Những chuyến đi thực tế ấm áp tình văn nghệ

Đăng lúc: Thứ năm - 13/09/2012 09:12
Những ngày cuối năm, lúc rảnh rỗi tôi hay soạn sắp lại kệ sách cho thứ tự. Biết bao quyển sách, tập thơ, tạp chí văn nghệ của hội nhà, hội bạn, thân hữu biếu tặng; khi xem lại các bài viết thường gợi cho tôi cảm giác bâng khuâng, hào hứng lẫn tiếc nuối. Tiếc nuối một chút thôi, bởi tuổi tác, gánh nặng thời gian cứ bình thản đè nặng lên mình theo quy luật tự nhiên, không khác được. Buộc phải ngẫm nghĩ điều mình làm được, điều chưa được và điều chẳng thể thực hiện vì nhiều lý do, cũng chẳng sao! Vượt trên tất cả, vẫn là sự hứng thú, chan hòa, đồng điệu khi ngồi trước trang giấy trắng. Tôi cho đó là tình văn nghệ, trăn trở và trong sáng

Lật từng trang album kỷ niệm các chuyến đi thực tế sáng tác, ảnh chụp riêng, chụp chung, ảnh phong cảnh… gợi nhớ từng khuôn mặt, cá tính thân quen của anh chị em trong Hội Văn nghệ Tiền Giang, gợi nhớ những đoạn đường xa xôi, cảnh vật đã tiếp xúc, nhìn qua, đi qua. Ký ức chầm chậm miên man, lặng lẽ mà xác thực tái hiện qua từng bức ảnh, dài theo nhịp đập trái tim…

Văn nghệ sĩ Tiền Giang đi thực tế ở Tây Nguyên

Mỗi lần được mời đi thực tế sáng tác, tôi có thói quen hay thầm mong gặp được vài bạn hiểu tính ý nhau. Điều này có lẽ hơi thừa vì lãnh đạo Hội hình như đã chuẩn bị sự “chọn lọc có điều kiện” cho anh em thoải mái về vật chất lẫn tinh thần. Ngoại trừ chuyến đi mang tính giao lưu hoặc chuyên môn thì các Chi hội tổ chức riêng, còn thì phân bổ mỗi Chi hội vài người và ghép đi chung. Riêng tôi thích đi cách sau, vì nghĩ rằng nếu có cơ hội tiếp xúc, gần gũi bên âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu… nhiều hơn, chắc chắn sẽ nâng cao hiểu biết và bổ sung hữu ích cho chuyện viết lách rất nhiều.

Nhớ chuyến đi Trà Vinh được anh Lê Tân, Chủ tịch Hội Văn nghệ tiếp rất thân mật. Lại thêm chị Lê Minh Khanh, Tổng biên tập báo Trà Vinh nghe tin đoàn Tiền Giang đến cũng “tình nguyện” theo tới cùng. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng chị còn gọi điện cho tôi hỏi thăm sức khỏe anh em, giờ chị vừa nghỉ hưu, có dư thời gian làm thơ, sinh hoạt văn nghệ. Đêm ở Ba Động rất ấn tượng, đủ mọi tiết mục: nhậu với món cá kèo nước tro đặc sản, ca hát, đọc thơ, kể chuyện kháng chiến… Tôi, anh Hoàng Anh họa sĩ, anh Liên Phương sáng tác ca cổ ở chung một phòng chuyện trò rất vui vẻ. Khuya sớm, mọi người thức dậy ra mé biển đi dạo, không gian tĩnh lặng đầy chất thơ. Rau muống biển mọc dọc dài trên bãi, hái một cái hoa tím mân mê trên tay, nhìn ra mặt nước mênh mông tôi chợt nhớ về biển Tân Thành - Gò Công, có giống nhau đôi chút về đời sống kinh tế người dân. Đến chùa Cò, chùa Hang…, bao quanh như một cánh rừng nhỏ, cây sao, cây dầu, cây dại cứ tự nhiên mà mọc lên, mà sống, không ai nỡ chặt phá; một tính cách văn hóa ít nơi nào có được. Những nhà sư nghệ nhân tạc, đẽo các gốc cây to cỡ hai, ba vòng tay ôm, để thành tác phẩm chim muông điểu thú hoành tráng, tài hoa. Anh Huỳnh Thanh Tâm (Cái Bè) chụp cho tôi tấm hình trước chùa. Tôi mời một chú tiểu chừng 12 tuổi chụp chung, chú chỉ đứng xa xa mà cười, nụ cười vô tư, thánh thiện. Sắp về, ghé ao Bà Om  ăn tô bún nước lèo đặc sản, chạm tay vào những cổ thụ gốc rễ lạ lùng để cảm nhận hơi thở, sức sống trăm năm tiềm tàng. Cảnh cũ còn đây, hồn phách người xưa như hòa quyện vòm lá lẫn tiếng chim ca, gợi chút bùi ngùi trong lòng lữ khách… Ngồi xe về tới Mỹ Tho ít ai nói chuyện, hình như nét cổ kính, êm ả của đường phố, của chùa chiền, những vị sư đầu trần chân đất khất thực… đã lắng đọng trong tâm thức để ngẫm nghĩ, đối chiếu cùng thực tại.

Vài năm sau, may mắn lại được dự trại sáng tác ở Trà Vinh, gặp và làm quen được nhiều anh chị em ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tôi và nhà thơ Võ Tấn Cường chung phòng, rất dễ chịu. Có đêm, tôi, anh và anh Hoàng Đỗ (Long An), Huỳnh Thúy Kiều (Cà Mau)… ra quán cóc bên đường ngồi dưới tàn cây sao lai rai tán gẫu chuyện văn nghệ đến khuya. Mấy ngày sau Cường về vì bận công tác cơ quan, tôi một mình một phòng rộng, hơi buồn. May gặp tay nhạc sĩ lãng tử Lý Dũng Liêm (Kiên Giang), Nguyễn Trung Nguyên (Cần Thơ), Tiến Vinh (Kiên Giang)… kết nhau. Ngày thì việc ai nấy làm, đêm tụ họp một nơi, ca hát, đọc thơ, kể chuyện tiếu lâm…, mấy thuở tứ xứ vui vầy. Nhà văn Nguyễn Thanh -  Chủ tịch Hội Văn nghệ Cà Mau góp ý cho anh em về từng nội dung bài viết, kinh nghiệm sáng tác truyện ngắn…, mọi ngưới đều trân trọng ghi nhớ. Ngày về, buổi sáng ông mời uống cà phê chia tay, chụp chung một bức ảnh. Sau đó, ông bảo tôi cùng lên xe đưa về Vĩnh Long, đỡ phải đi xe ôm. Chị Trầm Nguyên Ý Anh (Trà Vinh) viết văn cộng tác nhiều báo, sau này vẫn liên lạc với tôi trao đổi nhiều chuyện rất hay trong giới. Mới hiểu rằng, Hội nhà tạo điều kiện cho hội viên đi đây đi đó thu thập, gặp gỡ nhau… là để bổ sung chất liệu sống cho mình, càng thêm cố gắng trong sinh hoạt, sáng tác…

 

Văn nghệ sĩ Tiền Giang đi thực tế ở Hà Tiên

Lần đi An Giang, đến Hội Văn nghệ, đoàn được nhà thơ Trịnh Bửu Hoài chào đón rất thân tình. Thăm Khu lưu niệm Bác Tôn Đức Thắng, điều gây cảm xúc cho tôi nhất là nghe nhắc lại quãng thời gian Bác đi học đò giang cách trở cùng các di vật một đời làm cách mạng, vì dân vì nước. Đêm ở nhà nghỉ gần núi Sam. Sáng sớm, tôi và anh Lê Tư đi ăn cháo rồi nổi hứng thuê xe honda ôm chạy vòng vèo lên đỉnh núi ngắm tháp truyền hình, thắp nhang ở phiến đá tương truyền là nơi Bà Chúa Xứ ngự. Sau này có dịp trở lại, lúc đi huyện Thoại Sơn thì trời mưa lất phất, nhiều anh chị ngồi lại quán. Mê núi, cũng tôi và anh Lê Tư thuê honda ôm leo núi Ba Thê. Chiếc xe cũ kỹ, máy cứ gầm rú khi leo dốc, anh lái xe như hiểu ý nhe răng cười trong màn mưa: “Coi vậy chớ xe tôi chiến lắm!”. Trấn an khách chăng? Chuyện đời hên xui, lo chi cho mệt. Tới đỉnh, nhà thơ Trần Đỗ Liêm gọi vài người đứng cạnh thanh Thạch Đầu Đao chụp vài bức ảnh kỷ niệm. Qua cây cầu cheo leo, bên dưới là vực sâu không ai dám nhìn lâu. Viếng điểm thờ Ông Tà, là một pho tượng cổ của người Khmer, dáng ngồi bệ vệ, trông mặt khá dữ, mắt thô lố nhìn về hướng tây nam. Gió lộng phần phật, tấm áo choàng của Ông Tà rách nhiều chỗ, phong sương bão táp vẫn điềm nhiên tọa thị. Thấy thầy Đỗ Đức Thịnh đi lững thững bên dưới, có ý muốn lên nhìn mà ngại độ cao, tôi trở xuống cặp tay thầy lên ngắm một lúc, coi bộ vừa ý. Chúng tôi còn đến một ngôi chùa nhỏ khá cheo leo, đang trò chuyện thì vị trụ trì đốt thêm nhang muỗi. Anh Lê Tư thắc mắc thì thào cùng tôi: “Ở tít trên cao như vầy mà muỗi vo vo mịt trời, ngộ thiệt!”. Chuyến đi này tôi rất phục thầy giáo Nguyễn Thanh Xuân, ngoài khả năng viết ký hay, còn giỏi tài chinh phục núi cao. Trời mưa lâm râm mà lúc chạy, lúc đi bộ, mặc kệ đường vòng đường dốc vẫn tới đỉnh. Hỏi thì thầy trả lời tỉnh queo: “Mỗi sáng mình đều tập chạy không dưới năm cây số, giờ thử sức chơi, nhằm nhò gì!”. Đáng nể cho nhà văn marathon này!

Nhà báo Đậu Viết Hương thân với tôi lâu, vì công việc nhiều nên ít đi chơi xa cùng anh em. Dịp đi Tây Ninh, tôi lên nhà anh ngủ trước một đêm để sớm sau lên xe cho kịp giờ. Anh chuẩn bị sẵn một… nồi thịt chó, bởi biết trước sẽ ngủ đêm ở Khu di tích Trung ương Cục miền Nam, để có mồi bén tiện bề sinh hoạt. Tâm ý này có lẽ ai cũng hoan nghênh! Xe chạy, đường hai bên toàn rừng, quanh co dằn xóc. Tới nơi, khi nhìn lại nồi thì chỉ còn thịt, nước đổ ra ngoài hết, nhà báo có vẻ… buồn. Tất cả đi tham quan hệ thống hầm hào, nơi ở của các vị lãnh đạo cao cấp trong kháng chiến như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh… Những gian nhà nhỏ giản dị đều lợp bằng lá trung quân, không bén lửa. Nơi này xa xôi nên phải đặt cơm cùng thức ăn trước từ sáng và chỉ có một căn nhà lá tạm gọi là quán ăn phục vụ. Băn khoăn vì nồi thịt chó cạn nước, chợt anh Hương nảy ra sáng kiến : “À… mình mua một số mì gói, lấy bột nêm làm nước lèo, tối nhậu trụn mì ăn thêm, tiện lợi vô cùng!”. Tối ngủ nhà khách của Công an Tiền Giang, gần dãy Nhà lưu niệm của nhiều tỉnh, vì thời chiến tranh các cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ bảo vệ cho Trung ương Cục được tuyển chọn từ lực lượng Công an các tỉnh. Chọn cây mắc võng, treo đèn, bày bàn giữa khoảng sân rộng xong xuôi, tất cả đều tham gia sinh hoạt, đọc thơ, kể chuyện, hát những ca khúc truyền thống rất sôi động. Nồi thịt “cờ tây” xử lý khá nhanh, tiếp thêm bưởi, chả đem theo, đưa cay cho ly rượu quê nhà. Tiếng đàn, tiếng hát vang vọng trong đêm tĩnh mịch. Cô Mai văn phòng Hội có giọng ca ngọt ngào, tha thiết với những trích đoạn “Nửa đời hương phấn”, “Tình anh bán chiếu” trong thời khắc, không gian này tạo thêm xúc cảm lâng lâng. Rừng về khuya càng âm u, kỳ bí, bóng tối bao quanh nhắc nhớ về một thời hào hùng, gian khổ, thử thách, hy sinh của cơ quan đầu não kháng chiến miền Nam. Ngày sau đi tiếp những địa danh Thiện Ngôn, Xa Mát… nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trước đây. Chất men quá khứ thiêng liêng rồi sẽ thấm sâu vào tim óc những hội viên có tâm huyết, mong sao sự tích tụ mai này sẽ bừng lên trong tác phẩm…

Mới đây, Hội có tổ chức cho anh chị em các chi hội tham dự Trại sáng tác VHNT ở Vũng Tàu. Từ ngày khai mạc cho đến bế mạc trại, lãnh đạo hội: soạn giả Huỳnh Anh, nhạc sĩ Lê Ngân đều lần lượt đến cùng anh em tham gia sinh hoạt, sắp xếp, tạo điều kiện ăn, ở tốt cùng động viên hội viên tập trung sáng tác nhiều tác phẩm. Nhà văn Thu Trang cũng gọi điện hỏi thăm từng người, tình cảm chứa chan. Tôi cùng phòng anh Thảo Bích, tầng 4. Thường qua lại “hàng xóm bề trên” là họa sĩ Hoàng Anh và Hồng Sơn (ở tầng 5) để trao đổi cảm nghĩ văn nghệ. Lúc lên ngọn hải đăng, anh Thảo Bích chụp một tấm ảnh khá đẹp. Tôi đề nghị đặt tên “tác phẩm” là Mắt biển, anh ưng ý liền. Ngoài thời gian tham quan, chúng tôi tranh thủ đi nhiều nơi bằng các phương tiện: đi bộ, xe ôm… để tìm hiểu phần nào về con người cùng nét sinh hoạt của thành phố du lịch biển này. Tối nọ, Thảo Bích cho tôi cùng họa sĩ Hồng Sơn xem khối đá đen nhiều góc cạnh lạ mà anh cất công lặn lội tìm kiếm được. Trên sân thượng tầng 5 lộng gió, nhìn xuống bãi Thùy Vân lắng nghe sóng vỗ, nhìn lên ngọn đèn biển lấp loáng cô đơn, khề khà bên chai rượu con khô đắc ý; bạn bè vui được lúc nào cứ vui! Tôi ngẫu hứng tặng anh Thảo Bích bốn câu mộc mạc: “Bằng hữu bốn mùa nghiêng cốc rượu/ Xót đời nửa miệng giọng cười khan/ Gió đưa lãng đãng vầng mây bạc/ Lạc lõng hiên xưa chiếc lá vàng”,... Và đùa thêm: “Nghiêng cốc rượu tức là đã cạn, mà cạn cốc cả bốn mùa thì anh em mình… chết chắc!”. Lòng thầm cảm ơn những dịp như thế này, không “cơ duyên” thì khó mà có được! Ngày tự do đi lại, bữa cơm tối mới họp mặt đủ đầy những khuôn mặt thân quen. Nào là chú Ba Nguyễn Hữu Đức, thầy Trần Công Tùng, Thanh Xuân, anh Lý Bé, Huỳnh Ngọt, chị Trạc Tuyền, nhà thơ Lá Me… Hôm bế mạc, trại viên gởi lại những tác phẩm thu hoạch được và sau đó là tiệc chia tay cùng lãnh đạo Nhà sáng tác, có niềm vui pha chút lưu luyến khó quên. Tôi nhớ lời soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội thường nói trong những chuyến đi, đại ý: “Không chắc là liền sau chuyến đi, anh em có tác phẩm ưng ý ngay. Bởi rất nhiều điều bắt gặp, ấp ủ rồi lắng đọng, suy ngẫm để đến lúc nào đó sẽ bật ra, có lẽ hay hơn, thật hơn…”

Đầu tháng 3/2012, những hội viên dự Trại sáng tác văn học Tiền Giang lại có dịp đi đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trong chương trình “Văn nghệ sĩ với biển đảo”. Hành trình dài hơn 900 cây số, qua 8 tỉnh thành, chơi vơi đèo Cả, đèo Cù Mông…, bâng khuâng rừng cây xanh ngát, mỗi nơi ghé qua một chút. Những ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là lần thăm lại núi Nhạn (TP.Tuy Hòa), viếng đài tưởng niệm cao 30 mét ghi danh gần 13.000 liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Và khi đến huyện Đức Phổ (tình Quảng Ngãi), nhà thơ Trần Đỗ Liêm nhắc nhở mọi người chuẩn bị vào thăm bệnh xá mang tên liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tất cả thắp nhang tưởng niệm và chụp chung một tấm ảnh dưới chân tượng người liệt sĩ anh hùng. Bức tượng tạc bằng đá hoa cương, thể hiện hình ảnh chị Đặng Thùy Trâm đầu đội nón lá, vai mang túi cứu thương, sự giản dị này dễ khiến mọi người liên tưởng đến thời kỳ chịu đựng biết bao thiếu thốn, gian khổ mà đầy anh dũng, hào hùng. Tôi sờ nhẹ vào bàn chân chị mang đôi dép lốp, sớ đá thô ráp màu bụi đường, màu bùn đất quê hương, cảm nhận niềm tự hào của cả dân tộc. Hội VHNT Quảng Ngãi rất tận tình tiếp đoàn, chu đáo thông báo đến UBND huyện Lý Sơn nhờ giúp đỡ và cử anh Trầm Thụy Du (TBT tạp chí Sông Trà) cùng theo. Từ cảng Sa Kỳ ra đảo bằng tàu cao tốc, sóng yên biển lặng nên chỉ hơn 1 giờ đồng hồ là đến nơi. Huyện cho xe đón, chị Phạm Thị Hương (Phó Chủ tịch huyện Lý Sơn) tổ chức cuộc họp nhanh, giới thiệu khái quát tình hình kinh tế, xã hội… của huyện đảo cho đoàn. Hai ngày đêm ở đảo, anh chị em được hướng dẫn đi viếng nhiều nơi như: đền thờ họ Phạm, mộ lính Hoàng Sa Bắc Hải, miếu thờ bà Thiên Y A na, Âm Linh tự, Lăng thờ cá Ông, đình An Hải, An Vĩnh, miệng núi lửa… Không phải ngẫu nhiên mà Lý Sơn được tôn vinh là “Vương quốc tỏi”, tìm hiểu mới biết cách chăm sóc tỏi, nguồn nước tưới, đất trồng… khác nhiều với tỏi trồng vùng khác, tạo hương vị đặc biệt khó quên. Đi ven biển, dưới chân núi toàn đá là đá đủ loại, trầm tích sa thạch, có những bãi đá đen tuyền nhấp nhô mặt nước mênh mông. Khó ai hình dung ra sự biến thiên của trời đất hàng triệu năm trước qua những đợt phun trào núi lửa, cuộc đảo lộn thiên nhiên cuồng nộ, rồi lặng lẽ thời gian hình thành đảo, rồi con người tập tành sinh sống, giữ gìn cương thổ cha ông. Viếng tượng đài Hải đội Hoàng Sa, đoàn thắp nén nhang tưởng niệm vong linh của đội hùng binh, các bậc tiền hiền đã dày công khai phá, bảo vệ, hy sinh cho vùng biển trời thiêng liêng Tổ quốc. Tôi xin ghi lại hai câu do cô Đặng Thị Hiền ở Nhà lưu niệm đọc: “Hoàng Sa trời biển mênh mông/ Thuyền đi thì có, người không thấy về” như gởi lòng ngậm ngùi thành kính đến những người lính, người dân kiên cường bám biển, bây giờ hồn phách mang mang…

Không thể kể ra hết những chuyến đi, những hội viên cùng biết bao kỷ niệm thân thương. Riêng đối với tôi, ngòi bút sau này hình như có bàng bạc chút tâm trạng đồng cảm với cảnh đời, cuộc sống những đứa trẻ phong phanh manh áo mỏng trong gió rét ở Kon Tum, Ban Mê Thuột, lèo tèo quán cóc cà phê vỉa hè ở Tuy Hòa hoặc những phụ nữ nghèo, cơ nhỡ từ Quảng Ngãi, Đắc Nông… trôi giạt vào Vũng Tàu lam lũ mưu sinh, cậu bé câm đục san hô lúc trời mờ sáng ở đảo Lý Sơn… Những chuyến đi thực tế đầy cảm xúc thật sự hữu ích và là chất men sáng tạo, rung động cho người hoạt động văn học nghệ thuật trên mọi lĩnh vực chuyên môn. Xin được gọi đó là ký ức sống!

Nguyễn Kim
(Theo VNTG số 53)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 433
  • Khách viếng thăm: 430
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 83215
  • Tháng hiện tại: 1948994
  • Tổng lượt truy cập: 48323121