Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Đăng lúc: Thứ ba - 14/10/2014 11:24
Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ đã nêu rõ tư tưởng về công tác dân vận của Đảng ta. Người đã chỉ ra rằng “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”.

Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu viết bài “Nhớ ngày 15 tháng 10” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 30-9-1999 vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, có phân tích:

Suy nghĩ về dân và làm công tác dân vận là công việc thường xuyên, phải làm hàng ngày hàng giờ, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không phô trương, hình thức theo vụ, theo mùa, theo lễ kỷ niệm”. Và Tổng Bí thư yêu cầu “Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể bàn bạc với dân để cùng dân đặt kế hoạch xây dựng xã, phường, khu dân cư, làm cho đời sống mọi mặt, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương và từng hộ gia đình khá hơn, mọi người được sống bình yên, đoàn kết, tình làng nghĩa xóm”.

Có thể nói, khi tiến hành công tác dân vận, chúng ta phải luôn quan tâm đến đối tượng của mình cần phải vận động là nhân dân; mà nhân dân thì có nhiều thành phần, nhiều giai cấp, giới tính, dân tộc, tôn giáo, nhu cầu, nguyện vọng rất đa dạng và cũng có những vấn đề quan tâm, bức xúc rất thực tế.

Trong khi đó, hầu hết chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có sự ảnh hưởng, tác động đến nhân dân. Có những chủ trương, chính sách từng được nhân dân ủng hộ từ khi dự thảo, nhưng cũng không ít chủ trương, chính sách mới ban hành cần phải quán triệt, tuyên truyền, “đả thông” tư tưởng nhằm làm cho toàn dân hiểu thì mới tạo được sự đồng thuận.

Do vậy, việc “suy nghĩ về dân và làm công tác dân vận là công việc thường xuyên…” chính là yêu cầu, là nhiệm vụ có tính khách quan, tính khoa học, tính quần chúng hết sức cơ bản. Người dân ở hộ gia đình, ở khu dân cư, một bộ phận dân cư tham gia công tác cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đó gọi chung là cơ sở. Thế nên phương thức công tác dân vận phải tiến hành từ cơ sở là phù hợp và có hiệu quả.

Vấn đề đặt ra khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết bài “Nhớ ngày 15 tháng 10” có nhiều việc để bàn, để làm, nhưng xét về mặt phương pháp “dân vận khéo”, chúng ta nên quan tâm tính chất thường xuyên, liên tục của công tác vận động nhân dân.

Nhìn lại những thành tựu quan trọng và có ý nghĩa lịch sử của đất nước thời gian qua, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường; vai trò nhân dân trong từng phong trào hành động cách mạng cụ thể đã phát huy ngày càng rõ nét, nổi bật như các phong trào, các cuộc vận động: “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hướng về biển, đảo”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị...

Các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi, thi đua làm kinh tế giỏi hầu như đều xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội mà phát triển thêm; nhiều điển hình tiên tiến, xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đời sống góp phần làm giàu cho gia đình, cho đất nước.

Những mô hình “nhựa hóa, bê tông hóa” đều thể hiện rất tốt tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các khu, cụm công nghiệp có sự đóng góp rất to lớn của nhân dân với tinh thần đảm bảo hài hòa các lợi ích. Nhân dân có đồng thuận thì mọi nhiệm vụ chính trị mới thắng lợi. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Công tác dân vận nói chung, thực hiện dân vận khéo nói riêng trong tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta có trách nhiệm góp phần hình thành những con người mới xã hội chủ nghĩa năng động, sáng tạo, biết tiếp nhận cái mới, cái hay, đấu tranh xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu, biết làm giàu chính đáng cho mình và giúp đỡ người khác cùng phát triển trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Công tác dân vận gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung nhất là thực hiện công khai, minh bạch với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một biện pháp để huy động trí tuệ, sức người, sức của từ nhân dân nhằm thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của cách mạng nói chung, của từng địa phương, đơn vị nói riêng. Đó cũng là một cách làm dân vận khéo.

Tư tưởng của Người chỉ ra những kinh nghiệm có ý nghĩa sâu sắc về phát huy dân chủ trong tiến hành công tác dân vận tại cơ sở: “… Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được… Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra sức thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm tra lại công việc, rút ra kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Chúng ta có thể đọc thấy ở nội dung nêu trên là cả một quy trình rất chặt chẽ về công tác dân vận, thể hiện đầy đủ 5 bước cơ bản trong công tác vận động nhân dân: Tuyên truyền; xây dựng kế hoạch; tổ chức lực lượng; tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra; sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; khen thưởng và kỷ luật. Việc tiến hành các bước công tác ấy phải công khai, dân chủ, có tổ chức chặt chẽ, bởi vì theo Người: “Mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng lại phải biết cách làm thì làm mới chóng”.

Đoạn cuối bài “Dân vận”, Người viết: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đây là sự tổng kết từ thực tiễn cách mạng và từ sự trải nghiệm của Người trong quá trình giữ cương vị lãnh tụ của Đảng, của đất nước.

Tư tưởng của Người khẳng định rằng “Dân vận kém thì việc gì cũng kém”, hàm ý nhắc nhở Đảng, Nhà nước ta phải làm tốt công tác dân vận, vì công tác dân vận có sự tác động mạnh mẽ đến nhân dân: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”. Do đó, nếu không có phương pháp, nghệ thuật trong công tác vận động nhân dân, tức là không “khéo”, tức là dân vận “kém” thì kết quả công việc cũng sẽ kém.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng chữ “giỏi” trong công tác dân vận, mà là “khéo”: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Điều này hàm ý công tác dân vận phải được tiến hành bằng cả trách nhiệm, có phương pháp tốt, hợp lý, hợp tình.

Người làm công tác chuyên môn giỏi nhưng chưa hẳn vận động dân tin, dân theo khi cách nói chuyện, cách tuyên truyền không phù hợp với trình độ tiếp thu của người dân, hoặc nói bằng từ ngữ bác học, nặng lý luận mà nhẹ thực tiễn.

Ngược lại, có thể người cán bộ ở cơ sở, thậm chí một người cao tuổi, có uy tín lại có cách dẫn chuyện rất gần gũi, sát nhu cầu đời sống thì việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách thông qua vai trò những người này sẽ có tính thuyết phục hơn.

Người dạy rằng “Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình”. Đó là dân vận “khéo”.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - lời Bác Hồ dạy trở thành ý thức chính trị và là phương châm hành động cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên và các lực lượng dân vận trong tình hình mới.

Thái Sơn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 230
  • Khách viếng thăm: 185
  • Máy chủ tìm kiếm: 45
  • Hôm nay: 12538
  • Tháng hiện tại: 2568981
  • Tổng lượt truy cập: 48943108