Xúc tiến thương mại nông nghiệp- cần thêm nhiều điểm sáng

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/12/2016 10:05
Đó là nhận định của ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch trong buổi tổng kết công tác phối hợp xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2016 vào chiều 16-12.

Công tác phối hợp xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2016 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tổ chức. Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh như: 23 mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, với diện tích gần 6.500 ha; 106 ha cây ăn trái theo chứng nhận GlobalGAP; 118,43 ha chứng nhận VietGAP chủ yếu là vú sữa Lò Rèn, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, bưởi da xanh…; 3 mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn và 1 mô hình chuỗi cung ứng thịt gà an toàn.

Sản phẩm nông nghiệp rất cần được xúc tiến quảng bá hình ảnh. Ảnh: Phương Anh
Sản phẩm nông nghiệp rất cần được xúc tiến quảng bá hình ảnh. Ảnh: Phương Anh

Tình hình xuất khẩu nông sản của tỉnh bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, hàng hóa xuất khẩu ngày càng đa dạng. Các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo (101.909 tấn), rau, quả (5.938 tấn) lần lượt tăng 21,72% và 39,39% so với cùng kỳ năm 2015. Các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trực tiếp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông nghiệp, sử dụng các thông tin thị trường hoặc được hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh đã góp phần tăng cường nhận thức về thị trường mới, tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất. Ông Huỳnh Nguyên Anh, Giám đốc HTX Mỹ Lương chia sẻ: Trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh trạnh rất lớn về giá cả lẫn chất lượng. HTX là 1 đơn vị có nguồn vốn thấp so với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất nếu không có cơ chế giúp đỡ của các ban, ngành trong khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, có lẽ các HTX yếu sẽ rất khó phát triển.

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp xúc tiến thương mại vẫn còn 1 số mặt hạn chế. Đầu tiên là mức độ hỗ trợ cho các đơn vị tham gia chương trình chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN nên chưa thu hút được nhiều DN tham gia. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho xúc tiến thương mại còn thiếu. Nguồn nhân lực phục vụ công tác xúc tiến thương mại còn mỏng về số lượng, thiếu chuyên gia giỏi và đào tạo chuyên sâu. DN, HTX còn thiếu kỹ năng quản lý, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng giao tiếp đàm phán trong kinh doanh.

Nói về những khó khăn, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Cát Tường cho biết, Số lượng thanh long của tỉnh khá nhiều nhưng chất lượng chưa đồng đều, có những mô hình VietGAP hoạt động rất tốt nhưng cũng có một số hoạt động chưa hiệu quả. Khi vào những thị trường khó tính, DN chỉ nói cam kết chứ xúc tiến ký hợp đồng để cung cấp lâu dài thì lại không đủ nguồn cung. Đó là khó khăn trong khâu hợp tác. Trong công tác thu mua, vùng trồng thanh long của bà con đường sá chưa đồng bộ, từ đó khi thu hoạch rất dễ thất thoát trong khâu vận chuyển. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ một số thương lái nước ngoài cũng ảnh hưởng đến hoạt động thu mua của công ty và quyền lợi của bà con nông dân.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp cũng nhận định, hiện tại nhu cầu nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang ở mức cao, diện tích hiện tại không đủ đáp ứng lâu dài. Chính vì vậy, chúng ta phải tạo một chuỗi liên kết để mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về vấn đề mở rộng diện tích chứng nhận theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu hiện nay, ông Nguyễn Tấn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: “Với quy mô của nền nông nghiệp hiện nay, lực lượng cán bộ kỹ thuật đào tạo rất nhiều, các mô hình trên các sản phẩm được xây dựng theo tiêu chuẩn, vấn đề nhân rộng sẽ nằm trong tầm tay”.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, các DN, HTX trong tỉnh phần lớn là các DN nhỏ và vừa, vốn kinh doanh ít, hạn chế trong sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chưa quan tâm đến cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Công nghệ chế biến sau thu hoạch còn hạn chế, chưa xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật, EU… Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đang gặp khó do chất lượng còn hạn chế, từ đó các mặt hàng nông sản khó lọt vào các thị trường khó tính. Ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho cho biết: Hiện siêu thị đang tiêu thụ các mặt hàng rau, quả của tỉnh với số lượng khá. Ở mặt hàng rau, nhu cầu của siêu thị khá nhiều nhưng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vi sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay chưa đáp ứng được. Nếu các cơ sở sản xuất của tỉnh đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về vi sinh và dư lượng thuốc trừ sâu, siêu thị sẵn sàng ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài.

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch cho biết: Trong xúc tiến thương mại chia làm 2 mảng rạch ròi, một là xúc tiến ở thị trường nội địa, hai là xúc tiến xuất khẩu. Về thị trường nội địa, khi tham dự các hội chợ triển lãm phải lựa chọn ra các hội chợ, lựa chọn DN phù hợp với hội chợ. Thị trường mà chúng ta cần ưu tiên lựa chọn là thị trường TP. Hồ Chí Minh hoặc thị trường tiềm năng ở khu vực miền Trung và đặc biệt là Hà Nội. Về xúc tiến xuất khẩu, trái cây nhiệt đới khi tham gia hội chợ được sự chú ý rất lớn của người dân châu Âu, nhiều người rất thích do có những đặc điểm nổi trội. Cái khó hiện nay của nông sản khi xuất đi xa là thời gian bảo quản và chất lượng. Sản phẩm của Việt Nam phải làm sao cải thiện được uy tín sản phẩm.

Minh Thành
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 430
  • Khách viếng thăm: 423
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 50602
  • Tháng hiện tại: 1799502
  • Tổng lượt truy cập: 48173629