Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về "tam nông"

Đăng lúc: Thứ năm - 12/09/2013 08:20
Ngày 9-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham dự có ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; ông Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo và trưởng phòng NN&PTNT; Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành, thị.
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh

Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khang đánh giá, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nông nghiệp được tập trung đầu tư theo hướng phát huy lợi thế so sánh, khai thác tối đa tiềm năng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng, giúp cho sản xuất nông nghiệp có bước thay đổi đáng kể, tăng trưởng ổn định với nhịp độ cao.

Trong 5 năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 6,4%/năm; đã hình thành các vùng chuyên canh như: Vùng lúa năng suất cao, vùng cây ăn trái đặc sản, vùng khóm nguyên liệu và vùng nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến và xuất khẩu. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới vào sản xuất đã và đang tạo ra sự chuyển biến về chất trong sản xuất nông, ngư nghiệp.

Từ kết quả sản xuất và những chương trình đầu tư của Trung ương, tỉnh và địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm phát huy tích cực. Điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe ngày càng thuận lợi; tỷ lệ hộ nghèo giảm (giai đoạn 2008-2012 giảm 41.105 hộ nghèo).

Về nông thôn, từ năm 2004 - 2013, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn ODA khoảng 4.916 tỷ đồng đã được huy động, bố trí để đầu tư nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tạo sự chuyển dịch mới trong phân công lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, vị thế giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Khang cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn như nông nghiệp phát triển chưa bền vững, sự chuyển dịch trong nội ngành chậm; công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, thiếu đồng bộ; môi trường ngày càng bị ô nhiễm; năng lực thích ứng, ứng phó với thiên nhiên, biến đổi khí hậu thấp; lao động nông thôn còn thiếu việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn; phát sinh các vấn đề gây bức xúc xã hội như khiếu kiện, tranh chấp, tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự ở một số khu vực nông thôn… chậm được giải quyết.

Vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở một số nơi chưa đồng bộ, thiếu tập trung.

Từ đó, ông Nguyễn Văn Khang yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục khẳng định những quan điểm, chủ trương, chính sách và giải pháp đề ra trong Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đúng đắn, để từ đó tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thông suốt, tạo đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Các ngành, các cấp cần tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, đề án về sử dụng đất đai, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nông thôn và các quy hoạch, đề án chuyên ngành… cho phù hợp với yêu cầu phát triển; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, đề án, đảm bảo phát triển đúng hướng.

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành theo hướng nâng cao thu nhập nông hộ và bảo vệ môi trường gắn với xuất khẩu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản.

Rà soát bổ sung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng cánh đồng mẫu lớn theo đặc điểm của tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; mở rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh điện khí hóa và cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông - ngư nghiệp; hiện đại hóa công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu và thị trường.

Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại chỗ. Đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ nông thôn; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, văn hóa. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông - công nghiệp và dịch vụ.

Tiếp tục huy động các nguồn lực và bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc lập Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng NTM cấp xã, đảm bảo khả thi, hiệu quả, phát huy lợi thế từng địa phương; rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế; ưu tiên các nguồn vốn cho 29 xã điểm và phấn đấu đến năm 2015 có 10 xã đạt 19 tiêu chí và 19 xã còn lại cơ bản đạt 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc ở nông thôn; có kế hoạch đào tạo nghề và các chính sách giải quyết việc làm cho nông dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh việc phát động thi đua, thực hiện và nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thi đua xây dựng NTM, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn.

Thường xuyên theo dõi, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội; xem xét giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, ô nhiễm môi trường… không để xảy ra điểm nóng gây mất ổn định ở nông thôn.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính về các lĩnh vực mà nhân dân và doanh nghiệp quan tâm và còn nhiều bức xúc; tiếp tục hoàn thiện bộ phận một cửa, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, gắn cải cách hành chính với thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, từng bước nâng cao trình độ và trách nhiệm của cán bộ cơ sở, thực hiện thành công đề án đưa 100 cán bộ trẻ được đào tạo đủ tiêu chuẩn theo quy định về công tác ở xã nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng NTM; kiên trì và quyết tâm thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở; tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ về mọi mặt cho nông dân, tăng cường khối đoàn kết trong nông dân, củng cố khối liên minh công - nông và trí thức vững chắc; tích cực vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Tiếp tục thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của nông dân.

Cuối cùng, ông Nguyễn Văn Khang chỉ đạo: Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy, chính quyền cần thường xuyên sơ kết, đánh giá những cách làm hay, mô hình, điển hình tiên tiến đang thực hiện có hiệu quả; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời phê phán những tập thể, cá nhân chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

N. Văn
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 154
  • Khách viếng thăm: 149
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 32945
  • Tháng hiện tại: 2532331
  • Tổng lượt truy cập: 48906458