Chiều rung chuông...
Chiều rung chuông...
Có con chim nhỏ
bị thương cuối trời
Tôi nhớn nhác đi tìm người
Bước chân thì ngắn, đường đời thì xa
Vườn xuân một cửa để bia muôn đời
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
và bài thơ chỉ 4 câu mà "động" tới 3 chữ "nặng đô" kia của Hữu Thỉnh. Đúng là có sự cố xảy ra thật. Tiếng chuông báo động khẩn thiết rung lên ngay từ khi mở màn:
Chiều rung chuông...
Chiều rung chuông...
Cái chuông ấy là lá đổ ồ ạt cuối chiều, là ánh sáng hấp hối lúc chập choạng hoàng hôn (thơ Nguyễn Mỹ: "Ở trong nắng có một ngàn cái chuông"), hay là chính từ thân xác đớn đau của chú chim non đang từng đợt rung lên, rung lên (phải nói cái cách ngắt câu, xuống dòng, lặp đi lặp lại: "Chiều rung chuông... Chiều rung chuông…" thật có hiệu quả) khẩn cầu người tới cứu?
Cả buổi chiều phải xôn xao, phát lên tín hiệu SOS vì đây đó một cánh chim bị săn bắn, bài thơ của Hữu Thỉnh đã thể hiện cái cao cả của một chiều hướng cảm xúc đầy tính nhân văn...
Chúng ta đang sống ở một thời đại mà mỗi cá nhân đều phải có ý thức đóng góp vào tập thể xã hội và ngược lại, xã hội cần phải có trách nhiệm chăm lo cho mỗi người, theo đúng tinh thần "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Biết bao thảm cảnh đánh đập, đầy đọa trẻ em đã bị báo chí phanh phui, công luận lên án, làm nhức nhối trái tim mỗi một văn nghệ sĩ chúng ta. Nhưng, suy cho cùng, trước sự tàn bạo của người đời, khả năng chúng ta làm được có là bao, nếu không biết cách đoàn kết với nhau, cùng nhau chặn ngăn điều ác. Cánh chim- nạn nhân trong bài thơ - nhỏ bé quá! Cứu được đã khó, huống chi, lại xa quá (bị thương cuối trời), bao giờ thì bước chân người tới nơi?
Tôi nhớn nhác đi tìm người
Bước chân thì ngắn, đường đời thì xa...
Nhà thơ nhớn nhác vì trái tim anh chưa hề "chai sạn" trước nỗi đau của đồng loại, vì sự tàn ác đến khó hiểu của con người, và nhớn nhác vì cảm thấy mình bất lực, không biết làm gì. Thực chất cái xa của đường đời cũng là xa thật, nhưng còn xa hơn- ấy là lòng người không cùng chung ý nguyện phấn đấu nhằm bênh vực, bảo vệ cái thiện. Song song với tiếng thở dài (ở câu cuối cùng), người ta như nghe thấu được tiếng kêu hối thúc của tác giả về một trách nhiệm xã hội, và phải chăng, ý thức công dân của tác giả trường ca "Đường tới thành phố" là chỗ này?
Nhà thơ Hữu Thỉnh, sau thành công của những bài thơ dài (mà chủ yếu ở thể tự do), trong những năm sau này, dường như anh luôn đang có thiên hướng "kết" lại mình bằng những bài thơ ngăn ngắn. Trước đây, anh ít viết lục bát, và viết- thường không mấy xuất sắc (Xuân Diệu đã từng có lần phải chê lục bát của anh), vậy mà, đây lại là một bài lục bát hay…
Ý kiến bạn đọc