Sốt ruột tháng giêng

Đăng lúc: Thứ năm - 28/02/2013 12:00
Tết nhứt, người miệt miền Tây xưa rày hay chưng mâm trái cây mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài mà đọc trại âm là một ước mơ: cầu vừa đủ xài. Mua được giống đu đủ vàng thì coi như cầu đủ vàng. Thay dừa bằng chùm sung: một bước lên cầu xài sung. Năm nay người ta bày bán trái gọi là dư, nói "gọi là" vì những cây có tên rất rủng rỉnh là phát tài hay kim ngân lượng, đều không phải mớ tên sơ khai của chúng. Trái dư này, biết đâu tụi con nít quê xó nào kêu bằng trái chọi (không ăn được thì để chọi nhau chứ biết làm gì) nhưng thứ chỉ bày chơi đó thay đổi chắc nụi mâm quả tết. Ước vọng trên đó giờ gọn lỏn như vầy: cầu dư.


Cảnh "tranh ấn cướp lộc" phiên bản Quý Tỵ 2013. Ảnh: VOV

Nó làm cho cái thế cầu vừa đủ xài cả trăm năm nay trở nên khiêm tốn, dù khái niệm "đủ xài" cũng đã là vô cùng. Mâm trái cầu dư trên bàn thờ mờ nhạt lòng thành, lẩn khuất sự tham lam, sự bất kính với vong linh người khuất mặt. Ông bà vốn bó miệng vì sung chát, đu đủ non, giờ chỉ biết ngồi ngó thứ trái lạ mà bọn người kia sợ chết dại không dám rớ. Thời của ngoại tôi, cúng vú sữa đầu mùa lên bàn thờ họ luôn chọn những trái chín ngon nhất. Bà ngoại tin người chết gì cũng biết, có lòng hay chỉ qua quýt họ đều hay. Mâm cúng thành kính xưa giờ nhuốm mùi đổi chác. Không phải ai đội hoa quả đến chùa cũng với tâm thế cho đi, chẳng cầu xin gì. Từ cầu no đủ cho đến cầu dư dả, trong lòng tham tăng bậc có sự kiên nhẫn xuống thang.

Thời thế gì mà sốt ruột. Nhà hàng xóm lại đổi chiếc xe hơi đời mới. Thằng bạn học giờ là doanh nhân trẻ vào tốp mười cả nước. Cô bạn cùng sở làm vừa sắm túi Gucci. Ông anh bên vợ trúng số. Có hàng ngàn lý do để sốt ruột, nhấp nhổm sau cái quãng chỉ so đo chuyện mâm cơm có thịt hay không có thịt, độn khoai hay không độn khoai. Cơn khát này không phải chỉ giàu, mà phải giàu nhanh như thể thời gian chỉ dành cho những người biết chụp giật, kể cả chụp giật ơn phước của tổ tiên, thánh thần.

Nhìn cảnh người ta giẫm đạp lên nhau xin (hoặc cướp) lộc chốn đền chùa, nghĩ xứ sở gì mà hỗn mang, nhập nhoạng. Không phải vì đạo, vì sự thiêng liêng của đức tin mà người này đạp lên vai, lưng người khác. Trong đám đông cướp ấn đền Trần, hẳn có nhiều người miệt mài làm việc nửa đời mà con đường quan trường vẫn xa. Bạn bè có đứa nhiều tiền nên mua được ghế, có đứa con ông cháu cha nên được nâng đỡ, còn mình bơ vơ chỉ có cách đi xin ấn đền Trần. Như để nuôi một hy vọng. Biết có cày cục làm lụng cả đời thì sự thăng tiến vẫn lừ lừ chậm bước. Những vị trí phải đợi lâu hoặc không bao giờ người ta có được nếu chỉ nhờ vào sức của mình, trong một hệ thống thăng tiến không mấy quan tâm tới khả năng làm việc.

Cái sự cuồng tín với những thứ xung quanh thánh thần (không phải với thánh thần), là hệ thống đức tin sụp đổ. Người ta không quên cái câu "có làm thì mới có ăn" ông bà dạy, nhưng nhìn lên họ nhìn thấy nhan nhản những kẻ chẳng làm gì mà vẫn phờn phơ, vẫn ngồi trên trước. Nhìn xuống lại muôn trùng người tốt lăn lóc mưu sinh, sống thua thiệt cả đời. Chỉ có một thứ thay đổi số phận con người: phép mầu của thần thánh. Nhưng thần thánh chưa chắc công bằng, biết đâu lại chiều chuộng kẻ có tiền có quyền. Thôi cướp lấy cho chắc ăn. Chẳng có gì chắc chắn trong việc đứng chờ thì sẽ đến lượt mình như là đến tuổi sẽ nhận được sổ hưu.

Trong tờ giấy mà mấy chị đàn bà xúi nhau học thuộc lòng để khấn vái lúc đi chùa, bốn chữ "gia đạo bình an" đứng sau cùng, sau "làm một được hai, trồng một gặt mười..." Mấy chị, cũng như nhiều người khác, vào chùa không phải để cầu an. Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất.

Chịu khó ngồi lâu nhìn tháng giêng (không chỉ năm nay) thì sẽ thấy nó trở thành một lễ hội vơ vét khổng lồ. Kẻ vét hy vọng từ trời, kẻ vét túi khách hành hương, địa phương vét phí. Đứng ở đền chùa, thấy lòng người đang loạn lạc rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào. Vỡ đê đạo đức, cháu vác dao rượt chém bà. Vỡ đê đức tin, lộc trời rủ nhau đi cướp. Mai kia không biết thêm hệ thống tinh thần nào đổ nữa đây, chính quyền nhìn thấy cảnh đền Trần mà không lo thì hơi lạ. Bởi chuyện ở sân đền là họ sốt ruột lắm rồi, đến nỗi giẫm đạp trên đồng loại, đức tin. Ai dám chắc sốt ruột đến thế thì thôi.

NGUYỄN NGỌC TƯ
 

Tiền bạc đã làm mờ các giá trị thiêng liêng

Chốn linh thiêng như vậy mà người ta cũng chẳng còn coi thần thánh ra gì, giẫm đạp lên nhau, chửi bới, cướp giật nhau... Biểu hiện bất kính, khiếm nhã tràn ngập các lễ hội, người ta nhét tiền vào đủ mọi nơi trong chùa chiền, hối lộ cả thần thánh, thực tế đó nói lên điều gì? Phải chăng tiền bạc đã làm mờ hết các giá trị thiêng liêng, phải chăng đời sống tâm linh đang bị vấy bẩn bởi sự thực dụng, lạnh lùng, tàn nhẫn của con người? Phải chăng suốt một thời gian dài chúng ta đã quá bất công trong cách ứng xử với văn hoá dân tộc, với tổ tiên giống nòi? Phải chăng suốt một thời gian dài chúng ta coi thường các giá trị nhân văn, giềng mối gia đình? Chẳng có một triết lý nào lại xui cha mẹ bắn giết nhau, anh em ruột thịt căm thù nhau, vậy mà tại sao con người lại đối xử với nhau tàn nhẫn và băng hoại đến như vậy? Tôi nghĩ không phải vô cớ, mà ủ bệnh lâu rồi.

Quan sát giới quan chức ngày nay, họ đánh nhau, giành nhau chức quyền, mạo danh những điều tốt đẹp để bòn rút tiền của nhân dân đang là vấn nạn khiến cho tham nhũng trở thành vòi bạch tuộc khôn lường. Chính điều này đã dẫn đến sự giẫm đạp nhau ngay chốn linh thiêng. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Tại sao ngày xưa người làm quan nghe dân, tin dân thế? Phải củng cố quốc pháp, phải tạo ra nền tảng pháp lý, cho dân có quyền được nói, phải tạo ra môi trường pháp quyền lành mạnh để quốc gia tồn tại, phát triển. Chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam vậy? Nếu không tự giác ngộ, chúng ta sẽ đi từ mê tín này đến mê tín khác.

Muốn chữa được bệnh, phải xác định đúng bệnh. Khi pháp quyền bị lung lay, thần quyền sẽ lên ngôi. Chúng ta đang tiến hành xây dựng và sửa đổi hiến pháp, phải chăng đây là cơ hội tốt nhất để xây dựng một bản lề cho toàn xã hội.

NGHỆ SĨ NHẤT LÝ

Lý lẽ kẻ cướp

Tôi có mặt tại đền Trần từ ngày mồng 8 tết, cách ngày chính hội đúng một tuần. Lúc đó đã đông lắm rồi. Ngày 14, 15 giữa rằm còn đông hơn nhiều. Nhưng chính quyền sở tại đã cam kết sẽ cố gắng để đưa mọi hoạt động, nhất là đêm phát ấn được diễn ra trật tự. Không chỉ các nhà chức trách vào cuộc, các nhà nghiên cứu văn hoá, các học giả, các bậc cao tăng... đã lên tiếng trấn an, dẫn dụ mọi người. Rằng người đi lễ cần phải tỏ thái độ thành kính, trang nghiêm bằng các hành vi cụ thể: đi đứng khoan thai, nói năng đúng mực, không tranh giành lĩnh ấn... Ấn đã được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo, phát nhiều cửa và phát bao giờ đủ mới thôi. Tôi cũng như mọi người đều mong (và tin) là mọi thứ năm nay sẽ ổn thoả, ít ra là không còn những cảnh chướng mắt, khó coi như mọi lần.

Nhưng hỡi ôi, sự việc không những vẫn tệ hại mà còn tệ hại hơn! Bất chấp mọi quy định của nhà chức trách, bất chấp không khí tôn nghiêm của không gian thiêng nơi cửa đền, người ta lại diễn cảnh "tranh ấn cướp lộc" với mức độ ác liệt hơn nhiều. Ở đây, theo tôi, có vấn đề liên quan đến văn hoá tâm linh mà chúng ta phải suy ngẫm.

Đó là lời cảnh tỉnh về sự xuống cấp của cái tâm hướng thiện của chúng ta. Đi chùa đi chiền, đi đến những nơi đình đền miếu mạo... là để chúng ta giải toả nỗi niềm, tìm đến một niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng có từ bao đời nay, từ đó mà yên tâm làm ăn, sống đẹp hơn, tốt hơn... Người hành hương đến đó phải tịnh tâm, thoát tục trong hành đạo. Họ phải trở nên hồn nhiên, thánh thiện và nhân ái. Không chỉ tuân thủ mọi quy định nơi đến, người ta phải biết chia sẻ, nhân ái, hoà đồng với cộng đồng tín ngưỡng. Mất cho người là được cho ta. Cầu phúc cầu lộc trước hết phải lấy cái tâm làm trọng. Phúc tự tâm mà. Ấy thế nhưng có vẻ người ta nghĩ rằng lộc trời kia cũng giống như lộc đời có hạn, phải tự xông vào mà nhận (không thì mất). Không nhận được bình thường thì cướp, miễn là được. Hỡi ôi, nói là lý lẽ của kẻ cướp thì thật quá đáng. Nhưng xét cho cùng, hành vi cướp ấn tại sân đền với hành động cướp đồ ngoài chợ kia có khác là bao?

PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH


(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 379
  • Khách viếng thăm: 371
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 62752
  • Tháng hiện tại: 1484410
  • Tổng lượt truy cập: 47858537