Hướng về Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu của Việt Nam

Đăng lúc: Thứ sáu - 20/06/2014 17:37
Với hơn 100 bức ảnh của những nhà báo từng đến với Trường Sa, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam cùng những bản đồ, sách báo về Hoàng Sa, Trường Sa đã mang đến cho người xem những cảm xúc rất đặc biệt về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các bằng chứng quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Vào những ngày này, bất chấp những cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ xuống nhưng khu vực triển lãm hình ảnh, sách báo về biển, đảo Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh vẫn thu hút người xem. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ văn hóa - nghệ thuật “Chung tay giữ gìn biển, đảo Việt Nam” diễn ra từ ngày 16 đến 20-6.

Với hơn 100 bức ảnh của những nhà báo từng đến với Trường Sa, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam cùng những bản đồ, sách báo về Hoàng Sa, Trường Sa đã mang đến cho người xem những cảm xúc rất đặc biệt về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các bạn trẻ xem hình ảnh tại triển lãm.

Bên trong hội trường của Trung tâm Văn hóa - Thông tin trưng bày những tư liệu quý giá là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Qua đó cho thấy, Nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền Quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Quá trình này diễn ra liên tục trong hòa bình và lâu dài, đã được ghi nhận trong nhiều nguồn lịch sử của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay hiện đang được lưu giữ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Gần 100 bản đồ và tư liệu được trưng bày, giới thiệu trong triển lãm là một phần trong số các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được từ Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Các bản đồ được bố trí theo 4 chủ đề chính: Bản đồ cổ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; Bản đồ cổ thế giới thể hiện Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa; Bản đồ Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.

Qua đó, đã góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, vốn được tổ tiên của người Việt bao đời và các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền Quốc gia từ trước thế kỷ 17 và duy trì liên tục hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cụ thể, Hồng Đức bản đồ - tập bản đồ nước Đại Việt, hoàn thành vào năm Hồng Đức thứ 21 (năm 1490), triều Lê Thánh Tông đã lần đầu tiên đưa Biển Đông và các quần đảo vào bản đồ của Nhà nước, làm cơ sở cho Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư và Binh Nam Đồ thể hiện rõ hơn bằng 3 chữ Bãi Cát Vàng và sau đó được chuyển thành Hoàng Sa và Trường Sa. 3 chữ Bãi Cát Vàng ấy được chú giải là:

“Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển”. Năm 1838, vua Minh Mạng đã cho vẽ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, trong đó Phan Huy Chú vẽ tương đối kỹ lưỡng và chính xác ngoài biển khơi có vẽ và ghi tên các đảo, quần đảo thuộc lãnh thổ Đại Nam như Phú Quốc, Thổ Châu, Côn Lôn, Phú Quý, Vạn Lý Trường Sa và Hoàng Sa.

17 bản đồ thế giới, xưa nhất là cuối thế kỷ 15 và sau đó là các bản đồ thế kỷ XVI-XVII-XVIII, trong đó các nhà hàng hải, các thương thuyền trên thế giới đã đi và vẽ hành trình khắp châu lục. Các bản đồ này theo thời gian thể hiện, hình thể bản đồ Việt Nam đã ngày càng rõ nét và càng rõ bao nhiêu thì càng thấy vẽ Paracel (Hoàng Sa -Trường Sa) sát với hình thể Việt Nam bấy nhiêu, như là sự thể hiện chủ quyền của Việt Nam vậy.

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày bộ sưu tập gồm các bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay...

Những tư liệu quý giá về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những bằng chứng quan trọng nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn biết ơn các thế hệ người dân Việt Nam đã đổ mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Quốc gia.

Càng tự hào hơn về biển, đảo của Tổ quốc

Bên cạnh các tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, triển lãm còn trưng bày những hình ảnh về Trường Sa, nhà giàn DK1 được nhà báo Phùng Long (Báo Ấp Bắc), nhà báo Phan Hiếu Lễ (Báo Quân khu 9), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh... cùng nhiều tác giả khác ghi nhận lại qua những chuyến thực tế.

Những hình ảnh trưng bày giúp người xem hình dung được một Trường Sa kiêu hãnh, kiên cường giữa biển khơi nhưng cũng hết sức thân thương và nên thơ với những mái nhà được những rặng cây phong ba, bàng vuông vững chãi bảo bọc, che chắn giữa sóng gió Biển Đông.

Hay những lớp học bi bô tiếng trẻ thơ đánh vần, những đàn lợn ủn ỉn, những vườn rau xanh mướt… và có cả tiếng chuông chùa ngân vang giữa tiếng sóng vỗ ầm ì. Đó là những hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu của quân và dân huyện đảo Trường Sa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.

Cảm động nhất vẫn là hình ảnh thân thương, chan chứa tình cảm dân tộc thể hiện qua những cái xiết tay, ôm chặt của cán bộ, người dân từ đất liền với bộ đội, người dân trên đảo! Tất cả như minh chứng và khẳng định một điều là cả nước luôn luôn hướng về Trường Sa thân yêu và sát cánh cùng Trường Sa như cảm xúc của tác giả Hình Phước Long đã viết: “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.

Qua ghi nhận, khách tham quan triển lãm rất chú ý đến những tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cũng như những hình ảnh của người dân trên huyện đảo. Chú Lê Minh Tâm (65 tuổi, ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho) cho biết:

“Cuộc triển lãm này rất có ý nghĩa, đặc biệt trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những bản đồ, hình ảnh tư liệu cho thấy Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền không thể phủ nhận đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những bằng chứng quan trọng này sẽ nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn biết ơn các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã chịu đựng, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Bạn Nguyễn Minh Tiến (27 tuổi, ngụ xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Qua cuộc triển lãm, Trường Sa bây giờ đối với tôi không còn xa xôi nữa mà là những hình ảnh thật, rất gần gũi về mảnh đất máu thịt của Tổ quốc. Những tư liệu, hình ảnh triển lãm giúp tôi biết được rõ hơn về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt là cuộc sống của các anh chiến sĩ, người dân trên đảo xa tận Biển Đông. Từ đó, giúp thế hệ trẻ chúng tôi càng ý thức hơn về hành động chung tay để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Theo Ban Tổ chức Tuần lễ văn hóa - nghệ thuật “Chung tay giữ gìn biển, đảo Việt Nam”, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân cả nước, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.

Hoàng An
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Khách viếng thăm: 213
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 17893
  • Tháng hiện tại: 2517279
  • Tổng lượt truy cập: 48891406