Sức bật Tân Hòa Thành

Đăng lúc: Thứ hai - 05/10/2015 04:52
Năm 2011, Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) đón nhận niềm vui khi được chọn làm xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh niềm vinh dự đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã cũng đã xác định đây là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi phải khắc phục nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao mới có thể xây dựng thành công xã NTM. Và hôm nay, xã vùng ven Đồng Tháp Mười đã biến quyết tâm đó thành hiện thực.
Tân Hòa Thành trang hoàng cổng chào chuẩn bị cho ngày ra mắt xã đạt chuẩn NTM.
Tân Hòa Thành trang hoàng cổng chào chuẩn bị cho ngày ra mắt xã đạt chuẩn NTM.

Con đường về trung tâm xã Tân Hòa Thành trong những ngày cuối tháng 9 này, không khí tất bật cho những công việc trang hoàng đường sá, cổng chào, cờ hoa chuẩn bị cho ngày ra mắt xã đạt chuẩn NTM. Các tuyến đường nối với đường vào trung tâm xã được dal hóa, nhựa hóa vào tận ngõ xóm. Trên các cánh đồng, nông dân đang bắt đầu vụ lúa mới, bên cạnh những ruộng rau màu xanh mướt.

Cảm nhận về những đổi thay trên quê hương mình, anh Nguyễn Hữu Sơn, ấp Tân Quới bày tỏ: “Chỉ cách đây 4 năm thôi mà bộ mặt của xã và đời sống người dân trong xã thay đổi thấy rõ. Đường sá được trải nhựa, bê tông thông thoáng, sạch đẹp, sáng đèn đến tận xóm, ấp. Trường học khang trang hơn.

Nhờ được các cấp, các ngành hỗ trợ xây dựng mô hình, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mà sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn, góp phần đưa đời sống người dân nâng lên một bước đáng kể. Ngoài làm nông nghiệp, người dân còn có thể làm thêm nghề bàng buông, góp phần tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình”.

Thế nhưng, để có được kết quả hôm nay, nhìn về quá trình đi lên NTM của xã vùng ven Đồng Tháp Mười còn nhiều khó khăn này, chúng ta sẽ thấy không hề dễ dàng chút nào.

Ông Huỳnh Hữu Đan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, khi triển khai xây dựng NTM vào năm 2011, xã chỉ có 7 tiêu chí đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia với chủ yếu thuộc các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục. Các tiêu chí còn lại đạt khá thấp và rất khó hoàn thành. Trong đó, điều quan tâm và trăn trở trước hết phải kể đến là cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém. Hầu hết các tuyến đường trục xã, liên ấp chỉ là đường đất, trải đá xanh cấp phối hoặc đường dal rộng 1,5 m.

Khi đó, xã chưa có trường đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống cơ sở vật chất, văn hóa còn nhiều yếu kém, nhất là hệ thống nhà văn hóa ấp. Việc tiếp cận chương trình xây dựng NTM của cán bộ, đảng viên, công chức xã còn lúng túng. Bước đầu nhận thức của người dân còn chưa cao. Đời sống người dân trong xã còn nhiều khó khăn nên mức đóng góp vào xây dựng NTM, nhất là xây dựng giao thông nông thôn rất hạn chế.

Thế mà sau hơn 4 năm triển khai chương trình, xã đã nỗ lực vượt qua khó khăn bằng nhiều cách làm như tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân; đẩy mạnh phát huy nguồn lực trong dân vào xây dựng NTM. Từ xác định các tiêu chí về cơ sở hạ tầng rất quan trọng, tác động đến nhiều tiêu chí khác, xã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và hoạt động sản xuất.

Đến nay, xã đã thực hiện được 1 tuyến và đang thực hiện 2 tuyến đường liên xã, trục xã (toàn xã có 3 tuyến); 17 km đường trục ấp, liên ấp đã được cứng hóa; đường ngõ xóm bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa, trong đó trên 31% đường ngõ xóm đã được cứng hóa. Toàn xã có 3 trong số 4 trường học đạt chuẩn Quốc gia...

Xác định mục tiêu xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, từ đó, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hàng hóa; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả; phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác; xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế như: mô hình trồng nấm bào ngư, nuôi gà trên đệm lót sinh học, chăn nuôi bò sinh sản, nuôi ếch, sản xuất lúa theo “1 phải 5 giảm” gắn với trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng (hàng năm thực hiện từ 20 - 25 ha)… Các mô hình sản xuất trên sau khi thực hiện đã đạt hiệu quả kinh tế khá cao nên đang được xã tiếp tục nhân rộng.

Song song với xây dựng mô hình sản xuất, xã cũng tiến hành củng cố, nâng chất 2 tổ hợp tác trên địa bàn; tổ chức tập huấn gần 90 cuộc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, có hàng ngàn lượt nông dân tham dự; phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức 15 lớp dạy nghề về lĩnh vực nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, xã còn nỗ lực duy trì các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhất là nghề bàng buông để giải quyết lao động nông nhàn trên địa bàn, giúp nâng cao thu nhập người dân.

Không dừng lại ở đó, để tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, thông qua các tổ chức tín dụng, người dân được tạo điều kiện vay vốn từ ngân hàng, quỹ tín dụng để phát triển sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, có 1.700 lượt hộ vay 34 tỷ đồng. Nguồn vốn này cùng với nguồn vốn nội lực trong dân đã giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội cho hộ dân thoát nghèo.

Từ những nỗ lực trên, thu nhập của người dân đã nâng lên từ 17 triệu đồng/năm vào năm 2011, đến nay đạt gần 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ gần 9% xuống còn dưới 5%.

Ngoài ra, do địa bàn gần Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp Tân Hương…, qua tập trung tuyên truyền, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức khác nhau, mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đã giúp chuyển dịch lao động mạnh mẽ trên địa bàn. Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn xã trên 91,3%, góp phần tăng thu nhập hộ dân.

Dù kết quả đạt được rất đáng tự hào nhưng theo ông Huỳnh Hữu Đan, hiện nay xã chỉ mới đạt chuẩn các yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM nên cần tiếp tục nâng cấp với mức độ hoàn thiện hơn, chất lượng cao hơn, nhất là các tiêu chí thu nhập, giao thông…

Cụ thể, xã đã có kế hoạch, định hướng nâng cấp các tiêu chí NTM từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung nhân rộng các mô hình, dự án hiệu quả; tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng; giảm nghèo bền vững; xóa 42 nhà tạm, nâng tỷ lệ nhà ở đạt “3 cứng” qua việc tranh thủ các nguồn vốn từ vốn 167, vốn vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm và trong dân để xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết nhằm nâng cấp tiêu chí này; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản.

Ngô Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Khách viếng thăm: 214
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 17529
  • Tháng hiện tại: 2516915
  • Tổng lượt truy cập: 48891042