NHẬN BIẾT
Nguyên nhân nôn thường gặp nhất ở trẻ dưới 12 tháng là trào ngược DDTQ với 2 dạng là trào ngược DDTQ sinh lý và trào ngược DDTQ bệnh lý. Lứa tuổi thường gặp là nhũ nhi (trẻ dưới 12 tháng), đỉnh điểm là lứa tuổi trẻ từ 1 - 4 tháng, nhưng đa số hiện tượng này tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi.
Có nhiều cơ chế sinh học giải thích cho tình trạng trào ngược DDTQ là do cha mẹ cho con bú nhiều hơn dung lượng chứa của dạ dày sẽ gây nên hiện tượng trào ngược. Nguyên nhân thứ 2 là do khi trẻ được sinh ra, cơ vòng thực quản dưới còn yếu; còn ở trẻ nhỏ, góc giữa dạ dày và thực quản thẳng hàng, chứ không có góc gập như ở người trưởng thành nên cũng dễ gây nôn trớ sữa.
Nguyên nhân thứ ba là hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh nên việc tiêu hóa sữa công thức, ngoài sữa mẹ diễn ra khá chậm; một số trẻ có thể dị ứng với protein động vật trong sữa công thức. Ngoài ra, một số bệnh gây tăng áp lực ổ bụng do tình trạng ho, táo bón kéo dài cũng gây ra trào ngược DDTQ.
Khi trẻ bị trào ngược DDTQ sẽ xuất hiện các dấu hiệu: Nôn là triệu chứng thường gặp nhất, thường ngay sau bữa ăn, xảy ra thường xuyên, tăng lên khi thay đổi tư thế trẻ. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như: Nôn máu, biếng ăn, quấy khóc, khám miệng thì thấy dấu mòn các răng, rối loạn giấc ngủ, có những biểu hiện ho, khò khè tái đi tái lại; đối với trẻ lớn thì có cảm giác đau bụng, ợ chua, ợ nóng, khó nuốt, đau sau xương ức…
Làm sao nhận biết được trẻ bị trào ngược DDTQ sinh lý hay bệnh lý là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra? Để nhận biết được điều này, phụ huynh cần theo dõi thể trạng của trẻ. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị nôn, trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, bú đều đặn, không bị khò khè tái đi tái lại… thì đó chỉ là trào ngược DDTQ sinh lý, số lần nôn sẽ giảm dần theo thời gian (thường chậm nhất là ở thời điểm 1 tuổi).
Nếu trẻ chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, sợ ăn hay bị khò khè kéo dài đáp ứng kém với điều trị, viêm phổi tái phát nhiều lần, nhìn vào miệng thấy các răng trẻ bị mòn (do dịch axít từ dạ dày trào lên) hoặc trẻ vẫn còn tình trạng thường xuyên nôn sau 1 tuổi… đó là trào ngược DDTQ bệnh lý.
Trào ngược DDTQ sinh lý không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của trẻ. Tuy nhiên, trào ngược DDTQ bệnh lý lại gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, viêm loét thực quản, xuất huyết, thực quản Barrett và loạn sản thực quản, có thể dẫn đến ung thư, viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, tăng tình trạng lên cơn hen suyễn và đôi khi còn có thể gây hội chứng chết đột ngột.
CÁCH ĐIỀU TRỊ
Đối với trẻ bị trào ngược DDTQ bệnh lý, chúng ta có thể cho trẻ đi siêu âm ngực, bụng hoặc đo độ pH thực quản. Hiện tại, đối với việc điều trị tình trạng trào ngược DDTQ, chúng ta sẽ đi từng bước từ điều chỉnh một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ trào ngược DDTQ đến bước sau cùng là dùng thuốc hỗ trợ hoặc phẫu thuật.
Điều trị không dùng thuốc: Trẻ ngủ với đầu giường nâng cao 300; cho trẻ ợ hơi sau bú; tránh các yếu tố làm tăng áp lực ổ bụng như ho, táo bón, mặc quần áo chật…; tránh các thuốc, thực phẩm làm giãn cơ thắt thực quản dưới (anticholinergic, xanthine, khói thuốc lá, sôcôla…); làm đặc thức ăn, chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm. Nếu nghi ngờ trẻ bị trào ngược do dị ứng sữa thì chúng ta có thể dùng sữa có đạm thủy phân.
Nếu xử trí bằng phương pháp không dùng thuốc thất bởi sau 1 tuần hoặc triệu chứng nặng thì chuyển sang điều trị bằng thuốc. Thời gian điều trị thuốc thường kéo dài khoảng 8 tuần, bao gồm các thuốc điều hòa nhu động ruột, tăng trương lực của cơ vòng thực quản dưới, kháng tiết acid, bảo vệ niêm mạc thực quản. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải theo toa của bác sĩ để trẻ uống đúng liều lượng, đúng nguyên tắc và tránh những tác dụng phụ xảy ra.
Để làm giảm triệu chứng trào ngược và nhất là phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng để kịp thời xử trí là những điều hết sức quan trọng. Khuyến khích trẻ bú mẹ trực tiếp: Trẻ bú mẹ ngay từ sơ sinh sẽ giảm nhiều nguy cơ trào ngược này do những yếu tố phù hợp sinh lý như: Lượng sữa non của mẹ đúng bằng dung tích dạ dày của con; sữa mẹ xuống từng đợt và có độ béo tăng dần trong cử bú giúp trẻ nhận biết và tự động dừng bú khi đầy dạ dày; sữa mẹ không kích thích gây dị ứng; bú mẹ đúng cách trẻ không bị nuốt không khí cùng với sữa; các thành phần có trong sữa mẹ rất phù hợp sinh lý, dễ tiêu…
Cho trẻ bú mẹ cũng cần thực hiện đúng cách. Nếu trẻ bú 2 bên trong 1 cữ thì nên cho bú bầu vú bên trái trước (trẻ mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó chuyển trẻ sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày trẻ đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.
Sau khi trẻ bú xong, nên cho trẻ ợ hơi và bế trẻ thẳng đứng thêm 15 - 30 phút trước khi cho trẻ nằm. Tránh kích động, đùa giỡn với các trò chơi hoạt động chân tay, các trò chơi gây cười nhiều với trẻ sau cữ bú. Không cho trẻ ăn lại ngay sau khi bị nôn do lúc này dạ dày đã bị mất hết dịch vị, trẻ có ăn cũng không tiêu hóa được. Đặt trẻ nằm ngủ trên giường, nệm có độ dốc 300, đầu cao hơn dạ dày (có thể dùng gối nệm chữ U, có bán ngoài thị trường).
Nếu nghi ngờ trẻ bị trào ngược do dị ứng sữa thì chúng ta có thể dùng sữa có đạm thủy phân. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều sản phẩm để phụ huynh lựa chọn. Làm đặc sữa cũng là biện pháp được nhắc đến bằng cách bổ sung 1 muỗng canh bột gạo (bột gạo đã được chế biến sẵn) vào 60 -120 ml sữa (chỉ áp dụng cho trẻ trên 3 tháng tuổi), giúp sữa sệt hơn.
Làm đặc sữa, thức ăn cũng làm tăng năng lượng, làm giảm tần suất nôn, trớ, kéo dài giấc ngủ trẻ và giảm hiện tượng quấy khóc; tuy nhiên biện pháp này làm tăng nguy cơ táo bón cũng như làm giảm khả năng hấp thu can xi có trong sữa.
Trẻ cần phải nhập viện khi tình trạng trào ngược DDTQ có kèm theo một trong những dấu hiệu sau: Có cơn ngưng thở, tím tái; thở nhanh, co lõm ngực nhiều; khò khè, ho kéo dài chưa rõ nguyên nhân; nôn ra máu hay dịch vàng, dịch xanh; chậm lên cân hay nhẹ cân so với tuổi; quấy khóc, bứt rứt nhiều.
Nhận biết, cách xử trí, trào ngược, dạ dày, thực quản, trẻ em
Ý kiến bạn đọc