Đến Thừa Đức thuở ấy và bây giờ tôi càng thấm thía hơn câu thơ bất hủ của nhà thơ Hoàng Trung Thông:
"Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
Và càng thấy câu nói nổi tiếng của Périclès: "Không biết chịu đựng cái nghèo là một điều hổ thẹn; không chịu làm việc để xô đuổi cái nghèo lại là điều đáng hổ thẹn hơn"...
Phải chăng với một tinh thần như vậy, người dân Thừa Đức đã sống, vượt qua thiên tai, địch họa và bây giờ họ đã, đang vươn lên và sẽ vươn xa hơn trong thời đại kinh tế mới mà nhất là phát triển tiềm năng kinh tế biển, phát huy hiệu quả vị thế trời cho mà ít nơi nào có được...
Tôi đi xe buýt sớm, điện cho Phú đón tôi ở Đê Đông và nó đã có mặt y hẹn.
Nhớ Phú mới hôm nào là đứa trai nghèo, rong chơi... Không ngờ mới có mấy năm, nhờ mướn xe cuốc đi đào ao cho các chủ nuôi tôm công nghiệp, rồi bắt chước tự mướn mấy cái vuông nuôi tôm cho mình… Trời cho nuôi tôm trúng nên Phú đã mua được xe cuốc riêng. Rồi tiền đẻ ra tiền nó đầu tư thêm lĩnh vực sang lấp mặt bằng... nay đã mua được xe hơi làm phương tiện di chuyển tiện lợi cho việc quan hệ làm ăn dù cho trời có mưa hay nắng...
Tôi quyết rủ Phú kiếm một chiếc xe máy để cùng đi và hai người sẽ thay nhau cầm lái, chạy tà tà vừa ngắm cảnh vừa chuyện trò trao đổi...
Phú chiều ý tôi, gởi xe hơi và mượn một "con ngựa sắt" để hai chú cháu cùng rong ruổi biển…
Phú là một người ưa nói và biết nhiều chuyện. Ngồi sau nó tôi không thấy bầu không khí nhạt nhòa buồn ngủ hay ngột ngạt dù cả hai đang vẫn đeo khẩu trang do còn chấp hành chủ trương phòng dịch Covid-19...
- Chú Tám nhìn bên phải kìa…! Phú tốp xe và chỉ tôi tấm bảng ghi ba chữ to “NGƯỜI GIỮ RỪNG” rồi nói “Ấy mình dô đó uống cà phê, ăn sáng rồi hãy đi nghen chú… thủ cái bụng cho chắc mới chiến đấu xa làng quê được…!?” Tôi ừ vì cũng thấy bụng mình đang đói...
Ngồi ăn sáng và uống cà phê trong một chòi lá như treo trên mặt nước, tôi được cả hai vợ chồng chủ nhân đến hỏi han và phục vụ khá thân mật. Đây là một cặp có tên rất ấn tượng – Ngọc Hiệp, Tấn Vàng – cả hai đều tốt nghiệp đại học nhưng không làm việc trên thành phố dù có đủ điều kiện. Họ đã tìm đến khu rừng ngập mặn 25 ha để đầu tư, khởi nghiệp với ước vọng góp phần mình làm sống lại tiềm năng đáng có của vùng đất ven biển - thuộc xã Thạnh Phước, Bình Đại Bến Tre - đem lại công ăn việc làm cho người dân nghèo trên vùng "biển bạc" và quan trọng hơn là giữ môi trường xanh, sạch vốn có của biển rừng… Và đó cũng là lý do cái tên NGƯỜI GIỮ RỪNG ra đời…
“Đến đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây mới về…”
Tự nhiên tôi nhớ lại câu ca này và nghĩ chắc một ngày không xa không chỉ có Ngọc Hiện – Tấn Vàng đến vùng biển Bình Đại đầu tư, khởi nghiệp… làm giàu với thông điệp bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều những người dân… khỏi phải tha phương cầu thực và cũng góp phần làm cho tư tưởng “làm giàu” lấn áp tư tưởng "trời đẻ trời nuôi"… từ lâu thấm sâu không ít trong đầu người dân xứ biển này... mà còn có nhiều, nhiều nữa những trí thức trẻ, nhà đầu tư sẽ về đây lập nghiệp, làm giàu góp phần tác động để người dân biển vốn quen cậy vào bà cậu, tin may rủi... biết vươn lên làm giàu tại quê nhà - xứ biển - của mình không phải tha phương cầu thực nữa…
Làm giàu là điều mà ai cũng mong muốn, là chuyện mà ai không ham nhưng với dân xứ biển, trong đó có Thừa Đức vài ba mươi năm trước là cái gì đó xa xôi. Có những người được ông bà để lại vài ba chục ha đất, nhưng cứ bán ăn dần đến hết và khi đất lên giá, người ta bán đất làm giàu thì chặc lưỡi tiếc - muộn…
Đê Đông bây giờ đã là con lộ nhựa thênh thang mà mọi thứ xe đều có thể bon bon về trung tâm xã và đây cũng là trục đường chính ra bãi biển Thừa Đức đầy tiềm năng nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức...
- Chú coi kìa, nhà ngói mọc lên quá chừng luôn. Hồi trước chú về đây đâu có, đúng hôn…? Nghe Phú nói, tôi cũng phụ họa“Nhà này chắc cất bằng tôm quá!” Phú tiếp "Là nhờ bán đất nữa chú... dân mình chủ yếu là bán, người mua đa số từ nơi khác đến... Bán một miếng đất, cất cái nhà cho đàng hoàng, an cư mới lạc nghiệp phải hôn chú…?”
Tôi ừ, nhưng cũng bổ sung cho có lệ “Có nhà cất bằng muối nữa chứ con…?” “Ừ thì có, nhưng hồi xưa kìa chú… cứ cá tra xuất khẩu được hay nhà nước đừng nhập khẩu muối thì còn may ra muối có giá cao, chứ không muối cứ giá trồi lên tụt xuống, bấp bênh thấy bà… nhưng được cái làm muối thì bỏ vốn ít, cùn lắm lỗ công… nên cũng có số người còn gắng đeo đẳng..."
Xe tiếp tục chạy, bổng tôi thấy hai bên đường có nhiều khu vực được rào kín mít bằng lưới lan, bạc đen hoặc lưới đúc xanh, liền hỏi “Họ mần gì trong đó mà rào kín mít vậy con?” “Chú hổng biết ha… đó là nuôi tôm công nghệ cao… Bây giờ nuôi tôm phải đầu tư công nghệ cao thì khả năng rủi ro mới thấp. Nhiều người dám vay ngân hàng nuôi tôm công nghệ cao đã thành đại gia, tỷ phú… nhưng có người cũng nợ tiền tỷ chú ơi… Bởi vậy làm cái gì cũng phải tính kỷ, không thể chỉ dựa vào bà cậu, hên xui như hồi xưa được…”
Nghe Phú nói tới đây, tôi chợt nhớ đến anh Sáu Rê ở xã Thạnh Phước…
Lúc đó mỗi lần đến chơi, anh hay rủ tôi ra chòi giữ tôm ngủ và gọi anh em đồng nghề gom lại tiếp tôi…nhậu, vừa ca hát, vừa coi chừng trộm tôm… Nhìn đèn điện sáng choang quanh các ao và cả khu vực nuôi... dù lúc bấy giờ nơi đây chưa có điện lưới… Tôi nói vui khi nghe thấy xung quanh các chòi lá tiếng máy kéo quạt lào xào... Tôi buộc miệng “Khôn cất trại, dại cất nhà hén mấy anh…!?” Sáu Rê cãi “Khôn cất trại, rồi mới cất nhà… Từ cái trại nuôi tôm, gom tiền tái đầu tư, trả nợ ngân hàng, có dư, tích lũy dự phòng rồi sẽ xây nhà mới ở yên…”
Tôi nói “Vậy cái chòi ngoài này như cái ăng ten… để bắt sóng, dẫn tiền về nhà và cũng là nơi thu tín hiệu làm giàu… hả anh…!?” “Nghe được nhưng sao mà khó hiểu quá, cái gì phải cụ thể... như bây giờ Dzô…dzô một phát đi, rồi nói mới tin chứ, nghe nói hoài lạt miệng sao chịu nổi…!” Tôi nâng ly cụng liền với anh bạn "Ừ dzô…dzô nè…"
Thật ra cái câu “Giàu cất trại, dại cất nhà” từ rất lâu đã không có gì mới, hay xa lạ và người dân xứ biển vốn đã biết. Nhưng việc vận dụng nó vào cuộc sống thì chín người mười ý nên không phải ai cũng làm theo được, nhất là những người đã từng nghèo khổ nay làm ăn vừa phất lên, có chút của ăn của để hoặc mới bán đất thì ngoài câu “An cư lạc nghiệp" họ còn quan niệm “Sống có cái nhà, chết có cái mồ” lại là một nét văn hóa khác vừa hình thành đã làm cho hai bên con đường về Thừa Đức bổng rực rỡ sắc màu của nhà tường, mái ngói – cái màu ấp ủ của làng quê Nông thôn mới…
Giọng của Phú lại ngắt ngang “Chú có nghe tiếng gì đó hôn?” “Tiếng gì?” Tôi ngơ ngác… “Đó đó… tiếng chim yến… Bây giờ các đại gia cũng về đây cất nhà nuôi yến nhiều lắm… nhưng tiếng kêu đó là tiếng chim kêu bằng máy thôi, chứ chim thiệt mà dìa đông như vậy chắc giàu luôn…” Phú cho biết, ở Thừa Đức thấy nhà yến nhiều như vậy chứ nhà thật sự có tổ yến, có thu hoạch và thu nhập chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay… Nó nói “Con yến ngoài thiên nhiên giờ sinh đẻ cũng có hạn, hơn nữa nó cũng có tổ ở chỗ ngon hơn ngoài đảo… số lượng có đâu dư mà dìa đây để chui dô cả đống nhà yến của mấy chả mà làm ổ chú ơi… Con giờ có trúng số, dư tiền cũng hổng đầu tư xây nhà yến đâu… làm giàu cho mấy thằng kỹ thuật, bán vật tư ngành yến… tiền tỷ chứ đâu ít… nhưng không biết chừng nào mới lấy vốn…!?” Theo ý hiểu của Phú là cũng có nhà yến có yến về làm tổ... nhưng đa số các chủ đầu tư xây nhà yến để bán sản phẩm yến lấy từ miền ngoài... hay của những nhóm chuyên xây dựng nhà yến, bán vật tư ngành yến... khiến không ít người lao theo và lâm vào cảnh "Cá trong lờ muốn mờ con mắt/ Cá ngoài lờ ngút ngoắc đòi dô"...
Lại nghĩ lang mang. Tôi nhìn hai bên đường, vài ba nô áp phích, khẩu hiệu, thông điệp tuyên truyền cổ động đủ đề tài như xóa đói, giảm nghèo… phong trào, lễ hội này nọ… mà ít thấy có câu nào cổ động “Làm giàu” hay “Làm giàu chân chính, chính đáng”…
Phú cho tôi biết Thừa Đức hiện nay tất cả các ấp đều có đường cứng, láng, lớn cho xe ô – tô đi được. Nhiều đại gia đã sắm xe hơi, cất nhà lầu, biệt thự, mua xe tiền tỷ ... Tôi nghĩ có lẽ đây là cách khoe khiêm tốn của Phú về quê biển đang phát triển từng ngày....
Thừa Đức, với diện tích tự nhiên 5.718,74 ha, 208,21 ha bãi bồi ven biển…với hàng ngàn chủng loại đa dạng sinh học vừa là chén cơm hàng ngày vừa là cứu cánh cuộc sống tương lai xa nữa... Và bây giờ, với chủ trương Hành trình về hướng đông, phát huy tiềm năng kinh tế biển làm giàu mà Nghị Quyết của tỉnh ủy Bến Tre đã đề ra, đang triển khai thực hiện như một động lực mới khiến không những người dân biển trong đó có Thừa Đức vui nức lòng mà còn khiến cho bàn dân thiên hạ không ít người đã đến Thừa Đức để đầu tư, du lịch và còn đang tiếp tục dòm ngó, quan tâm… với nhiều những dự án đầu tư quy mô lớn, nhỏ… đây là của chìm, tiềm năng kinh tế sinh thái mà không phải nơi nào muốn cũng có được. Còn của nổi, Thừa Đức cũng đang sở hữu đáng kể như 20 ha ruộng muối, 239 ha đất giồng trồng hoa màu (trong đó có 95 ha trồng dưa hấu thường xuyên, mà từ lâu đã nổi tiếng với câu ca dao "Tứ bề Thừa Đức nội thôn/ Đất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng), 252 ha nuôi tôm công nghiệp (trong đó nuôi tôm công nghệ cao tới 145 ha), đất bãi bồi, lở nuôi sò huyết 119,6 ha, nuôi hàu 31,6 ha, 18 nhà nuôi chim yến qui mô lớn, nhỏ… Đặc biệt không thể không kể đến 242,5 ha diện tích bãi cát bồi vừa phơi vừa ngập theo thủy triều, thuận lợi cho con nghêu sinh sống, sinh sản và phát triển tự nhiên đã được Hợp tác xã (HTX) đặc biệt* Đồng Tâm quản lý, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã có thu nhập ổn định và hàng trăm ngàn lao động mùa vụ… Và còn nữa nhiều những tiềm năng khác mà theo tôi Thừa Đức bây giờ nếu được đầu tư khai thác đúng mức chắc là một nơi dễ sống, dễ làm giàu và sẽ làm giàu bền vững...
Sau khi Phú chở tôi đến Vàm Cống Bể Lớn để nhìn và chụp ảnh những trụ điện gió, mặt trời gần đứng bóng… Phú chỉ cho tôi xem phía bãi biển vừa nổi lên do nước mới ròng "Sân nghêu của HTX đó chú..." Tôi nhìn những bãi cát rộng dài mút mắt, những hàng đáy, giàn hàu, sân nghêu, sân sò... lưới rào, cây cọc đang hiển hiện xa xa bên kia vàm… dài tới tắc Bà Tư** mà thích thú... Ước làm sao có thể ra đó chụp hình và nếu có thể thì được tự tay bắt rồi ăn hàu, sò, nghêu vừa bắt lên chế biến tại chỗ chắc ngọt ngon lắm...
Phú bổng nói "Năm nay con Dòm lông (vẹm xanh đó chú) trúng mùa dữ lắm... không ai nuôi nhưng nó tự đeo giàn hàu, dây đỏi đáy rồi lớn - con nào, con nấy mập lù... phải chú ở chơi vài ngày con mướn ghe chở ra coi người ta lặn bắt... nó màu xanh đẹp lắm... Có bếp gas mình “xử” tại ghe luôn… rất ngon…"
Phú đề nghị tôi về chòi tôm của nó để ăn trưa và nằm võng nghỉ ngơi khỏe mới tính tới chương trình cho buổi chiều được...
Chòi tôm nằm trên phần đất tám trăm mét vuông Phú mướn thời hạn năm năm, đào hai ao nuôi tôm chân trắng. Đất cũ đãi người mới, bà cậu tuy không cho thắng lớn như nhiều hộ khác nhưng nhờ thả thưa nên tôm mau lớn và gặp thời tôm có giá cao nên mỗi năm Phú kiếm lời cũng được vài ba trăm triệu từ thửa đất nhỏ này...
Chúng tôi vừa về tới chòi đã thấy hai ba anh em quen biết đang ngồi chờ sẵn quanh chiếc bàn tròn inox, đã bày sẵn sum suê mồi ngon, bén ngót. Phú nói “Bữa nay thằng bạn con thu tôm có lựa ra số tôm lột, con hấp nước dừa ngon lắm chú…!” Rồi nó chỉ sang cái thao có những khúc rắn đã ướp sả ớt “Còn đây là con rắn hổ hèo, nó dính lưới bén hồi hôm, gần một ký bảy… con tính xào lăn bậy một dĩa, còn lại hầm sả đu đủ có nuớc chan cơm… ngọt nứt nồi nghen chú…” Thấy trên bàn còn có đọt cây bình linh, nước mắm cốt dằm ớt hiểm xanh, muối ớt và cả nước muối ớt xanh nữa… Tôi hỏi “Ủa đọt bình linh hái chi vậy con?” Phú giải thích rằng lát nữa sẽ có món hàu hấp ăn kẹp đọt bình linh là ngọt nhớ đời luôn, ngoài ra còn nghêu luộc lá quế… Toàn là những món ngon “nhức nách” mà từ lâu khi về xứ này tôi đã khoái và mê… Có lần ông bạn của tôi từ Tiền Giang qua được tôi mời chỉ với món hàu ăn kẹp đọt bình linh thôi đã thốt lên “Ngon tía con hổng mời…”
Nhớ lại hồi về Thừa Đức lần đầu tiên, ăn con hàu nướng kẹp với đọt bình linh - cái ngọt lạ kỳ khó lòng quên được. Tôi đã ngẫu hứng mần thơ: "Em gái Cồn Văng** khéo tay chẻ hàu lay lãy/Tôi đón từng cái ruột hàu… nhẹ chạm tay em /Ánh mắt em long lanh như chứa sẵn nụ cười/Cồn Văng ơi nơi mến khách tình người/Chưa đến đã yêu, đến rồi muốn ở/ Ăn con hàu kẹp đọt bình linh ngọt tan lòng/Em gái Thừa Lợi ai nói quê mùa/Còn tôi nói em thật đáng yêu…!”
Dù đã gần tuổi thất thập cổ lai hy nhưng đối với tôi được di chuyển trong làng quê xứ sở của mình luôn là một điều hạnh phúc.
Tôi không dám mơ những chuyến du lịch xa tận Tây, Tàu, Anh, Mỹ v.v… nhất là những lúc nghe tin máy bay mỗi lần rớt thì y như rằng ba bốn trăm người khó tìm được ai sống sót dù các hãng hàng không luôn cổ súy nhiều biện pháp an toàn bay chắc như ăn bắp… thì cái mơ xa của tôi lại càng mau tắt ngủm…
Cứ mỗi lần được đi về quê như vậy, tôi thấy như mình trẻ lại thêm nhiều tuổi.
Nhìn quê hương phát triển không ngừng, tôi luôn rạo rực trong lòng. Những niềm vui mới và cứ mới thêm sau mỗi lần trở lại khiến lòng tôi luôn đau đáu những chuyến đi và lần này tôi tháp tùng cùng cháu Phú về thăm vùng biển Thừa Đức mà tôi cho rằng đây là một vùng đất nhiều tiềm năng đang phát triển một cách thuận lợi và còn nhiều những diệu kỳ đang phía trước...
Lại nhớ một thời ngang dọc, những câu thơ lủng lẳng trong lòng: “Cồn Nghêu trồng xoài cát ngọt mòn răng/Em gái đi đào con Trời Ơi*** tím chiều trên bãi cát/Ngoại dẫn cháu, con… lượm ốc hương, ốc mỡ.../Cuộc sống chân quê bình yên muôn thuở/Thương quá con nghêu trồi sụt lớn ròng…/Về Thừa Lợi, đến Cồn Văng, Cồn Nghêu**...hát lý đất giồng/Uống rượu đế ngâm hải mã, ốc kèn, vú sữa đất, hải sâm, sâm cát.../Cùng cất cao giọng hát/Tình quê không xỉn không về..!”
Đúng là dân “trong nghề” mới hiểu nổi cái thú nâng ly đồng điệu đếm “1 - 2 – 3… Dzô…!” Rồi cụng nhau nghe chan chát… Tôi cứ ngồi đó, hết lột tôm ăn, đến bốc mấy khúc rắn xào lăn cạp xước như xước mía một cách khó khăn, răng cỏ đâu còn như thuở chiến đấu xa làng quê nữa… Đặc biệt ăn món hàu kẹp đọt bình linh “ngon tía con không mời”… vậy mà chỉ ăn không… thiệt là e ngại …
Tôi thật sự thèm rượu, dù bác sĩ đang căn dặn phải cữ… Tôi hỏi Phú "Có rượu thuốc ngâm hôn? Cho chú xin một ly, rót để trước mặt, tới vòng tham gia cụng bậy cho vui và thèm thì nhấm môi chút chứ ăn không… chắc lát nữa sình bụng chết..." Phú nói để nó đi mua rượu, tôi ngăn và tự an ủi mình với hai câu thơ: “Anh thương em như khi cầm đũa/Ngồi nhìn em ăn cũng thấy ngon rồi…”
Thằng Phú cười nói “Hay chú… nhưng phải sữa chữ “đũa” thành chữ “ly” và chữ “ăn” thành chữ “uống” cho sát…!?”
Có thêm hai người chủ nuôi tôm khác vừa mới đến, nghe thằng Phú nói hỏng biết có hiểu ất giáp gì không cũng hùa dô “Đúng rồi! Đúng rồi… Tụi con chào chú Tám…!!” Thấy tôi như chưa biết ai là ai nên thằng Phú giải thích đây là bạn nó cũng nuôi tôm gần đây. Do nó mời - nay có ông chú xuống chơi nên rủ các bạn qua phụ tiếp khách... Đúng là những tấm thịnh tình, mến khách làm cho tôi vừa bất ngờ vừa sung sướng trong lòng.
Có mấy người bạn của tôi sành đi du lịch phượt, triết lý rằng “Du lịch là đến nơi mình chưa đến, coi cái gì mình chưa coi, ăn cái gì mình chưa ăn… hoặc muốn ăn cái đó phải đến đó, với không khí đó thì ăn mới ngon v.v…”
Chỉ mới đi với Phú lòng vòng một chút trên đường về biển Bình Đại, trước mắt có ghé qua một chút Thạnh Phước, rồi một chút Thừa Đức tôi đã cảm nhận được thêm nhiều thú vị mới, dù tôi đã từng đến, ở đây cách mấy mươi năm rồi nay lại trở về…
Bổng một trong hai người bạn mới tới của Phú nói “Nuôi tôm dễ kiếm tiền thiệt.Tuy nhiên thấy vậy chứ không phải dễ ăn đâu… nhất là khâu con giống tin là mua chứ không có gì đảm bảo cả…” Câu nói của anh ấy làm tôi chợt nhớ lâu lắm đã từng nghe tỉnh nhà đã có nhiều chính sách ưu đãi cho đầu tư sản xuất con giống và cấp các vụ, viện… thuộc ngành thủy sản trung ương, ngành chuyên môn cấp tỉnh với biết bao cán bộ, chuyên viên, có học hàm, học vị… đã về Bến Tre, Bình Đại nói chung, Thừa Đức nói riêng với nhiều đề tài dự án chi nhiều tỷ tiền ngân sách nhưng rồi cũng qua và con giống chất lượng cho người dân nuôi thì vẫn phải dựa vào tư nhân, nổi trôi… đầy hên xui, may rủi…
Cũng loáng thoáng nghe tin vui là gần đây, Thừa Đức đã có một tư nhân mở trại giống lớn đẻ con sò huyết giống đã thành công. Chỉ mới năm đầu, trại đã lời nhiều tỷ đồng, đang mở rộng qui mô hoành tráng… Có điều không hiểu sao anh này không cho nhà báo hay đài truyền hình đưa tin quảng bá…
Ước Thừa Đức có thêm những trại giống tôm, cua, cá… tại chỗ như trại sò ấy thì người nuôi chắc đỡ khổ hơn vì không phải bôn ba lo lắng trên đường mua con giống nổi trôi vốn nhiều rủi ro, sợ hãi…
Rừng vàng, biển bạc mãi là ước mơ nhưng phải đâu ai cũng đều trông thấy và hốt được. Phải có gan, có bản lĩnh và năng lực, trí tuệ thì mới lường được rủi ro, nắm bắt thời cơ, thời vụ… liên kết với đúng người có vốn, có tài, có đức … như qui luật “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì khả năng thành công chắc phải cao hơn…
Biển Bình Đại nói chung và biển Thừa Đức nói riêng, theo tôi còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác nhất là du lịch sinh thái biển rừng, sản xuất con giống thủy sản... đang chờ người có năng lực và yêu biển thực sự đến gởi gắm niềm tin làm giàu, không chỉ trước mắt mà lâu dài, bén rễ xanh cây…
Dọc đường đi biển còn nhiều dịp, còn dài, với nhiều những ước mong khám phá… nhưng với một chút của buổi ban mai cỡi ngựa, xem hoa cùng thằng cháu đã thu hút tôi với nhiều ước vọng sẽ còn quay lại ngay vì nhiều điều chưa kịp khám phá và hơn nữa vẫn là nỗi da diết nhớ, nhớ biển, nhớ người, nhớ ngay khi vừa mới chia tay và mong sao sớm có dịp trở về…gặp nữa… ./.
Trương Chí Lực
---------
GHI CHÚ:
*Gọi Hợp tác xã (HTX) đặc biệt là vì mọi công dân sinh ra có hộ khẩu xã Thừa Đức đương
nhiên là xã viên của HTX Đồng Tâm này chứ không cần phải góp vốn hay gì cả…
**Thừa Lợi, Cồn Văng, Cồn Nghêu, Tắc Bà Tư…
tên các địa danh thuộc xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, Bến Tre
***Con Trời Ơi là một loài chem chép biển sống sâu 4 - 5 tất dưới bãi cát biển, vỏ màu tím,
có mỏ rất bén , ruột mập, thịt mềm và rất ngọt. Người đào con này, khi gần tới thấy hang
vội vã thò tay xuống móc rất dễ bị cắt tay tóe máu, rát rạc … giật mình kêu “Trời Ơi”…
nên gọi luôn là “Con Trời Ơi”…
Ý kiến bạn đọc