Công ty TNHH SX - TM Phú Đạt: Sản phẩm "độc" sản xuất không đủ để bán

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/01/2015 09:40
Đối với không ít doanh nghiệp, việc xuất khẩu được sản phẩm sang 2 thị trường khó tính Nhật Bản và Hàn Quốc là một thành công. Vậy mà, sản phẩm “độc” của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phú Đạt dù được sản xuất với số lượng lớn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho 2 thị trường này.
Loại lưới dùng để rào xung quanh trang trại.
Loại lưới dùng để rào xung quanh trang trại.

Bán hàng “độc” cho Nhật và Hàn Quốc

Nhắc đến Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phú Đạt ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông không nhiều người biết đến. Đơn giản, doanh nghiệp này làm ra sản phẩm không bán cho thị trường trong nước mà xuất thẳng sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dẫn chúng tôi tham quan 1 vòng nhà máy, ông Phạm Đức Thuyên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiêm Tổng Giám đốc công ty giới thiệu: Nhà máy rộng 2,5ha nhưng toàn bộ được lắp đặt hệ thống máy móc từ Nhật Bản, rất hiện đại. Mỗi sản phẩm làm ra đều có khu riêng biệt. Cụ thể, khu này là hệ thống máy để dùng kéo chỉ, nhuộm màu, cuộn chỉ vào ống; còn khu bên đây là hệ thống máy kéo sắt theo tiêu chuẩn của từng mặt hàng…

Máy cuốn và nhuộm chỉ được lắp đặt từ Nhật Bản.
Máy cuốn và nhuộm chỉ được lắp đặt từ Nhật Bản.

Sau khi thực hiện các công đoạn phụ xong, công nhân sẽ chuyển qua công đoạn chính là làm ra các sản phẩm như: Lưới để rào xung quanh trang trại, lưới làm giàn trồng dưa leo, măng tây, đậu Hà Lan; đặc biệt có các loại lưới để chống côn trùng, chống nắng, chống chim, chống thú rừng, khung nhà kín dùng cho mùa đông…

Rồi ông dẫn qua khu đặc biệt sản xuất các dụng cụ dùng cho thủy sản như: Lồng lưới nuôi sò điệp, ngọc trai; các loại bẫy đánh bắt thủy sản. Tất cả các sản phẩm này được phục vụ cho nền nông nghiệp công nghệ cao, theo tiêu chuẩn mới nhất của Nhật Bản (không có khí thải, nước thải; sản xuất bằng nguyên liệu chính phẩm và tất cả các công đoạn đều không ảnh hưởng đến môi trường).

Một loại lưới dùng trong nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản.
Một loại lưới dùng trong nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản.

“Từ khi thành lập đến nay, công ty xuất khẩu 90% sản phẩm sang thị trường Nhật Bản và 10% sang thị trường Hàn Quốc. Mới đây, nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc đã cử đại diện đến tham quan công ty, đàm phán để nâng số lượng nhập khẩu vào 2 thị trường này. Vì vậy, chúng tôi cũng đang tính toán mở rộng diện tích, nâng cao năng suất để đáp ứng nhu cầu của họ” - ông Thuyên cho biết.

Đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường khó tính đưa ra, các sản phẩm của công ty ông Thuyên đều bán được giá cao. Năm 2011 công ty đạt doanh thu 25 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 1 triệu USD; năm 2013 công ty đạt doanh thu 58 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 2,6 triệu USD…

Sản xuất lưới dùng để nuôi hải sản dưới biển. Ảnh: NGUYỄN SỰ
Sản xuất lưới dùng để nuôi hải sản dưới biển.

Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phú Đạt được thành lập vào năm 2008 và năm 2010 đi vào sản xuất. Công ty hoạt động theo nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của Công ty Thịnh Phú, TP. Hồ Chí Minh (do ông Thuyên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc).

Ông Thuyên cho biết: “Sau khi thành lập Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phú Đạt, phía Nhật Bản có nhu cầu rất lớn các sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, công ty mới thành lập nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước tình hình trên, chúng tôi quyết định sang Nhật Bản 1 chuyến và tìm hiểu thêm những nhu cầu của họ.

Phía Nhật cũng đòi hỏi chúng tôi phải tự làm được từ nguyên liệu cho đến thành phẩm. Nhưng công ty chưa đáp ứng được nguyên liệu nên mới đề xuất mượn máy móc hiện đại của Nhật về sản xuất ra nguồn nguyên liệu. Phía Nhật đã đồng ý. Sau đó, chúng tôi cử kỹ thuật viên sang Nhật học hỏi kinh nghiệm vận hành máy. Chỉ trong thời gian ngắn, nguồn nguyên liệu đã được sản xuất thành công và công ty mua lại toàn bộ hệ thống máy móc, công nghệ của họ”.

Nghĩ đến nền nông nghiệp Việt Nam

Lo công tác an sinh xã hội cùng địa phương

Ông Phạm Đức Thuyên cho biết, công ty của ông cũng rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội ở địa phương. Hiện công ty đang phụng dưỡng 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Tân Đông và xã Kiểng Phước.

Công ty cũng xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; ủng hộ Quỹ khuyến học, các phong trào, hoạt động do địa phương phát động. Công ty cũng rất quan tâm đến đời sống công nhân như: Xây dựng “Mái ấm công đoàn”, thăm hỏi, tặng quà cho gia đình công nhân gặp khó khăn…

Lấy 1 bịch lưới thành phẩm để làm giàn dưa leo đưa cho chúng tôi cầm thử, ông hỏi có cảm nhận gì khác so với lưới dùng để làm dưa leo của chúng ta không. Cũng cùng chiều dài, chiều rộng nhưng lưới xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc nhẹ chỉ bằng 1/3 trọng lượng và chất lượng thì tốt gấp nhiều lần so với lưới nông nghiệp của chúng ta.

Sau đó, ông tiếp tục lấy bịch lưới chống côn trùng và nói: Đây là loại lưới được làm từ những thiết kế công nghệ rất cao của Nhật Bản. Loại lưới này nhìn xa từ 10 - 20 m thì không thấy để cây hoặc rau màu quang hợp.

Ông Thuyên tâm sự: “Ở Nhật, đất sản xuất nông nghiệp rất ít, đa số rừng núi và biển, nhưng lại rất thành công với nền nông nghiệp. Trong khi đất đai phục vụ cho nông nghiệp của chúng ta rất trù phú, thời tiết thuận lợi, nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng tại sao nền nông nghiệp của chúng ta chưa phát triển được như ở Nhật? Đó là vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ”.

Dẫn vào phòng trưng bày hình ảnh mà phía Nhật áp dụng các sản phẩm của công ty ông phục vụ cho nền nông nghiệp công nghệ cao, ông Thuyên nói: “Chúng tôi đến thăm các khu vườn của Nhật thấy mà ham. Ở Nhật, vào mùa nắng thì oi bức, còn vào mùa đông thì tuyết phủ trắng; thú rừng, côn trùng… luôn đe dọa khu vực sản xuất nông nghiệp, nhưng họ đều có lưới che chắn bên ngoài; tránh phun thuốc để không ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm đạt năng suất.

Còn đối với thủy sản, họ nuôi sò điệp, ngọc trai… bằng lưới chằng chịt dưới biển, ít quan tâm đến việc khai thác tự nhiên”. Trong quá trình sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp của Nhật đều cung cấp nguồn nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật, đến khi thu hoạch sẽ mua đúng với giá hợp đồng từ trước. Nông dân như người làm thuê ngay trên mảnh đất của mình nhưng “lợi quả” mang lại rất cao”.

“Tôi xem báo, đài thấy Việt Nam nói nhiều về mối liên kết “4 nhà”, làm khép kín, gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp… nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Trong khi Nhật Bản đối diện với muôn vàn khó khăn về đất đai, thổ nhưỡng cũng như khí hậu nhưng họ đã làm rất thành công, từ đó đưa nền nông nghiệp phát triển vượt bậc” - ông Thuyên tâm sự.

Khoảng cuối tháng 1-2015, một doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ chở 2 đoàn nông dân Nhật đến tham quan nhà máy sản xuất của công ty ông Thuyên. Ông cho biết, các doanh nghiệp Nhật rất “cưng” nông dân. Sau khi kết thúc mùa vụ, họ mời những nông dân gắn bó với mình đi tham quan… Do vậy, nông dân chưa bao giờ bỏ doanh nghiệp.

Sĩ Nguyên
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Khách viếng thăm: 213
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 50835
  • Tháng hiện tại: 2495725
  • Tổng lượt truy cập: 48869852