Virus Ebola - 10 điều cần biết

Đăng lúc: Thứ năm - 14/08/2014 13:41
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1392/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola.

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 6-8, dịch bệnh do virus Ebola gây ra đang bùng phát tại các quốc gia Tây Phi, làm 961 người tử vong với 1.779 trường hợp mắc bệnh. Số người mắc bệnh và tử vong do virus Ebola đang có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, dịch xảy ra lần này đã ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế mắc bệnh là những người đã trực tiếp tham gia việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Ebola.

Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân Ebola tử vong.
Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân Ebola tử vong.

Dưới đây là những thông tin về dịch bệnh nguy hiểm này:

1. Theo số liệu của WHO, từ tháng 12-2013 đến ngày 4-8-2014, trên thế giới đã có 1.603 trường hợp nhiễm bệnh và 887 người tử vong do virus Ebola tại 4 quốc gia Tây Phi: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Guinea là quốc gia có số người tử vong do virus Ebola cao nhất, với 358 người trên tổng số 485 ca nhiễm bệnh.

2. Bệnh virus Ebola (trước đây gọi là bệnh sốt xuất huyết Ebola) được WHO khẳng định là 1 trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Nghĩa là, cứ 10 người mắc bệnh thì có tới 9 người tử vong.

3. Bệnh virus Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại 1 ngôi làng gần sông Ebola ở Congo và 1 ngôi làng khác ở vùng hẻo lánh thuộc Sudan. Tên virus này được đặt theo tên của con sông nơi virus này lần đầu được phát hiện.

4. Nguồn gốc của virus Ebola chưa được xác định rõ, nhưng loài dơi ăn trái Pteropodidae là vật chủ tự nhiên của virus này. Ngoài ra, các loài động vật khác như khỉ đột, vượn, heo cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh.

5. Virus Ebola lây qua tiếp xúc gần với máu, dịch tiết hoặc các dịch cơ thể khác. Tại Châu Phi, việc lây nhiễm bệnh diễn ra do người dân tiếp xúc với những con vật trung gian truyền bệnh như: Tinh tinh, khỉ đột, dơi, khỉ, linh dương, nhím…

Khi 1 người tiếp xúc với con vật có virus Ebola, virus này có thể lây qua những người khác do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất dịch cơ thể khác hoặc dịch tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch).

6. Những người có nguy cơ cao với việc nhiễm virus Ebola bao gồm: Các nhân viên y tế; người nhà hoặc những người tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh; người tiếp xúc trực tiếp với thi thể nạn nhân trong các nghi lễ đám tang. Ngoài ra, những người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola tại các khu rừng nhiệt đới cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

7. Các triệu chứng của bệnh virus Ebola là gì?

Theo WHO, sốt đột ngột, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu và đau cổ họng là những triệu chứng điển hình của bệnh virus Ebola được biết tới. Tiếp theo đó là ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan và trong một số trường hợp bị chảy máu cả bên trong lẫn bên ngoài (Ebola cũng có thể gây ra chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng và trực tràng).

Thời gian ủ bệnh của bệnh virus Ebola khoảng từ 2 đến 21 ngày, kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh cho tới khi có những triệu chứng bệnh đầu tiên. Các bệnh nhân sẽ dễ lây bệnh cho người khác khi họ bắt đầu có triệu chứng. Trong thời gian ủ bệnh, họ không có khả năng lây lan.

8. Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa virus Ebola cũng như chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này.

9. Mặc dù nguy cơ với khách du lịch là không cao do cơ chế lây truyền từ người sang người là tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể hoặc dịch tiết (nước bọt, nước tiểu, tinh trùng, phân) của người bệnh. Tuy nhiên, WHO vẫn khuyến cáo hạn chế thương mại và du lịch tới những vùng dịch bệnh đang bùng phát.

10. Hiện tại, WHO chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về nguy cơ bùng phát dịch Ebola trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, dịch bệnh Ebola tại Tây Phi đang vượt ra khỏi kiểm soát và nhiều quốc gia đã lên kế hoạch để chủ động đối phó với dịch bệnh này khi nó xuất hiện.

Theo Bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có ca nhiễm virus Ebola, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực Châu Phi là hoàn toàn có thể.

Bệnh do virus Ebola là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi, giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành đã có công văn chỉ đạo đến hệ thống y tế trong tỉnh về việc chủ động phòng, chống bệnh do virus Ebola trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý công tác giám sát dịch bệnh.

Để phòng, chống bệnh nói chung và bệnh do virus Ebola nói riêng, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.

Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng: Sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt thì cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.


Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 364
  • Khách viếng thăm: 361
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 49061
  • Tháng hiện tại: 1690474
  • Tổng lượt truy cập: 48064601