Khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/04/2016 16:34
Từ ngày 22 đến 26-4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh. Bản đồ và tư liệu trưng bày tại triển lãm là bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Giấy chứng sinh của bé Mai Kim Quy sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa. Bé Mai Kim Quy được sinh tại đảo đã chứng tỏ người Việt đưa dân sự ra sinh sống tại đảo.
Giấy chứng sinh của bé Mai Kim Quy sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa. Bé Mai Kim Quy được sinh tại đảo đã chứng tỏ người Việt đưa dân sự ra sinh sống tại đảo.

Tại cuộc triển lãm ở Tiền Giang lần này trưng bày các nguồn tư liệu nhằm chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như nguồn tư liệu văn bản, nguồn tư liệu bản đồ, các hiện vật… Đây là những tư liệu quý giá và là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Qua đó cho thấy, các Nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, trải qua nhiều thập kỷ bị đô hộ, xâm lược, đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay, đã khai phá, xác lập thực thi và bảo vệ chủ quyền Quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Quá trình này liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn lịch sử của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay hiện được lưu giữ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Tư liệu thành văn sớm nhất là bản trích nằm ở trang thứ 42 trong tập bản đồ Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư. Người vẽ tấm bản đồ này là ông Đỗ Bá tự là Công Đạo, người Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Bản đồ miêu tả vị trí của một quần đảo nằm ở ngoài Biển Đông và ông ta gọi nó là Bãi Cát Vàng. Toàn bộ những chữ trong bản trích được viết bằng chữ Hán, riêng tên địa danh này được viết bằng chữ Nôm. Đây chính là quần đảo mà sau này chúng ta gọi là quần đảo Hoàng Sa. Như vậy với tài liệu này, chúng ta lần đầu tiên có tài liệu về quần đảo Hoàng Sa cách đây trên 400 năm và tên quần đảo này do người Việt đặt bằng chữ Nôm (là chữ do người Việt sử dụng).

Năm 1838, vua Minh Mạng đã cho vẽ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, trong đó Phan Huy Chú vẽ tương đối kỹ lưỡng và chính xác ngoài biển khơi có vẽ và ghi tên các đảo, quần đảo thuộc lãnh thổ Đại Nam như Phú Quốc, Thổ Châu, Côn Lôn, Phú Quý, Vạn Lý Trường Sa và Hoàng Sa.

Các tài liệu khác liên quan đến hoạt động Hoàng Sa như tài liệu ghi trong tập Đại Nam Thực Lục Tiền Biên; Đại Nam Thực Lục Chính Biên và rất nhiều tài liệu thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đều nói rằng các vua Nguyễn cử lực lượng thủy binh và các lực lượng khác đi ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, kiểm đếm các hòn đảo ở trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh đó còn đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền và xây dựng miếu thờ, trồng cây trên các đảo để đánh dấu nhằm giúp tàu bè qua đây không bị mắc cạn. Các tài liệu còn thể hiện hoạt động cứu hộ trên biển của lực lượng thủy quân và lực lượng thủy đội Hoàng Sa của triều đình nhà Nguyễn như: Cứu hộ tàu của người Anh, người Pháp bị mắc cạn trong quần đảo Hoàng Sa…

Hoạt động này còn được thể hiện rõ ở các Châu bản triều Nguyễn, trong đó có những tờ Châu bản được viết bằng chữ Hán, chữ Việt, niên đại từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại. Nội dung các châu bản này phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua việc liên tục cử người ra 2 quần đảo để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.

Cụ thể, ở Châu bản năm 1836, vua Minh Mạng sai một người là Xuất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật (người dân Quảng Ngãi) đi ra Hoàng Sa tiến hành đo vẽ bản đồ, khi đi thì mang theo các cọc gỗ, trên các cọc gỗ có các dòng chữ đề rõ: Năm Minh Mạng thứ 17 (1836).

Mảng tư liệu quan trọng khác được trưng bày là các bản đồ thế giới, xưa nhất là cuối thế kỷ XV và sau đó là các bản đồ thế kỷ XVI-XVII-XVIII, trong đó các nhà hàng hải, các thương thuyền trên thế giới đã đi và vẽ hành trình khắp châu lục.

Các bản đồ này theo thời gian thể hiện, hình thể bản đồ Việt Nam đã ngày càng rõ nét với hình vẽ Paracel (Hoàng Sa - Trường Sa) sát với hình thể Việt Nam là sự thể hiện chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày sưu tập gồm các bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay...

Đơn cử, bản Quốc Địa Đồ (Bản đồ nước ta) có hình vẽ ở biển ghi tên Hoàng Sa Chử tức bãi Hoàng Sa hay quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ quan trọng nhất trong các bản đồ cổ của Việt Nam được trưng bày là Đại Nam Nhất thống toàn đồ. Đây là bản đồ được vẽ theo lệnh của vua Minh Mạng hoàn tất vào năm 1838. Trên bản đồ này lần đầu tiên có sự phân biệt rõ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.

Bên cạnh đó, bộ sưu tập bản đồ của các nhà địa lý, hàng hải, thương gia nước ngoài chủ yếu là phương Tây và sau này là châu Mỹ vẽ đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ sưu tập gồm 130 bản đồ có niên đại từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XX. Bản đồ do người Bồ Đào Nha vẽ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bồ Đào Nha.

Trên bản đồ có vẽ phần lãnh thổ Việt Nam tương đối chính xác, phía ngoài khơi vẽ các quần đảo nối dài giống một lưỡi dao bắt đầu từ đảo Cù Lao Thu (Đảo Phú Quý bây giờ) và kết thúc là quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ do anh em người Hà Lan và nhà địa lý người Bỉ vẽ cuối thế kỷ thứ XVI.

Bản đồ này ở ngoài biển ông ta ghi Pracel (quần đảo Hoàng Sa) và phía bên trong bờ ông ta chú thích là Costa de Pracel (bờ biển Hoàng Sa). Đây chính là cách thể hiện quần đảo này có mối quan hệ địa lý với vùng đất bên trong và theo Định ước Berlin thì đây là nguyên tắc: “Đất thống trị biển” và chính nguyên tắc này được vận dụng vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Quan trọng nhất là các bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây và Trung Quốc xuất bản (có niên đại từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XX) đều có chung một đặc điểm là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là kết thúc. Một số bản đồ vẽ nguồn nhiên liệu và năng lượng của Trung Quốc thể hiện phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Đặc biệt, các hình ảnh tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa: Các bản đồ về khí tượng trên biển có ghi chú về trạm khí tượng nằm trên quần đảo Hoàng Sa, đảo Ba Bình được người Pháp xây dựng.

Sau khi Trung Quốc xâm lược đã yêu cầu tổ chức khí tượng thế giới đổi tên thành Đài Khí tượng Tây Sa nhưng Việt Nam đề nghị không thay đổi và được tổ chức khí tượng thế giới bảo lưu, không thay đổi tên gọi của đài khí tượng này và hiện nay vẫn tên là Đài Khí tượng Hoàng Sa.

Hình ảnh cột mốc chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa do 1 đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa có ghi dòng chữ: “Cộng hòa Pháp, Vương quốc An Nam, Quần đảo Hoàng Sa năm 1816”. Một số hình ảnh hoạt động của chính quyền thời Pháp thuộc đưa Trường Sa về tỉnh Bà Rịa và hình ảnh quân đội miền Nam Việt Nam đưa quân ra đóng tại đảo.

Giấy chứng sinh của bé Mai Kim Quy sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa. Bé Mai Kim Quy được sinh tại đảo đã chứng tỏ người Việt đưa dân sự ra sinh sống tại đảo. Một số hình ảnh của lực lượng thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa đóng quân tại quần đảo cho thấy rằng 2 quần đảo này nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của Việt Nam…

Bia khẳng định chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1938. Trên bia có khắc dòng chữ: “République Francaise-Royaume d’Ananam-Arechipcis Paracels 1816-Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp -Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938). Ảnh chụp năm 1938. Tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng.
Bia khẳng định chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1938. Trên bia có khắc dòng chữ: “République Francaise-Royaume d’Ananam-Arechipcis Paracels 1816-Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp -Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938). Ảnh chụp năm 1938. Tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng.

Nhận xét về cuộc triển lãm, ông Nguyễn Chí Định, Phó Giám đốc Sở TT-TT trao đổi: Cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là một trong những hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, có mục đích chính trị và ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Thông qua các bản đồ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật và một số ấn phẩm xuất bản được trưng bày trong triển lãm, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như những vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đồng thời, góp phần khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; giúp bạn bè quốc tế, nhân dân các nước trên thế giới hiểu được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Phùng Long
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 414
  • Khách viếng thăm: 412
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 97227
  • Tháng hiện tại: 1846127
  • Tổng lượt truy cập: 48220254