Không nên nuốt đậu đen sống

Đăng lúc: Thứ năm - 09/07/2015 09:15
Thời gian qua, không ít người đã tin và áp dụng phương pháp nuốt sống 49 hạt đậu đen mỗi sáng để chữa bá bệnh (từ táo bón, ung nhọt, đau lưng, mắt mờ, tai điếc đến tim mạch, tiểu đường…). Phương pháp này được phát tán trên mạng Internet, tờ rơi trong nhiều năm qua và nhiều người đã truyền tai nhau.
Nuốt sống hạt đậu đen xanh lòng để trị bá bệnh là bài thuốc phản khoa học, không nên áp dụng.
Nuốt sống hạt đậu đen xanh lòng để trị bá bệnh là bài thuốc phản khoa học, không nên áp dụng.

Liệu nuốt đậu đen có trị được nhiều bệnh tật không? Các chuyên gia sức khỏe đều khẳng định đây là tin đồn thổi thất thiệt, phản khoa học.

TIN LỜI ĐỒN THỔI

Nuốt đậu đen sống để trị bệnh đã trở thành phong trào tại nhiều nơi trong tỉnh mà không ít người đã “trải nghiệm”. Tin vào lời đồn thổi và những tờ rơi quảng bá không có căn cứ, nhiều người đã áp dụng “bài thuốc” này một cách cảm tính.

Sáng nào thức dậy, chị Nguyễn Thị M. M. ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy cũng mang túi đậu đen ra đếm lấy 49 hạt rồi nuốt với nước ấm khi bụng còn đang đói. Chị cho biết “bài thuốc” này được biết đến trong một chuyến hành hương.

Cách nay gần 1 năm, trong lúc đi chùa, có người đến phát mấy tờ giấy giới thiệu công dụng của việc nuốt đậu đen sống. “Bài thuốc” này tôi có nghe nhiều người nói rồi, nay được xem tờ giấy giới thiệu về công dụng của nó nên tôi càng tin hơn. Tôi bị đau lưng và hay táo bón đã áp dụng thử, uống được 1 tuần chưa thấy công hiệu gì, vì người ta bảo đây là thuốc dân gian, phải uống thời gian dài mới có tác dụng.

Không giống như chị M. M. nuốt đậu khô, bà Phan Thị N. ở xã Long Thuận, TX. Gò Công chọn loại đậu có vỏ đen mẫy, ruột màu xanh nhạt mà dân gian hay gọi là đậu đen xanh lòng để làm thuốc, vì theo bà N. thì loại đậu này được cho là có công hiệu trị bệnh tốt hơn loại đậu đen thường. Bà N. chia đậu đen ra thành từng túi nhỏ với 49 hạt.

Mỗi tối bà N. ngâm nước ấm 1 túi để sáng hôm sau hạt đậu nở mềm thì nuốt. Bà N. cho biết: “Tôi bị bệnh tiểu đường, mỡ máu cao và cao huyết áp nữa. Thấy nhiều người bày cho bài thuốc nuốt đậu đen sống, tôi áp dụng được 4 tháng thì ngưng, vì lúc đó tôi bị đau bụng dữ dội, đến bệnh viện khám, bác sĩ nội soi và chẩn đoán tôi bị loét bao tử rất nặng.

Lúc đó tôi mới “té ngửa” vì bệnh không giảm mà còn thêm bệnh mới. Bác sĩ nói tôi bị loét bao tử là do nuốt đậu đen sống, nếu tiếp tục thì sẽ có nguy cơ thủng bao tử. Nghe mà sợ quá nên tôi không nuốt đậu đen sống nữa”.

ĐỪNG DÙNG ĐẬU SAI CÁCH

Đậu đen là loại đậu làm thực phẩm thông dụng cho con người. Đậu đen hiện tại được các nhà dinh dưỡng đặc biệt quan tâm do chứa nhiều dinh dưỡng và khoáng chất tốt cho sức khỏe con người.
Tác dụng dược lý của hạt đậu đen được tài liệu Đông y thừa nhận: “Đậu đen có vị hơi ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng lợi thủy, giải độc, dưỡng âm, bổ thận, khu phong hoạt huyết”.

Đông y cho rằng sắc đen thuộc hành thủy, liên quan đến tạng thận, có tác dụng dẫn thuốc về thận. Một số loại thuốc, nhất là Hà thủ ô - vị thuốc bổ thận làm đen râu, tóc, thường được sao tẩm nhiều lần với đậu đen. Hơn nữa, về mặt “thiên nhân tương ứng”, đậu đen có hình dạng giống như quả thận trong thân người. Do đó, theo Y học cổ truyền, đậu đen có tác dụng bổ thận.

Bác sĩ Phan Văn Hồng, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khẳng định: “Việc nuốt sống hạt đậu đen để trị bệnh là phản khoa học và là cách thực hành sai dẫn đến nhiều tác hại khôn lường. Đành rằng ngoài giá trị dinh dưỡng, đậu đen còn được y thư khẳng định dược tính, nhưng khi sử dụng đậu đen là vị thuốc chữa bệnh thì phải có sự kết hợp với những vị thuốc khác với liều lượng thích hợp.

Trong tài liệu y học cổ truyền, chưa có bài thuốc nào cho người bệnh nuốt hạt đậu sống bao giờ. Đậu đen khô là loại hạt cứng, nuốt sống nguyên nhiều hạt đậu cùng lúc có thể nguy hiểm cho một số trường hợp tiêu hóa kém, viêm loét dạ dày, chưa kể đến việc các cháu bé do không quen hoặc do sợ nuốt có thể làm cho hạt đậu lạc vào đường thở gây ngạt. Tốt nhất nên sử dụng đậu đen với những cách truyền thống như nấu chè, nấu cháo, làm tương, làm bánh, làm giá…

Đậu đen cũng như những loại đậu khác có chứa nhiều chất xơ và vi chất quan trọng nên có lợi cho sức khỏe và được khuyến khích sử dụng làm thực phẩm thường xuyên. Người dân không nên tin rằng đậu đen chữa được tất cả các loại bệnh cũng như không nên tin vào những lời đồn thổi công dụng thần kỳ của một bài thuốc nào đó rồi tự ý áp dụng khi bài thuốc đó chưa được kiểm chứng. Vì việc tự ý dùng thuốc sẽ rất nguy hại cho sức khỏe”.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 282
  • Khách viếng thăm: 280
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 40312
  • Tháng hiện tại: 2272862
  • Tổng lượt truy cập: 46240095