Hàng nội trên mâm sách tết

Đăng lúc: Thứ năm - 17/01/2013 15:58
Nếu đến các nhà sách lớn thời điểm này, có thể nhận ra sự xuất hiện của nhiều đầu sách mới của tác giả trong nước. Dường như việc chọn “điểm rơi” cho sách nội được các nhà đầu tư tính toán kỹ, phù hợp phần nào với thói quen tiêu dùng mới.
Mâm sách tết.
Tết vài năm gần đây là dịp phát hành sách. Gần như đã hình thành cái gọi là thị trường sách tết kéo dài từ tháng chạp âm lịch đến sau tết một tháng. Thời điểm nghỉ ngơi, tạm ngơi dứt ra khỏi những chương trình học nặng nề, học trò tìm những bộ truyện hay tha hồ đọc. Thanh niên chọn sách làm bạn đồng hành trên những chuyến đi xa. Lớp trung niên đứng tuổi chút, sau những giờ vui vầy với con cháu, không rượu chè hư người, nhiều người lại tìm chốn thư thái để đọc – một việc mà quanh năm bận rộn, có thể khó toàn tâm để làm. Việt kiều về thăm quê thời điểm tết cũng thường bỏ nhiều thời gian để đến nhà sách. Lễ Tình nhân cũng rơi vào đúng thời điểm này, càng có lý để sách trở thành một trong những ưu tiên chọn lựa làm phương tiện tỏ bày tâm tình...

Hội tụ nhiều điều kiện để có thể giới thiệu những đầu sách mới của những cây bút trong nước sau một năm thị trường ê hề bởi sách dịch.

Dạo qua một vòng

Lê Minh Khuê với tập truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn) với cái nhìn day dứt về tâm thức sống thời hậu chiến. Trong khi đó, cái nhìn về chiến tranh của Nguyễn Quang Vinh trong tiểu thuyết Cát trọc đầu (NXB Trẻ) lại sống động một cuộc chiến trong lòng người đi qua cuộc chiến, giữa thiện tâm và sự tha hoá. Nguyễn Quang Lập có Chuyện nhà quê (tập truyện ngắn) do Saigon Media & NXB Hội Nhà Văn liên kết xuất bản. Dịp này, NXB Trẻ cũng gom 15 truyện của Nguyễn Huy Thiệp trong tập tuyển truyện ngắn của tác giả này có tựa Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt được in đẹp, trang nhã.

Người đọc quan tâm đến đời sống thị dân Hà Nội có lẽ sẽ thích thú khi đọc cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn, hoạ sĩ Đỗ Phấn – Gần như là sống, gần 400 trang, do NXB Trẻ ấn hành. Cũng trong dịp này, NXB Trẻ in cuốn Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc, tập hợp 24 bút ký về Tây Nguyên.

Như Sài Gòn Tiếp Thị đã có bài đề cập, mảng sách của những nhà văn Việt kiều cũng được khai thác, tuy hãy còn ít ỏi, song cũng đáng để chú ý. Phương Nam Book vừa phối hợp với NXB Hội Nhà Văn in lại Đêm dài một đời của Lê Tất Điều, sau đó là ba cuốn của Trần Thị NgH: Lạc đạn, Nhà có cửa khoá trái và Nhăn rúm. Trần Thị NgH tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng, là một trong những cây bút nữ gây chú ý tại Sài Gòn trước 1975, đặc biệt, với cuốn Những ngày rất thong thả (Trí Đăng xuất bản, 1975) với giọng văn giàu cá tính, sắc sảo và mạnh mẽ. Bà hiện sống và sáng tác tại hai nơi, Sài Gòn và Paris.

Những tác giả tạm gọi là thế hệ cầm bút mới, sau 1975 cũng có phần làm sôi động thị trường mùa sách này. Tập thơ có tựa Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt (Phương Đông & NXB Văn Học) đang bán chạy dự báo sẽ là món quà được nhiều độc giả teen chọn làm quà tặng trong dịp lễ Tình nhân. Trong khi đó, Phan An, cây bút từng được biết đến với tập Quẩn quanh trong tổ cách đây vài năm lại trình làng một cuốn tiểu thuyết nén đầy trong từng câu chữ, có tựa Trời hôm ấy không có gì đặc biệt (Saigon Media & NXB Hội Nhà Văn) cũng hứa hẹn đem lại một món lạ bất ngờ trong xu hướng tiểu thuyết vài năm gần đây của tác giả trẻ trong nước thường ngụp lặn trong buồn bã, hoang mang, cô đơn, thiếu tinh thần biết đùa giỡn (kể cả sự trững giỡn!)

Một tác giả khác, hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện là Nguyễn Dương Quỳnh với tập Đỏ (Nhã Nam & NXB Lao Động). Blogger Nhị Linh đọc và nhận định: “Ngay ở tác phẩm đầu tiên này, Nguyễn Dương Quỳnh đã là một nhà văn đúng nghĩa, gây ám ảnh với những ý nghĩ sâu sắc một cách nhẹ nhàng, và nhất là với một màu đỏ buồn bã kỳ lạ, hiếm thấy”.

Một số tập tản văn, truyện rất ngắn phù hợp để đọc trong lúc nhàn tản: Tìm nhau giữa Sài Gòn (của MC Tùng Leo, Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn), Màu xanh trong suốt (truyện rất ngắn của các tác giả: Lưu Diệu Vân, Nhã Thuyên, P.K., Hoàng Long, Phạm Vũ Văn Khoa, NXB Trẻ)...

Trên “mâm” sách đọc tết năm nay, xem ra có rất nhiều món xuất xứ “nội địa” đáng để ưu tiên.

Nguyễn Vinh
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

sách, Tết

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 480
  • Khách viếng thăm: 401
  • Máy chủ tìm kiếm: 79
  • Hôm nay: 9590
  • Tháng hiện tại: 1758490
  • Tổng lượt truy cập: 48132617