Đêm nghe dừa khô rụng

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/06/2023 18:46
(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi bút ký khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022)

Chỉ có mấy tháng, kể từ cơn bão số 1 mang tên CHABA ngày 04/7/2022 đến cơn bão NALGAE ngày 30/10/2022 mà Việt Nam đã hứng chịu liên tiếp bảy cơn bão! Không chỉ miền Trung tang thương mà cả nước Việt Nam đều u ám. Ít có năm nào mưa nhiều như năm 2022 này. Mưa, mưa thúi trời thúi đất mấy tháng liền!
Ở Bến Tre, đêm nào cũng nghe mưa rả rích não nùng. Buồn hơn nữa, chốc chốc tiếng dừa khô rụng sàn sạt quanh hè làm tôi thao thức mãi và lan man suy nghĩ từ chuyện nọ xọ chuyện kia, không thể nào an giấc.
Nói đến Bến Tre quê hương tôi, có lẽ hầu hết người Việt Nam trưởng thành nào cũng biết đây là Xứ Dừa.
Tỉnh Bến Tre được hình thành bởi ba cù lao là cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa nên Bến Tre còn được nhiều người ví von gọi là Ba Đảo Dừa Xanh. Đúng vậy, dừa đã phủ xanh hầu hết ba dải cù lao ở Bến Tre, nhất là ở những vùng ít bị nước mặn xâm lấn. Đứng trên cầu Rạch Miễu nhìn về Mỹ Tho thì nhà cửa san sát, tôn ngói đỏ tươi nhưng nhìn về Bến Tre chỉ thấy một màu xanh ngắt của dừa.
Bến Tre có 236 ngàn hecta đất tự nhiên thì có hơn 77 ngàn hecta trồng dừa; chiếm gần 30% diện tích đất đai toàn tỉnh và chiếm 40% diện tích dừa cả nước. Toàn tỉnh có 70% hộ dân trồng dừa, thu hoạch 700 triệu trái/ năm.
Dừa ở Bến Tre chủ yếu là dừa khô. Cơm dừa khô dùng để chế biến thực phẩm và phục vụ trong ngành công nghiệp. Các phụ phẩm như gỗ dừa, vỏ dừa, gáo dừa, nhen dừa... được làm nhà cửa, làm than thiêu kết và các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ. Gần đây, củ hủ dừa và con đuôn dừa được chế biến thành những món ăn thời thượng rất đắt giá, được xem như là một trong những đặc sản của Bến Tre.
Ngoài dừa khô, Bến Tre cũng trồng một ít dừa Xiêm dùng chế biến các loại nước giải khát vô chai, đóng hộp.
Có lẽ Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi nên chín nhánh sông Cửu Long chảy về miền Tây Nam bộ để đổ ra biển Đông thì Bến Tre có đến bốn nhánh. Đó là sông Cửa Đại, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Chính vì thế, lượng phù sa bồi đắp cho ruộng vườn Bến Tre rất màu mỡ. Nhờ thế dừa ở Bến Tre xanh ngút ngàn và oằn oặt trái. Nghe nói chất lượng của dừa Bến Tre cũng cao hơn dừa ở nhiều tỉnh khác?
         Dừa Bến Tre sai đến nỗi nhiều người ở các nơi về chơi không dám đi dưới vườn dừa, nhất là vườn dừa lão. Nếu có đi, mỗi lần có cơn gió lớn thổi qua, thấy những hàng dừa quặt quẹo và những quài dừa nặng trĩu đu đưa, họ đều bước vội và lấy tay che đầu. Sợ vậy thôi, thật ra ở Bến Tre ít khi nào nghe dừa khô rụng chết người.
Không biết dừa ở Bên Tre có từ thuở nào, nhưng nói như nhà thơ Lê Anh Xuân, người con của Bến Tre, thì “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ...”. Dân Bến Tre được ôm ấp dưới bóng dừa xanh mát và được ru bằng những tiếng reo lách tách, tiếng khua xào xạc của những tàu lá dừa có lẽ đã hàng trăm năm rồi.
Cái thời mà cả nước đặt nông nghiệp lên hàng đầu thì ở Bến Tre dừa là một nông sản chủ yếu (chỉ sau lúa gạo) đã nuôi sống người dân ba dải cù lao này hàng trăm năm dài. Câu hát đồng dao mà tôi đã nghe từ thời mới ê a đôi chữ i, tờ của sáu, bảy chục năm trước “Alô! Alô! Dừa khô lên giá! / Ai có má đem đổi dừa khô”. “Má” là nguồn yêu thương vô bờ bến của con người; là tài sản, là vốn liếng quí giá biết bao, thế mà người ta còn kêu gọi đem “má” để đổi dừa khô. Điều đó cũng đủ nói lên tầm quan trọng của dừa khô đối với cuộc sống người dân Bến Tre như thế nào.
Dừa đã tạo nên thương hiệu riêng cho Bến Tre mà người dân nào ở Bến Tre cũng rất đỗi tự hào. Tôi đã xúc động đến rưng rưng nước mắt khi bắt gặp giữa lòng thủ đô Hà Nội xa xôi nhiều quầy quán quảng cáo thương hiệu Dừa Xiêm Bến Tre, khiến tôi lưu luyến dừng chân chụp hình mãi. Tôi cũng rất ngỡ ngàng và đặt câu hỏi lớn khi bắt gặp trên đường Bạch Đằng dọc bờ sông Hàn ở Đà Nẵng lại có nhiều cửa hàng đã quảng cáo Dừa Xiêm Bến Tre. Ngỡ ngàng vì Đà Nẵng ở gần Tam Quan (Bình Định) là một vùng trồng dừa khá nổi tiếng mà tại sao họ không quảng cáo dừa Bình Định lại đi quảng cáo dừa Bến Tre?
Ngọn đuốc lá dừa là một hình ảnh nổi bật trong phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre cũng đã lấp lánh cả thế giới.
Tuy nhiên, vườn dừa ở Bến Tre cũng lắm nỗi thăng trầm! Khủng khiếp nhất ở Bên Tre là vào những năm sáu mươi của thê kỷ trước, Mỹ Ngụy đã mở chiến dịch khai quang các vùng giải phóng cũ, hầu hết dừa ở những vùng này bị tiêu diệt. Toàn bộ lá dừa, trái dừa thi nhau rơi xuống đất suốt đêm ngày. Không đầy một tháng sau khi bị rải chất độc hóa học, cả rừng dừa âm u chỉ còn trơ lại hàng hà sa số thân cây vươn thẳng trời xanh như một rừng chông hãi hùng.
Gần đây thôi, những năm đầu thế kỷ 21, bọ dừa đã tàn phá vườn dừa Bến Tre tan hoang, sản lượng dừa sa sút trầm trọng. Rồi năm 2021 và năm 2022 này, dừa Bến Tre lại chịu thảm họa kép, vừa bị dịch sâu đầu đen phá hại, vừa bị rớt giá trầm trọng khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dừa và nhiều sản phẩm làm từ dừa của Bến Tre. Cuộc sống của nông dân Bến Tre lao đao không khác gì thời kháng chiến. Có lúc dừa khô ở tại vườn chỉ còn hai mươi ngàn đồng một chục mười hai trái, tức chỉ còn không bằng một phần năm giá dừa những năm trước; thậm chí có lúc thương lái không thu mua nên dừa khô bị tồn đọng rất nhiều. Nhiều chủ vườn không thu hoạch, đã bỏ dừa khô quá lứa trên cây. Chưa bao giờ dừa khô rụng đầy vườn mà không ai thèm lượm, kể cả những người ăn trộm vặt. Chưa bao giờ những vựa dừa ế ẩm “cao như núi” và lên mọng cao nghệu xanh rờn. Chính vì thế mà đêm đêm những tiếng dừa khô rụng sàn sạt khắp vườn. Nhớ một thời, mỗi lần tàu Trung Quốc vào neo đậu và há mồm ăn hàng ngoài sông Hàm Luông, thương lái mua dừa chạy dập dìu, giá cả tăng vùn vụt mà luyến tiếc...
Như thế, đối với những người ngoài bảy mươi tuổi như tôi thì bây giờ không phải là lần đầu tiên nghe dừa khô thi nhau rụng một cách bất thường và não nuột như vậy. Hai lần rồi!...
Cùng lúc này, loại sâu đầu đen lại xuất hiện. Theo Sở Nông nghiệp Bến Tre thì đến cuối tháng 10/2022, sâu đầu đen đã phá hại khoản 990 hécta dừa, nhiều nhất là ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Bình Đại và Thành phố Bến Tre. Giá dừa thấp, nông dân bỏ mặc cho bầy quỉ dữ hoành hành!
Không những dừa trái không bán được mà những phụ phẩm như vỏ dừa, chỉ xơ dừa, củi lá dừa cũng không ai mua. Một thời vỏ dừa, chỉ xơ dừa, mụn dừa đắt như tôm tươi thì bây giờ bà con tha hồ độn mương lắp bờ.
Tôi có nhiều người bạn trồng dừa. Với diện tích trung bình một mẫu, hồi trước với giá dừa một trăm ngàn đồng một chục trở lên, cộng thêm thu nhập từ hoa màu phụ như chanh chuối, rau cải, củi lá... thì mỗi tháng họ cũng tạm đủ nuôi sống cả gia đình; sáng sáng có thể ung dung ngồi cà phê hủ tiếu, năm mười ngày có thể tổ chức một vài tiệc rượu nhỏ. Những người ít đất cũng có công ăn việc làm. Họ đi làm cỏ, bồi mương, giựt dừa cho những chủ vườn, tương đối tạm đủ nuôi vợ con qua ngày đoạn tháng.
Hơn một năm nay, với giá dừa tuột thê thảm; một mẫu vườn dừa, mỗi tháng chỉ thu nhập vài ba triệu bạc, làm cuộc sống nông dân Bến Tre thay đổi hoàn toàn. Nhiều người, nhất là thanh niên trai gái, bỏ làng đi làm các khu công nghiệp. Chợ búa ở nông thôn, vắng thưa người, hàng quán ế ẩm. Không những chủ vườn dừa mà dân làm mướn, người buôn bán cũng thở dài. Những người bạn tôi ít lân la cà phê hủ tiếu và cũng không còn hú hí bia bọt như xưa.
Có anh bạn hễ gặp tôi là thở vắn than dài:
  • Vậy là ý định xây lại ngôi nhà của gia đình tôi đành dừng lại.
Tôi an ủi anh:
  • Thôi, năm nay không xây được thì năm khác.
Anh lắc đầu nguầy nguậy:
  • Biết đến năm nào!
Anh bạn khác thì chắc môi chắc lưỡi:
  • Giá dừa như thế này thì chết gia đình tôi rồi! Năm nay con tôi vào đại học, tiền đâu mà nuôi.
Anh than cũng phải. Mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào dừa, bây giờ dừa mất giá, biết dựa vào đâu. Tôi cũng không biết an ủi anh như thê nào, bởi chuyện học hành đâu phải như chuyện xây nhà xây cửa mà an ủi rằng “năm này không được thì vài năm sau”. Hôm nghe nhà nước cho học sinh vay tiền đi học đại học, gia đình anh mừng vô số kể.
Có thể nói, khi dừa rớt giá và không bán được thì mọi ước vọng của nông dân đều tiêu tan. Nông dân mà ước mơ mua một căn nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh để cho con cái ăn học và đi làm, nhất là giai đoạn này, thì mơ chỉ là... mơ thôi. Biết đến bao giờ!
Tôi cũng dư biết, khi dừa mất giá, nông dân không chỉ thiếu đói một vài năm mà còn ảnh hưởng nhiều năm sau đó. Năm nay không tiền đầu tư phân thuốc, không tiền mướn nhân công chăm sóc, bồi bổ thì làm sao những năm sau dừa sai trái? Con cái nghỉ học vài ba năm, chỉ có nước lo dựng vợ gả chồng và tiếp tục nối nghiệp cha. Mà sẽ tệ hơn đời cha mẹ chúng, bởi đất đâu có mà làm nông dân như cha mẹ nó!
Xót xa hơn, nhiều nhà vườn đã đốn bỏ dừa khô để trồng dừa xiêm hoặc cây trái khác và tương lai rồi cũng chẳng biết ra sao! Cho nên những tiếng gầm rú hãi hùng của cưa máy rồi tiếng dừa cây ngã ầm ầm ban ngày còn xót xa hơn cả tiếng dừa rụng ành ạch về đêm. Nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống nông thôn lâu dài.
Cái điệp khúc “Được giá mất mùa, được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại mãi khiến cuộc sống nông dân Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung lao đao. Họ hết trồng lại đốn bỏ để đổi giống cây trồng khác và lại tiếp tục đốn bỏ. Ai cũng dư biết, năm bảy lần đốn bỏ là xong một đời người!
Chỉ tính từ ngày đất nước thanh bình đến nay, nông dân Bến Tre đã thay đổi cây trồng năm lần bảy lượt rồi. Những năm đầu sau giải phóng, bà con đua nhau trồng mía. Đi đâu cũng gặp mía. Rồi khi giá mía giá đường lao đao, nhiều vườn mía ngút ngàn bị bỏ khô một cách thảm thương. Mía mà lại đem làm chất đốt; cho nên dù lửa không khói, nước mắt bà con vẫn tuôn trào. Rồi bà con đổi mía trồng chanh, trồng cam quít, trồng nhãn, trồng sa bô chê, trồng ca cao. Mồ hôi thấm đẩm ruộng vườn mà thu nhập cũng không cao, chỉ làm giàu cho một ít người bán cây giống. Đã có một thời không xa, cam quít rẻ như cho và chanh chín vàng bờ, cho không ai thèm hái.
Không những trong lãnh vực trồng trọt mà lãnh vực chăn nuôi cũng thế. Lắm nỗi thăng trầm, lắm nỗi truân chuyên. Cứ được giá thì mất mùa, được mùa lại mất giá khiến nông dân chuyển đổi cây, con giống liên tục. Cho nên nông thôn Việt Nam chậm phát triển cũng từ nguyên nhân đó.
Những năm gần đây, chúng ta không làm sao quên được những cuộc giải cứu nông sản đầy nước mắt. Nào giải cứu vải thiều ở Bắc Ninh, giải cứu thanh long ở Ninh Thuận, giải cứu khoai lang ở Vĩnh Long, giải cứu dưa hấu ở KonTum, Quảng Nam, Ninh Thuận, giải cứu bí xanh ở Nghệ An, giải cứu đu đủ ở Sóc Trăng, giải cứu xoài ở Đồng Nai... Tất cả cũng vì mức cung vượt quá mức cầu hay nói cách khác là đua nhau sản xuất mà không định được nơi tiêu thụ. Có lẽ đây là bài học cho chúng ta trong phát triển nông nghiệp. Cần phải vươn xa tìm thị trường tiêu thụ. Đừng thỏa mãn với một vài thị trường quen thuộc để rồi khi họ buông tay, ta bị chết chìm! Đây cũng là đòi hỏi và thử thách lớn với nông dân Việt Nam. Phải vươn lên sản xuất theo tiêu chuẩn thế giới GLOBALGAP hoặc ít ra cũng phải VIETGAP mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính ở trời Tây. Hơn thế nữa, nông dân còn phải học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật làm sao nâng chất lượng sản phẩm và hạ giá thành mới mong chiếm lĩnh thị trường nội địa và canh tranh nổi với thị trường nước ngoài.
Tôi nhẩm tính rồi ao ước: Việt Nam có 100 triệu dân và khoản 25 triệu hộ; theo Lễ hội Dừa Bến Tre năm 2019 giới thiệu, có 222 món ăn được chế biến từ dừa; nếu mỗi hộ bớt sử dụng thực phẩm ngoại nhập và mỗi tháng sử dụng một món ăn chế biến từ dừa khô như Lễ hội Dừa Bến Tre đã giới thiệu thì cũng giúp Bến Tre tiêu thụ 25 triệu trái dừa mỗi tháng. Và nếu mỗi tháng một người Việt Nam giải khát một trái hoặc một hộp nước dừa xiêm thì mỗi tháng Bến Tre sẽ bán được 100 triệu trái. Đó cũng là một phương thức giải cứu và thúc đẩy vườn dừa Bến Tre phát triển. Có điều không biêt “Ta có chịu về để tắm ao ta” hay không, hay là tinh thần vọng ngoại vẫn mãi cao trào?
Có người trách nhà nước không lo cho dân, không lo tìm đầu ra cho nông thủy sản. Tôi nghĩ nói như thế không những không đúng mà còn phủ nhận công lao của các cấp lãnh đạo! Đành rằng đâu đó cũng có một ít biểu hiện yếu kém hoặc tiêu cực nhưng có nhà nước nào muốn dân nghèo đâu? Dân nghèo thì làm sao nước mạnh, quan chức làm sao vinh hiển và tồn tại được? Có lẽ tại vì... lực bất tòng tâm!
Lãnh đạo Bến Tre đã rất quan tâm đến việc tiêu thụ và xuât khẩu nông thủy sản tỉnh nhà; cho nên dù tốn kém và khó khăn vất vả nhưng mấy chục năm nay năm nào Bến Tre cũng tổ chức Lễ hội trái cây ở huyện Chợ Lách và cứ năm năm một lần tổ chức Lễ hội Dừa tại tỉnh nhà. Tất cả cũng chỉ nhằm mục đích quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đi tứ xứ. Đặc biệt Lễ hội Dừa lần thứ V cuối năm 2019 được mang chủ đề “Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững” cũng đủ nói lên sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bến Tre trong việc phát triển loại cây đặc sản của tỉnh nhà.
Hiện nay có 150 mặt hàng nông thủy sản Bến Tre đã xuất khẩu sang 130 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Riêng kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa đạt 350 triệu USD/ năm, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đó là điều đáng mừng ở giai đoạn cả nước bắt tay khởi nghiệp.
Bến Tre đã từng đi đây đi đó để giới thiệu sản phẩm của mình, đã từng tham gia Hội chợ Thương mại Việt-Trung ở Lạng Sơn. Gần đây thôi, vào ngày 19/10/2022, tại Hà Nội, được sự giúp đỡ của Bộ ngoại giao, Tỉnh ủy và UBND Tỉnh Bến Tre do ông Lê Đức Thọ, bí thư tỉnh ủy chủ trì, đã tổ chức “Hội nghị xúc tiến hàng nông thủy sản Bến Tre vào thị trường các nước Hồi giáo”. Gần hơn nữa, ngày 02/11/2022, đoàn công tác của UBND Tỉnh Bến Tre do ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND Tỉnh dẫn đầu đã sang Ấn Độ gặp gỡ các doanh nghiệp bang Kerals để trao đổi hợp tác việc xuất khẩu chỉ xơ dừa và gỗ dừa.
Tôi cũng nhớ mãi lời phát biểu đầy ưu tư và trăn trở của ông Võ Thành Hạo, nguyên bí thư tỉnh ủy Bến Tre trong buổi gặp gỡ các văn nghệ sĩ đầu năm 2022 rằng “Bằng mọi cách, chúng ta phải nâng giá dừa lên. Chúng ta tự hào là Bến Tre có 77 ngàn hecta dừa nhưng giá cả dừa thấp lè tè, làm đời sống nhân dân Bến Tre khốn khó như thế này, thì 77 ngàn hecta dừa đó có ý nghĩa gì nữa?”.
Những sự kiện kể trên chứng tỏ việc xuất khẩu để nâng giá trị hàng nông thủy sản của tỉnh nhà luôn là nỗi lo đau đáu của lãnh đạo Bến Tre.
Có điều mà dân chúng ít am hiểu nên thường than trách nhà nước; đó là việc thương lượng để xuất khẩu được một mặt hàng sang nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như khối EU, Nhật Bản, Đài Loan rất gian nan. Chẳng hạn chỉ riêng việc đàm phán để xuất khẩu được lô hàng Bưởi da xanh đầu tiên của Bến Tre sang Mỹ vào tháng 11/2022 này giữa Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ Nông nghiệp Việt Nam phải mất... năm năm dài! Ít ai ngờ phải khó khăn đến như vậy.
          Mặc dù nhà nước đã có nhiều định hướng và giải pháp cho cây dừa nói riêng và hàng nông thủy sản nói chung, tuy nhiên xem ra vẫn chưa mấy hiệu quả, chưa đủ để tạo niềm tin vững chắc cho người dân; vì thế nông dân Việt Nam bây giờ chẳng khác nào những khách lữ hành, băn khoăn, ngơ ngác đứng trước một ngã năm, ngã bảy mà không có một bảng chỉ đường!
Cuối thu rồi mà mưa bão vẫn hoành hành! Nhưng bão rồi sẽ tan, mưa rồi sẽ tạnh, trời Việt Nam rồi sẽ quang đãng. Có điều chẳng biết bao giờ tôi mới được nghe lại câu hát đồng dao đầy phấn khởi “Alô! Alô! Dừa khô lên giá” của thuở xa xưa...
Bến Tre, 10/11/2022

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 290
  • Khách viếng thăm: 280
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 30045
  • Tháng hiện tại: 1252722
  • Tổng lượt truy cập: 63481690