Bác Ba Phi: Sự thật và huyền thoại - kỳ 02

Đăng lúc: Thứ hai - 04/02/2013 13:16
Thiên nhiên trong chuyện kể của bác Ba Phi là sự trù phú, đáng yêu và đáng tự hào. Thực tế thiên nhiên giàu có, trù phú với những con người cần cù, dũng cảm, hào phóng của miền đất U Minh là cội nguồn sản sinh ra chuyện bác Ba Phi độc đáo.
U Minh trù phú

Bác Ba Phi kể: Ở ven rừng U Minh thuở trước, chim nhiều không kể xiết. Nhiều đến mức mỗi khi mang lúa giống ra vãi mạ, chim bu lại như ong vỡ tổ, chỉ việc lấy roi tre quất là chúng rơi lộp độp nằm xếp lớp, phải mướn mấy trăm ghe chài chở đi bán (Bắt chim trời ăn lúa). Vịt trời, le le thì “không biết mấy ngàn con mà kể”, “trứng lượm đầy một xuồng be tám” (Trứng vịt trời). Bác Ba Phi miêu tả tiếng chim như bản nhạc rừng hòa tấu vang rân đất U Minh với hàng ngàn chủng loại, từ giang sen, gà dãy, lông ô, khoang cổ, tu hú... đến trích cồ, chàng bè, trao trảo...

Trong chuyện kể của bác Ba Phi, trên trời có chim bay rần rần, dưới kênh cá quẫy ùng ục (Cá trê Lung Tràm). Cá Lung Tràm táp gọn cả chiếc xuồng, cá đem làm mắm cả chục cái mái đầm, cá kèo lội đặc như bánh canh (Bắt cá kèo), cá rô “ục như cơm sôi”, con nào con nấy cầm nặng tay, da đen trạy, lớn bằng cái tĩnh Nam Vang. Cá tra nuôi mới sáu tháng nặng ba, bốn ký, cả ngàn con thi nhau đào cái đìa rộng đến hai thước, dài 7-8 tầm (Cái đìa ngầm).
 


Môi trường rừng U Minh đã bị thay đổi do bị nhiễm mặn. Trong ảnh: Chở nước ngọt giữa mùa mưa. Ảnh: HUỲNH LỘC

Con người luôn chiến thắng thiên nhiên

Không phải ngẫu nhiên mà trong dân gian lưu truyền câu “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, “dữ như cọp Vườn Trầu, ác như sấu Vũng Gấm”.

Thực tế ở rừng U Minh có nhiều thú dữ như cọp, sấu, hổ mang, luôn là mối hiểm họa đối với người khẩn hoang…

Nhưng cọp trong chuyện bác Ba Phi luôn gần gũi với con người, như chuyện “Bắt cọp rừng”, “Cọp ăn chè”, hoặc rất thú vị là chuyện “Cọp xay lúa”: Hồi nẳm cọp thường vô xóm chơi với người. Một hôm bác Ba Phi khiêng cối ra xay lúa, cọp nhảy phủ đầu, bác Ba né ngang, cọp bấu chân vào giằng xay, cứ theo đà đẩy cối xay quay tới lui. Bác Ba Phi sẵn dịp đổ lúa vào cối cho cọp xay đến hết 10 thiên (ngàn) giạ lúa...

Bác Ba Phi kể về cá sấu: Xứ này, trời nắng sấu lên nằm ở hai bên bờ sông cũng như củi lụt. Cá sấu lớn bằng mái đầm, câu cá sấu phải bằng dây mây dóc bện lại bự hơn bắp chân. Sấu mắc câu kéo thuyền chạy như bay qua cả... đập Cầu Dừa (Câu cá sấu). Hay như chuyện “Xuồng cá sấu”: Xứ này, cá sấu nhiều, nổi có bầy, bác Ba Phi muốn đi đâu thì cứ nhảy lên lưng sấu mà đi, khỏi phải chống xuồng. Một hôm, bầy cá sấu chở bác Ba đi lạc ra tới chợ Cà Mau, nhân tiện bác Ba kêu bán luôn, chỉ chừa một con cưỡi về. Bác còn nuôi một con cá sấu lớn, sáng cưỡi đi ruộng, ngồi uống trà, ca vọng cổ, chiều sấu lặn kiếm mồi... nhậu!


Ven rừng U Minh vẫn là nơi trú ngụ của loài chim nước. Ảnh: HUỲNH LỘC

Chuyện bắt cọp, câu cá sấu trong chuyện bác Ba Phi là những hình ảnh tiêu biểu trong truyện dân gian Nam Bộ. Tuy nhiên, trong chuyện bác Ba Phi nó được phóng đại hơn và giàu chất hài nhưng cùng hướng về thiên nhiên khắc nghiệt của buổi đầu khai phá.

Duyên hài rặt Nam Bộ

Nhân vật trong chuyện kể của bác Ba Phi phần lớn là rùa, rắn, chim chóc, cọp nai... ở vùng U Minh. Mỗi nhân vật đều được nhân cách hóa và kể lại mang dáng dấp, hình ảnh của lão nông Nam Bộ cần cù, dũng cảm, tính cách rộng rãi và hay cà rỡn. Như chuyện “Chim chuột ở U Minh”, khi bác Ba đem lúa giống ra vãi mạ, chuột đứng sắp hàng, một tay chắp sau đít, một tay đưa ra hứng lúa giống mới đâm mộng mền mụp, chuột vừa ăn vừa vuốt râu. Đến chừng coi lại không có một hột giống nào rớt tới đất.

Trong chuyện “Chiếc tàu rùa”, bác Ba Phi kể hồi nẳm rừng Lung Tràm bị cháy, lửa rừng rực, khói mịt mù, rùa chạy trốn có hàng đàn. “Chúng chạy bằng ba chân, còn một chân trước đưa lên che mặt, con nào cũng chảy nước mắt nước mũi choàm ngoàm”...

Từ chi tiết thật hằng ngày bác Ba Phi đã phóng đại lên, rồi gắn kết với những sự việc có thật mà mọi người thường ngày trải qua. Từ đó người nghe cảm thấy hết sức gần gũi và cảm thấy như có mình tham gia trong câu chuyện kể, thuyết phục người nghe chấp nhận những tình tiết phóng đại đang xảy ra trong quá trình diễn tiến của câu chuyện.



Rừng tràm U Minh hoang dã và trù phú, nơi khơi nguồn những câu chuyện cười của bác Ba Phi. Ảnh: HUỲNH LỘC

 
Bà Nguyễn Thị Anh, con dâu thứ hai, bên bàn thờ bác Ba Phi. Ảnh: HUỲNH LỘC

Nói dóc để cười vui, giải trí

Trong rất nhiều câu chuyện, tiếng cười bật ra từ sự phóng đại quá cỡ. Chỉ cần giăng hai giềng câu dọc be xuồng, móc mồi bằng... lá tràm là cá dính. Rải một mớ nếp thơm trên sân đã quyến rũ hàng triệu chim trời lao đến, gác tréo chân nằm ngủ trưa, ong kéo bầy đến đóng tổ vắt ra hàng chục lít mật. Cá lóc ăn toàn dừa khô, nấu cháo khỏi để nước cốt dừa mà vẫn béo ngậy. Cá sặt bổi ăn cau tầm vung thịt chát ngắt. Nửa đêm đói bụng bắt một con gà mái đem đi cắt cổ... nhìn kỹ hóa ra là một con muỗi. U Minh có một thứ nếp dẻo đến nỗi văng lên mái nhà, con chó nhảy theo đớp, thế là bị đính luôn trên đó, treo lủng lẳng. Cái sọ cá trê làm ghe chở cả trăm giạ lúa... Đó là sản phẩm của một bộ óc tưởng tượng lạ lùng, độc đáo.

Chuyện bác Ba Phi kể: “Bữa đó tao đi, lỡ đường sa vô một đám đốt đồng, khói đặc kẹo, tao ngộp muốn chết, ráng chạy riết mà không qua khỏi. May thay tao gặp một cái cây, tao vội vàng leo lên, mong lên cao cho đỡ ngộp. Tao leo, tao leo, mà sao cái cây trơn quá... Cuối cùng tao cũng lên được chảng ba, tao mừng quá, hả miệng thở cái khì. Vừa mở mắt ra thì trời ơi! Tao đang ngồi trong miệng của một con rắn hổ mây!... Nó cũng đang bị ngộp!”.

Bác Ba Phi có một nghệ thuật kể chuyện phi phàm mà chỉ có một bộ óc có sức tưởng tượng kiệt xuất mới sáng tạo được. Câu chuyện của bác Ba Phi bao giờ cũng mở đầu với những kịch tính, chi tiết hết sức lạ lẫm và kết thúc gây bất ngờ khiến người nghe phải lăn ra cười. Biết là bác Ba Phi nói dóc nhưng vẫn muốn nghe, càng nghe càng khoái.

Chuyện kể của bác Ba Phi là một sản phẩm tinh thần tiêu biểu của dân gian Nam Bộ. Những chuyện kể này một mặt làm phong phú thêm cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam, mặt khác phản ánh một cách khá sinh động về thiên nhiên và con người ở địa đầu phương Nam tổ quốc.

Chính những sắc thái độc đáo và đặc sắc của tiếng cười ở chuyện kể của bác Ba Phi đã khiến tác phẩm và tên tuổi bác Ba Phi vượt ra khỏi địa giới U Minh, lưu truyền cả một vùng rộng lớn Nam Bộ.

PTS TRẦN HOÀNG, ĐH Quốc gia TP.HCM
Đặng Huỳnh Lôc
(Theo Phapluatvn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Bác Ba Phi, U Minh

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 409
  • Khách viếng thăm: 404
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 67197
  • Tháng hiện tại: 1932976
  • Tổng lượt truy cập: 48307103