Phát hiện những sai phạm qua công tác thanh tra ở Sở Y tế

Đăng lúc: Thứ tư - 18/12/2013 09:39

Sai phạm trong việc quản lý, xử lý chất thải y tế

Qua công tác thanh tra, mặc dù Giám đốc Sở Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở trực thuộc thực hiện nghiêm quy chế quản lý chất thải y tế theo quy định của Bộ Y tế và Luật Bảo vệ môi trường; thế nhưng trên thực tế, chỉ mới có 13 cơ sở y tế được cấp phép Chứng nhận chủ nguồn thải nguy hại và chưa có cơ sở y tế nào có lò đốt rác đăng ký Chủ xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại.

Theo số liệu thống kê của ngành, các bệnh viện trong tỉnh trung bình mỗi ngày thải ra hơn 600 kg chất thải rắn, nhưng hiện tại chưa có cơ sở nào được trang bị đầy đủ hệ thống xử lý chất thải rắn. Một số cơ sở có hệ thống xử lý theo công nghệ đốt (lò đốt rác) nhưng đã bị xuống cấp, lạc hậu, chủ yếu đốt chất thải từ thể rắn sang thể trơ và xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Một hình thức kinh doanh mắt kính chưa được quản lý chặt chẽ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Một hình thức kinh doanh mắt kính chưa được quản lý chặt chẽ.
(Ảnh chỉ có tính minh họa)

Đối với việc xử lý chất thải lỏng, phần lớn dây chuyền công nghệ xử lý nước thải của các cơ sở y tế có giường bệnh hoạt động theo sơ đồ xử lý nước thải bậc 1 phân tán, kết hợp xử lý sinh học tập trung và khử trùng nước thải. Thế nhưng, theo kết quả quan trắc chất lượng nước thải trước và sau khi xử lý với tần suất 2 lần/năm của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thì phần lớn các đơn vị xả thải đều không đạt tiêu chuẩn môi trường. Một số cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng hầu hết đã quá tải trầm trọng.

Bên cạnh đó, số giường bệnh ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh bình quân trên 100% đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng hệ thống xử lý nước thải chậm được nâng cấp, nên chất thải lỏng chưa được xử lý cũng thải ra môi trường.

Theo số liệu thống kê của 11 đơn vị y tế có hệ thống xử lý, lượng nước thải trung bình mỗi ngày 1.800m3, tuy nhiên lượng nước thải đã qua xử lý chỉ đạt khoảng 1.000m3. Như vậy, trung bình mỗi ngày có trên 800m3 nước thải nguy hại thải thẳng ra môi trường mà không được xử lý.

Cụ thể: Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh có công suất 300m3/ngày đêm, nhưng lượng nước thải ra theo số liệu thống kê là 667m3/ngày đêm. Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa Cái Bè có công suất 50m3/ngày đêm, trong khi lượng nước thải của bệnh viện trung bình khoảng 160m3/ngày đêm.

Hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện Tân Phước có công suất xử lý 10m3/ngày đêm, trong khi lượng nước thải của Trung tâm trung bình là 50m3/ngày đêm. Điều đáng lưu ý là, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn còn nhiều cơ sở chưa lập hồ sơ đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại, dẫn đến việc kiểm soát chất thải nguy hại của ngành Y tế chưa đạt tiêu chuẩn theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Sai phạm về quản lý hành nghề y dược tư nhân, đấu thầu thuốc, vật tư y tế và khám, chữa bệnh
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.412 cơ sở hành nghề dược, 115 cơ sở hành nghề y dược cổ truyền, 1 bệnh viện tư nhân, 8 phòng khám đa khoa và 735 cơ sở hành nghề y đã cùng với ngành Y tế hình thành mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, góp phần đáng kể trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, việc chấp hành pháp luật của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân chưa nghiêm, còn nhiều cơ sở hành nghề không phép, niêm yết giá không đầy đủ theo quy định, vi phạm quy chế, vượt quá khả năng chuyên môn và phạm vi cho phép. Điều này cho thấy, công tác quản lý của ngành về nghiệp vụ chuyên môn còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Điển hình, nghề kinh doanh kính thuốc là một trong các hình thức tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh được quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định 103/NĐ-CP, ngày 12-9-2003 của Chính phủ.

Thế nhưng, qua kiểm tra công tác quản lý loại hình này từ trước đến thời điểm hiện nay, mặc dù trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở hành nghề kinh doanh kính thuốc, nhưng chỉ có 1 cơ sở (ở thị trấn Cái Bè) được Giám đốc Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, song cũng đã hết hạn từ tháng 12-2010. Từ đó đến nay, ngành Y tế cũng không giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm định chất lượng và độ chính xác thiết bị y tế đối với các cơ sở trong việc chấp hành các quy định của luật pháp về kinh doanh kính thuốc.

Một trường hợp khó hiểu là, trên địa bàn tỉnh có 1 Hợp tác xã (HTX) hành nghề khám, chữa bệnh mang tên Ngọc Gia Linh. Theo hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì HTX không thuộc hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh.

Điều đáng nói là HTX Ngọc Gia Linh hành nghề khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động do Giám đốc Sở Y tế cấp, mà do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề khám, chữa bệnh? Trong 26 xã viên tham gia thành lập HTX (xã viên khám, chữa bệnh chứ không phải y - bác sĩ), có 2 cán bộ lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang là bà Trần Thị Thật, Giám đốc và ông Ngô Thanh Hòa, Phó Giám đốc, cùng 15 người đang là cán bộ, viên chức thuộc Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần.

Việc cán bộ, công chức, viên chức y tế tham gia thành lập cơ sở y tế tư nhân là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 13, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động trái pháp luật của HTX Ngọc Gia Linh tồn tại một thời gian dài đã làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước của ngành Y tế, mà trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Y tế.

Trên lĩnh vực đấu thầu thuốc và vật tư y tế, qua kiểm tra 3 đơn vị (Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Bệnh viện Đa khoa huyện Gò Công Đông, Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho) và báo cáo giải trình của Sở Y tế đã phản ánh tình hình thương thảo, ký kết thực hiện hợp đồng kinh tế mua thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất giữa các cơ sở y tế với nhà thầu trúng thầu có nhiều sai phạm.

Cụ thể: Phía nhà thầu thực hiện không đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu, không đến thương thảo ký kết hợp đồng sau khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu do không có hàng hóa cung cấp hoặc khi có biến động về giá thì trì hoãn, từ chối giao hàng. Còn các đơn vị mua hàng nhận thức chưa đầy đủ về “hợp đồng theo đơn giá” nên không quan tâm đối chiếu với các điều kiện quy định trong hồ sơ mời thầu, dẫn đến việc ký kết hợp đồng kinh tế không chặt chẽ.

Nội dung hợp đồng không có điều, khoản quy định cụ thể về số lượng và giá trị; thời gian giao hàng và không yêu cầu các nhà thầu bảo đảm thực hiện hợp đồng để ràng buộc nghĩa vụ các bên là trái quy định trong hồ sơ mời thầu và Luật Đấu thầu.

Đơn cử một trường hợp sau đây để thấy rằng công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu thanh tra, kiểm tra là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm về trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Ban Giám đốc Sở Y tế, cần được chấn chỉnh kịp thời, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Cụ thể: Năm 2012, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Gò Công Đông ký kết 33 hợp đồng mua thuốc, nhưng chỉ có 8/33 hợp đồng nhà thầu có thực hiện nộp bảo lãnh dự thầu; còn nội dung hầu hết các hợp đồng đều không có điều, khoản quy định cụ thể về số lượng hàng hóa, giá trị hợp đồng và thời gian giao hàng.

Anh Đậu
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 268
  • Khách viếng thăm: 262
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 69617
  • Tháng hiện tại: 659422
  • Tổng lượt truy cập: 49805899