Phát hiện những sai phạm qua công tác thanh tra ở Sở GD&ĐT

Đăng lúc: Thứ hai - 16/12/2013 13:59
Qua thanh tra một số đơn vị, điều đáng mừng là không có hiện tượng tham ô, hối lộ xảy ra. Tuy nhiên, những sai phạm về công tác quản lý là vấn đề đáng quan ngại, vì sẽ gây hậu quả khôn lường về lâu dài. 

Sai phạm trong việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2012. Để thực hiện đề án này, ngày 29-4-2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1248/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, do ông Phan Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Phó Trưởng ban và 9 ủy viên, cùng với tổ giúp việc 5 thành viên.

Trường THPT Gò Công Đông.
Trường THPT Gò Công Đông.

Quá trình thực hiện đề án, ngày 2-5-2008, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 46/KH-UBND về việc thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, cụ thể: Bậc mầm non 401 phòng, tiểu học 1.329 phòng, trung học cơ sở (THCS) 504 phòng, trung học phổ thông (THPT) 144 phòng, nhà công vụ giáo viên 144 nhà, diện tích 5.472m2. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến 553 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 149,7 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương 403,4 tỷ đồng.

Ngày 24-12-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2186/QĐ-TTg, phân bổ nguồn vốn cho đề án được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gồm 2.161 phòng học (gọi tắt là Quyết định 2186), cụ thể: Bậc mầm non 303 phòng, tiểu học 1.342 phòng, THCS 398 phòng, THPT 118 phòng. Kinh phí thực hiện là 368,68 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ 221,2 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 147,47 tỷ đồng.

Như vậy, giữa kế hoạch của tỉnh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có sự biến động, cụ thể: vốn trái phiếu Chính phủ tăng 71,45 tỷ đồng, nhưng số phòng học giảm 217 phòng và không có nguồn vốn cho nhà công vụ giáo viên; còn vốn ngân sách địa phương cao hơn 173,5% (255,93 tỷ đồng) so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Qua công tác thanh tra, Đoàn thanh tra phát hiện quá trình thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo đã đề xuất phê duyệt dự án, phân bổ nguồn vốn cho các chủ đầu tư, sử dụng vốn kiên cố hóa sai mục tiêu. Số phòng học được xây dựng cao hơn trong kế hoạch và xây dựng nhà công vụ giáo viên khi chưa có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đó, dẫn đến những sai phạm như: Xây dựng 30 phòng học nhờ, học tạm không có trong danh mục cấp vốn của Chính phủ. Xây dựng 5.526m2 nhà công vụ bằng vốn trái phiếu Chính phủ là sai mục đích. Mua trang thiết bị tổng số tiền trên 2 tỷ đồng, thanh quyết toán bằng vốn trái phiếu Chính phủ là sai mục tiêu, trong đó chi cho Trường THPT Gò Công Đông 708 triệu đồng, chi cho Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp 861 triệu đồng và chi cho Trường THPT Lê Thanh Hiền 530 triệu đồng.

Tổng số tiền sai phạm qua công tác thanh tra cho thấy, chi sai mục đích lên đến 106 tỷ đồng, trong đó: Xây nhà công vụ 6,11 tỷ đồng; xây phòng học nhờ, học tạm 3 tỷ đồng; xây 201 phòng học không có trong kế hoạch, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 94,85 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị không nằm trong danh mục dự án 2 tỷ đồng. Tóm lại, việc bố trí vốn đề án không đúng mục tiêu, chi sai mục đích hơn trăm tỷ đồng là trái với Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm Khoản 5, Điều 72 Luật Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đề nghị phê duyệt, quyết toán giá trị xây lắp trung bình 1 phòng học cao hơn giá trị xây lắp do Chính phủ quy định, cụ thể: Giá trị xây lắp 1 phòng do Chính phủ quy định là 170,61 triệu đồng, nhưng khi thực hiện chênh lệch tăng bình quân 1 phòng bậc mầm non là 74%, tiểu học 31,1%, THCS 44,8%, THPT 52,4%.

Vì vậy, mặc dù đã sử dụng hết nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư theo kế hoạch và nguồn vốn ngân sách địa phương cao gấp 3 lần vốn trái phiếu Chính phủ mà số phòng cần kiên cố hóa chưa được thực hiện còn khá nhiều (hiện còn 564 phòng học đã được Chính phủ cấp vốn trái phiếu và đã sử dụng hết nguồn vốn, nhưng những phòng học này chưa được thực hiện), dẫn đến không hoàn thành mục tiêu đề án.

Sai phạm trong việc xây dựng Trường THPT Gò Công Đông

Trường THPT Gò Công Đông được phân bổ chỉ tiêu xây dựng 12 phòng học kiên cố, với tổng số vốn đầu tư là 8,13 tỷ đồng, nhưng qua công tác thanh tra thực tế chỉ có 7 phòng cần kiên cố hóa, 5 phòng còn lại không thuộc diện kiên cố hóa. Như vậy, Sở GD&ĐT và các sở liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào kế hoạch để thực hiện những phòng học không thuộc diện kiên cố hóa là sai phạm về sử dụng vốn của dự án không đúng mục đích.

Quá trình xây dựng, việc thẩm định thiết kế, dự toán do Trung tâm Tư vấn và Kiểm định xây dựng thuộc Sở Xây dựng thực hiện. Tuy nhiên, công tác kiểm tra sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế và khối lượng dự toán còn sai phạm là không phát hiện khối lượng dự toán dư thừa so với bản vẽ thiết kế.

Cụ thể là không phát hiện khối lượng thừa 13 công việc dãy A và 13 công việc dãy B, với chi phí xây dựng theo đơn giá thẩm tra là 145.011.138 đồng. Vì vậy, làm tăng các khoản chi phí quản lý số tiền lên đến gần 10 triệu đồng, trong đó phí quản lý dự án 3.007.252 đồng, phí tư vấn đầu tư 6.584.554 đồng và chi phí khác 287.151 đồng.

Ngoài ra, chủ trương khi lập dự án báo cáo kinh tế kỹ thuật và quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư, UBND tỉnh không có phê duyệt mua sắm trang thiết bị. Thế nhưng, Ban Chỉ đạo dự án vẫn cho phép thực hiện việc mua sắm và thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với số tiền 708.524.000 đồng là sử dụng vốn dự án không đúng mục đích. Qua kiểm tra thực tế các thiết bị cho thấy, có 4 bàn điều khiển trung tâm lý nghiệm thu chưa đúng thiết kế.

Qua công tác thanh tra, điều phấn khởi là dự án đã xây dựng được 1.828 phòng học kiên cố và 144 nhà công vụ giáo viên, góp phần rất lớn trong việc đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cho ngành GD&ĐT từ bậc mẫu giáo đến THPT và giải quyết cơ bản chỗ ở cho giáo viên xa nhà ở các vùng sâu, vùng xa; đồng thời đề án đã kết hợp thực hiện được 20 điểm trường vừa đạt mục tiêu kiên cố hóa, vừa đạt chuẩn Quốc gia. Song cũng phát hiện nhiều sai phạm, nhưng điều đáng mừng là không có hiện tượng tham ô, hối lộ xảy ra.

Tuy nhiên, những sai phạm về công tác quản lý là vấn đề đáng quan ngại vì sẽ gây hậu quả khôn lường về lâu dài. Đó là, khi đã sử dụng hết nguồn vốn của Chính phủ, vốn ngân sách địa phương mà còn nhiều phòng học cần kiên cố hóa chưa được thực hiện và chưa hoàn thành mục tiêu đề án.

Anh Đậu
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 165
  • Khách viếng thăm: 159
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 36694
  • Tháng hiện tại: 2536080
  • Tổng lượt truy cập: 48910207