Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công chuẩn bị lực lượng cho Nam bộ kháng chiến

Đăng lúc: Thứ hai - 23/09/2013 08:48
Chỉ 3 tuần lễ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 23-9-1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
Vệ quốc đoàn trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến.

Vệ quốc đoàn trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến.

Sáng ngày 23-9, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ (sau đổi tên thành Ủy ban kháng chiến) họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống quân xâm lược. Ủy ban kháng chiến Nam bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong tỏa địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.

Chiều 23-9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay những ngày đầu quân dân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chất của chúng. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước. Nhiều tỉnh Nam bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược.

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, bày tỏ sự tin tưởng vào chiến sĩ và nhân dân Nam bộ đang “hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Người nêu cao lẽ sống “thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Ủy ban hành chính Nam bộ, Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến.  Trong tình thế khẩn trương, Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công phát động phong trào vũ trang chiến đấu. Lực lượng vũ trang chiến đấu ban đầu chủ yếu huy động từ những đoàn thể cứu quốc mà đại bộ phận là thành phần cơ bản trong quần chúng, tập hợp hình thành lực lượng Quốc gia tự vệ và tổ chức những đội tự vệ sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 9-1945, tất cả các xã trong hai tỉnh đều tổ chức lực lượng tự vệ, nhiều xã có đến 3 trung đội, xã ít nhất có 2 trung đội, tuy vũ khí trang bị còn thô sơ như tầm vong vạt nhọn, dao găm, mã tấu, súng mút hoặc súng lửa… nhưng tinh thần yêu nước và nhiệt tình chiến đấu rất sẵn sàng, thu hút nhiều thành phần trí thức, học sinh… cùng tham gia; trong đó có thanh niên của thị xã Mỹ Tho, tuy phần lớn là trí thức, học sinh nhưng khi được chính quyền thị xã phát động, đã có trên 200 người tham gia vào đội du kích.

Vùng các xã hệ Cổ Chi (Châu Thành, Mỹ Tho) đã huy động trên 500 du kích, tổ chức tập dượt trên Lộ 4 (Tân Lý Tây - Tân Hiệp) để chuẩn bị đánh thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 9-9-1945, Tỉnh ủy Gò Công thành lập lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh lấy tên là Cộng hòa tự vệ gồm 4 trung đội với hơn 100 người, thành phần gồm những người nông dân yêu nước, những người hiểu biết về quân sự được tuyển chọn, được huấn luyện cơ bản và sẵn sàng chiến đấu. Một số lính “khố đỏ”, Cộng hòa vệ binh cũng xung phong gia nhập lực lượng vũ trang và được Tỉnh ủy Gò Công thu nhận. Lực lượng này lấy tên là Cộng hòa vệ binh tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Bổn và Đoàn Hồng Phước chỉ huy.

Ngoài ra, Tỉnh ủy chỉ đạo đưa các đồng chí cán bộ, đảng viên tham gia hướng dẫn hoặc trực tiếp lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và dân quân tự vệ ở các khu và các xã trong tỉnh; bồi dưỡng thanh niên tích cực trong phong trào để tăng cường cho cơ sở. Lực lượng Cộng hòa vệ binh Nam bộ sau ngày thực dân Pháp chiếm Sài Gòn đã phân công một bộ phận đóng chốt ở Cầu Nổi để chi viện cho Gò Công, sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn bước tiến của địch.

Nhằm phục vụ cho vũ trang chiến đấu, Gò Công tổ chức một đội nữ cứu thương để chăm sóc cho thương binh, bệnh binh. Thanh niên thị xã Gò Công tích cực gia nhập lực lượng dân quân vũ trang, đến giữa tháng 9-1945, thị xã có được 2 trung đội.
 

Binh công xưởng ở Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến.
Binh công xưởng ở Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công đã khẩn trương xây dựng các phòng tuyến chiến đấu ở các điểm xung yếu như: Cầu Nổi, Pháo Đài, Rạch Bùn, cầu Sơn Qui (tỉnh Gò Công); Rạch Tràm - Qươn Long, Bắc Chợ Gạo, cầu Hòa Bình - Bình Ninh - vàm Kỳ Hôn (Chợ Gạo, Mỹ Tho); lộ Tam Bình, sông Ba Rài (Cai Lậy); thị trấn Cái Bè, ngã tư Văn Cang, ngã tư Chợ Giồng (huyện Cái Bè).

Nhân dân tham gia phá hoại cầu, lộ giao thông như gỡ ván cầu Tân Hương, phá sập cầu Bình Đức, Long Định (Châu Thành), cầu Ông Văn, Thuận Hòa, Gò Cát (Chợ Gạo)… làm chướng ngại trên lộ 24 (Quốc lộ 50) Mỹ Tho - Gò Công, lộ 28 (tỉnh lộ 868) Mỹ Tho - Cai Lậy. Nhân dân huyện Cai Lậy còn lấy 7 ghe chài, 1 sà lan, 95 cây giá tỵ của Nhật đem nhấn chìm trên sông Ba Rài để chống địch tấn công bằng tàu…

Thực hiện lời tổng động viên và lời kêu gọi nhân dân kháng chiến, giết giặc cứu nước của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò công lãnh đạo các ngành, đoàn thể cứu quốc và các chi bộ, đảng bộ cơ sở khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến.

Từ thành thị đến nông thôn, từ cụ già đến em bé, sau khi được tuyên truyền giác ngộ, ai ai cũng ý thức được những việc mình cần phải làm. Hàng ngàn gia đình hưởng ứng dự trữ muối, gạo, phục vụ gia đình, vừa ủng hộ kháng chiến lâu dài.

Quần chúng ven trục lộ Sài Gòn - Mỹ Tho, Mỹ Tho - Gò Công tham gia hạ những cây lớn, những cột điện, đắp nhiều mô để cản đường tiến công của địch. Trong các xã, thị trấn, chính quyền địa phương tổ chức những phòng thông tin để thông báo tin chiến sự hàng ngày. Tất cả các xã, huyện, khu và nhất là thị trấn, thị xã tổ chức canh gác đề phòng địch đến và bảo vệ trị an cho nhân dân.

Ở Gò Công, theo chỉ thị của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, các lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh đang chốt giữ điểm trọng yếu tại Cầu Nổi (bên bờ sông Vàm Cỏ, cách thị xã Gò Công 13km) phối hợp cùng với một bộ phận của Cộng hòa vệ binh Nam bộ được tăng cường do đồng chí Nguyễn Văn Ty chỉ huy, kết hợp một đại đội Cộng hòa vệ binh Nam bộ do đồng chí Nguyễn Văn Quân chỉ huy từ Gò Công kéo lên đóng ở Rạch Cát (Chợ Lớn), cầu Ông Thìn (Cần Giuộc) để chi viện và chuyên chở lương thực tiếp tế cho mặt trận Sài Gòn.

Kết quả bước đầu thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, “tiêu thổ kháng chiến” ở một số vùng trọng điểm, đến tháng 10-1945, các thị xã trong tỉnh Mỹ Tho, Gò Công còn rất ít người. Lương thực, thực phẩm được nhân dân mang đi hoặc chôn cất, quyết không cho quân Pháp sử dụng.

Quần chúng ở xã Tân Hương, Tân Hiệp (huyện Châu Thành), du kích tổ chức giật súng của Nhật tự trang bị cho mình. Quần chúng ở xã Tân Hương (Châu Thành, Mỹ Tho) phối hợp lực lượng vũ trang tổ chức đào những hố sâu, lớn trên lộ 4, phá cầu không cho xe giặc chạy qua. Không khí kháng chiến đã thực sự nằm trong ý thức của chiến sĩ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công.

Chỉ sau hai tháng từ ngày giành được chính quyền, Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn và thử thách, giữ vững được chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng được các lực lượng vũ trang và phát động nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.

Hồng Lê
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 396
  • Khách viếng thăm: 391
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 35314
  • Tháng hiện tại: 1784214
  • Tổng lượt truy cập: 48158341