Nghệ nhân Tư Trầu - Ngô Thị Tư: Nửa thế kỷ với nghề diễn xướng dân gian

Đăng lúc: Thứ năm - 25/12/2014 07:54
Người ta gọi bà là Tư Trầu, bởi bà ăn trầu từ hồi mới ngoài 20 tuổi. Ngồi nói chuyện với bà mà cứ thấy miếng trầu này nhả ra là bà lập tức ngoái miếng trầu khác cho vào miệng. Bà tên thật là Ngô Thị Tư, sinh năm 1947, ngụ tổ 7, ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.
Nghệ nhân Dương Thị Tư (Tư Trầu) và học trò Nguyễn Thị Thúy.
Nghệ nhân Dương Thị Tư (Tư Trầu) và học trò Nguyễn Thị Thúy.

Hồi nhỏ bà rất mê ca diễn, chưa đến 18 tuổi bà xin vô gánh hát bội của bầu Mách (ở xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè). Bà có năng khiếu nên học ca, diễn rất nhanh. Làm diễn viên hát bội 2 năm, do siêng năng và thích học hỏi nên vốn vũ đạo của bà cũng kha khá. Một lần xem múa bóng, bà Tư mê tài múa mâm vàng, hát rỗi của bà bóng Lê Thị Thủ (xã Tân Hội, huyện Cai Lậy) nên quyết tâm xin theo làm đệ tử.

Với năng khiếu ca hát và đã am tường vũ đạo của hát bội nên bà Tư học rỗi và múa mâm rất nhanh. Khổ luyện vì yêu nghề, chẳng bao lâu bà đã theo kịp thầy mình. Bà Tư theo thầy múa bóng rỗi nhiều nơi ở vùng Mỹ Tho, Gò Công và “tiếng lành đồn xa” sang các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp…

Bà nói: “Tư học rất nhiều thầy, thấy thầy nào múa, hát hay là Tư lân la xin học hỏi. Thấy Tư thích học và đã học thì làm được nên thầy nào cũng nhiệt tình chỉ dạy. Một bài rỗi, ngoài hát xuân, ai, đảo còn có rỗi sóng đâu, ngừng thàng, mường, san thài… nhưng còn một lối hát “nhất kiếu, nhất cách” mà bà thầy Thủ giấu không dạy, cho nên đến nay thất truyền luôn rồi!”.

Chị Nguyễn Thị Thúy ôn lại môn múa ghế trước khi đi múa cúng miễu.
Chị Nguyễn Thị Thúy ôn lại môn múa ghế trước khi đi múa cúng miễu.

Cũng theo bà Tư, cúng trang (tại gia) khi rỗi chuyển sang hát lý thường thì hát Lý Cây bông lúc múa dâng bông (đạo cụ là cái chén đựng bông trang); hát cúng miễu bà thì Lý Con cá; cúng ông thì Lý Ngựa ô. Bài bản, nội dung phải đúng theo từng trường hợp cúng bái.

Ngoài học hát rỗi, đánh phách, gõ trống cho nhịp nhàng; học múa mâm, lật mâm cho điêu luyện, khéo léo, người múa bóng còn phải học múa bêu, múa bông huệ, múa siêu, múa khạp, múa ghế, múa rót rượu… giống như một diễn viên xiếc.

Gần 70 tuổi mà bà Tư vẫn đứng rỗi và múa gần 2 tiếng đồng hồ. Bà bảo “Làm nghề nào cũng phải chịu khó mới nên”. Ngoài học rỗi, học múa, bà Tư còn học cắt dán mâm vàng.

Gần 50 năm trong nghề, tuy đã già nhưng đường kéo của bà vẫn rất chính xác và sắc xảo. Tùy theo giao kèo đặt hàng của khách mà dán mâm cho đúng mâm vàng hay mâm bạc và kích cỡ…; rồi phải tự làm đạo cụ để múa.

Bà nói trong sự nuối tiếc: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Nhà nước nghiêm cấm việc múa bóng, Tư cảm thấy như bị tù túng vì không được sống với nghề thoải mái, cứ lén lút cúng chui, đôi lúc bị tịch thu đồ nghề nhưng rồi về sắm lại và tập tành, rèn luyện vào ban đêm.

Năm 1999, nghe được tin Nhà nước không cấm nghề múa bóng, mà còn nói rằng đó là nghệ thuật dân gian khiến Tư mừng lắm, xin bản sao giấy phép hành nghề của người bạn ở TP. Hồ Chí Minh để đến Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) trình bày nguyện vọng và xin giấy phép hành nghề cho mình, đã được chấp thuận. Sau đó Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức thi diễn xướng dân gian, Tư dự thi đoạt giải Nhì và Thúy (Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1974, học trò bà Tư) đoạt giải Ba”.

Nói về học trò của mình, bà Tư Trầu luôn hãnh diện, vì gần chục học trò của bà đều thạo nghề. Bà dặn dò học trò có múa cho đám tang thì trước khi biểu diễn cho bà con xem phải làm lễ múa dâng hương, dâng hoa trái, cơm canh.

Cách đây hơn 10 năm, một lần đi bán vé số, chị Thúy thấy bà Tư múa cúng miễu hay quá nên xin theo học nghề. Thấy chị quyết tâm quá, bà đưa về nhà mình và truyền nghề cùng một số học trò khác. 10 năm vừa học, vừa theo bà đi múa cúng miễu, cúng tại gia…, bây giờ chị Thúy múa rất điêu luyện với các đạo cụ: Mâm vàng, ly, nhạo, dĩa bay, bông huệ, lưỡi siêu, gậy, ghế, khạp… Thầy - trò đi biểu diễn tận Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận…

Mỗi show diễn tính ra mỗi người chỉ được khoảng 100 ngàn đồng, nếu may mắn được tiền thưởng thì khá hơn một chút. Cái nghề không thể làm giàu nhưng luôn vất vả và phải khổ luyện, thế nhưng bà Tư lấy làm vui, tự hào vì đó là một môn “nghệ thuật diễn xướng dân gian” mà bà đã tiếp thu và truyền thụ cho nhiều học trò để mong không bị mai một, mất đi.

Chị Thúy tự hào: “Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cái Bè và lãnh đạo Sở VH-TT&DL vừa làm hồ sơ đề nghị phong tặng bà Tư danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú”, không biết có được hay không, nhưng tôi lấy làm mừng và bà cũng rất vui, mong còn khỏe để tiếp tục dạy học trò và biểu diễn”.

Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 441
  • Khách viếng thăm: 438
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 76232
  • Tháng hiện tại: 1942011
  • Tổng lượt truy cập: 48316138