Ông Đồ ngày ấy, bây giờ…

Đăng lúc: Thứ năm - 07/02/2013 12:32
Mỗi lần Tết đến, trong tâm trí của lớp người tuổi trung niên trở lên lại vang vang âm điệu bài thơ “Ông Đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già…”
Bài thơ giản dị, mộc mạc nhưng được rất nhiều người thuộc lòng và ngâm nga mỗi độ xuân về có lẽ nhờ hình ảnh rất đẹp: ông đồ “khăn đóng áo the”, “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay”, gợi niềm hoài cổ, thương tiếc những lớp người tài hoa đã không còn nữa: “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”…

Trong niềm hoài cổ ấy, người thời nay “phục dựng” hình ảnh ông đồ và hoạt động “cho chữ, xin chữ” ngày xuân như một nét văn hóa truyền thống của một dân tộc. Đã thành lệ, qua ngày Rằm tháng Chạp, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng… lại thấy bày ra những “phố ông Đồ”: cũng những “ông đồ” khăn đóng áo the, cũng mực tàu giấy đỏ… Năm nay TPHCM có hai “phố ông Đồ”, một tại Nhà văn hóa Thanh niên đường Phạm Ngọc Thạch và một trước Nhà văn hóa Lao động đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Một ông đồ trên phố Phạm Ngọc Thạch, TPHCM. ảnh TP

Nhưng trong cái nắng đổ lửa của Sài Gòn, dạo vòng qua các phố ông đồ, không ít người thất vọng. Trên facebook, bạn Phạm Hồng Hoa nhận xét: “Trưa nay ra phố ông Đồ, Cung văn hóa Lao Động, mà lòng không hứng thú vì ... không thấy nét xưa”. (https://www.facebook.com/pham.h.hoa.33?ref=ts&fref=ts)

Cái nét xưa ấy thực ra đã tàn phai từ lâu rồi. Ngay từ lúc làm bài thơ “Ông Đồ” (cuối thập niên 1930), nhà thơ Vũ Đình Liên đã ngậm ngùi trước sự tàn phai của văn hóa Nho học của cha ông xưa: “Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu”. Dù sao, ở thời cụ Liên, những ông đồ vẫn có vị trí trang trọng trong xã hội và người dân vẫn chuộng phong tục “xin chữ thánh hiền” về treo giữa nhà trong những ngày xuân, vừa như một họa phẩm trang trí, vừa như những châm ngôn nhắc nhở về đạo làm người. Ngày Tết sẽ không hoàn chỉnh, sẽ thiếu vắng một phần hương vị nếu trong nhà không có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ!”

Bây giờ, trong thời hiện đại, sự xuất hiện hình ảnh ông đồ “khăn xếp, áo dài” có điều gì đó hơi gượng gạo, khiên cưỡng, nhất là giữa cảnh sống gấp gáp của phố phường cuối năm. Trong mỗi gia đình ngày nay, những “câu đối đỏ”, bức thư họa ngoằn ngoèo cũng không còn chỗ đứng bên cạnh chiếc ti-vi màn hình phẳng và những thiết bị giải trí điện tử đa dạng, lấp lánh.

Theo nhận xét của nhiều người, hình ảnh ông đồ ngày nay không còn biểu thị một nét văn hóa mà đã nhiều phần thương mại hóa. Có nơi, ông đồ là những chàng trai trẻ, chiếc áo dài sặc sỡ chỉ khoác hờ lên bộ quần jean, bày gian hàng để bán những vật lưu niệm, những bức vẽ chữ loằng ngoằng tự gọi là “thư pháp” (!). Chả trách, dù đầu tư nhiều công sức tổ chức nhưng “phố ông đồ” năm sau vắng hơn năm trước, và khách tham quan chủ yếu là những nam thanh nữ tú đến chụp ảnh với các “ông đồ” để trưng lên trang blog, facebook cá nhân như một hình ảnh lạ mắt hơn là tìm hiểu, thưởng thức một nét văn hóa của ngày xưa.

“Ông đồ vẫn ngồi đấy. Qua đường không ai hay. Lá vàng rơi trên giấy. Ngoài trời mưa bụi bay!”. Tám mươi năm trước cụ Vũ Đình Liên đã than tiếc cho sự tàn lụi của một nền văn hóa cổ truyền trước sự du nhập của làn sóng văn hóa phương Tây. Với những ông đồ ngày nay, lớp con cháu của “những người muôn năm cũ” dường như cố níu kéo lại chút vàng son xưa cũ nhưng dường như đã không thành công.

Quy luật đào thải là rất khó cưỡng lại.

 
Ông đồ trẻ diện quần jean ở phố chợ Túy Loan, Đà Nẵng. Ảnh HTT

Thái Bình
(Theo thesaigontimes.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

ông đồ, thư pháp

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 397
  • Khách viếng thăm: 394
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 40146
  • Tháng hiện tại: 1789046
  • Tổng lượt truy cập: 48163173