Để đề tài, dự án khoa học phát huy hiệu quả

Đăng lúc: Thứ tư - 24/07/2013 16:29
Khảo sát về hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) từ nguồn ngân sách tỉnh trong hơn 7 năm qua (2006-2013) cho thấy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả nhất định nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít hạn chế cần được tiếp tục mổ xẻ để khắc phục.
Lai tạo thanh long. Ảnh: Minh Nhựt

Lai tạo thanh long. Ảnh: Minh Nhựt

Đề tài, dự án nhiều, nhưng thiếu tính đột phá

Theo báo cáo của Sở KHCN thì từ năm 2006 - 2013 toàn tỉnh có 74 chương trình, đề tài, dự án KHCN với vốn đầu tư 84,2 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cấp cho sự nghiệp khoa học; ngoài ra trong 5 năm gần đây tỉnh cũng đã thực hiện “xã hội hóa” công tác nghiên cứu, ứng dụng được 16 đề tài với kinh phí 17,2 tỷ đồng.

Mới đây, theo báo cáo của HĐND tỉnh thì một số đề tài có bám sát nhu cầu của tỉnh, đặc biệt đối với Viện Cây ăn quả miền Nam, các đề tài nghiên cứu của cơ quan này sau khi ứng dụng vào sản xuất đã giúp người nông dân nâng cao chất lượng hạt lúa và các loại trái cây đặc sản của tỉnh là sơ ri Gò Công, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cây khóm Tân Lập và xoài cát Hòa Lộc…

Đối với lĩnh vực công nghiệp có dự án “Ứng dụng phương pháp luận đánh giá sạch hơn để xây dựng công cụ quản lý môi trường công nghiệp tại Tiền Giang” đã làm cơ sở hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, góp phần tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường.

Đối với số lượng đề tài, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội tuy còn ít nhưng cũng đã tác động tích cực vào đời sống xã hội, nhất là các đề tài lịch sử của ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Y tế đã góp phần giáo dục truyền thống ngành, hay như đề tài “Ứng dụng chiến lược hen toàn cầu (GINA) trong quản lý và điều trị hen tại tỉnh Tiền Giang” đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ kịch phát những cơn hen cấp tính, những cơn hen nặng, giảm chi phí điều trị, kiểm soát được bệnh hen; hay như đề tài “Lồng ghép giáo dục sức khỏe tại Trung tâm học tập cộng đồng” (một dạng mô hình “Bác sĩ gia đình cải tiến”) đang làm thí điểm, nếu nhân rộng được ra toàn tỉnh sẽ giúp giảm tải bệnh viện…

Một số đề tài còn được thực hiện theo “đơn đặt hàng” của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhất là các dự án nghiên cứu về lĩnh vực cây, con và lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, một thực tế cũng cho thấy, hoạt động nghiên cứu KHCN của tỉnh nhìn chung vẫn còn hạn chế đã kéo dài nhiều năm về cơ cấu số lượng và chất lượng trong nghiên cứu - ứng dụng đề tài, nhất là chưa có đề tài có tính đột phá cao để tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực nghiên cứu chưa đa dạng, không đồng đều (lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 2/3 số đề tài, lĩnh vực công thương chiếm gần 1/4 số lượng đề tài, còn lại mới là các lĩnh vực văn hóa - xã hội)…

Mặt khác, thực tế là hoạt động nghiên cứu khoa học giữa các ngành, cơ quan vẫn chưa có sự gắn kết với nhau khi cùng nghiên cứu các nội dung có liên quan (ví dụ như dự án phát triển chất lượng cây ăn quả chủ lực của tỉnh), cũng như trong liên kết sử dụng và phát huy trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu KHCN…

Đặc biệt, theo ý kiến đoàn giám sát đã được HĐND tỉnh báo cáo tại kỳ họp mới đây thì chất lượng về giá trị khoa học và thực tiễn của một số đề tài, dự án chưa cao, hiệu quả ứng dụng thấp, hoặc chỉ tác động trong phạm vi hẹp, không duy trì lâu dài, chưa tương xứng với công sức và chi phí đầu tư nghiên cứu; đa số các đề tài, dự án khi triển khai áp dụng trên diện rộng thì không đánh giá được định lượng mà chỉ đánh giá được định tính - nhất là các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội; thậm chí một số đề tài làm xong nhưng lại hạn chế trong việc đăng tải thông tin để phổ biến kết quả nghiên cứu, nghiệm thu trên các tập san KHCN và các phương tiện thông tin khác để các ngành, địa phương tham khảo, tra cứu ứng dụng, nhân rộng…

Giải pháp khắc phục

Để việc nghiên cứu, ứng dụng đề tài KHCN được đi vào quỹ đạo một cách bài bản, tránh lãng phí vốn nghiên cứu KHCN, một mặt tỉnh cần đề nghị Trung ương  phân bổ kinh phí sự nghiệp KHCN đảm bảo đủ 2% tổng chi ngân sách tỉnh hàng năm (hiện nay chỉ trên dưới 0,5%), tăng tỷ lệ hỗ trợ dự án sản xuất thử nghiệm hiện nay từ 30 - 70%  lên 50 - 80%, có cơ chế đặc thù trong việc đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ cán bộ, công chức tham gia nghiên cứu KHCN tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Về phía địa phương trong một số trường hợp cũng cần mạnh dạn hỗ trợ kinh phí để quảng bá, nhân rộng các đề tài, dự án được nghiệm thu đạt kết quả cao (đạt loại A) và có tính khả thi trong ứng dụng rộng rãi; có chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác nghiên cứu KHCN - đây chính là giải pháp để “tiền đẻ ra tiền”. Bên cạnh đó, trong xét chọn đề tài nghiên cứu cần ưu tiên cho các đề tài liên quan đến việc cải thiện chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian; chú ý tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây tươi phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra để thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, tỉnh cũng cần nghiên cứu cơ chế đặt hàng và đấu thầu nghiên cứu các đề tài, dự án mang tính chiến lược gắn với quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh; làm tốt công tác phối hợp giữa Sở NN-PTNT tỉnh và Viện Cây ăn quả miền Nam trong triển khai các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp để phát huy hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí nếu nghiên cứu trùng lắp hoặc tiệm cận nội dung; xây dựng “nội lực” của tỉnh thông qua việc nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KHCN tỉnh nhanh chóng thành Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ mạnh của tỉnh và của vùng ĐBSCL theo định hướng đã được nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020…

Quốc Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

dự án khoa học

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 403
  • Khách viếng thăm: 401
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 90495
  • Tháng hiện tại: 1839395
  • Tổng lượt truy cập: 48213522