Cảnh báo gia tăng kháng thuốc kháng sinh

Đăng lúc: Thứ tư - 06/08/2014 08:38
Việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đang làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, các bệnh lý về nhiễm khuẩn luôn chiếm tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật của Việt Nam. Do đó, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết.

Cảnh báo gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Ảnh: Thúy Hà
Cảnh báo gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Ảnh: Thúy Hà

Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đang làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta. Đây không phải vấn đề mới nhưng đang trở nên nguy hiểm và cấp bách.

Kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc được điều tra, gần 1/3 có bán đơn thuốc kê kháng sinh.

Kháng sinh đóng góp 13% ở thành thị và gần 19% ở nông thôn trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Kháng sinh được bán mà không cần đơn có tỷ lệ 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn.

Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin.

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nguyên nhân khiến gia tăng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta là do công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc còn hạn chế, người dân vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm nên thường tự ý tăng liều và liệu trình điều trị.

“Chính vì vậy, mức độ và tốc độ kháng thuốc ở nước ta ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Đặc biệt là gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng vì chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài”, ông Cao Hưng Thái nói.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Vấn đề kháng thuốc kháng sinh không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang trở nên cấp bách và báo động đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Để hạn chế tình trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra lời kêu gọi "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa" nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7-4-2011. Hưởng ứng lời kêu gọi này, tháng 6/2013, Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.

Kế hoạch đã nêu lên thực trạng kháng thuốc, chỉ rõ nguyên nhân và hậu quả của kháng thuốc trong ngành y tế. Từ đó, Kế hoạch cũng đã chỉ ra các giải pháp thực hiện nhằm ngăn chặn sự gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp.

Để thực hiện tốt kế hoạch này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, cần có sự nỗ lực và cam kết của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Cần phổ biến tuyên truyền giáo giục nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế trong phòng chống kháng thuốc. Đặc biệt là tăng cường truyền thông giáo dục để người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, nếu người bệnh để xảy ra tình trạng kháng kháng sinh sẽ dẫn đến hiệu quả điều trị rất thấp, chi phí điều trị tăng cao, thậm chí bệnh nhân sẽ tử vong. Nhận thức được sự nguy hiểm này, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm yêu cầu các đơn vị trong ngành thành lập các hội đồng giám sát việc kê đơn của các bác sĩ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị phải triển khai đồng bộ việc phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo để hạn chế tối đa virus, vi khuẩn kháng thuốc.


(Theo Chinhphu.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 201
  • Khách viếng thăm: 198
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 906
  • Tháng hiện tại: 2557349
  • Tổng lượt truy cập: 48931476