Theo thống kê, trong 10 tháng của năm 2015, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong. Riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người phải nhập viện. Phân tích cho thấy, có 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ.
Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, nhưng tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến rất phức tạp, các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra liên tục, có xu hướng tăng lên về số lượng và quy mô.
|
Một bữa ăn tập thể của công nhân (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Chỉ tính từ ngày 25-9-2015 đến 25-10-2015, cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 813 người mắc và nhập viện, không có ca tử vong; trong đó có 7 vụ ngộ độc do vi sinh vật (điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo…), 3 vụ do độc tố tự nhiên (ăn cóc, nấm độc…) và 3 vụ chưa xác định nguyên nhân. Số vụ và ca mắc trên tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn gây hoang mang trong dư luận.
Tại Tiền Giang, trong năm 2015 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Wondo Vina, với 90 người mắc; tại Công ty TNHH túi xách Simone, với 379 người mắc và tại Công ty cổ phần May Sông Tiền, với 57 người mắc do thức ăn nhiễm vi sinh. Điều đáng nói là có 2 công ty đã từng xảy ra ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể, trong đó Công ty TNHH Wondo Vina xảy ra vào tháng 10-2013 với 779 người mắc và Công ty TNHH túi xách Simone xảy ra vào tháng 5-2014 với 38 người mắc.
|
Ngộ độc thực phẩm hàng loạt. |
Những khó khăn, thách thức và nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tại các khu, cụm công nghiệp có rất nhiều, điển hình như: Khẩu phần ăn của công nhân còn rất thấp, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc là rất cao.
Hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (70%) là do mua suất ăn chế biến sẵn từ nơi khác vận chuyển đến. Mặt khác, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn rất hạn chế (khối lượng công việc lớn trong khi số lượng cán bộ đáp ứng cho hoạt động này còn rất ít) và một số quy định quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa thực sự phù hợp.
Từ những khó khăn, thách thức và nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể nêu trên, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để từng bước cải thiện, khắc phục tình trạng này như sau:
1. Tăng cường đầu tư kinh phí cho an toàn thực phẩm theo Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị quyết 47/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2014.
2. Tăng cường thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi cho các đối tượng sử dụng dịch vụ, cung cấp dịch vụ thức ăn sẵn và người tiêu dùng.
3. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương; nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của UBND các cấp; huy động sự phối hợp tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, các cơ sở vi phạm nhiều lần cung cấp suất ăn cho người lao động.
5. Thực hiện triệt để quy trình, kỹ thuật và nội dung kiểm thực 3 bước, bao gồm: Kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào. Kiểm tra thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến. Tăng cường tự kiểm tra của doanh nghiệp có bếp ăn tập thể.
6. Nghiên cứu triển khai các mô hình điểm về bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
7. Sửa đổi, bổ sung một số quy định cấp đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng lộ trình đạt yêu cầu HACCP, GMP…
8. Khi xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đơn vị đầu tư phải dành quỹ đất để xây dựng bếp ăn tập thể phục vụ nhu cầu tại chỗ cho công nhân.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong Chiến lược bảo vệ sức khỏe con người, vừa mang tính cấp bách, vừa phải hành động lâu dài, liên tục. Mọi người hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng chung tay hành động để kiểm soát tốt tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật, nghèo đói, tăng khả năng và hiệu suất lao động, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước cải thiện chất lượng giống nòi, dân tộc như mong ước của biết bao người từ trước đến nay.
Ý kiến bạn đọc