Homestay

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2023 19:54

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

Gã ngồi bó gối nhìn đám lục bình dập dờn trôi trên sông xuôi về phía biển. “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương mảnh đời như lục bình trôi…” . Vậy mà gã lại ước mình được trôi giạt như lục bình mới ngộ.

Mười tám tuổi gã phải lòng con Út Xíu nhà có vườn giáp ranh vườn nhà ba má gã. Út Xíu nhỏ hơn gã tám tháng sáu ngày, chơi cất nhà chòi chung với gã từ hồi hai đứa chưa đi học. Ở cái xứ mà đi đâu cũng thấy dừa, thấy cây, thấy mương, thấy cầu thì niềm vui của bọn con trai choai choai như gã là đi mọp ở bụi, ở lùm với đứa con gái mình thích. Mọp chưa được chục lần thì cái bụng Útt Xíu tròn vo;  nhà gã với nhà Út Xíu chửi nhau một trận tưng bừng rồi nghỉ qua lại năm sáu tháng. Gã bị ông già bắt nằm cúi trên bộ ván, ăn cả chục đòn bánh tét nhưn roi mây và nghe bà già chửi suốt từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối gần tháng trời. May có dượng Năm Cà Nhõng là chồng của cô Ba của Út Xíu, cũng là bạn nhậu chí cốt với ông già thủ thỉ hòa giải nên hai nhà ngồi lại với nhau coi ngày thú phạt. Một cặp vịt xiêm thiệt nuôi sau hè gần tròn năm, mâm trầu cau, hai chai rượu gạo của lò rượu cô Sáu Lèo, hai gói trà Con Khỉ, hai cây bánh in mua ở quán bà Tư Hòa gần chợ Cái Gà là xong lễ vật cho nhà gái. Má gã nhìn gã, ngập ngừng nửa muốn nói, nửa muốn thôi rồi thở dài quay đi. Chắc má gã buồn trong lòng vì chuyện chung thân đại sự cả đời của gã lại được quyết định chóng vánh, sơ sài qua loa như thế. Má gã đem đôi bông cưới của bà ra tiệm vàng Hai Nho đầu cầu nhà thờ Cái Mơn cho thợ đánh bóng, đổi luôn chiếc cà rá hột đỏ thời con gái thành cặp nhẫn cưới cho con trai. Lòng gã rối bời với những cảm xúc kỳ lạ mà gã không thể gọi tên ; buồn buồn, vui vui, lo lo, sợ sợ, háo hức, hối hận… gã lầm lũi  vét mương đắp nền nhà trên liếp dừa ba má cho ra riêng, đi làm đổi công với mấy nhà trong xóm để hoàn tất ngôi nhà lá rước Út Xíu về sanh nở. Ở góc miệt vườn khỉ ho cò gáy này, chuyện thú phạt của gã với Út Xíu thành đầu đề chuyện phiếm trong năm từ làng trên tới xóm dưới. Gã cố lỳ giả ngơ nhưng tội cho Út Xíu, nó không dám ra khỏi nhà nửa bước. Chắc nó cũng bị ba má họ hàng chì chiết nặng nhẹ ngày đêm lúc bụng mang dạ chữa. Thằng con trai mười tám tuổi như gã chưa hiểu nhiều sự đời nhưng gã nghe lòng đau, đau đến chảy nước mắt khi nghĩ tới tình cảnh của Út Xíu. Gã thầm hứa với lòng sẽ dành cả tháng năm sống của mình để yêu thương bù đắp cho đứa con gái dám dành hết những điều tốt đẹp nhất cho gã, chịu tủi hổ cả đời vì gã.

Út Xíu đặt tên cho hai con gái sinh đôi sau lễ thú phạt vài tháng là Bồng Bông và Tơ Hồng - tên hai loại dây leo dùng trang hoàng rạp cưới hỏi ở xứ gã- chắc là tiếc nuối thời con gái hoa mộng không hôn lễ rộn ràng, không áo cưới xênh xang.

Con ai đẻ người đó có quyền đặt tên, gã lại lùi một bước cho nhà yên giường ấm, tắc lưỡi nhủ thầm: thua kẻ thù mới nhục, chứ thua vợ mình thì thua suốt đời cũng có sao đâu; cũng may là vợ gã sinh hai đứa con gái, lỡ sinh thằng con trai vợ gã đặt tên nó là Đủng Đỉnh (cũng là loại cây người ta đốn về trang trí rạp đám cưới, đám hỏi) thì nghe kỳ cục hơn nhiều.

Một thằng đàn ông ít học, chơn chất thiệt thà như gã thì vợ con là thế giới , là bầu trời. Gã làm quần quật không câu nệ việc khó việc nặng, việc trong nhà hay ngoài vườn miễn sao cho vợ con sung sướng.

Gã đi vét mương lên liếp. làm cỏ bón phân bồi gốc cho cây, lột dừa bằng cây nằm một ngày ba bốn thiên dừa cho chủ cơ sở dừa sấy Cây Da ở Cầu Kinh. Đêm mưa lớn gã đeo đèn khí đá trên đầu đi soi ếch, ngày mây âm u gã đi tát vũng bắt cá bống cát, cá bống sệ, cá bống dừa, ốc bươu, ốc lác hay đào trùn làm cần câu cầm rổ xúc đựng mấy nhánh lá đi câu cá bống nhẩy. Nhà không giàu có nhưng bữa cơm của vợ con gã luôn đầy đủ ba nhóm dinh dưỡng cơ bản và trái cây ắp lẵm theo mùa, theo vườn nhà mà gã đi làm công mang về.

Vợ gã mở cái quán cóc ở bến đò Lò Gạch, nơi tàu đò từ Bến Tre hay Mỹ Tho về Chợ Lách đều ghé qua đón khách lúc gà gáy bận nhì và thả khách tầm mặt trời ngả bóng. Quán dựng bằng cây tạp, lợp lá chằm đốp, một tủ kiếng đựng hầm bà lằn các thứ ; kẹo đâu phộng, kẹo dừa, kẹo ú, bánh chao, bánh ú, bánh dừa, thuốc rê, giấy quấn thuốc lá, hộp diêm quẹt và mấy băng ghế dài làm từ thân dừa lão xẻ ra bào láng. Khách hàng của quán hầu như là dân xóm trên, xóm dưới, xóm trong đốt đuốc lá dừa ra ngồi quán của vợ gã từ gà gáy bận nhất để đón tàu đi Bến Tre, Mỹ Tho; thi thoảng mới có khách xa xứ đến thăm họ hàng bà con và đó là những dịp vợ gã trổ tài làm hướng dẫn viên du lịch. Vợ gã biết gần hết chuyện lớn chuyện nhỏ của cả xóm: nhà nào sắp có đám cưới, vợ chồng ai hay đánh nhau, con nít cháu ông bà nào học giỏi hay ngỗ nghịch … vợ gã nắm rõ hơn cả chủ ấp.

Một căn nhà tường xây lợp mái ngói, một quán lá trên liếp dừa có bến đò Lò Gạch bỏ hoang, hai đứa con gái học đại học trên Sài Gòn … ở miệt vườn này vợ chồng gã được bà con chòm xóm coi như thành đạt. Chỉ có điều vợ gã ngày một sởn sơ, còn gã thì ngày càng quắt queo hiện lão dù mới tròm trèm bốn chục. Không biết tự khi nào, có lẽ từ cái bước lùi đặt tên con hôm đầy tháng, mọi chuyện trong nhà từ bé đến lớn giờ đều do vợ gã quyết. Gã bất mãn nhiều chuyện đến không nhớ hết nhưng không dám hó hé bày tỏ ý kiến ý cò. Từ chuyện vợ gã không chịu phụ tiền cho ba má gã ngày giỗ ngày tết mà chỉ đem mấy đòn bánh tét về cúng trên cho có lệ đến chuyện đùn đẩy không phụ chăm má gã té gãy chân nằm bệnh viện trên Chợ Lách cả tháng với lý do mắc mua bán. Đầu óc giản đơn của gã dần dà nhận ra có cái gì đó kỳ kỳ nơi vợ khiến gã mắc cỡ không dám về nhà ba má, đối diện với mấy đứa em. Sau nhiều đêm nằm gác tay lên trán không ngủ, gã nghĩ ra cách hay. Gã làm thêm việc lúc nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều để dành tiền đưa cho ba má, nói dối là hai vợ chồng con phụ. Gã đâu có ngờ việc làm hiếu thuận và lời nói dối thiện ý ấy lại gây sóng gió trong nhà gã và chiến tranh miệng tưng bừng tỡ bỡ của hai sui gia.

Gã không lường hết sự việc, không hiểu tâm lý các bà mẹ là hay khoe con mình có hiếu, không biết mức độ nhiều chuyện của đàn bà, không rõ độ lên cơn của vợ khi phát hiện chồng lừa dối.  

Sau sự cố động trời đó, gã như cái bóng trong ngôi nhà mà gã từng rất đổi tự hào dẫu chỉ là ngấm ngầm trong tâm tưởng.

Nhưng cuộc đời còn có những đường ngang lối dọc mà nếu không rẽ qua, quẹo vô thì không sao biết hết được từng thứ vụn vặt ngày thường mà khi được gom góp lại sẽ tạo nên cái sự đời lớn lao.  

Hai đứa Bồng Bông, Tơ Hồng con gã học xong đại học kinh tế ngành du lịch dẫn về hai chàng rể  Mỹ đòi kết hôn.

Gã phản đối nhưng bất lực xụi lơ khi vợ gã gằn hỏi “Ông muốn mời xóm giềng ăn thịt vịt thú phạt cũng muốn coi thiên hạ có đi hay không “.

Niềm kiêu hãnh, tự hào của gã sụp đổ hoàn toàn khi căn nhà tường mái ngói, tổ ấm gã đổ bao công sức gầy dựng bị đập nát thay vào đó là một ngôi biệt thự với nhiều phòng riêng biệt tiện nghi mà vợ gã bảo là làm homestay. Gã làm tất cả mọi điều vợ yêu cầu như một cái máy và khi Homestay Bông Hồng đi vào hoạt động thì gã thành nhân viên đa nhiệm thực thụ: dọn phòng, đón khách, lái tàu đưa khách đi tham quan, hướng dẫn khách cào bắt hến ở cù lao, đi hái trái cây trong vườn, thu mua đặc sản bày bán trong phòng tiếp tân…với hằng hà công việc không thể gọi tên khác. Khách đến cứ nghĩ gã là nhân viên phục vụ nên tha hồ sai khiến bởi không ai tưởng ra gã là chồng bà chủ Homestay Bông Hồng trẻ đẹp mày thêu mắt cắt môi xăm ăn mặc hợp thời trang như quý bà đi thi hoa hậu.  Ấy là kết quả (hay hậu quả) của chuyến đi du lịch cùng hai con gái lên Sài Gòn mấy tuần lễ và còn tồn đọng tới hết đời. Gã nhìn vợ mình, một Út Xíu lạ hoắc lạ huơ trẻ như chị của hai đứa nhỏ, nhưng lòng gã trĩu buồn. Và rồi gã bị mất ngủ thường xuyên khi nằm trong căn phòng sang trọng với cô vợ như không phải vợ mình. Gã kiếm cớ này cớ nọ ra chòi chứa củi giăng cái võng toòng teng ngủ ở đó. Rồi vợ gã cũng chẳng thèm để ý đến chuyện gã ngủ đâu bởi nàng có quá nhiều mối quan tâm đáng giá hơn nhiều. Gã phát hiện ra vợ gã cười với khách đàn ông trạc tuổi ngọt hơn cả nụ cười nàng dành cho gã thời hai đứa mới hẹn hò. Gã không ghen mà chỉ cảm thấy uể oải mệt mỏi như vừa qua cơn bạo bệnh. Gã không thấy buồn mà có cái gì đó lạnh lẽo len lỏi trong từng mạch máu chảy khắp cơ thể.

Tháng trước vợ gã sang Mỹ để chăm cháu ngoại, con Bồng Bông sắp chào đời và chắc sẽ ở lâu dài bên đó. Tơ Hồng cho người về quản lý Homestay, còn gã vẫn tiếp tục làm nhân viên thập cẩm phục vụ khách hàng.

Chuyện nhà gã giờ vẫn là đề tài Hot Search của xóm giềng. Từ ngày vợ đi, gã ngủ hẳn ở chòi củi. Thêm một chuyện để người nói gã ba lơn, nhưng đâu ai biết được chỉ ngủ ở chòi củi gã mới ngủ được sâu với những giấc chiêm bao mơ về ngày tháng cũ.

Đêm qua gã mơ thấy gã với Út Xíu đi cào cát bắt hến trong rạch nước phía sau nhà. Hai đứa bê thùng thiếc đựng hến, cá bống lần ra gò nấm mối sau bụi tre gai. Trên đường về hai đứa bẻ mớ chôm chôm hoa cà bỏ đầy rổ xúc. Út Xíu nấu cho gã bữa cơm với thật nhiều bông: bông so đũa, bông bí, bông thiên lý, bông lục bình, bông cải và món nấm mối ướp muối ớt gói lá chuối nướng than gáo dừa… nhưng kỳ lạ khi gã vừa cho vào miệng thì những thức ăn đó đột nhiên biến mất. Gã giật mình tỉnh giấc buồn tức ứa nước mắt. Đến giấc mơ cũng không trọn vẹn thì đời thực biết làm sao. Gã nằm co ro trong võng, úp mặt vào tay giấu tiếng nấc nghẹn chực trào ra khỏi đáy lòng. Gã mong muốn được trở về năm tháng xưa; gã muốn được stay home, gã muốn gã được là chính gã, là trụ cột của gia đình trong  ngôi nhà lá đơn sơ với vợ con thân thiết. Homestay, Homestay… gã chỉ muốn stay home mà thôi./.  

MÃ SỐ 129
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2961 trong 595 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Avata
Võ Thành Đạt - Đăng lúc: 25/11/2023 22:02
Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, bên cạnh những người thân yêu nhất của mình là điều khổ sở nhất trong cuộc đời. Không có sự thấu hiểu, tôn trọng, chân thành , ấm áp thì cuộc sống hôn nhân quá đáng buồn. Tình trạng này rất phổ biến trong xã hội ngày nay, người thì gắng gượng chịu trách, người thì Tùng hê xả láng nhưng mà cuối cùng hết đời lãng nhách ra đi trong ấm ức tiếc nuối. Tội nghiệp cho những ai không dám sống cho chính mình dù chỉ một lần
Avata
Trần Thanh Châu - Đăng lúc: 21/11/2023 15:48
Câu chuyện rất hay, sâu sắc. Tác giả khá bắt kịp xu hướng văn học hiện đại trong cách dùng thuật ngữ "Homestay"-một loại hình du lịch và sinh hoạt gắn liền với bản địa địa phương-và phù hợp với người trẻ hơn. Cách lái từ thành "stay home" lại tinh tế đến không ngờ, tuy đổi ngược lại từ nhưng cũng là đảo ngược lại nỗi lòng của "Gã" nhớ về quá khứ trái ngược với hiện tại.
Cách hành văn mộc mạc, dễ đọc, dễ cảm nhận phù hợp với người ở ĐBSCL nhưng có hướng mở hơn, nhắm đến các bộ phận độc giả là người đang nhớ quê hương. Bộ phận Việt kiều sẽ nhanh hiểu từ "hot search" hay "stay home" hơn là một từ tiếng Việt đồng nghĩa nào đó.
Avata
Justin Nguyen - Đăng lúc: 21/11/2023 15:35
Câu truyện này đã "đánh trúng tim đen" của tôi. Tôi người Sóc Trang đã chuyển qua Mỹ từ lúc thanh niên, lúc đọc lại thấy sao nhân vật không tên này lại giống cha tôi, cái cảnh sông nước này sao lại nhớ đến thế!
Tôi cảm thấy cốt chuyện rất đồng điệu với nhiều đồng hương của tôi cùng sống và làm việc xa quê nhà. Tôi đã chia sẻ câu chuyện này vào nhiều nhóm đồng hương miền tây, bà con họ hàng và nhận được phản hồi rất tích cực.
Dù đây là tác phẩm dự thi, có giải cao hay thấp tôi cũng mong tác giả không dừng bút và tiếp tục truyền đạt không khí miền tây, của quê hương đến những kiều bào xa xôi hay những tâm hồn đói cảnh quê nhà.
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 113
  • Khách viếng thăm: 111
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 72626
  • Tháng hiện tại: 463474
  • Tổng lượt truy cập: 60813612