Kỳ vọng ngành Du lịch Tiền Giang "cất cánh"

Đăng lúc: Thứ tư - 26/02/2014 13:54
Năm 2013, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành Du lịch cả nước, du lịch Tiền Giang cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những yếu tố bất lợi đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, ngành Du lịch Tiền Giang vẫn đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 9,31% so với năm 2012, trong đó, có 586.692 lượt khách quốc tế, tăng 8,16% so với năm 2012 và 691.203 lượt khách nội địa, tăng 10,31% so với năm 2012. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 330 tỷ đồng, tăng 17,41% so với năm 2012.

Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, có 50 ngàn lượt khách du lịch đến Tiền Giang, tăng 14,4% so với Tết Nguyên đán năm trước, trong đó có 14 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu trong những ngày Tết tăng đến 53,5% so với cùng kỳ...

Những tín hiệu lạc quan ngay vào thời điểm đầu năm đã khiến ngành Du lịch Tiền Giang phấn chấn và kỳ vọng nhiều hơn về một năm 2014 thắng lợi, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Chèo xuồng trên sông là một trong những sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch ở Khu du lịch Thới Sơn.
Chèo xuồng trên sông là một trong những sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch ở Khu du lịch Thới Sơn.

Có nhiều cơ sở để tin vào triển vọng phát triển của du lịch Tiền Giang trong tương lai gần. Trước hết là nhờ tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh nhà. Trải dài theo dòng sông Tiền và vươn ra vùng biển Đông với chiều dài 120km, Tiền Giang đã hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên rất thuận lợi để phát triển du lịch.

Vùng sinh thái nước ngọt gồm những kinh rạch chằng chịt, mênh mông sông nước, cùng với vườn cây trái trên các cù lao và vùng dân cư nằm dọc sông Tiền của các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TP. Mỹ Tho đã hình thành Khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cù lao Thới Sơn; Khu du lịch Cái Bè, trong đó cù lao Thới Sơn hiện là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh Tiền Giang, mỗi năm đón hơn 300.000 lượt khách (có 70% là khách quốc tế).

Bên cạnh đó là vùng sinh thái ngập mặn hình thành nên Khu du lịch biển Tân Thành, phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ biển, trong tương lai sẽ nối tuyến với bãi biển Vũng Tàu và các nơi khác bằng thuyền máy du lịch và thuyền cao tốc.

Vùng sinh thái ngập phèn ở huyện Tân Phước là đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nên khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười với khu trung tâm 100ha và mở rộng vùng đệm xung quanh từ 100-150ha rừng tràm. Đây là hệ sinh thái ngập phèn độc đáo ở Việt Nam với những loài động, thực vật đặc hữu như: tràm vó, sao, súng, bàng, lác, chim, cò, trăn, rùa, ong mật... sẽ phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như là nơi tham quan nghỉ dưỡng.

Ngoài việc tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách theo hướng du lịch sinh thái, Tiền Giang còn phát triển du lịch theo hướng du lịch lịch sử - văn hóa và lễ hội dân gian. Tiền Giang hiện có 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, trong đó có 10 di tích lịch sử - văn hóa đang thu hút mạnh khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu như: Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Nhà thờ Trương Định, Lăng Thủ Khoa Huân, Lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, khảo cổ Óc Eo Gò Thành...

Để tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan phong cảnh sông nước Tiền Giang, tỉnh luôn mở thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, có tính hấp dẫn cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế như: Du thuyền trên sông Tiền, tham quan vườn cây ăn trái đặc sản Tiền Giang, đò chèo trên sông, rạch, nghe đờn ca tài tử, tham quan làng nghề truyền thống, thăm Trại rắn Đồng Tâm - nơi có khu nuôi dưỡng rắn độc lớn nhất Đông Nam Á...

Do làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động du lịch, nhiều làng nghề truyền thống ở Tiền Giang đã được khôi phục, các phong tục cổ truyền độc đáo tại miệt vườn sông nước Tiền Giang cũng được phát huy. Điển hình như: Nghề làm cốm kẹo, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và những nguyên liệu tại chỗ, nuôi ong mật, sinh hoạt đờn ca tài tử miệt vườn sông nước… tạo nên nét độc đáo trong bản sắc văn hóa ở những điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang và đã thật sự thu hút du khách.

Cùng với đó, cơ sở vật chất hoạt động kinh doanh du lịch của Tiền Giang phát triển khá mạnh với 41 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 16 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 23 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và 2 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch; 221 hướng dẫn viên du lịch; 210 cơ sở lưu trú du lịch; 24 nhà hàng. Phương tiện vận chuyển khách du lịch có 322 thuyền máy, 307 đò chèo và 6 ca-nô...

Kế đến là nhờ các giải pháp, chính sách làm du lịch khá hợp lý gần đây. Đó là hàng loạt chương trình giảm giá, kích cầu, qua đó thu hút người dân trong nước cũng như khách quốc tế chi tiêu cho du lịch nhiều hơn. Ngoài ra, Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được thực hiện bài bản hơn, hướng đến mục tiêu đến năm 2020 phát triển du lịch Tiền Giang cơ bản trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Khả năng đóng góp của ngành kinh tế du lịch trong tổng GDP của tỉnh đến năm 2015 là 4,54% và đến năm 2020 là 4,62%.

Những yếu tố trên đã tạo cho du lịch Tiền Giang có nhiều khởi sắc, với lượng du khách đến Tiền Giang mỗi năm mỗi tăng và kinh doanh du lịch đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi năm Tiền Giang đón trên 1 triệu lượt du khách và là tỉnh được đánh giá là có lượng khách quốc tế đến du lịch, tham quan chiếm tỷ trọng rất cao so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2014, Tiền Giang sẽ đầu tư 430 tỷ đồng để phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát huy tiềm năng du lịch sinh thái nhằm thu hút 633.900 lượt khách quốc tế và 752.900 lượt khách nội địa, với tổng doanh thu từ du lịch 376,2 tỷ đồng.

Với những yếu tố nền tảng đã có sẵn và sự đầu tư tập trung vào một số nội dung của ngành du lịch Tiền Giang như: Kiện toàn cơ sở vật chất, sắp xếp tuyến, tour du lịch hợp lý, hấp dẫn kết hợp khai thác các tuyến du lịch mới và đa dạng các sản phẩm du lịch... thì ngành công nghiệp “không khói” của Tiền Giang có “cất cánh”, cũng như có đạt được mục tiêu đề ra hay không chỉ còn tùy thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo ngành. Và việc nên bắt đầu làm ngay là giải quyết rốt ráo các mặt hạn chế, đẩy lùi tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách, cùng những vi phạm trên lĩnh vực kinh doanh du lịch...

Phương Nghi
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 187
  • Khách viếng thăm: 184
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 36091
  • Tháng hiện tại: 2480981
  • Tổng lượt truy cập: 48855108