Mùa xuân nào hoa chanh cũng nở, nở bừng giữa gai góc. Hoa chanh thì quê mùa thật, đành rằng với cây ăn quả, hoa là thứ yếu nhưng so với hoa bưởi, hoa đào, hoa mận... thì hoa chanh khiêm nhường thật. Người nhà quê không nhắc, chắc chả mấy ai nhớ ra hoa chanh. Phải đến năm mười bảy tuổi, khi các chị đã lần lượt đi lấy chồng, từ cán cuốc đến cán dao đều thấm mô hôi của tôi, khi tôi vừa bắt gặp mối tình đầu, cây chanh cũng trổ hoa mùa đầu, tôi mới nhận ra hương hoa chanh đang tràn ngập tim mình. Tôi cũng nhận ra, trong hồn mình như cũng mùa đầu phảng phất mong nhớ tương tư.
Hình như, ai cũng đến lúc phải bước ra khỏi ngôi nhà kí ức của mình bằng những cách khác nhau. Mùa thu, thu của những năm vừa hết thời bao cấp, tôi khoác cái ba lô đã sờn của cha, mẹ tôi thì nhìn con mắt nhòa lệ, em gái tôi níu cái ba lô khóc như mưa. Khổ, tôi khoác ba lô ra trận của bố nhưng trong đó chỉ có mấy bộ quần áo, dăm quyển sách để lên tỉnh học, cái đói vò xé dạ dày chứ còn lo đánh đấm gì nữa đâu. Tôi nói thế, nó chả nghe, vừa nói vừa khóc, nó bảo tôi không được quên chanh nhé. Tôi nghe câu được câu chăng gỡ tay nó ra bảo:
- Chanh thì chua lắm mày đi mà ăn anh đi đây...
Đúng là tôi vô tâm thật. Sau này tôi mới biết chanh là tên cô bé mà tôi thầm thương hay đi về qua ngõ. Hỏi người khác thì sợ bị nghi ngờ, ánh mắt lấp lánh kia có thể nói bao điều ngoại trừ một cái tên. Tôi đi học, rồi lân la đi làm thêm, bám mặt đường cũng kiếm đủ nghề phụ giúp đồng tiền còm nhom của mẹ bọc giấy bóng từ quê gửi ra, cuộc sống cũng qua dần những ngày thiếu thốn.
Có một lần, khi tôi đã bắt đầu đi làm, tôi ốm nặng sau những ngày dầm mưa dãi nắng ở công trường xây dựng. Chả biết ai nói, bố mẹ tôi biết gửi người quê ra chục trứng gà, một ít tiền, một mảnh giấy chữ viết nguệch ngoạc những lời đầy yêu thương của mẹ. Tôi rơm rớm nước mắt, trong cái bọc lá nghĩa tình ấy có vương cả cái lá chanh. Chắc do chiếc lá ấy lẫn vào, ở quê thường hay xóa nhòa những ranh giới, lá che bay kín mặt ao, hoa mướp nở vàng trên mái bếp, tôi cất cái lá chanh lên cửa sổ, nó khô dần, lũ kiến ngửi thấy đành bỏ con đường hành hương quen thuộc từ đó.
Đến một ngày, bố tôi gọi điện về bảo bà ốm nặng. Cũng đến nửa năm tôi mải miết theo công trình đâu đã về thăm nhà. Tối hôm ấy, tôi về đến nhà thì bà lại khỏe ra, bố tôi bảo con ra vườn hái quả chanh pha nước để bà uống cho tỉnh táo. Tôi bước ra vườn, sau đến hơn mười năm, nhưng giờ hái quả chanh nào? Cả một vườn chanh ghép của cha tôi trĩu quả dưới trăng rằm, tôi nhìn chưa hết tầm mắt. Mắt tôi đã kém đi sau những năm ngồi trước màn hình máy tính để thiết kế những bản vẽ công trình, nhưng tôi đâu có nhìn bằng đôi mắt. Cả một miền kí ức của tôi biến mất, cái sân nhỏ cũng không còn, tất cả là chanh, là bưởi lai ghép hương nhờ nhợ. Em gái tôi giờ đã là cô giáo dạy Tiểu học trường làng, môi, mắt được làm đẹp kĩ càng, nói năng gãy gọn, em đứng sau lưng tôi từ lúc nào?
- Bác tìm gì lâu thế?
Chữ “bác” mà nó gọi như kéo tôi trở về từ kí ức. Ờ, tôi đâu còn trẻ, cũng như cây chanh chẳng thể mãi mon men ở góc vườn dẫu nó là thứ chanh ta bé nhỏ nhưng đậm hương, đậm vị. Bất giác tôi quay lại vỗ vai đứa em luôn bé bỏng trong suy nghĩ của mình.
- Lan này, ngày ấy giá mà em bảo anh còn nhớ chị Chanh không thì anh nghe ra?
- Ơ, em nhớ mà, ngày anh đi em khóc vì không có ai chơi với em, em muốn anh ở nhà hái quả chanh bói vụ đầu cho em, em sợ gai cào.
Ngừng lại giây lát em tôi nói tiếp:
- Còn chị Chanh ấy, thì từ lúc anh đi đã nhận trầu cau nhà người ta bên kia sông rồi. Con gái là hoa của trời mà hoa thì có hương, hương bay xa lắm ai có duyên thì tìm gặp.
Hơn mười năm rồi tôi đã nghe ra, nhưng vẫn thấy hương chanh phảng phất. Nụ hoa nhỏ xíu, như đôi môi nào gửi thương nhớ tương tư...
Hương chanh, vườn cũ, giao lưu, tạp văn, quê hương, Bùi Việt Phương
Ý kiến bạn đọc