Cuộc sàng lọc nghiêm khắc

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/03/2013 16:19
Trong suốt nhiều năm qua, ngành Y tế của Việt Nam đã và đang đối mặt với những thử thách lớn mà chưa tìm thấy được các giải pháp hợp lý. Ở phương diện bệnh viện, vấn nạn quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện cấp cao, tai nạn nghề nghiệp và các tai biến mà có thể phòng hoặc tránh được (do thầy thuốc gây ra) xảy ra càng ngày với mức độ nghiêm trọng hơn. Viện phí liên tục tăng nhưng ngược lại chất lượng chăm sóc mà người bệnh nhân nhận được dường theo chiều ngược lại.
Về phương diện y tế cộng đồng, cách thức quản lý các dịch bệnh từ phổ biến như dịch tả, đến hiếm và phức tạp như "bệnh lạ ở Quảng Ngãi" hay quản lý, điều trị dịch cúm gia cầm H5N1, hoặc trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành Y tế đều bộc lộ sự bất cập, thiếu năng lực của người làm công tác chuyên môn. Đối mặt với những khó khăn trên, lãnh đạo ngành y tế đưa ra các giải pháp như là tăng cơ số giường bệnh, tăng cường chỉ đạo tuyến bằng cách sử dụng lực lượng chuyên môn tuyến cao hỗ trợ chuyên môn cho tuyến thấp hơn vân vân...Những cách giải quyết đó, thực ra chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết phần ngọn chứ chưa phải là giải quyết cái gốc của vấn đề. Bài viết này bàn luận nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó có thể có được các giải pháp triệt để.

Có lẽ gần như ai cũng có thể nhìn nhận được mẫu số chung của vấn đề là năng lực của người làm chuyên môn, cụ thể là những người lãnh đạo và đội ngũ thầy thuốc điều trị. Lãnh đạo ngành y tế cũng như các chuyên gia đầu ngành của chúng ta lúc nào cũng cho rằng kỹ thuật và tay nghề điều trị của các thầy thuốc chúng ta không thua gì thế giới. Điều đó chỉ có thể đúng trong một số trường hợp chứ không thể bao quát cho ngành Y tế Việt Nam. Điều mà chúng ta cần là một chất lượng dịch vụ đồng bộ ở các tuyến và các liên ngành. Nhưng thông qua các vấn nạn kể trên thì rõ ràng là năng lực chuyên môn của các thầy thuốc chúng ta yếu kém.

Có thể lập luận rằng các trường Y khoa của Việt Nam luôn tuyển sinh đầu vào với điểm số cao, đến độ như kỳ tuyển sinh 2012, thí sinh với số điểm 25, vẫn không có cơ may đỗ vào ĐHYD TPHCM, thì đầu ra phải có chất lượng. Câu trả lời là còn tùy thuộc vào phương thức tuyển chọn và cách đào tạo. Thí sinh có trình độ học vấn cao chỉ có thể mới là điều kiện cần để tiếp thu tốt các kiến thức khó nhằn của ngành Y nhưng không phải là điều kiện đủ để có thể trở thành người thầy thuốc. Và đào tạo thầy thuốc không chỉ trong trường đại học, mà việc đào tạo liên tục sau khi tốt nghiệp còn đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều.


 

Sinh viên y năm 2011 Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (tp.hcm) thực hành tại khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học - Ảnh: Như Hùng - TTO

Bất luận nơi nào trên thế giới, nền y khoa có một vị trí rất đặc biệt trong xã hội là nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Người thầy thuốc mang một trọng trách rất lớn là họ chịu trách nhiệm quyết định đến sinh mạng mà bệnh nhân giao phó cho mình. Chỉ một quyết định sai lầm nhỏ, có thể dẫn đến một hậu quả và một sự trả giá rất đắt, không chỉ tính mạng của bệnh nhân mà ảnh hưởng cả đến gia đình bệnh nhân, gánh nặng cho xã hội và chính cả sự nghiệp của người thầy thuốc đó. Thế nhưng, đã là con người thì không thể không mắc lỗi lầm. Nên người thầy thuốc chỉ có thể hạn chế mắc lỗi lầm đến mức tối đa. 

Cho nên nguyên tắc đầu tiên và bất di bất dịch của người thầy thuốc đối với bệnh nhân là "trước hết là không gây hại"(premum non nocere). Để được như vậy thì chúng ta cần phải có một bác sĩ có đầy đủ năng lực về chuyên môn, đủ đức độ và có khả năng xử lý tình huống về mặt chuyên môn và xã hội. Để có thể có được một thầy thuốc có năng lực thì cần phải có con người có tư chất của người làm nghề thầy thuốc và hệ thống đào tạo y khoa chuẩn mực.

Để trở thành sinh viên Y khoa ở Úc

Nói đến y khoa và đào tạo y khoa, là nói đến y học hiện đại hay chúng ta vẫn gọi là "Tây y", để phân biệt với một nền y học cổ truyền vốn lưu hành trong dân gian từ lâu đời. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của y học dân gian trong việc cứu chữa bệnh cho người dân cho đến khi chúng ta tiếp cận được với nền y học hiện đại, bắt đầu dưới thời thuộc Pháp. Nhưng rõ ràng, nền y học hiện đại đã nhanh chóng đóng vai trò chính yếu trong việc phòng chữa bệnh cho con người trên toàn thế giới, mà Việt Nam không là ngoại lệ. Nhờ vào nền y học hiện đại mà tỷ lệ bệnh tật giảm rõ rệt, có những bênh được thanh toán hẳn, như đậu mùa; chất lượng đời sống bệnh nhân được gia tăng và tuổi thọ con người được kéo dài. Do đó, đào tạo và thực hành y khoa hiện đại ở Việt Nam khó có thể tách rời, hay nói cách khác là khó có thể tự tạo cho mình một hướng đi riêng với nền y học hiện đại của tây phương, bởi lẽ chúng ta chưa hề có triết lý và nền tảng của y học hiện đại, mà chẳng qua chúng ta chỉ học lại.
Cho nên, để có thể làm thay đổi cục diện nền y tế và thực hành chữa bệnh ở Việt Nam, thiết nghĩ cũng nên biết qua việc đào tạo, đào tạo liên tục y khoa ở tây phương như thế nào. Lấy trường hợp ở Úc làm thí dụ.

Nền y khoa ở Úc được xếp vào một trong những nền y khoa hiện đại tân tiến của thế giới. Là một thành viên của Khối Thịnh Vượng Anh, nên Y khoa Úc ảnh hưởng sâu sắc theo mô hình đào tạo của Anh. Tuy nhiên, nền Y khoa Úc cũng áp dụng những cải tiến của nền y khoa hiện đại Mỹ.

Ở Úc, không có thi tuyển đại học, thí sinh chỉ ghi danh và chờ tuyển, trừ ngành Y khoa (bao gồm cả Nha và Dược). Đào tạo Y khoa ở Úc có hai dạng. Thứ nhất là đào tạo hệ liên tục 6 năm, tuyển từ năm thứ nhất sau khi tốt nghiệp tú tài (hay PTTH ở Việt Nam), loại hình này phổ biến hơn. Dạng thứ hai là đào tạo bác sĩ y khoa như một hệ sau đại học, các thí sinh muốn vào học dạng này, cần phải có một bằng cử nhân trước. Nhưng bất cứ dạng nào thì thí sinh ứng tuyển vào các đại học y khoa ở Úc không chỉ là những học sinh xuất sắc, nếu không nói là xuất chúng của Úc về học lực mà còn phải trải qua kỳ thi tuyển và phỏng vấn.

Đối với loại hình đào tạo thứ nhất, vòng loại đầu tiên là điểm tú tài. Điểm tú tài lấy vào Y khoa cao hay thấp là tùy thuộc vào uy tín của mỗi trường. Các trường có danh giá (như University of Melbourne, University of Sydney, the University of New South Wales) thì điểm vào sẽ cao hơn. Tuy nhiên, những trường lấy điểm thấp hơn thì cũng không quá thấp. Ở Úc, điểm tú tài cao nhất là thang điểm 100. Để có thể vào được y khoa ở các trường có tiếng thì điểm tú tài phải đạt tối thiểu 99,8 trở lên, có nghĩa là gần như tuyệt đối. Ngoài ra, thí sinh còn phải đỗ kỳ thi tuyển gọi là UMAT (The Undergraduate Medicine and Health Science Admission Test). Kỳ thi UMAT không liên quan đến kiến thức môn học cụ thể mà nó đánh giá kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng xã hội của thí sinh, bao gồm ba phần: Giải quyết vấn đề và Giải pháp hợp lý, Hiểu biết mọi người xung quanh và Giải quyết tình huống không sử dụng ngôn ngữ (như dạng IQ test). Đối với loại hình đào tạo thứ hai, ngoài điểm tốt nghiệp của bằng cử nhân phải đạt xuất sắc, thí sinh dạng này cần phải trải qua một kỳ thi tuyển gọi là GAMSAT (The Graduate Australian Medical School Admission Test) bao gồm các môn Sinh và Hóa học, Vật lý và Tiếng Anh. 

Qua hai vòng loại đó rồi, thí sinh nào đủ tiêu chuẩn thì mới được mời phỏng vấn. Qua cuộc phỏng vấn, thí sinh phải chứng tỏ rằng việc lựa chọn ngành Y là đúng đắn cũng như ngành Y là "để cho mình". Thường là năm học lớp 10, học sinh có 2 tuần đi thực tập hướng nghiệp. Học sinh dự định vào y khoa, thì đăng ký đi đến các bệnh viện tham quan. Ở đó, các thầy thuốc sẽ cho phép các học sinh quan sát một ngày làm việc cụ thể ở bệnh viện như thế nào. Sau hai tuần trải nghiệm, học sinh sẽ quyết định mình có thực sự muốn đeo đuổi nghề nữa hay không mà từ đó vạch ra chiến lược thi tú tài cho mình. Ngoài ra, thí sinh cũng phải trả lời các câu hỏi ứng xử tình huống. Nói tóm lại, thí sinh ứng thí vào ngành Y phải chứng tỏ rằng mình là một người có tiềm năng trở thành một bác sĩ có tài và có đức độ.

Như vậy, có tình trạng ưu tiên cho một số thí sinh nào đó vào ngành Y khoa ở Úc không? Câu trả lời là có. Các học sinh phổ thông đến từ miền sâu miền xa được ưu tiên điểm đầu vào thấp hơn. Điều đó không có nghĩa là học lực họ thấp, nhưng đó là hệ số ưu tiên, vì một trường ở miền xa điều kiện thiếu thốn mà thí sinh ấy có thể đạt được 95 hoặc 96 điểm thì cũng ngang với học sinh ở thành phố đạt 99,8 hay hơn trong kỳ thi tú tài. Có nghĩa là thí sinh chỉ được ưu tiên ở vòng sơ loại mà thôi. Ngoài ra không có sự ưu tiên nào khác hoặc một diện ưu tiên nào khác.

Có câu hỏi đặt ra là có khi nào điểm 99,5 mà vẫn không qua được vòng sơ loại y khoa hay không? Câu trả lời là có. Vì điểm lấy của trường cao hơn điểm của thí sinh. Trước khi thi tú tài, học sinh cuối cấp 3 đã phải ghi tên ứng thí vào ngành mình yêu thích ở các trường đại học. Thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng học lực của mình mà đăng ký thứ tự ưu tiên vào các trường. Thí sinh cần phải tham khảo điểm vào y khoa các năm trước ở trường đó, đối chiếu với học lực của mình. Nhiều thí sinh cũng "trượt đau" chỉ vì thiếu có 0,5 hoặc thậm chí 0,05 điểm, vẫn không vô được vòng loại, trong khi các bạn khác điểm thấp hơn nhưng có thể đậu vào y khoa của trường khác do điểm lấy thấp hơn. 

Số lượng sinh viên Y khoa tuyển vào hàng năm tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng hơn cả là do nguồn lực đào tạo hơn là khả năng của sinh viên. Điều này cũng là một rào cản rất lớn đối với một số thí sinh hoàn toàn có khả năng mà không vô được y khoa. Nguồn lực thứ nhất cần có là cơ sở đào tạo trong trường đại học và cơ sở đào tạo liên tục cho đầu ra. Các trường Y khoa ở Úc phải gắn liền với một cơ sở bệnh viện có khả năng đào tạo, gọi là bệnh viện giảng dạy. Không có mô hình bệnh viện riêng hoặc bác sĩ giảng dạy riêng của trường đại học. Một trường y khoa có thể liên kết với một hay nhiều bệnh viện giảng dạy. Các bệnh viện giảng dạy phải có đủ điều kiện cung cấp đào tạo cho sinh viên được bộ y tế công nhận. Với sự liên kết đó, bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm về các môn lâm sàng và thực hành lâm sàng cho sinh viên. Nguồn lực thứ hai là ngân sách đào tạo của chính phủ dành cho ngành. Số lượng đầu vào của sinh viên y khoa bị khống chế bởi hai nguồn lực đó. Chính vì vậy mà ở Úc, mặc dù nhu cầu bác sĩ cao nhưng không thể thu nạp đủ số lượng sinh viên y khoa.

Như vậy có thể nói, để trở thành một sinh viên Y khoa ở Úc, con đường có thể gian truân nhọc nhằn hơn nhiều so với việc tuyển sinh vào các trường Y khoa ở Việt Nam, thí sinh chỉ phải trải qua một kỳ thi tuyển vào. Các khâu tuyển lựa đó chỉ với một mục đích là chọn lựa đúng thí sinh có tài có đức để có thể đào tạo trở thành một người thầy thuốc trong tương lai và sinh viên Y khoa ở Úc có quyền tự hào họ là thành phần sinh viên ưu tú nhất của xã hội.

Đào tạo Y khoa bậc đại học ở Úc

Đối với hệ đào 6 năm, sinh viên phải trải qua 3 giai đoạn. Hai năm đầu, 80% số lượng kiến thức là liên quan đến các môn hỗ trợ như Giải phẫu, Mô học, Phôi thai học, Sinh lý vân vân, và 20% liên quan đến các môn bệnh học lâm sàng. Giai đoạn 2 năm giữa, tỷ lệ này là 50:50, và 2 năm cuối 80% là các môn bệnh học lâm sàng và 20% tỷ trọng cho các môn hỗ trợ. Ngoài kỳ thi các môn riêng lẻ, mỗi 2 năm thí sinh phải thi kết thúc giai đoạn. Nếu không qua kỳ thi này thí sinh phải lưu ban giai đoạn đó. Đối với học sinh lưu ban, ngoài việc học lại, thí sinh phải qua vòng phỏng vấn với các lãnh đạo để xem xét và tìm hiểu lý do tại sao không qua được kỳ thi. Có khó khăn và cần sự giúp đỡ gì từ phía nhà trường. Nói chung, nhà trường luôn tạo điều kiện giúp đỡ sinh viên lưu ban hoàn thành giai đoạn, nếu khó khăn đó là khách quan. Trường hợp bất khả kháng, thí sinh vẫn không thể qua được kỳ thi giai đoạn lần thứ hai, thí sinh có thể phải thôi học không phải vì thí sinh không có khả năng nhưng có lẽ ngành y khoa không hợp với họ. Tỷ lệ đỗ cho mỗi giai đoạn chừng 70-80%. Như thế, xác suất (không điều kiện) để cho một sinh viên đỗ liền ba kỳ thi giai đoạn mà không bị lưu ban là chừng 35-50%. Đối với hệ đào tạo 4 năm, sinh viên được cắt giảm một số môn hỗ trợ, do họ đã có một bằng cử nhân. 

Thời lượng và số lượng kiến thức phải tiêu tốn của sinh viên Y khoa quả là một “cơn ác mộng” đối với bất kỳ một sinh viên nào ngoài ngành y. Ngoài một số lượng kiến thức khổng lồ phải hoàn tất, thời lượng học bắt buộc trong một ngày đối với sinh viên Y khoa rất đáng kể. Ngoài việc đến lớp nghe giảng lý thuyết, và làm bài tập, học nhóm, làm đề án, sinh viên phải đi thực tập ở các phòng thí nghiệm đối với các môn hỗ trợ, thì còn hoặc phải đến phòng mô hình hoặc bệnh viện để thực tập các môn liên quan đến bệnh lý và lâm sàng. Ngoài ra sinh viên còn phải tham gia trực đêm, nhưng không bao giờ được nghỉ bù ngày hôm sau như thầy thuốc. Như vậy, một sinh viên y khoa ngoài sự ưu tú về mặt kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội, họ cần phải có một thể lực bền bỉ và dồi dào để vượt qua một cuộc thử thách dài hạn.

Đào tạo liên tục trong ngành Y khoa ở Úc

Một sinh viên Y khoa tốt nghiệp ra trường chỉ mới được trang bị một kiến thức căn bản, chưa có nghĩa là có đủ năng lực và dĩ nhiên là không hề có kinh nghiệm làm việc. Cho nên, việc phó mặc tính mạng bệnh nhân cho họ là không được, và cũng không thể bắt bác sĩ mới ra trường chịu trách nhiệm điều đó. Mà chính những người bác sĩ có thâm niên, nghiệp đoàn Y khoa phải có trách nhiệm đào tạo họ trở thành một bác sĩ thực thụ.
Hệ thống làm việc trong ngành Y khoa ở Úc theo dạng cấp bậc. Cấp lớn dìu cấp nhỏ, người có kinh nghiệm giám sát người ít kinh nghiệm hơn; và ngược lại, bác sĩ cấp dưới phải báo cáo cho bác sĩ cấp trên theo mức độ thẩm quyền. Hệ thống bác sĩ ở Úc chia làm hai ngạch, chuyên khoa và đa khoa (hay bác sĩ gia đình). 

Khác với các ngành khác, tại Úc, tất cả các sinh viên Y khoa năm cuối ra trường đều được phân công việc làm trong năm đầu, sớm hoặc muộn. Thực ra đó không thể gọi là có công việc, mà là một năm tập sự sau tốt nghiệp, gọi là Nội trú, nhưng vẫn được trả lương và được tính vào thâm niên công tác. Tất cả các bác sĩ mới ra trường ở Úc đều phải trải qua một năm nội trú ở các bệnh viện giảng dạy (tức là bệnh viện được bộ Y tế chứng nhận có đủ cơ sở giảng dạy ngoài công việc điều trị). Mỗi một năm cơ số đào tạo nội trú có hạn, do đó việc tuyển chọn nội trú diễn ra hai bước. Bước đầu tiên là sinh viên nộp đơn, tự chọn cho mình các bệnh viện mình dự định xin vào nội trú, theo thứ tự ưu tiên. Bước thứ hai là phân công nhiệm sở, máy tính sẽ tính toán dựa vào sự lựa chọn của sinh viên, rồi phân công việc. Sự phân công này có thế coi là ngẫu nhiên, vì không có dựa trên tiêu chuẩn nào ngoài việc cân nhắc dựa trên sở thích của sinh viên. Có người may mắn thì được về bệnh viện lớn, trung tâm, người thì lại đi miền xa.

Mỗi người có thể được một hay nhiều bệnh viện cho chỗ, nhưng cá nhân phải quyết định lựa chọn một chỗ để thực tập. Nếu đã được phân công, mà không đi, thì cơ may xin nội trú trở lại sẽ không còn, và sự nghiệp y khoa có thể tạm coi là chấm dứt ở đó.

Bác sĩ nội trú được bộ Y tế cấp cho một chứng chỉ hành nghề tạm thời. Trong một năm đó, phải đi đủ ít nhất 3 tháng Nội tổng quát, 3 tháng Ngoại tổng quát và 2 tháng ở cấp cứu thì sẽ được chuyển đổi thành chứng chỉ hành nghề phổ quát (có nghĩa là được phép xin việc nhiều nơi). Bác sĩ nội trú luôn luôn làm việc dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa trực thuộc khoa đó. BS Nội trú được khám bệnh nhân, đề xuất hướng chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị nhưng phải báo cáo cho bác sĩ giám sát, được đồng ý thì mới có quyền can thiệp trên bệnh nhân theo mức độ tay nghề. 

Sau nội trú, sẽ được lên bậc bác sĩ thường trú (Resident Medical Officer hoặc House Medical Officer). Bác sĩ thường trú có 2 bậc RMO và SRMO (senior). Bác sĩ thường trú được phép tự quyết định trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh thông thường, và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa khi cần. Với các bệnh phức tạp thì phải thông qua bác sĩ chuyên khoa trước khi điều trị.

Sau giai đoạn bác sĩ thường trú, có thể lựa chọn hai con đường, hoặc trở thành bác sĩ chuyên khoa hoặc đa khoa. Cả hai đều phải qua một giai đoạn đào tạo liên tục, tuy nhiên con đường trở thành bác sĩ chuyên khoa dài hơn và vất vả hơn. Thông thường phải mất thêm 10 năm để có thể trở thành một bác sĩ chuyên khoa (staff specialist), với điều kiện thi đậu, và cũng tối thiểu 4 năm đối với bác sĩ đa khoa.

Dù bác sĩ ở cấp thấp hay cao, giấy phép hành nghề đều chỉ được cấp 1 năm, và chỉ được gia hạn nếu đủ điều kiện, như có đủ điểm cập nhật kiến thức, hay còn gọi là đàu tạo liên tục (CME) và không có vi phạm quy chế hoạt động của ngành cũng như không bị vi phạm pháp luật. Có nghĩa là, sau một năm, nghiệp đoàn y khoa sẽ dựa vào nhận xét của bệnh viện cơ sở về năng lực chuyên môn, cũng như y đức, nếu đủ tiêu chuẩn thì mới được gia hạn bằng hành nghề.

Với một quá trình đào tạo liên tục như thế, hệ thống bác sĩ ở phương tây nói chung và Úc nói riêng được trang bị đủ năng lực về chuyên môn cũng như đạo đức hành nghề ở mức độ thầy thuốc. Dù là làm việc ở miền quê xa xôi hẻo lánh hay là ở bệnh viện trung tâm các thành phố lớn, các bác sĩ đều có một mặt bằng trình độ đúng với chức vị và trách nhiệm họ được giao. Ấy thế mà, việc tai nạn nghề nghiệp cũng như những khiếm khuyết, sai sót về chuyên môn vẫn luôn xảy ra. Vấn đề là biết cách khắc phục để hạn chế tối đa những rủi ro có thể tránh được cho bệnh nhân.

Thực trạng ngành Y, đào tạo y khoa ở Việt Nam và giải pháp đề xuất

Y tế gắn liền với Giáo dục, hai ngành liên quan trực tiếp đến con người hiện đang xuống cấp nghiêm trọng và thảm hại ở Việt Nam. Chưa bao giờ như lúc này, đâu đâu trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng nghe thấy ở ngành Y tế về nạn quá tải bệnh viện, chất lượng bác sĩ kém, nhất là tuyến dưới, công tác phòng chống bệnh dịch không nhất quán và kém hiệu quả; ngành Giáo dục thì nạn bằng giả, học giả, chạy trường chạy lớp, học sinh tốt nghiệp PTTH nhưng không đủ trình độ v..v…Chúng ta đã và đang phải trả giá cho hệ lụy dây chuyền đó, và hệ lụy này còn kéo dài đến vài thế hệ nữa hoặc lâu hơn nếu không cải tổ triệt để ngay từ bây giờ. Trong phạm vi bài viết này, chỉ giới hạn đề xuất giải pháp làm thế nào để cải tổ ngành y tế tại Việt Nam.

Tuyển chọn sinh viên Y khoa cần dựa trên hai tiêu chí, năng lực học tập và phẩm chất đạo đức

Cải tổ ngành y tế phải xuất phát từ khâu đào tạo người làm công tác y tế, đó là đào tạo sinh viên Y khoa. Vì đơn giản là đội ngũ thầy thuốc đều xuất phát từ các trường y khoa. Có một đội ngũ sinh viên tiềm năng và cách thức đào tạo căn bản và đúng cách là điều kiện cần và đủ để có thể có một đội ngũ thầy thuốc có đủ tài đức cho xã hội.

Do yêu cầu về sự bao quát và toàn diện về mặt kiến thức, và cập nhật kiến thức liên tục trong ngành y khoa, sinh viên đầu vào cần phải có đủ năng lực học tập và phải ở mức xuất sắc. Năng lực học tập và kiến thức căn bản là một quá trình tích lũy lâu dài của một học sinh trong suốt 12 năm học cấp phổ thông, chứ không chỉ đơn thuần đánh giá vào điểm thi đại học. Trong điều kiện Việt Nam chưa thể bỏ điểm thi đại học, việc tuyển lựa sinh viên vào các trường y khoa còn cần phải dựa trên thành tích học tập suốt ba năm cuối cấp và điêm thi tốt nghiệp PTTH và cả điểm thi đại học. Vấn đề là kiến thức là một quá trình tích lũy, phản ánh qua năng lực học tập dài hạn, chứ không thể dựa vào sự may rủi của một kỳ thi vào đại học. Ấy là chưa kể đến việc nội dung và tổ chức thi cử chưa phản ánh đúng thực lực của học sinh. Và như thế, điểm của một kỳ thi sẽ không phản ánh được năng lực thực sự của học sinh đó.

Trong khi tuyển sinh đại học ngành Y ở Việt Nam từ xưa đến nay chỉ dựa trên năng lực học tập mà không hề quan tâm đến đạo đức và thái độ của sinh viên vào trường y. Một điều bắt buộc là người thầy thuốc phải là người vừa có tài và có đức, và đó là điều kiện cần và đủ, không thể tách rời. Đạo đức cũng như tài năng, đó là một sự tích lũy liên tục theo thời gian trong suốt những năm đầu đời đến khi trưởng thành. Chúng ta không thể nào nhồi nhét một khối kiến thức khổng lồ và phức tạp cho một sinh viên hổng kiến thức căn bản. Tương tự, chúng ta không thể rao giảng đạo đức cho một sinh viên mà không có nền tảng đạo đức tốt. Một người có năng lực học tốt không có nghĩa là người có đạo đức tốt, hai phạm trù này chưa hẳn đã liên quan với nhau. Chính vì lẽ đó xã hội chúng ta có nhiều bác sĩ giỏi năng lực nhưng đạo đức nghề nghiệp quá thấp kém, ngược lại chúng ta cũng có nhiều bác sĩ có lương tâm, nhưng lại năng lực bị hạn chế. Việc ra các quyết định “nói có nói không” với chuyện y đức, tăng cường các buổi đào tạo về chuyện y đức cho những người thầy thuốc như hiện nay có thể là chuyện bất khả thi, và không giải quyết được vấn đề, bởi vì chúng ta đã không có tiêu chuẩn đạo đức đầu vào. Không thể rao giảng đạo đức cho những người không có nền tảng đạo đức tốt, và càng không thể cải thiện được họ.

Do vậy, việc tuyển sinh ngành Y cần phải cải tổ theo hướng toàn diện. Cần lựa chọn người có tài đức vào học ngành y. Thí sinh vào y khoa cần phải có một bộ hồ sơ (portfolio) cá nhân trong đó bao gồm hai mục chính, năng lực học tập và hồ sơ đạo đức, tâm lý. Mục năng lực học tập bao gồm các kết quả đạt được các môn học chính trong ba năm trung học, điểm thi tốt nghiệp PTTH và điểm thi vào đại học. Tất cả được quy ra một thang điểm chuẩn có hệ số cho từng loại điểm. Mục đạo đức cần có quá trình rèn luyện đạo đức trong các năm học phổ thông cộng với điểm kiểm tra về đạo đức, các test ứng xử hành vi, tâm lý trong các tình huống. Dựa trên điểm năng lực và đạo đức, thí sinh có điểm xuất sắc sẽ phải trải qua vòng phỏng vấn. Qua phỏng vấn, thí sinh ngoài việc trả lời các câu hỏi theo một khuôn mẫu định sẵn để đánh giá nguyện vọng, dự định trong tương lai, thí sinh còn được đánh giá khả năng giao tiếp một kỹ năng rất quan trọng trong ngành y. 

Ngoài việc đào tạo chính quy, ngành Y khoa dứt khoác không thể chấp nhận các loại hình đào tạo đặc biệt nào khác, như các hệ mở rộng, tại chức, cử tuyển hay chuyên tu. Các loại hình đào tạo này vô hình chung là một sự tiếp tay để đưa những học sinh hoặc những các nhân không có đủ năng lực học tập, ấy là chưa kể về mặt đạo đức vào để rồi giao phó cho họ chức bác sĩ, trong khi họ không đủ năng lực để gánh vác sứ mệnh đó. Như thế, lỗi là ở khâu tổ chức chứ không phải lỗi của cá nhân bác sĩ sau này.

Chỉ qua quá trình sàng lọc như vậy, chúng ta mới may ra có được một đội ngũ thầy thuốc tương lai tương đối đồng đều và toàn vẹn tài đức. Chúng ta cần một đội ngũ thầy thuốc có tài, yêu nghề và yêu bệnh nhân chứ không cần những thầy thuốc có tài nhưng chỉ vì đồng tiền và miếng cơm manh áo. Có những lập luận, làm bác sĩ cực nhọc, lương không đủ sống nên phải “chân ngoài chân trong” phải bương chải, thì câu trả lời dứt khoác là họ không nên chọn nghề y khoa để học. 

Môi trường giảng dạy Y khoa ở Việt Nam: Cần được cải tổ triệt để

Hiện nay đầu vào về năng lực học vấn của sinh viên Y khoa tại Việt Nam có thể được tạm coi là rất cao, dựa trên thực trạng tuyển sinh hiện tại. Đó là tầng lớp các sinh viên có thể nói ưu tú đồng đều về mặt trí tuệ. Ấy thế mà, chúng ta vẫn không có đội ngũ bác sĩ giỏi về mặt chuyên môn. Như vậy công tác đào tạo trong ngành y khoa của Việt Nam có vấn đề. Sinh viên phải học nhiều, thi nhiều nhưng lượng kiến thức có thể đem áp dụng trong thực tế sau khi ra trường không bao nhiêu. Đã vậy còn rơi rớt và mai một, một phần do thời gian không sử dụng, một phần do thiếu đào tạo liên tục để cập nhật thông tin và kiến thức y khoa luôn phát triển nhanh chóng.

Nền y khoa của Việt Nam hiện nay chưa thể hòa nhập được vào trong khu vực. Một thực trạng thấy rõ từ phía bệnh nhân là nếu có tiền, họ sẵn sàng chịu tốn kém để sang Thái Lan hoặc Singapore điều trị, ngay cả những bệnh đơn giản. Về phía chuyên môn thì giới y khoa và nghiên cứu y khoa Việt Nam còn quá khiêm tốn, chúng ta chưa thể hiện được minh, thâm chí chưa có tiếng nói trong các hội thảo khoa học chuyên ngành trong khu vực.

Thực trạng đó nói lên một điều là hệ thống giáo dục y tế của Việt Nam lạc hậu và lỗi thời. Dưới đây là một số đề xuất cải tổ trong mô hình đào tạo y khoa ở Việt Nam.

Cần phải kết hợp mô hình bệnh viện – trường Y

Ngành y khoa có một đặc thù riêng biệt, khác với các ngành khác. Dạy và học trong ngành y là một sự truyền nghề, giống như một nghề trong gia đình cha truyền con nối. Nhưng quan trọng hơn là sự truyền thừa này có tính động, vì y học cũng là một khoa học, nên nó tiến triển theo thời gian. 

Do đó, việc đầu tiên phải xác định học y khoa, trước hết là một sự “bắt chước, không cần đến sự sáng tạo nào cả. Yếu tố thông minh và tư chất, tính sáng tạo chỉ giúp cho bản thân sinh viên có cách tiếp cận nhanh với việc học nghề của mình mà thôi. Chính vì thế nghề nghiệp mà sinh viên y khoa học được đó phải đem áp dụng được ngay trong công việc của mình, đó là môi trường bệnh viện. Và người đóng vai trò giảng dạy cũng phải chính là những thầy thuốc có kinh nghiệm, có thâm niên nghề nghiệp. Vì thế, bệnh viện và trường y không thể tách rời lẫn nhau. Kiến thức y khoa, sinh viên có thể tiếp cận bằng việc đọc sách và tài liệu dưới sự hướng dẫn. Nhiệm vụ giảng dạy trên lớp hoặc trên lâm sàng là không phải để nhào lại kiến thức chung, mà nên truyền đạt kinh nghiệm và cách vận dụng kiến thức đó vào trong thực tế chữa trị cho bệnh nhân như thế nào một cách cụ thể. Vì thực chỉ có người bệnh chứ không bao giờ có bệnh! 

Việc thành lập các bệnh viên riêng của trường y như hiện nay ở Việt Nam là vừa thừa vừa thiếu. Thừa là vì không cần thiết phải đầu tư quá lớn vào việc xây dựng thêm một cơ sở thực tập, trong khi đã có nhiều bệnh viện lớn có đầy đủ cơ sở giảng dạy. Trong khi một bệnh viện riêng của trường y sẽ không đủ nguồn lực để có thể bao phủ được hết các chuyên ngành và thiết bị chuyên dụng so với các bệnh viện chuyên ngành. 

Việc cài cắm các giảng viên cơ hữu của trường y vào các bệnh viện là không hiệu quả. Không hiệu quả thể hiện ở năng lực và hiệu quả đào tạo. Một giảng viên cơ hữu ở trường y hiện nay không phải là nhân viên chính thức của bênh viện và không phải làm lâm sàng toàn thời, như thế kinh nghiệm lâm sàng sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa họ không có trách nhiệm và vai trò gì trong bệnh viện, nên nhiều khi việc dạy học hóa ra là thiếu thực tế. Ngoài ra, việc kết hợp viện và trường theo cách thức này, trường y trở thành một “người đi xin” và ngược lại phía bệnh viện không có trách nhiệm trong việc cung cấp cơ sở thực hành, cuối cùng sinh viên là người hứng chịu sự thiệt thòi do tính bất hợp tác. 

Trong khi đó, chính sách quy định các bệnh viện đủ điều kiện đăng ký thành bệnh viện giảng dạy sẽ được nhận đầu tư, bác sĩ kiêm nhiệm giảng dạy sẽ được cấp chức vụ chính thức, được thăng tiến trong nghề nghiệp và có trợ cấp, điều đó sẽ gắn trách nhiệm với quyền lợi và uy tín của cá nhân và bệnh viện. Sinh viên đi thực tập được đối xử như là một thành viên của bệnh viện, công việc giảng dạy và học tập như thế sẽ thiết thực và hiệu quả hơn.

Cần phải giảng dạy Y khoa bằng tiếng Anh

Như đã đề cập trong bài, nền y khoa hiện đại có nguồn gốc từ tây phương. Nên các kiến thức căn bản cũng như cập nhật đều được phổ biến bằng ngôn ngữ quốc tế đó là tiếng Anh. Kiến thức y khoa không những đồ sộ mà mức độ cập nhật của nó cũng rất nhanh. Hàng năm, trên thế giới có đến hơn 1 triệu bài báo khoa học ra đời. Một số nhỏ trong số đó sẽ được cập nhật thành kiến thức thực hành phổ quát qua các phác đồ thực hành (guidelines) và sách giáo khoa. Sách giáo khoa y khoa ở các nước tân tiến được cập nhật trung bình mỗi 2-4 năm, tùy thuộc vào tốc độ tiến triển của thông tin liên quan. 

Do đó, sinh viên y khoa nếu không được tiếp cận với tiếng Anh chuyên ngành từ những năm đầu tiên thì khả năng tiếp cận với thông tin sẽ yếu kém và gần như sẽ bị tụt hậu so với đồng nghiệp quốc tế. Việc biên soạn sách giáo khoa y khoa bằng tiếng Việt là không thể vì chúng ta không có đủ dữ liệu kiến thức và thông tin cập nhật, mà chủ yếu là thông qua biên dịch. Mà biên dịch thì lại phụ thuộc vào ý đồ chủ quan của người dịch. Hơn nữa để có được một cuốn sách giáo khoa chuyên ngành bằng tiếng Việt đến được tay sinh viên, thì lượng kiến thức bị lạc hậu trong đó đã nhiều.

Một điều xấu hổ đối với đồng nghiệp ngoại quốc, không kể đến nước nói tiếng Anh bản xư, mà ngay cả so với Thái Lan và nước được gọi là “lạc hậu” hơn Việt Nam là Miến điện (Myanmar), các đồng nghiệp người Thái và người Miến điện họ rất thông thạo tiếng anh và có thể tiếp xúc, trao đổi với các đồng nghiệp nói tiếng Anh bản xứ một cách thành thạo và bình đẳng. Họ tỏ ra lấy làm ngạc nhiên, một bác sĩ y khoa hiện đại làm thế nào có thể cập nhận được kiến thức trong khi không sử dụng tiếng Anh trong chuyên ngành. Và một sự phân biệt đẳng cấp rõ rệt nhất là với các bác sĩ ngoại quốc làm việc tại các nước tiếng Anh, đơn cử tại Úc. Bác sĩ đến từ Ấn độ, Malaysia, Singapore, Hong Kong và Miến điện được ưa chuộng hơn bác sĩ đến từ Trung Quốc và Việt Nam. Về thực lực thế nào thì chưa biết, khi trao đổi với đồng nghiệp bằng tiếng Anh không lưu loát, điều đó đồng nghĩa với sự khiếm khuyết về chuyên môn và kỹ năng trao đổi thông tin. Và cái giá phải trả cho sự khiếm khuyết đó là tính mạng của bệnh nhân vì sự giao lưu thông tin giữa thầy thuốc với thầy thuốc và thầy thuốc với bệnh nhân bị gián đoạn.

Việc soạn sách giáo khoa y khoa bằng tiếng Việt là thừa và việc giảng dạy y khoa bằng tiếng Việt là thiếu. Chúng ta đang phí phạm thời gian, công sức và tiền bạc để soạn ra những cuốn sách giáo khoa không đem lại lợi ích về mặt kiến thức cho sinh viên và cho người thầy thuốc. Bởi vì nó không thực hiện được chức năng chuyển tải thông tin đầy đủ và nhanh chóng. Chúng ta đang có một đội ngũ thầy thuốc khiếm khuyết vì không có đủ trình độ tiếng Anh để tự đào tạo, tự cập nhật thông tin cũng như trao đổi với đồng nghiệp.

Do đó, các trường Y khoa ở Việt Nam cần phải giảng dạy y khoa bằng tiếng Anh là chính yếu, sử dụng tiếng Việt chỉ để áp dụng trong việc trao đổi với bệnh nhân. Một điều thuận lợi là chúng ta không cần những thuật ngữ y khoa bằng tiếng Việt, vừa khó hiểu vừa có thể sai, trong khi bệnh nhân không hiểu và họ cũng không cần biết các thuật ngữ "đao to búa lớn" ấy. Chúng ta cần một tiếng Việt trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu để trao đổi với và giải thích cho bệnh nhân. 

Và vì thế, trình độ tiếng Anh là một điều kiện bắt buộc phải có đối với đầu vào sinh viên Y khoa. Ngay ở cả nước bản xứ nói tiếng Anh, thì tiếng Anh cũng là điều kiện cần để tuyển lựa sinh viên vào ngành y.

Cần phải cải tố hình thức giảng dạy và thi cử về cách giao tiếp với bệnh nhân

Trong suốt mấy năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nghe nhiều những kêu ca của bệnh nhân về thái độ, hành xử quá tệ của bác sĩ đối với bệnh nhân. Bệnh nhân dưới con mắt bác sĩ là người đến cầu xin sự giúp đỡ, sự ban ơn, nên bác sĩ gần như có một quyền đặc ân là được quyền nổi giận, được quyền quát mắng bệnh nhân. Khi vấn đề được mổ xẻ, có lời bao biện là do bác sĩ bận rộn, quá tải, căng thẳng nên bức xúc. 

Thế nhưng không có lời giải thích nào chỉ rõ nguyên nhân sâu xa đó là hiện không có chương trình huấn luyện giao tiếp với bệnh nhân trong các trường y khoa của Việt Nam hiện nay. Mà đó là một phần cốt lõi trong vấn đề đào tạo người thầy thuốc, nó phải xuyên suốt trong những năm học tập từ cấp thấp đến cấp cao. 

Một học sinh trung học, “chân ướt chân ráo” mới bước vào ngưỡng cữa đại học y khoa, họ không có nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp. Giao tiếp với bệnh nhân lại càng khó khăn hơn vì bệnh nhân vốn dĩ đa dạng về thành phần kinh tế xã hội, trình độ học vấn, mức độ nhạy cảm, mức độ hành vi và tuổi tác. Người thầy thuốc phải có một sự đối xử có tính cách chuyên nghiệp và công bằng với tất cả mọi thành phần bệnh nhân. Điều đó chỉ có thể được thông qua việc huấn luyện dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc có kinh nghiệm, và các môn học về ứng xử, xử lý tình huống, hành vi.

Thứ đến, hiện nay, việc thi lâm sàng của sinh viên y khoa tại các trường y ở Việt Nam là một dạng thi “lâm sàng chay”. Có nghĩa là có thể có bệnh nhân thật, có khám xét trên bệnh nhân thật, nhưng sau đó là chỉ trả lời cho giám khảo chứ không hề đả động gì đến bệnh nhân cả. Hình thức thi như vậy là không thể đánh giá được năng lực cần và có của một người bác sĩ trong tương lai, mà chỉ mới đánh giá được một khía cạnh kiến thức y khoa của sinh viên mà thôi.

Hình thức thi lâm sàng không nhất thiết phải là bệnh nhân thật. Đối với nhiều mặt bệnh không phải lúc nào cũng có sẵn tại thời điểm thi, kể cả bệnh phổ biến và quan trọng. Do đó, một người đóng thế bệnh nhân (role player) là cũng đủ cho một cuộc thi lâm sàng. Người đóng thế đó thường là sinh viên y khoa, vì họ có lợi thế hiểu bệnh nên họ đóng vai người bệnh rất đạt.

Trong một buổi thi lâm sàng, vai trò của người giám thị không có gì khác hơn là người quan sát, chấm điểm và đặt câu hỏi cần thiết sau đó. Trong buổi thi lâm sàng, sinh viên phải giải quyết hết công việc như là tiếp xúc một bệnh nhân thực thụ từ lúc bệnh nhân bước vào cho đến khi kết thúc thời gian thi. Phản ánh của người bệnh nhân (hay người đóng vai) cũng đóng góp một phần vào việc cho điểm cho người sinh viên. Điểm thi của sinh viên cần phải dựa vào nhiều yếu tố: cách thức đón tiếp, chào hỏi bệnh nhân; cách thức thể hiện sự quan tâm và đồng cảm với bệnh nhân; thái độ lúc hỏi và trao đổi bệnh với bệnh nhân; cách đặt và khai thác bệnh, cách tiếp cận chẩn đoán, cách giải quyết và giải thích cho bệnh nhân. Tình huống thi cần đặt trước, và thang điểm cần phải định sẵn, việc chấm điểm dựa vào thang điểm áp dụng cho tất cả các thí sinh để tạo sự công bằng.

Cần xóa bỏ việc đào tạo theo thành tích

Với đặc thù riêng, ngành y không thể đào tạo theo chỉ tiêu và thành tích được. Không thể ép cho ra một bác sĩ, trong khi sinh viên đó không đạt đủ trình độ để làm thầy thuốc. Ngành y thà có ít bác sĩ mà giỏi nghề tốt tâm hơn là nhiều mà không cáng đáng được công việc hay thiếu lương tâm.

Không phải cứ sinh viên đầu vào giỏi là có thể tốt nghiệp thành bác sĩ y khoa. Do đó mới có việc thi cử. Mối lương duyên giữa nghề y với người thầy thuốc là một thực thể thống nhất và khắng khít. Yêu nghề là một lẽ, mà phải hợp với nghề mới có thể có cơ may thành thầy thuốc, và ngược lại.

Cần phải cải tổ đội ngũ giảng dạy

Như đã nêu trên, đặc thù dạy và học ngành y là sự truyền nghề. Do đó cần phải có thầy thuốc có nghề, có kinh nghiệm để truyền lại cho thế hệ kế thừa. Không ai khác, chính là các bác sĩ lâu năm, giỏi nghề, có kinh nghiệm ở các bệnh viện là những người làm tốt nhiệm vụ đó.

Đội ngũ đảm nhiệm công tác giảng dạy không những có thâm niên mà còn phải thành thạo tiếng Anh, và ít nhất cũng phải được đào tạo nâng cao ở nước ngoài.
Trong khi đó, tại nhiều trường đại học y khoa ở Việt Nam, các sinh viên vừa mới tốt nghiệp bác sĩ đã có thể trỏ thành giảng viên đại học, đi dạy lại sinh viên y khoa. Đó là một khiếm khuyết lớn, và ngành y tế Việt Nam đã cố tình giao một trọng trách ngoài sức gánh vác của họ. Ngoài ra, việc sử dụng một lực lượng giảng viên chuyên ngành cơ hữu cho trường là một sự lãng phí không cần thiết. Mà cần phải bổ nhiệm các chức năng giảng dạy cho các bác sĩ ở bênh viện đủ tiêu chuẩn. Một khi các bác sĩ đã đủ kinh nghiệm và ở trình độ chuyên gia, hoặc đầu ngành, họ được giảm tải công việc điều trị để có thời gian giảng dạy cho sinh viên cũng như tham gia nghiên cứu khoa học. 
Môi trường làm việc và đào tạo liên tục trong ngành Y khoa cần phải cải tổ

Đào tạo bác sĩ mới ra trường và đào tạo liên tục

Các tân bác sĩ cần phải được tiếp tục đào tạo sau khi tốt nghiệp, thông qua một năm tập sự, giống như hình thức nội trú ở Úc hay Mỹ. Tất cả sinh viên Y khoa ra trường đều được phân công nhiệm sở cho một năm tập sự này. Việc lựa chọn bệnh viện hoặc được chọn vào một bênh viện nào đó có thể dựa trên thành tích học tập trong quá trình đào tạo.

Sau năm tập sự, cần phải có thêm hai năm "khởi nghiệp", là một dạng định hướng chuyên khoa cho các bác sĩ lựa chọn sau này, kể cả trở thành bác sĩ đa khoa (hay bác sĩ gia đình). Bác sĩ đa khoa cũng phải coi như là một chuyên khoa riêng biệt, như các chuyên ngành khác.

Cần phải có chương trình đào tạo liên tục cho tất cả các bác sĩ thông qua các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên ngành trong và ngoài nước. Một bác sĩ muốn được tiếp tục hành nghề, thì mỗi năm phải đạt được một số điểm nhất định về cập nhật kiến thức tùy thuốc vào cấp độ thâm niên, ngoài ra cũng cần phải có điểm về y đức.

Cần phải có hệ thống đào tạo chuyên khoa chính quy và nghiêm chỉnh. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều chuyên khoa riêng biệt, thậm chí chuyên khoa sâu, nhưng thực sự chúng ta không có hệ thống đào tạo chuyên khoa chính quy giống như các nước tây phương. Ở các nước tây phương, để từ một bác sĩ khởi nghiệp (tức là đã có 3 năm làm việc sau khi tốt nghiệp y khoa) có thể trở thành một bác sĩ chuyên khoa thực thụ (consultant hoặc staff specialist) phải mất từ 6 đến 10 năm hoặc hơn. Cấp độ đầu tiên của quy trình đào tạo chuyên khoa là Registrar, hay có thể gọi đó là bác sĩ trợ lý chuyên khoa. Trong quá trình đào tạo, registrar buộc phải thi các môn thi cho chuyên ngành, cho đến khi đủ tín chỉ và tối thiểu 4 năm thực hành ở cấp bậc registrar rồi senior registrar, thì được quyền dự thi như hình thức thi tốt nghiệp trở thành bác sĩ chuyên khoa thực thụ.

Các hội đoàn chuyên khoa cần phát huy chức năng của mình

Các hiệp hội chuyên khoa của từng ngành chính là bộ chỉ huy của hoạt động chuyên môn tối cao của chuyên ngành trong nước. Thế nhưng, hiện nay, các hội chuyên ngành của chúng ta dường như chưa đáp ứng được.

Một hội chuyên ngành có trách nhiệm biên soạn các phác đồ, hướng dẫn điều trị chuyên ngành, là hội đồng xét duyệt chuyên khoa, tổ chức đào tạo và thi cử chuyên khoa, giám sát các hoạt động chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa. Hội đoàn phải là một bộ phận trợ giúp đắc lực cho hội đồng y khoa quốc gia trong việc xét cấp giấy phép hành nghề cho bác sĩ. Các hội đoàn chuyên môn đóng một vai trò hỗ trợ đắc lực cho bộ y tế trong việc đề xuất và tư vấn phát triển các chiến lược phòng chống và chữa trị bệnh cho người dân và trong cộng đồng.

Kết luận

Nền y tế và đào tạo y khoa Việt Nam hiện đang đứng trước một thực trạng xuống cấp và tụt hậu một cách nghiêm trọng so với khu vực và trên trường quốc tế lớn hơn. Một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả đó như đã nêu ở trên, có thể là do hệ thống đào tạo và quản lý của chúng ta chưa hoàn chỉnh theo mô hình đào tạo và quản lý y khoa của các nước tân tiến. Mọi sự sáng tạo đều đáng trân trọng, nhưng mọi sự sáng tạo đều phải dựa trên một nền tảng gốc vững chắc. Sáng tạo mà thiếu nền tảng kiến thức thì sẽ trở thành phiêu lưu và mạo hiểm. Chúng ta lại càng không thể phiêu lưu và mạo hiểm trên tính mạng của bệnh nhân. Ngược lại, với nền tảng vững chắc mà thiếu năng động và sáng tạo thì nền y khoa đó cũng sẽ bị tụt hậu. Với một số đề xuất trên đây, nếu áp dụng được, hy vọng trong một vài thế hệ tới, chúng ta có thể gầy dựng được một đội ngũ thầy thuốc có thể thực thi được nhiệm vụ của mình với tự tin tưởng và thương yêu của người bệnh. Nhưng phải bắt đầu từ bây giờ.

BS Nguyễn Đình Nguyên
(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

ngành Y tế, Việt Nam

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 220
  • Khách viếng thăm: 218
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 50729
  • Tháng hiện tại: 2495619
  • Tổng lượt truy cập: 48869746