Vùng trũng Đồng Tháp Mười đổi thay nhờ chuyển dịch đúng hướng

Đăng lúc: Thứ hai - 30/08/2010 12:48

Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè) đang phát triển một cách bền vững, nông nghiệp khởi sắc, nông dân khấm khá lên và nông thôn đổi mới, trở thành điểm sáng vùng trũng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang). Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 15,2 triệu đồng/năm - một trong những mức cao ở vùng nông thôn tỉnh Tiền Giang. Địa phương đang hướng đến mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người cả năm lên mức 25 triệu đồng và giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 11% hiện nay xuống dưới 6% vào năm 2015.

Trước đây, Hậu Mỹ Bắc A vốn địa bàn heo hút, nằm nơi tiếp giáp giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh bạn Long An, Đồng Tháp và thuộc địa bàn trũng Đồng Tháp Mười. Đây vốn là địa bàn thuần nông, mỗi năm trồng 1 vụ lúa nổi (lúa mùa dài ngày chỉ có ở vùng Đồng Tháp Mười), chăn nuôi gia súc gia cầm, thương mại dịch vụ và ngành nghề nông thôn không phát triển, rồi thiên tai lũ lụt,... là những nguyên nhân khiến cho miền quê nghèo hàng chục năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vẫn phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn. Không thể cam chịu và trong cái khó ló cái khôn, Hậu Mỹ Bắc A tập trung chuyển dịch mạnh mẽ và hợp lý cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mùa, chuyển vụ, phá thế độc canh cây lúa, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi đồng thời với khuếch trương thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn lấy chợ Thiên Hộ làm trung tâm.

Xã có hai phong trào  được hết sức quan tâm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân phát triển và làm giàu ở nông thôn, đó là phong trào làm thủy lợi, khai hoang vỡ hóa, ứng dụng khoa học- kỹ thuật nông nghiệp nhằm chuyển toàn bộ vùng lúa nổi mỗi năm 1 vụ bấp bênh sang trồng lúa năng suất cao 2- 3 vụ ăn chắc những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước và phong trào nuôi thủy sản, trồng rau màu trên ruộng lúa phá thế độc canh cho thu nhập 2- 3 lần so với trồng lúa năng suất cao những năm đầu thế kỷ XXI cho đến nay.

 Ngày nay, nuôi thủy sản trên ruộng lúa và trồng màu trong cơ cấu luân vụ lúa + màu cũng được xem là bước cụ thể hóa chủ trương chung sống với lũ lụt sông Cửu Long, giúp nông dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống thay vì cứ "đến hẹn lại lên" chạy lũ vất vả, khó khăn như trước đây.

Trong mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa cũng cho thấy những sáng tạo của bà con vùng Đồng Tháp Mười cần cù, chịu thương chịu khó và năng động, nhạy bén. Thay vì nuôi thủy sản nước ngọt đơn thuần, nông dân đưa con cá giống lên ương dưỡng trên ruộng lúa. Cách làm như sau: vụ đông xuân trồng lúa, thời gian còn lại tu sửa bờ bao, bờ vùng thả cá  lên ruộng để ương thành cá giống bán cho thị trường nuôi cá nước ngọt đang hết sức khát giống. Thường bà con ương các giống cá có giá trị kinh tế cao: mè, chép, tai tượng, rô phi, cá da trơn... Ban đầu một vài hộ nông dân ở ấp Mỹ Chánh 4 nuôi có hiệu quả đã nhân ra toàn xã với hàng trăm hộ dân và diện tích mặt nước đưa vào sản xuất theo mô hình lúa + cá lên đến vài trăm ha. Ông Lê Quốc Vũ, một nông dân có thâm niên hơn chục năm tổ chức sản xuất với mô hình trên cho biết, mỗi năm ngoài một vụ lúa còn quay được 3 - 4 vòng sản xuất cá giống cho tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Nhờ mô hình này mà ấp Mỹ Chánh 4 vốn khó khăn nhất xã thời trước đã trở thành một ấp giàu có vào bậc nhất Hậu Mỹ Bắc A cũng như vùng Đồng Tháp Mười .

Mới đây, nhằm mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất mới cho hiệu quả cao tại các địa bàn thường xuyên ngập lũ sông Cửu Long, tỉnh Tiền Giang đầu tư 3 tỉ đồng kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, giao thông thủy lợi và các tiện ích khác hoàn chỉnh cho ấp Mỹ Chánh 4 - cái nôi của mô hình lúa + cá tại Hậu Mỹ Bắc A và tỉnh Tiền Giang.

Sản xuất phát triển, nông dân có "của ăn của để" đã đồng lòng góp phần cùng nhà nước tích cực đầu tư làm đường sá giao thông nông thôn, mở mang thương mại, dịch vụ, ngành nghề. Chợ Thiên Hộ (Hậu Mỹ Bắc A) hiện có trên 300 hộ kinh doanh buôn bán lớn nhỏ trở thành chợ đầu mối, trung chuyển nông sản hàng hóa, đưa hàng thiết yếu về phục vụ nông thôn vùng Đồng Tháp Mười. Còn theo báo cáo của Đảng ủy Hậu Mỹ Bắc A, trong nhiệm kỳ qua, toàn xã đầu tư làm gần 32.000 m đường giao thông nông thôn, sửa và bắc mới 27 cầu kiên cố thay các cầu khỉ lắt lẻo khó đi và thiếu an toàn. Ngoài ra, nhân dân địa phương hàng năm đầu tư khoảng nửa tỉ đồng nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất, đưa nước tưới tiêu đến phục vụ các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thâm canh cây trồng. Điện lưới quốc gia được đưa về phục vụ 100% địa bàn dân cư, 99% hộ dân có nước sạch sử dụng, gần 87% hộ dân xây được nhà ở kiên cố và bán kiên cố... Đó là những bước đổi thay cơ bản và đáng mừng ở vùng Đồng Tháp Mười heo hút ngày nào.

Ngày nay, Hậu Mỹ Bắc A sau hơn hai thập kỷ kiên trì vượt khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả đã trở thành điểm sáng về nông nghiệp nông dân nông thôn, đồng thời đúc kết được những bài học kinh nghiệm hay trong việc khắc phục thiên tai, chung sống với lũ. Xã định hình được vùng trồng lúa năng suất cao trên 2.000 ha, hàng trăm ha sản xuất theo mô hình lúa + cá, trên 100 ha màu trồng luân vụ trên chân ruộng. Sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt trên 3 vạn tấn lúa hàng hóa, gần 2 vạn tấn rau màu, gần 3.000 tấn thủy sản thu hoạch từ nuôi trồng và đánh bắt nội đồng... Cuộc sống và diện mạo kinh tế hộ, kinh tế nông thôn Hậu Mỹ Bắc A sang một trang mới đầy các gam màu sáng, nhân dân rất phấn khởi.

Minh Trí
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 230
  • Khách viếng thăm: 228
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 28464
  • Tháng hiện tại: 2473354
  • Tổng lượt truy cập: 48847481