Bệnh sởi và Rubella - những điều cần biết

Đăng lúc: Thứ tư - 29/07/2015 11:56
Sởi và Rubella đều có biểu hiện là sốt phát ban và đều là bệnh do vi rút gây ra. Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này là khi biến chứng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như tàn phế, tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sởi và Rubella, vì vậy tiêm ngừa là giải pháp tốt nhất để phòng bệnh.

BỆNH DỄ LÂY

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, thời gian nung bệnh từ 7 - 10 ngày. Bệnh khởi phát trong 2 - 3 ngày với các triệu chứng: Sốt đột ngột từ 38 độ C trở lên, mắt ướt, kèm nhèm, ho, chảy nước mũi, tiêu chảy... Khi bệnh toàn phát thì sốt cao 38,5 - 390C, li bì, mệt mỏi, các ban sởi dày, mịn, xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan ra mặt, cổ xuống thân mình, tứ chi trong 1 - 2 ngày. Bệnh sẽ lui khi hết sốt, ban bay dần theo trình tự mọc và để lại vết thâm trên da.

Bệnh sởi hay để lại nhiều biến chứng khi bệnh toàn phát hoặc lui bệnh như: Viêm phổi, viêm phế quản... có thể gây tử vong, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi; viêm tai giữa, viêm xoang, viêm răng lợi (nếu nặng bị cam tẩu mã); tiêu chảy có thể gây mất nước dẫn đến tử vong; suy dinh dưỡng; viêm loét giác mạc; lao và các bệnh nhiễm trùng khác.

Bệnh Rubella có những biểu hiện khác với sởi, thường phát triển mạnh vào dịp đông xuân. Bệnh xuất hiện từ nhiều năm nay ở Việt Nam, tuy nhiên trước đây ít được chú ý vì có các triệu chứng và thời điểm bùng phát giống với sởi, thường được thống kê chung vào bệnh này.

Bệnh Rubella lây nhiễm qua đường hô hấp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nung bệnh từ 12 - 14 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, các dấu hiệu mắt ướt, ho, chảy nước mũi... Khi bệnh toàn phát có các biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi, nổi hạch… và rõ ràng nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Khi bệnh lui thường hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn, thường sau 1 tuần.

Các biến chứng của Rubella chủ yếu là đau, sưng khớp, viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh, gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ có thai. Phụ nữ mắc bệnh Rubella khi đang mang thai có khả năng sinh con bị các dị tật bẩm sinh như: Các bệnh tim bẩm sinh, bệnh đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần, đục thủy tinh thể, điếc, các tổn thương xương dài...

Rubella là một bệnh nhẹ, diễn biến lành tính, tỷ lệ tử vong và biến chứng rất thấp. Tuy nhiên, lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu. Bệnh có thể gây sẩy thai, dị tật thai nhi và bệnh Rubella bẩm sinh ở trẻ mới sinh. Những trẻ mắc Rubella bẩm sinh dễ gặp các biến chứng nặng như bại não, tổn thương phổi, mù mắt...

Một số nước có quy định bắt buộc phá thai nếu người mẹ mắc Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Rubella hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu vẫn là cho bệnh nhân nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và dùng các thuốc nâng cao thể trạng, đặc biệt là vitamin để tăng khả năng chống đỡ của cơ thể.

PHÒNG NGỪA

Theo WHO, hiện tại chưa có cách chữa trị sởi và Rubella đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Tiêm ngừa vắc xin sởi - Rubella là biện pháp bảo vệ tốt nhất khỏi 2 căn bệnh này.

Vắc xin sởi - Rubella là vắc xin kết hợp, sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng sởi và Rubella toàn quốc ở Việt Nam, được sản xuất bởi Viện Serum tại Ấn Độ. Vắc xin đã được kiểm tra tiêu chuẩn bởi WHO, tài trợ bởi Liên minh GAVI và mua bởi UNICEF cho Việt Nam. Vắc xin sởi - Rubella đã được sử dụng an toàn ở nhiều quốc gia trên thế giới, có hiệu quả tới 95% trong việc phòng ngừa bệnh sởi và Rubella.

Sau chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - Rubella cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, loại vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng toàn quốc đối với trẻ 18 tháng tuổi.

Tác dụng phụ thường thấy sau khi tiêm vắc xin sởi - Rubella là sốt nhẹ, phát ban, sưng nhẹ và đau tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Những tác dụng phụ này đều hết sức bình thường và sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Với hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ phục hồi trong vòng 2 - 3 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Rất hiếm gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm chủng.

Tuy nhiên, bác sĩ có lời khuyên đối với phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng: Đảm bảo rằng trẻ đã ăn trước khi đi tiêm; cung cấp tình hình sức khỏe hiện tại của trẻ với nhân viên y tế; thông báo bất kỳ bệnh hoặc thuốc uống gần đây nếu có.

Cha mẹ phải thông báo các khuyết tật bẩm sinh, lịch sử sinh non, dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng mạnh nào trong những lần tiêm vắc xin trước đó, ví dụ như sốt cao, phát ban, sưng tại chỗ tiêm; hỏi nhân viên tiêm chủng cách giám sát và chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng.

Đặc biệt, sau khi tiêm ngừa, trẻ và cha mẹ phải lưu lại trung tâm tiêm chủng trong vòng ít nhất 30 phút để giám sát tác dụng phụ hiếm gặp có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng của trẻ với vắc xin và tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ sau.

Đặc biệt, ngoài đối tượng trẻ em, WHO khuyến cáo phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm ngừa Rubella trước thời điểm mang thai 6 tháng. Đây là việc làm hết sức cần thiết để phòng ngừa nhiễm Rubella trong thai kỳ dẫn đến tác hại đáng tiếc.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 205
  • Khách viếng thăm: 200
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 39842
  • Tháng hiện tại: 2484732
  • Tổng lượt truy cập: 48858859