thông đến Trạm Y tế xã điều trị. Chính sự nhiệt tình trong công việc, Tú được thanh niên trong ấp tín nhiệm bầu làm Đội trưởng Đội Dân phòng. Ở vị trí này, Tú luôn gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhất là tham gia tuần tra giữ gìn ANTT.

Với những đóng góp tích cực, năm 2012 Phạm Thanh Tú được UBND huyện Gò Công Đông, UBND xã Gia Thuận tặng Giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong giữ gìn TTXH và đảm bảo ATGT. Mới đây, anh Tú vinh dự được Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương về thành tích “Xuất sắc trong xây dựng giao thông và đảm bảo TTATGT năm 2012”; được ra Hà Nội tham gia lễ dâng hương và báo công dâng Bác.

Một trường hợp khác là anh Lâm Đức Hiệp, ngụ Khu phố Chợ ấp 1, thị trấn Vàm Láng. Năm 2007, khi đang là sinh viên đại học ở TP. Hồ Chí Minh, anh Hiệp vướng vào ma túy. Sau khi từ bỏ, anh về với gia đình ở Vàm Láng. Được sự quản lý của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hiệp đã quyết tâm sửa lỗi bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Tiến, Bí thư Thị đoàn Vàm Láng cho biết: “Nhờ sự hăng say, nhiệt tình với công việc nên Hiệp được mọi người tin tưởng giới thiệu làm Tổ trưởng Tổ liên danh vay vốn và Bí thư đoàn khu phố Chợ ấp 1. Đến năm 2010, Hiệp được bầu làm Trưởng Khu phố, kiêm Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố. Tháng 6 vừa qua, Hiệp vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và là đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn Vàm Láng”.

Từ những trường hợp tiêu biểu nêu trên, có thể khẳng định rằng: Sau vấp ngã, trở về địa phương, người vi phạm thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti và luôn tìm cách xa lánh mọi người. Ở đây, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ, giáo dục, giúp đỡ từ phía các tổ chức, đoàn thể xã hội thì họ rất dễ quay lại con đường cũ. Trong những trường hợp này, lằn ranh giữa cái thiện và cái ác rất mong manh.

Trong tháng 10-2013, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm xã Tân Điền tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với 52 người đã từng vi phạm pháp luật và người có dấu hiệu phạm tội. Đây là xã được Công an huyện chọn làm điểm thực hiện mô hình “Thêm yêu cuộc sống”, sau đó nhân rộng ra các xã khác.

Ông Đặng Thành Hậu, Chủ tịch UBND xã Tân Điền cho biết: “Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của xã đã chọn mô hình này để những người đã có tiền án, tiền sự và người có khả năng phạm tội có dịp trình bày với lãnh đạo xã tâm tư, nguyện vọng của mình về những nhu cầu cần thiết như: cần hỗ trợ về kiến thức pháp luật, nhu cầu cần vay vốn để học nghề, phát triển kinh tế gia đình hay hỗ trợ việc làm”.


Kết quả bước đầu về mô hình “Thêm yêu cuộc sống” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều đó đã minh chứng, nơi nào có sự quan tâm sâu sát của các ngành, đoàn thể, có biện pháp cụ thể, cách giúp đỡ thiết thực đối với những người đã có tiền án, tiền sự và người có khả năng phạm tội thì nơi đó sẽ hạn chế được số vụ tái phạm.

Đại tá Lưu Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Gò Công Đông cho biết: “Mô hình “Thêm yêu cuộc sống” bước đầu đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Chúng tôi sẽ quyết tâm phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể để duy trì. Tôi tin rằng, chính sự quan tâm đến những lầm lỡ sẽ giúp họ sớm vượt qua mặc cảm, tự ti, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Song song với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, chúng tôi cũng sẽ xử lý cương quyết đối với những trường hợp cố tình vi phạm”.

Kết quả bước đầu cho thấy mô hình “Thêm yêu cuộc sống” có ý nghĩa rất cao đẹp. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục, vận động và thuyết phục thanh thiếu niên chậm tiến và đối tượng vi phạm bị quản lý, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ.

 

Đặng Thanh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

mô hình, cuộc sống

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 246
  • Khách viếng thăm: 172
  • Máy chủ tìm kiếm: 74
  • Hôm nay: 38763
  • Tháng hiện tại: 2271313
  • Tổng lượt truy cập: 46238546