Hiệu quả thực hiện chuyên đề thi đua "Nông dân SXKD giỏi" năm 2013

Đăng lúc: Thứ sáu - 03/01/2014 13:57
Hơn 17 năm phát động, phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, từ năm 2011 đến nay, đặc biệt là năm 2013, phong trào này đã trở thành Chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, do UBND tỉnh trực tiếp phát động. Qua kiểm tra, tổng kết nhận thấy: Chuyên đề thi đua này đã có những chuyển biến tích cực, đảm bảo thiết thực chất lượng, hiệu quả, được nông dân đồng tình, hăng hái tham gia.
Ảnh: Cao Lập Đức
Ảnh: Cao Lập Đức

Ngay từ đầu năm 2013, sau khi được Hội Nông dân tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ thống nhất đề xuất, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp ký Kế hoạch 43/KH-UBND về phát động Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” năm 2013 và đã tổ chức hội nghị triển khai cấp tỉnh.

Theo đó, các huyện (thành, thị) đều có kế hoạch chỉ đạo: Kế hoạch chung; kế hoạch phát động cho nông dân đăng ký; định hướng cho nông dân SXKD; chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), trợ vốn cho nông dân, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tìm kiếm thông tin thị trường,… để giúp nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Trong toàn tỉnh, qua phát động đã có 120.314/178.993 hộ đăng ký, đạt 67,21%. Cuối năm, bình xét có 90.695 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 75,38%, trong đó cấp cơ sở 62.364 hộ, cấp huyện 20.381 hộ, cấp tỉnh 8.206 hộ, cấp Trung ương 25 hộ; so với năm 2012 và những năm trước đó tăng 10%.

Tập huấn chuyển giao KHKT 3.326 cuộc cho 113.763 nông dân; dạy nghề và phối hợp dạy nghề cho nông dân nông thôn 4.476 người; kết hợp bằng nhiều nguồn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh,… đã giúp cho nông dân có vốn SXKD, đến nay dư nợ trên 1.500 tỷ đồng.

Phối hợp với các tổ chức chuyên môn, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm, đặc biệt là tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân có nhiều kết quả đáng trân trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 99 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã, 1.427 tổ hợp tác với 17.700 xã viên, trên 60% làm ăn có hiệu quả.

Nhiều mô hình mới, nhân tố mới đạt kết quả thiết thực. Trên lĩnh vực sản xuất lúa, màu có 46 mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tốt như “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh virus trên lúa”, hình thành các vùng sản xuất lúa, màu phù hợp,…

Từ đó đem lại kết quả cao, năng suất lúa đạt bình quân 5,83 tấn/ha, sản lượng đạt 1.175.172 tấn, tăng 3% so với những năm trước đó. Với 70.000 ha vườn đã cung cấp 1 triệu tấn các loại trái cây, bình quân nông dân thu nhập trên 150 triệu đồng/ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2013 qua thống kê có 570.000 con heo, 70.000 con bò, 7,3 triệu gia cầm. Nông dân tự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm SXKD, hướng dẫn cách làm ăn, giúp tiền vốn, vật tư, con giống, giải quyết lao động, giá trị trên 40 tỷ đồng, giúp 116.617 hộ nghèo, có 20.553 hộ vươn lên ổn định và khá, giàu.

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần đưa tỷ trọng ngành Nông nghiệp tham gia đóng góp vào tỉnh nhà khá cao. Cụ thể như GDP năm 2013 khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) chiếm 40,8%. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, song kết quả trên cho phép chúng ta khẳng định Chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2013 đạt kết quả tốt đẹp với chất lượng cao.

Qua kết quả của Chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” nhận thấy trình độ, kỹ năng trong SXKD của nông dân được nâng lên, nhiều mô hình mới, sáng kiến mới mang lại hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng giá trị sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh cây lúa, cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển mạnh nghề chăn nuôi gia trại, trang trại, áp dụng tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ đó, kinh tế của từng hộ và kinh tế chung của tỉnh tăng khá, thu nhập bình quân đầu người trong toàn tỉnh đạt 32 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực nông thôn là 22 triệu đồng/người/năm. Tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ nông dân được tăng cường, công tác xã hội từ thiện được đẩy mạnh.

Nhân dịp đón chào năm mới, Hội Nông dân tỉnh có kế hoạch phát động và triển khai thực hiện phong trào “Tết làm việc nghĩa” với những việc làm thiết thực như: cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh kết hợp với các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp ủng hộ kinh phí trao tặng 2 căn nhà tình thương cho 2 nông dân nghèo trị giá 60 triệu đồng, ủng hộ 130 triệu đồng cho Quỹ Vì bệnh nhân nghèo và 3.000 phần quà Tết cho nông dân nghèo, trị giá trên 1 tỷ đồng.

Nông dân tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể được trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, tổ chức Hội Nông dân, nhất là ở cơ sở ngày càng được củng cố chặt chẽ, nền nếp và hoạt động có chất lượng, đại diện cơ bản quyền lợi chính đáng của nông dân.

Với những thành tích mà cán bộ, hội viên nông dân tỉnh nhà đã đạt được, nhất là trong lĩnh vực SXKD giỏi, năm 2013 Hội Nông dân tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng tưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cán bộ, hội viên và giai cấp nông dân Tiền Giang, 8 Huân chương Lao động hạng Ba; 14 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 300 Bằng khen của UBND tỉnh cho cán bộ và nông dân tỉnh Tiền Giang, 4 Cờ thi đua xuất sắc và 10 Bằng khen của UBND tỉnh cho 4 đơn vị huyện và xã có thành tích chỉ đạo tốt phong trào “Nông dân SXKD giỏi”.

Kết quả trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng tham mưu, sự quan hệ phối hợp đồng bộ với các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự phấn đấu tích cực của bà con nông dân, đã phát huy truyền thống cần cù, siêng năng, chịu khó trong học tập, lao động sản xuất để phấn đấu vươn lên.

Các cấp hội và nông dân đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác xã hội từ thiện, công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vận dụng trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của bản thân và gia đình mình.

Chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” bên cạnh những mặt ưu điểm như nêu trên, vẫn còn hạn chế, khó khăn. Đó là thời gian phát động hàng năm đôi lúc trễ; nội dung chưa phong phú và đa dạng; tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng nên nông dân đăng ký tham gia còn nhiều bất cập; xét công nhận và Hội nghị tổng kết một vài nơi làm chưa tốt, chưa sát; tiêu chí thi đua, nhất là thu nhập còn thấp…

Liên ngành Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ sẽ họp rút kinh nghiệm nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch phát động chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” năm 2014 chặt chẽ, cụ thể và thiết thực hơn, đáp ứng với yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.

Nguyễn Văn Quang
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 263
  • Khách viếng thăm: 262
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 55999
  • Tháng hiện tại: 2424424
  • Tổng lượt truy cập: 48798551