Mùa cổ điển

Đăng lúc: Thứ hai - 12/11/2012 09:19
Đọc báo thấy tin dàn nhạc Giao hưởng Iran với hơn 30 năm lịch sử bị giải tán vì khó khăn kinh tế, anh bạn tôi – một thành viên dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) – tâm sự thông tin đó khiến anh “vừa buồn vừa vui”. Buồn vì một dàn nhạc từng biểu diễn với những nghệ sĩ lớn như Isaac Stern hay Yehudi Menuhin mà có ngày không trả nổi lương cho nhạc công. Còn vui vì thính giả nhạc cổ điển Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc của đời sống âm nhạc bác học trong khoảng một thập niên qua.

Mở đầu tháng 11 là hai đêm diễn Gorgeous nights các tác phẩm dành cho cello và dàn nhạc của nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân và VNSO dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Dorian Wilson. Tối 4.11 là đêm của dàn nhạc Thính phòng Vienna với sự tham gia của nghệ sĩ violin Lê Hoài Nam. Giữa tháng, nhạc trưởng Honna Tetsuji và VNSO tiếp tục series tại rạp Công Nhân (Hà Nội) với tài năng trẻ violin Đỗ Phương Nhi. Cuối tháng 11 là hai buổi công diễn vở opera Cô Sao mừng tác giả – nhạc sĩ Đỗ Nhuận 90 tuổi. Rồi chưa kể những chương trình quy mô nhỏ như hoà nhạc thính phòng của tam tấu Trinity do viện Goethe tổ chức… Liệt kê để thấy chỉ trong một tháng, công chúng nhạc cổ điển tại Việt Nam có hơn một lựa chọn mà chất lượng thưởng thức đã được khẳng định trước cả khi sự kiện diễn ra. Sự phong phú đó phản ánh đời sống riêng của âm nhạc cổ điển ở Việt Nam.

Chỉ cần truy cập trang web của VNSO là có thể tìm thấy toàn bộ các chương trình biểu diễn của dàn nhạc lớn nhất nước trong năm qua bản ebook Mùa diễn 2012 với những thông tin cụ thể và trang trọng. Cũng tại địa chỉ này, người yêu nhạc cổ điển dễ dàng thực hiện các thao tác để đăng ký một thẻ thành viên chương trình hoà nhạc đặt trước trong cả năm của dàn nhạc. Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc VNSO cho biết đây là một hoạt động rất có ý nghĩa: “Một mặt, hình thức đặt vé trước cả năm như thế này đo lường cho chúng tôi sức hút của dàn nhạc với công chúng. Mặt khác, đó cũng là cách làm thu hút những người yêu nhạc cổ điển và đảm bảo nhu cầu thưởng thức loại hình âm nhạc này của họ luôn được đáp ứng”.

Trong mấy năm qua, dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đạt hiệu suất hoạt động cao với khoảng 60 buổi diễn một năm gồm các nhạc mục định trước, các chương trình nằm trong dự án thường niên và các chương trình đặc biệt theo sự kiện... Dàn nhạc này cũng chưa phải là đơn vị duy nhất hoạt động âm nhạc cổ điển. Tại Hà Nội còn có dàn nhạc của học viện Âm nhạc quốc gia, dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, dàn nhạc nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Ở TP.HCM là dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TP.HCM hay dàn nhạc của nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM…, chưa kể các nhóm tam tấu, tứ tấu.

Cũng cần nói tới nỗ lực không nhỏ của các trung tâm văn hoá nước ngoài như viện Goethe, L’Espace hay Hội đồng Anh và các mạnh thường quân với những khoản đầu tư ổn định và thường niên cho nghệ thuật. Mỗi năm những đối tượng này cũng nỗ lực đưa tới Việt Nam rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài và có được hàng chục chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển đẳng cấp quốc tế.

Khi còn giữ cương vị giám đốc dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân từng chia sẻ rằng nếu ai nói âm nhạc cổ điển không có đất ở Việt Nam thì đó là một nhận định sai lầm: “Từ những chương trình biểu diễn gần như không có thu nhập về kinh tế, chúng ta đã có những buổi diễn bán được một nửa hoặc hơn, thậm chí những chương trình được giới thiệu hoặc tổ chức tốt khán giả chật nhà hát. Đó là minh chứng rõ ràng cho đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam”.

Mấy tuần qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin vé chương trình của ca sĩ Bằng Kiều bán hết trước sự kiện nửa tháng. Nhưng đêm diễn của dàn nhạc Thính phòng Vienna tại Nhà hát lớn Hà Nội cũng hết vé trước ngày diễn cả tuần dù giá tiền triệu. Ở đây thông tin không mang ý nghĩa so sánh mà nhằm minh chứng nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn luôn có công chúng.

Nhạc cổ điển không có mùa diễn như những sân khấu ca nhạc đại chúng khác. Nhưng người bạn đang chơi ở VNSO của tôi nói rằng vẫn có mùa trong đời sống nhạc cổ điển ở Việt Nam. Đó là mùa… thu hoạch những thế hệ nghệ sĩ mới tiếp nối thế hệ trước. Và để có những mùa thu hoạch như thế, một đời sống âm nhạc khởi sắc, phát triển là cần thiết để nghệ sĩ trẻ tin vào tương lai của nền âm nhạc cổ điển nước nhà.

Dung. P
(Theo Sài Gòn tiếp thị)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 192
  • Khách viếng thăm: 191
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 43023
  • Tháng hiện tại: 2275573
  • Tổng lượt truy cập: 46242806