Sự cần thiết phải trang bị và bảo quản tốt bình chữa cháy tại chỗ

Đăng lúc: Thứ hai - 16/12/2013 13:58
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người thường cho rằng bình chữa cháy tại chỗ (thường được gọi là bình chữa cháy xách tay) là những vật dụng bình thường, có cũng được, không có cũng chẳng sao nên không mấy quan tâm. Nhưng khi có sự cố cháy xảy ra thì đây thật sự là vật dụng hết sức quan trọng và cần thiết.

Nếu phát hiện cháy ngay từ lúc mới phát sinh và được sử dụng đúng cách, bình chữa cháy xách tay có thể giúp ngăn chặn những đám cháy nhỏ trước khi chúng lan ra ngoài tầm kiểm soát, tránh được thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.

Tập huấn kỹ thuật sử dụng bình chữa cháy tại chỗ cho công nhân là việc làm hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh.
Tập huấn kỹ thuật sử dụng bình chữa cháy tại chỗ cho công nhân là việc làm hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có trên 500 trường hợp khi xảy ra sự cố gây cháy, có người phát hiện, sử dụng bình chữa cháy kịp thời và đúng cách nên đã dập lửa nhanh chóng, không gây thành đám cháy, tránh được thiệt hại về người và tài sản. Hiệu quả, tác dụng quá rõ ràng.

Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có quy định: Tùy điều kiện, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần trang bị bình chữa cháy tại chỗ phù hợp. Nhưng trên thực tế, số cơ sở kinh doanh và hộ gia đình trang bị bình chữa cháy rất ít. Nhiều người biết rõ ý nghĩa, tác dụng của bình chữa cháy xách tay, nhưng rất ít người tự giác trang bị để góp phần đảm bảo an toàn cho chính mình và cho mọi người xung quanh.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức trên 100 lượt kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC. Qua đó cho thấy việc trang bị bình chữa cháy được thực hiện khá nghiêm túc ở các cơ quan, doanh nghiệp; còn ở các hộ tiểu thương và hộ gia đình thì chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ tự trang bị bình chữa cháy.

Trong số này, không ít người chỉ trang bị lấy có, trang bị để đối phó khi xin giấy phép kinh doanh, sản xuất, mua bán nhỏ, cho thuê trọ… Vì thế có những nơi khi đoàn kiểm tra đến, bình chữa cháy chỉ còn là một vật dụng bằng sắt, không còn tác dụng chữa cháy. Chính vì vậy, thời gian qua việc trang bị bình chữa cháy chưa phát huy hiệu quả tốt trong công tác PCCC.

Để nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân về đảm bảo an toàn PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ chữa cháy, vận động mọi người tự trang bị bình chữa cháy, phòng ngừa tốt cháy, nổ tại hộ gia đình và cơ sở kinh doanh. Trang bị bình chữa cháy là cần thiết, sử dụng bình đúng cách cũng quan trọng không kém.

Chính vì vậy, trong tất cả các lớp tập huấn về PCCC đều có nội dung hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy xách tay. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng khi có sự cố, trong quá trình bảo quản bình chữa cháy xách tay, cần chú ý các điểm như sau:

Bình chữa cháy phải được đặt ở những nơi râm mát, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C; đặt ở nơi dễ lấy, thuận tiện khi sử dụng; khi di chuyển cần nhẹ nhàng; tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, thiết bị rung động; phải thường xuyên kiểm tra bình theo quy định của nhà sản xuất hoặc ít nhất 3 tháng/1 lần:

Đối với bình CO2, kiểm tra lượng khí trong bình bằng phương pháp cân rồi so sánh với khối lượng ban đầu; đối với bình chữa cháy bột khô, kiểm tra bằng cách xem đồng hồ áp suất. Nếu kim đồng hồ áp suất chỉ về vạch đỏ thì phải mang bình đi nạp lại.

Bình chữa cháy sau khi đã mở van, nhất thiết phải nạp đầy lại, trước khi nạp nên tháo các linh kiện bịt kín; loại bỏ, làm sạch các phần đã bị nhiễm bột. Nếu còn áp suất, trước khi tháo phải giảm áp suất bằng cách bóp van từ từ cho khí thoát dần ra, kim áp kế chỉ về trị số O. Khi mở nghe tiếng “xì xì”, phải lập tức ngừng và kiểm tra lại.

Trước mỗi lần nạp mới chất chữa cháy và sau 5 năm sử dụng, vỏ bình phải được kiểm tra thủy lực, sau khi đạt cường độ theo yêu cầu thì mới được phép sử dụng. Phải kiểm tra thường xuyên vòi và loa phun.

Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: “Hỏa hoạn nguy hại trực tiếp đến mạng sống con người, làm thiệt hại tài sản - thành quả lao động của nhân dân.

Phòng hỏa, cứu hỏa phải là ưu tiên hàng đầu. Kể từ ngày Luật PCCC đi vào cuộc sống không chỉ tạo hành lang pháp lý trong xử lý vi phạm về an toàn cháy, nổ, mà còn mang ý nghĩa to lớn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ an toàn cho cộng đồng và cho chính mình”.

PCCC không chỉ là trách nhiệm của riêng 1 lực lượng chức năng nào, mà là trách nhiệm của toàn dân. Nhiệm vụ này chỉ phát huy hiệu quả khi kết hợp đồng bộ các giải pháp; trong đó vai trò của nhân dân, công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống, xử lý cháy nổ tại chỗ vô cùng quan trọng. Trang bị bình chữa cháy xách tay là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng ngừa cháy, nổ.

Hạ Giao
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 407
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 52988
  • Tháng hiện tại: 1801888
  • Tổng lượt truy cập: 48176015