Âm vang “Nhạc rừng” giữa vùng tạm chiếm

Đăng lúc: Thứ ba - 15/11/2016 07:59
Trong một ngăn kéo bàn làm việc của ba tôi có một tấm ảnh được bọc cẩn thận qua mấy lớp ni-lông mà thỉnh thoảng ông hay bần thần lấy ra ngắm nhìn. Tấm ảnh đen trắng nhỏ xíu, chụp hai người thanh niên trẻ măng mặc đồ bà ba đen, đôi chỗ đã bị ố màu, phía sau ghi dòng chú thích: Hoàng Việt- Minh Lộc, kinh Bùi 1948.
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Hồi đó tôi không biết Hoàng Việt là ai, nhưng bài Nhạc rừng thì tôi đã nghe đến gần như thuộc làu. Đó là những dịp bác Văn Lương, tác giả bài hát Tía em, má em rất nổi tiếng bấy giờ, tới nhà chơi. Bác thường lưu lại 2,3 ngày, chuyện trò cùng ba tôi. Vào dịp ấy, ba tôi thường lấy cây đàn măn-đô-lin treo trong thư phòng, so lại dây nắn lại phím, rồi 2 người bạn tri kỷ, thay phiên, người đàn người hát thâu đêm. Trong những ca khúc mà ba tôi và bác Văn Lương hay hát tôi thích nhất bài nhạc có đoạn mở đầu: Cúc cu, cúc cu chim rừng ca trong nắng, im nghe, im nghe ve rừng kêu liên miên. Rừng vắng gió lay trên cành biếc lao xao rì rào…

Trong bối cảnh âm nhạc chung của niền Nam bấy giờ, bên cạnh những ca khúc than vãn về thân phận con người, về những cuộc tình dang dở, những ca khúc phản chiến miêu tả những đau thương mất mát của chiến tranh, âm vang bài hát ấy vang lên thật vui tươi trong trẻo hồn nhiên. Hồi đó tôi chưa hề biết từng có một miền Đông gian lao mà anh dũng, nơi những người trí thức trẻ như Bảo Định Giang, ba tôi (nhà văn Minh Lộc), nhạc sĩ Văn Lương đã từ bỏ Sài Gòn hoa lệ, nóp với giáo lên đường theo tiếng gọi non sông, nhưng những ca từ giàu hình ảnh, và giai điệu sống động của bài hát đã in đậm trong ký ức tuổi thơ. Hình ảnh anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng, lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới, anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang, cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang… để lại một ấn tượng thật sâu đậm. Sau đó, những cuộc hội đàm của ba tôi và nhạc sĩ Văn Lương, còn có thêm một vài thanh niên trẻ, nghe đâu từ tổng hội sinh viên Sài Gòn và một số anh chị lớp đệ tứ đệ tam, những  trường tư thục mà ba tôi giảng dạy, bài hát vang lên từ những người trẻ, không chỉ là hoài niệm, mà như có thêm luồng sinh khí mới…

Sau 30/4/1975, tôi mới biết đó là bài Nhạc rừng của nhạc sĩ Hoàng Việt, được sáng tác ở chiến trường miền Đông thời chống Pháp. Chiến trường Miền Đông đầu năm 1950, tập hợp hầu hết các văn nghệ sĩ từ khu 8, trong điều kiện thiếu đói lương thực trầm trọng, gạo muối phải tải từ Đồng Tháp Mười lên mất cả tháng, trong điều kiện đi lại nguy hiểm, khó khăn, vì thế mà đơn vị phải tự lực cuốc rừng làm rẫy. Được chia mấy hecta rừng ở suối Tha La,

cách nơi ở 15 cây số, anh em văn nghệ sĩ thay nhau lên đó tỉa bắp, trồng khoai. Thiếu đói trầm trọng, sốt rét hoành hành, nhưng anh em vẫn ra sức lao động, sáng tác.

Nửa đĩa cơm chia đỡ đói lòng,

Phá rừng gai móc xé da lưng

Mồ hôi đổ xuống se lòng đất

Cho lúa khoai lên mượt rẫy vồng.

Cơn sốt nằm run đến sập giường,

Rét xong lại dậy cuốc như thường.

Miền Đông “gian khổ mà anh dũng”

Đôi lúc tương tư một tán đường.

(Bài thơ Nhớ Miền Đông của Xuân Miễn)

Tổ tam tam thay phiên nhau đi rừng cuốc rẫy đợt ấy gồm: Minh Lộc, Hoàng Việt và Bích Lâm. Trong 3 người, đạo diễn Bích Lâm (cha của nghệ sĩ Xuân Hương) lớn tuổi nhất, thân hình to cao vạm vỡ của ông trái hẳn với tướng tá mảnh khảnh thư sinh của Hoàng Việt và Minh Lộc. Thương hai “chú em” vừa cắt cử cơn sốt rét, Bích Lâm giành lấy công việc nặng nhọc là phạt cỏ, cuốc đất, thồ nước từ suối lên, nhường những việc nhẹ như đặt hom (mì), gieo hạt cho Hoàng Việt và Minh Lộc. Trong đợt vác ba lô lên rừng làm rẫy ấy, (kéo dài 15 ngày), khi len lỏi qua cánh rừng, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách, yên bình, đã nẩy nở những giai điệu đầu tiên của bài Nhạc rừng, và ca từ cũng được tuôn trào như chính khung cảnh, tâm trạng của người chiến sĩ trẻ. Hoàng Việt đã hát với niềm hứng khởi rộn ràng những giai điệu vừa hình thành trong đầu, và được hai người bạn đường hết lòng cổ vũ, ngợi khen.

Sau 1954, đa số văn nghệ sĩ ở Phân liên khu Miền Đông tập kết ra miền Bắc, một số được phân công ở lại, trở về các đô thị, móc nối với các cơ sở tư trí vận, gây dựng phong trào trong lòng địch. Để hoạt động hợp pháp, mỗi người phải chọn cho mình một nghề nghiệp để mưu sinh. Ba tôi trở thành giáo sư giảng dạy ở các trường tư thục, chọn môi trường sư phạm để nhen nhóm ngọn lửa cách mạng từ việc khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong lớp trẻ. Dù sống trong lòng địch, những kỷ niệm về “một thời gian lao mà anh dũng” vẫn in đậm trong ký ức ông, và những chuyến đi rừng cùng nhạc sĩ Hoàng Việt, bài hát Nhạc rừng, bài hát của tuổi thanh xuân, của niềm lạc quan cách mạng, là những hồi ức đẹp đẽ mà ông và những đồng đội của mình muốn gìn giữ mãi như gìn giữ ngọn lửa dù âm ỉ nhưng có lúc sẽ cháy bùng lên.

Vì vậy, giai điệu Nhạc rừng đã từng vang lên rộn ràng ở một góc nhỏ đô thị miền Nam những năm đầu thập niên bảy mươi.

Thu Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 73)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 115
  • Khách viếng thăm: 103
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 2774
  • Tháng hiện tại: 283888
  • Tổng lượt truy cập: 67258379