Đã gần 31 năm kể từ ngày tôi - một cây viết mới trong quân đội ở tận vùng biên giới Tây Bắc Campuchia xa xôi, may mắn được về Thành phố Hồ Chí Minh, trên đường đi Phnôm Pênh dự trại sáng tác dành cho các cây bút quân tình nguyện do Tổng cục Chính trị tổ chức ở khu vực Tua Cốp, ngoại vi Phnom Pênh, do nhà văn quân đội lão thành Vũ Sắc làm trại trưởng. Ở đó tôi đã gặp những cây bút chủ lực của Quân đoàn 4 đầu những năm 1980 như Lê Huy Khanh, Nguyễn Quốc Trung, Ngô Thế Dân, Trần Đình Thế và Lê Quốc Phong.
Và may mắn hơn nữa là tôi được trở thành học viên chính thức của lớp bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ khoá 2 do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 12 năm 1982 tại Hội trường số 62 đường Trần Quốc Thảo, quận 3. Nói may mắn vì giữa những ngày chiến trận, được trở về phía sau đã là hạnh phúc, nếu không nói là hạnh phúc tuyệt vời, lại được bồi dưỡng viết văn, được nghe truyền thụ kinh nghiệm nghề nghiệp từ bao nhiêu bậc văn tài đi trước. Những Sơn Nam, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Hạnh, Nguyễn Khải, Anh Đức, Viễn Phương, Giang Nam, Vũ Thị Thường, Trần Thanh Địch, Lê Đình Kỵ, Hoàng Thiệu Khang, Hoàng Nhân, Phùng Quí Nhâm, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Duy và nhiều người khác nữa.
Người tổ chức những buổi chuyện trò văn nghệ và văn... nghề đó trong thời gian 2 tháng không ai khác hơn là nhà văn Trần Thanh Giao, với sự trợ giúp hết sức đắc lực của nhà văn Thanh Giang và nhà văn mới nổi Hiền Phương. Như một bài giảng mà ông đảm nhiệm trong chương trình, gần như là bài mở đầu cho quá trình bồi dưỡng về nền văn học mới, sau khi đã dành hơn một tuần nhìn lại nền văn hoá văn nghệ thực dân mới của Sài Gòn trước tháng 4.1975 do nhà văn Vũ Hạnh và nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn hướng dẫn, bài
Bồi dưỡng vốn sống và vốn viết, nhà văn Trần Thanh Giao đã như tự bộc lộ mình, hay nói đúng ra là ông tự mở lòng ra để trao đổi cùng những cây bút ít nhiều đã từng có bài, có sách in ở Sài Gòn trước năm 1975.
Những học viên khoá 2 của Trại sáng tác và bồi dưỡng Lực lượng viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngoài những cây bút mới của thành phố như Trần Thanh Tâm, Nguyễn Xuân Châu, Phan Thị Hà, Hoàng Thị Thọ..., còn có Khôi Vũ (hồi viết cho
Tuổi Hoa - tờ báo dành cho tuổi học trò, toà soạn ở 28B Kỳ Đồng, quận 3, ký tên là Nguyễn Thái Hải), Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang ở Đồng Nai, Từ Nguyên Thạch ở Sông Bé, một số cây bút của Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long có... Phạm Trung Khâu.
Tôi không thể nào quên lời dặn dò của ông dành cho học viên lớp bồi dưỡng viết văn là phải tăng cường vốn văn hoá của bản thân người viết bằng việc lùng sục vào kho tàng văn hoá nghệ thuật của dân tộc và nhân loại. Để làm được việc đó, người sáng tác cần phải tập cho mình thói quen đọc sách báo và làm tư liệu, phải có chương trình tự học cá nhân thật nghiêm túc và cái cần kíp không kém phần quan trọng là phải có trình độ ngoại ngữ để có thể đọc trực tiếp được một số tác phẩm nước ngoài phổ biến. Một lời dặn dò ngỡ như rất cố điển, rất xưa cũ, rất sáo mòn, ấy thế mà đến nay, ngẫm lại tôi thấy nó còn nguyên giá trị và cực kỳ thời thượng. Để có được lời dặn dò tâm huyết ấy, tôi nghĩ ông cũng đã trải qua và trải nghiệm bằng chính cuộc đời viết văn của mình.
Lúc mới về Hội Nhà văn Thành phố, tôi cứ nghĩ ông là một nhà báo chuyển qua làm nhà văn, vì thành phố đang cần những con người như thế, những con người có bản lĩnh chính trị vững vàng và một cái phông văn hoá tương đối ổn.
Thật ra không như vậy. So về tuổi đời thì ông trẻ hơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng 5 tháng tuổi, vào nghề viết văn, làm báo sau ông Sáng đôi ba năm, nhưng bù lại ông có thời làm báo kháng chiến chống Pháp trong chiến khu (dù chỉ là thầy cò), rồi làm thợ nhà in báo
Nhân dân (sau tập kết 1954), sau đó thành phóng viên báo
Nhân dân, chuyên viên chăm lo lực lượng sáng tác văn học của Tổng Liên đoàn Lao động, biên tập viên Nhà xuất bản Lao động rồi lại làm phóng viên báo
Thống nhất, báo
Giải phóng rồi báo
Đại đoàn kết trước khi về Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Chính những năm tháng ở miền Bắc, trải qua nhiều công việc tiếp xúc với chữ nghĩa, đã làm cho ông, một cây bút gốc Nam Bộ, mà chính tả và ngữ pháp rất chỉn chu.
Khi tôi chuyển ngành về công tác tại Hội Nhà văn Thành phố tháng 11.1988 thì ông đang làm thủ tục bàn giao chức Giám đốc Trại Sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ cho nhà văn Thanh Giang, còn ông chuyển sang làm Phó Tổng biên tập Tạp chí
Văn, cũng của Hội Nhà văn. Được một thời gian làm phó cho nhà văn Anh Đức, theo lời mời của Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 1990, ông chuyển về tham gia tờ tin Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho việc ra mắt với công chúng rộng rãi bằng một măng-sét mới: báo
Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Bằng vào sự tín nhiệm của các hội viên, nhà văn Trần Thanh Giao đã 5 lần liên tục là thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Thành phố, từ khoá 1 đến khoá 5, nghĩa là gần 30 năm tham gia công tác trong ban lãnh đạo của Hội, với nhiều cương vị và chức vụ khác nhau, từ Thư ký thường trực, đến Uỷ viên Ban Thư ký, Uỷ viên Ban Thường vụ hay chỉ là Uỷ viên thường. Dù ở cương vị hay chức trách nào, đối với ông việc tổ chức bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và tổ chức đi thực tế cho nhà văn vẫn là công việc ông quan tâm hàng đầu.
Đến những năm trước 2010, dù đã xấp xỉ lứa tuổi 80, nhà văn vẫn tích cực tham gia các chuyến đi thực tế của các nhà văn thành phố đến những địa bàn lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, không chỉ với tư cách là thành viên, mà nhiều khi là người tổ chức.
Con người sinh ra ở quận Ô Môn, Cần Thơ, tuổi thơ lớn lên ở Sài Gòn, rồi về lại quê nhà đi học trung học trước khi thoát ly vào chiến khu năm 1950 sau sự kiện học sinh Trần Văn Ơn. Con người từ một cậu học sinh tham gia kháng chiến, rồi làm công nhân trực tiếp, và bằng nỗ lực tự học của mình dần trở thành một người trí thức - một trí thức có bản lĩnh - không phải là chuyện đùa. Càng không là chuyện đùa khi ông đã xem việc chăm sóc, ươm mầm cho những búp măng văn học trở thành những cây tre văn học, đứng sừng sững giữa trời thành phố phương Nam, góp bóng mát cho đời bằng những tác phẩm của chính mình.
Nhà văn Trần Thanh Giao cùng đoàn nhà văn TP.HCM
đi thực tế sáng tác ở Phan Thiết, Bình Thuận tháng 9.2015
Có thể nói không ngoa rằng, có một thế hệ nhà văn, nhà thơ Thành phố Hồ Chí Minh, thế hệ mà người viết thành phố thường ví von là thế hệ vàng, hầu như đều đã trải qua những lớp bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ do Hội Nhà văn Thành phố tổ chức từ những ngày đầu thành lập Hội năm 1981. Tiền đề của thế hệ vàng nầy, thực ra là từ một cuộc vận động sáng tác do Thành đoàn phối hợp với Hội Văn nghệ Thành phố tổ chức, mà người đăng cai là báo
Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn. Thông qua cuộc vận động sáng tác nầy, hàng loạt cây bút nhiều tiềm năng được phát hiện, và hầu như họ trở thành học viên viết văn của thầy quản lý Trần Thanh Giao. Một số người không học được khoá 1 (1981), thì học khoá 2 (1982) và những khoá sau đó nữa. Mãi đến khi biên chế của Trại bồi dưỡng không còn và kinh phí tổ chức ngày càng ít đi, thì Trại bồi dưỡng đã bị khai tử một cách... tự nhiên với không ít ngỡ ngàng. Một nghịch lý không lấy gì làm vui của thành phố không ngừng chuyển động và phát triển nầy, là khi nghèo thiếu thì kinh phí dành cho văn học lại giàu mà khi giàu thì kinh phí dành cho hoạt động văn học lại nghèo thấy rõ.
Kể từ truyện ngắn
Thăm nhà đăng trên báo
Thống nhất năm 1958 chàng thợ nhà in đã mon men đặt chân vào làng văn học, nhưng chính truyện ngắn
Câu chuyện một chiềuthứ bảy (tác phẩm được trao đồng giải nhì (không có giải nhất) trên báo
Thống nhấtnăm 1959) mới là tấm giấy thông hành đưa ông bước vào làng văn, làng báo. Hơn 50 năm cầm bút, hay nói đúng hơn là 50 năm miệt mài đọc-đi-ghi-viết, và đặc biệt là bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ, ông đã đóng góp cho đời sống văn học nước nhà hơn 15 tập sách in riêng gồm các tập truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết, truyện và ký, phê bình tiểu luận và nghiên cứu khảo luận. Đặc biệt tiểu thuyết
Đất mới vỡ, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 1978 và tái bản năm 1981 với số lượng hàng vạn bản in là một đóng góp không nhỏ của ông trong quá trình cải tạo và xây dựng thành phố mới sau giải phóng. Câu chuyện viết về giới tiểu thương thành thị đi kinh tế mới với bao nỗi ngổn ngang, có sức lay động lớn lao trong lòng người đọc, và tuy không nhiều trang viết nhưng đậm chất tính dục và nhân văn - một điều hiếm thấy trong dòng văn học thời mới giải phóng.
Một thời đang dở là cuốn tiểu thuyết do Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1987, tái bản năm 1992, dưới thời Tổng biên tập Hà Mâu Nhai là một câu chuyện khác. Đó là câu chuyện về sự cần thiết phải chuyển đổi mô hình xây dựng đất nước theo kiểu cũ, bởi nó quá lạc hậu và trái tự nhiên, phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Chính từ nhiều năm tháng thực tế ở Cần Giờ, một huyện miền duyên hải nghèo nằm ngay cạnh thành phố đang chuyển động đổi mới tích cực đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhà văn nêu lên quan điểm cần thay đổi của mình. Có thể nói sự chuyển mình của văn học thời kỳ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 không chỉ có
Mộtthời dang dở, mà còn có
Cù lao tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn,
Ông Hai Cũ của Trần Bạch Đằng, và những truyện ngắn đăng thường xuyên trên báo
Văn nghệ thời Tổng biên tập Nguyên Ngọc.
Là người có nhiều năm tháng chăm lo lực lượng viết văn trẻ, nhà văn đã bước qua tuổi bát tuần Trần Thanh Giao vẫn đau đáu nỗi lo là mong các cây bút trẻ mạnh dạn vượt lên chính mình để nâng cao tầm tư tưởng cho tác phẩm của mình. Đừng chạy theo sự yêu thích của số đông, bởi cái số đông đó nhiều khi chỉ là những đánh giá theo thói quen, theo cảm tính xưa cũ, không thúc đẩy sự phát triển. Theo ông, người viết trẻ nếu có ý tưởng hay, mới, khác mọi người thì phải biết cách đưa nó ra, thậm chí là từng bước, để mọi người biết và chấp nhận. Phải thường xuyên đọc và học là lời khuyên chân tình nhất mà ông dành cho bạn viết trẻ, và đó cũng là những điều ông gặt hái được sau hơn 50 năm cầm bút của mình.
Ý kiến bạn đọc