Nguy cơ “mất sân” văn học tuổi mới lớn?

Đăng lúc: Thứ sáu - 30/11/2012 08:02
Sự phát triển văn học tuổi mới lớn còn thiếu bài bản, thiếu sự quan tâm của truyền thông cũng như sự kém mặn mà của giới xuất bản, người viết thì luôn có xu hướng viết cho tuổi trưởng thành sau vài ba tác phẩm cho tuổi mới lớn, điều này dẫn đến nguy cơ “sân” văn học tuổi mới lớn bị mảng sách ngôn tình của Trung Quốc lấn át. Nguy cơ này – thậm chí đang trở thành một thảm họa…
Teen đọc gì?

Nhà báo Phùng Hà, trong một bài viết của mình cung cấp một con số thông kê khiến những người cầm bút phải suy nghĩ: Trong một cuộc khảo sát với học sinh một trường chuyên tại Hà Nội về việc bạn có biết Tủ sách tuổi mới lớn, thì có tới 65% trả lời không biết, 27% trả lời đã từng nghe nói đến và chỉ có 6% trả lời đã từng đọc. Một cuộc khảo sát khác với học sinh hai trường THCS về “ba cuốn sách bạn đọc gần đây” thì đa số các tác phẩm đều thuộc loại giải trí, dễ đọc, gây cười…

Câu chuyện tương tự xảy ra ở một trường đại học, khi một nhà văn đến giao lưu, và đặt câu hỏi: tác phẩm văn học mà bạn đọc gần đây nhất thì cả lớp phải suy nghĩ rất lâu. Có em bí quá đã kể vội tên tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Một số em khác thì kể tên các bộ phim ăn khách được chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhưng tên là gì, của ai thì không biết, không nhớ.

Vấn đề đặt ra là: thực sự học sinh hiện nay có quan tâm đến sách văn học hay không? (chưa nói riêng đến sách văn học dành cho lứa tuổi của các em). Tôi e là sự quan tâm này rất ít, chỉ tập trung ở một số em yêu môn văn, thích sáng tác. Điều này khác với không khí của những năm 80, 90 của thế kỉ trước. Văn chương dường như là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi học sinh,lứa tuổi 13- 18, kể cả những em thích khoa học tự nhiên. Nó giúp lý giải vì sao thời điểm đó hàng loạt các ấn phẩm báo chí dành cho tuổi mới lớn ra đời như: Hoa học trò, Áo Trắng, Mực Tím… Các ấn phẩm này khi đó gần như dành 90 % số trang dành đăng các sáng tác của chính các bạn học sinh. Còn bây giờ thì sao? Hoa học trò thành ấn phẩm dành nhiều sự quan tâm cho giới showbiz, diễn viên nào mới nổi, bài hát nào đang được quan tâm. Rồi xem bói sao xấu sao tốt tuần này của bạn… Áo Trắng sau 3- 4 năm “chết lâm sàng” giờ mới được vực dậy nhờ vào báo Tuổi trẻ. Mực Tím qua thời thịnh trị, làm mưa làm gió với các “vòm me xanh” rải đều thành viên từ Bắc chí Nam, giờ co cụm lại chủ yếu ở thị trường phía Nam, và không còn sức nóng nữa.

Không còn sân riêng cho tuổi mới lớn, các diễn đàn không còn giữ được phong độ cũ; sách xuất bản bị gộp chung vào dòng văn học thiếu nhi, văn học tuổi mới lớn có mặc cảm của người “ăn đậu ở nhờ”. Vì nếu xếp vào văn học thiếu nhi thì gượng ép, thiếu nhi gì mà đã bối rối cảm xúc đầu đời, thư tình giấu trong cặp sách. Nhưng xếp vào chiếu văn học cho người trưởng thành thì lại bị “quá sức” bởi những trang văn mong manh cảm xúc đầu đời trở thành kệch cỡm với người trưởng thành.

Dần dà, những tác phẩm kiểu dạng này được xuất bản, nhưng cũng không được “dán tem nhãn” cho việc phân định lứa tuổi phù hợp, nên buộc độc giả tự đọc, tự biết.

Rõ ràng sự phát triển văn học tuổi mới lớn còn thiếu bài bản, thiếu sự quan tâm của truyền thông cũng như sự kém mặn mà của giới xuất bản, người viết thì luôn có xu hướng viết cho tuổi trưởng thành sau vài ba tác phẩm cho tuổi mới lớn, điều này dẫn đến nguy cơ “sân” văn học tuổi mới lớn bị mảng sách ngôn tình của Trung Quốc lấn át.

Trong khi không ít đơn vị xuất bản hả hê thu lợi từ dòng sách ngôn tình từ Trung Quốc, thì những người có trách nhiệm không khỏi thấy kinh bởi sự phát triển quá nhanh của việc du nhập xu hướng văn chương này vào Việt Nam. Những câu chuyện tình ướt át, thậm chí lệch lạc, có dáng dấp của những cuốn dâm thư được xuất bản công khai. Độc giả tuổi teen – đang ở tuổi tò mò, háo hức, khi bập vào dòng truyện này, rất dễ bị “nghiện”. Điều này đã được chứng thực bởi trên các mạng xã hội đã xuất hiện Hội của người yêu tiểu thuyết ngôn tình, Hội các nhóm dịch tiểu thuyết ngôn tình… với lượng fan khủng, sẵn sàng bỏ hàng giờ để mê mải với những cuốn sách dạng này.

Trong khi đó, sách văn học có chất lượng dành cho tuổi mới lớn ở Việt Nam ngày một lép vế. Ai sẽ chịu trách nhiệm duy trì ngọn lửa này?

Những người “giữa lửa”

Công đầu trong việc “giữ lửa” văn học tuổi mới lớn cần phải ghi cho NXB Kim Đồng. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2002, đến nay Tủ sách văn học tuổi mới lớn của NXB Kim đồng đã đi được chặng đường 10 năm. 10 năm bền bỉ, không phải không có lúc gặp khó khăn trước cơn bão của kinh tế thị trường và trào lưu đọc sách của giới trẻ có nhiều thay đổi, Tủ sách đã làm được việc thực sự có ý nghĩa: duy trì được ngọn lửa văn học tuổi mới lớn không bị tàn lụi. Cũng từ đây, nhiều tên tuổi mới đã vụt sáng, chững chạc bước chân vào làng văn chương.

Bên cạnh NXB Kim đồng, NXB Trẻ cũng dành sự quan tâm cho dòng văn học này. Tủ sách Teen được NXB duy trì, thu hút nhiều tác giả trẻ tham gia. Tuy nhiên việc duy trì tủ sách không thường kì, và thực tế có nhiều tác phẩm thuộc văn học tuổi mới lớn được xuất bản nhưng không có sự phân định rõ ràng về đối tượng nhằm giúp độc giả lựa chọn chuẩn xác hơn.

Ngoài hai nhà xuất bản lớn này, một số đơn vị làm sách cũng xuất bản sách văn học cho tuổi mới lớn, nhưng theo kiểu “đi câu” – tức là mua được bản thảo nào phù hợp thì xuất bản, không quan trọng là văn học cho người lớn hay cho tuổi mới lớn. Đó là chưa kể có những đầu sách tuổi mới lớn vẫn được làm hình thức bên ngoài cho “thiếu nhi” hóa để dễ ra thị trường hơn. Điều này dẫn đến tình huống có phụ huynh mua sách cho con, về đến nhà giở sách ra đọc qua mới tá hỏa khi đọc đến đoạn các nhân vật bỏ học hẹn hò nhau, thức đêm chát chít với nhau - trong khi sách mua về cho con mới chỉ học cấp 1.

Nhà văn Cao Xuân Sơn cho rằng: "Ở nước ta, sách văn học cho tuổi mới lớn từ trước đến nay luôn trong trạng thái hụt hẫng. Lứa tuổi từ 13 trở xuống đã có dày đặc sách thiếu nhi. Từ 18 trở lên có sách dành cho người lớn. Vậy độ tuổi từ 13 đến 17 đọc gì? Đây chính là độ tuổi cần sách nhất nhưng lại thiếu sách nhất, đặc biệt là sách văn học. Tuổi này không còn phù hợp với bác gấu, bạn thỏ, chị chim nữa, nhưng cũng chưa quá già để nuốt trôi hết những tác phẩm dành cho người lớn”

Việc phân nhóm đối tượng để xuất bản sách là cách làm khoa học, văn minh. Đọc sách phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi sẽ có tác dụng giáo dục, định hướng cho giới trẻ. Vì vậy việc xếp văn học tuổi mới lớn vào dòng văn học thiếu nhi là một bất cập cần được điều chỉnh.

Con đường nhiều thử thách

Năm 2002, Tủ sách văn học tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng tiến hành thử nghiệm. 2 tuần NXB mới phát hành 1 tập sách. Đến năm 2003 tăng 1 tuần 1 tập. Giữa 2004, 1 tuần 2 tập và lịch phát hành ổn định cho đến nay. Trong vòng vài năm trở lại, đây là tủ sách văn học Việt Nam duy nhất phát hành định kỳ và in 100% những tác phẩm mới dành cho bạn đọc độ tuổi 13-17.

Theo thông tin từ nhà xuất bản Kim Đồng: Không chỉ phát triển số lượng, nội dung tủ sách cũng ngày càng ổn định. Trước đây, tủ sách bị kêu ca là già so với đối tượng phục vụ, bởi vì trong những ngày đầu gây dựng, chỉ có những nhà văn lớn tuổi vào cuộc như Đoàn Thạch Biền (Mùa hè khắc nghiệt), Đinh Tiến Luyện (Sân cỏ ước mơ), Nguyễn Quang Sáng (Nó và tôi), Hồ Thi Ca (Xin lỗi người dưng), Từ Kế Tường (Ngày vắng mưa thưa)... Từ những người "đốt lửa" này, lực lượng cây viết trẻ hùng hậu đã vào cuộc sôi nổi. Từ những nhà văn đã có tên tuổi ở dòng văn học người lớn như: Vũ Đình Giang, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Châu Giang, Liêm Trinh, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy... đến những cây bút học trò, sinh viên lần đầu tiên viết sách như: Minh Nhật, La Thị Ánh Hường, Đỗ Thanh Vân, Võ Thu Hương, Tú Trinh, Phương Trinh, Bùi Đặng Quốc Thiều, Nguyễn Ngọc Minh Hoa... tất cả đều có vị trí bình đẳng như nhau, những cơ hội như nhau để đến với bạn đọc.

Với sự tham gia đông đảo của những cây bút cũ, mới như thế, hiện nay NXB Kim Đồng đã có một nguồn dự trữ dồi dào bản thảo dành cho tuổi mới lớn. Thế nhưng, theo tổng kết của NXB, tủ sách này vẫn còn mất cân đối ở chỗ: bản thảo từ miền Nam gửi về rất nhiều trong khi đó lại thiếu hụt tác phẩm của khu vực phía Bắc, dù rằng những bản thảo của tác giả miền Bắc chất lượng rất tốt. Trong tương lai, NXB hy vọng sẽ có sự cân đối hơn về số lượng bản thảo giữa các miền để phục vụ tốt nhất nhu cầu thụ hưởng văn học của bạn đọc trẻ.

Con đường để sách cho tuổi mới lớn có chất lượng đến với đúng đối tượng của mình cần sự bền bỉ, và chung tay của Nxb, người viết, người đọc cũng như các cơ quan có chức năng trong việc định hướng và phát triển văn học nghệ thuật nước nhà.
Giang Huy
(Theo Văn Nghệ Trẻ)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Khách viếng thăm: 215
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 34300
  • Tháng hiện tại: 2266850
  • Tổng lượt truy cập: 46234083