Để không gian ảnh nghệ thuật được trong lành

Đăng lúc: Thứ năm - 19/06/2014 15:40
Làm thế nào để nâng cao giá trị tác phẩm ảnh nghệ thuật,làm thế nào để không gian ảnh nghệ thuật được trong lành, đặc biệt là tìm tiếng nói chung giữa người thi và Ban giám khảo? Đó là những vấn đề nóng đặt ra tại Hội thảo Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) tổ chức tại Châu Đốc vừa qua.

* Cần sự dung hòa của giám khảo và người chơi

Theo ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNAVN, nhiều năm qua Liên hoan ảnh khu vực là nơi tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh, góp phần tích cực trong việc kết nạp hội viên, nâng cao chất lượng của hoạt động Hội. Tuy nhiên, Liên hoan ảnh khu vực qua hai thập niên hoạt động cũng có những vấn đề cần trao đổi, thảo luận từ nhiều góc độ để sự kiện nhiếp ảnh của khu vực được hoàn thiện hơn.

Cụ thể như tác động của Liên hoan ảnh khu vực đối với phong trào nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và Hội NSNAVN nói riêng; chất lượng sáng tác ảnh qua các cuộc Liên hoan ảnh khu vực; công tác chấm ảnh và các phương pháp thẩm định ảnh mới…

a
Các đại biểu xem triển lãm ảnh đạt giải
qua 28 kỳ Liên hoan ảnh ĐBSCL bên lề buổi Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của gần 100 hội viên của hai khu vực TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL với 34 tham luận và 23 ý kiến, trong đó nhiều ý kiến xung quanh công tác thẩm định ảnh, sự công tâm khách quan của ban giám khảo và tính trung thực của người chơi ảnh.

NSNA Hữu Thành cho rằng, nhiều năm nay hình như có sự thiếu công tâm trong việc lựa chọn các giải thưởng ở các cuộc thi ảnh, có những cuộc thi vài vị giám khảo chỉ chọn ảnh bằng cảm tình riêng chứ không chú trọng đến chất lượng tác phẩm. Vài địa phương có hiện tượng nhiều năm liền giải ảnh chỉ tập trung ở một số tác giả có mối quan hệ với vài vị giám khảo. Chính thành viên lãnh đạo Hội NSNAVN cũng thừa nhận có sự thiên vị nhất định trong các cuộc thi ảnh ở Việt Nam cả cấp quốc gia lẫn khu vực.

Cùng bàn về công tác thẩm định ảnh, NSNA Tạ Hoàng Nguyên cho biết: Ban giám khảo dù muốn dù không vô hình chung vẫn mang tính định hướng sáng tác cao cho người chơi ảnh. Tuy nhiên, trong một số cuộc thi khu vực Ban giám khảo ít nhiều bị áp lực từ phía địa phương đăng cai tổ chức cuộc thi, xuất phát từ bệnh thành tích của địa phương, nên có hiện tượng “mặt trận hóa” giải thưởng. Đây là vấn đề không hay, bởi nghệ thuật không có việc “cơ cấu hóa”  và ẩn nấp sự vuốt ve nhau.

b
Tác phẩm “Quà của biển” của Hữu Tiến ( Tiền Giang)
HCV Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL năm 2006.

Còn NSNA Nguyễn Bách Thảo thì cho rằng, thành công của mỗi cuộc thi thì trách nhiệm của giám khảo là quan trọng; lâu nay chúng ta hơi dễ dãi trong việc chọn giám khảo, còn nặng về tình cảm hơn là năng lực và sự công tâm. Đề nghị Hội NSNA Việt Nam đưa ra qui chế cho Ban giám khảo, hạn chế đưa vào ban giám khảo những nghệ sĩ ít đi sáng tác, không có tác phẩm đạt giải, chưa tiếp cận được với công nghệ số hiện đại.

Ở góc độ ngược lại, nhiều ý kiến cũng cho rằng người thi ảnh cũng cần trung thực hơn trong cuộc thi và sáng tạo hơn trong sáng tác, tránh tình trạng dẫm lên chân mình hay dẫm lên chân người khác, tức sao chép ý tưởng của nhau. Hai đối tượng người  dự thi và giám khảo cố gắng dung hòa tìm điểm chung, đó là sự trung thực trong cuộc chơi, khi ấy con đường nhiếp ảnh nghệ thuật mới có thể bằng phẳng, và những tác phẩm mới thật sự thăng hoa.

Tuy nhiên, để làm được điều này không đơn giản, nhưng đó cũng là mục tiêu phấn đấu của Hội NSNAVN trong nhiệm kỳ tiếp theo. Làm thế nào để không gian nhiếp ảnh nghệ thuật luôn là một môi trường trong lành; đó là vấn đề đặt ra cho những người làm công tác Hội. Bởi nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam luôn có ý tưởng chủ đạo từ Đảng và nhà nước đó là phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc và phải là một môi trường trong sáng, lành mạnh; mà Hội NSNAVN  là trung tâm, là nơi hội tụ những tác phẩm nhiếp ảnh tinh túy nhất của nền nhiếp ảnh nước nhà.

Vì thế, Ban chấp hành Hội cần xem xét, đưa ra ra những quy chế, điều lệ thật chặt chẽ, cần có biện pháp kiểm tra và chế tài, khen thưởng cũng như kỷ luật nghiêm khắc, kịp thời nhằm hạn chế những sai sót đáng tiếc xảy ra trong các kỳ thi, góp phần đưa bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật phát triển đúng tầm và vững chắc.

* Liên hoan hay thi?

Tại Hội thảo có nhiều ý kiến đề nghị đã đến lúc cần chuyển đổi hình thức Liên hoan thành thi ảnh nghệ thuật khu vực. Bởi hiện nay mặt bằng chuyên môn giữa các địa phương trong khu vực không còn khoảng cách quá lớn, do đó việc chấm ảnh tại Liên hoan mang tính “phân bổ” ảnh triển lãm, thậm chí cả giải thưởng không còn phù hợp.

Cách làm này không khuyến khích phong trào tại các địa phương. Hiện hầu hết các tỉnh trong khu vực phía Nam thực hiện chấm ảnh sòng phẳng, không có sự “châm chước” cho bất cứ địa phương nào, mang yếu tố thi hơn là Liên hoan.

Trong khi đó, luồng ý kiến cho rằng vẫn nên duy trì Liên hoan để động viên, khuyến khích những đơn vị yếu trong khu vực,đặc biệt là mục tiêu phát triển phong trào ở những địa phương ít hội viên hoặc không có hội viên trung ương.

Chia sẻ với những ý kiến trên, NSNA Bùi Hỏa Tiển, Trưởng ban Sáng tác Triển lãm - Hội NSNAVN nhận định, vấn đề Liên hoan hay thi chỉ là tên gọi, cơ bản là công tác thẩm định ảnh có đảm bảo công bằng hay không, kết quả chấm chọn ảnh có phản ánh đúng chất lượng của Liên hoan không.

Trước mắt, đề nghị vẫn thống nhất với tên gọi truyền thống là Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, trong đó chú trọng yếu tố thi trong công tác thẩm định ảnh. Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo của các Liên hoan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, minh bạch, khách quan, công tâm trong quá trình thẩm định ảnh, đặc biệt là khi tiến hành xét chọn giải thưởng.

Duy Sơn
(Theo Ấp Bắc)

Xuất phát từ mục tiêu phát triển phong trào, do đó Liên hoan ảnh nghệ thuật các khu vực trong cả nước đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ giữa Hội NSNAVN và Hội VHNT các địa phương, nhất là đơn vị đăng cai Liên hoan về chủ trương, nội dung, hình thức và phương thức thực hiện.

Kết quả Liên hoan khu vực cũng phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND và các ngành liên quan của địa phương đăng cai. Đối với Hội VHNT các tỉnh, đặc biệt là đội ngũ nhiếp ảnh làm nòng cốt cần chủ động có kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ, các chuyến đi sáng tác, vận động nguồn kinh phí cũng như sự hỗ trợ không thể thiếu của lãnh đạo và các ban ngành của địa phương.

(Ông Vũ Quốc Khánh- Chủ tịch Hội NSNAVN)

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

ảnh nghệ thuật

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 173
  • Khách viếng thăm: 172
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 16822
  • Tháng hiện tại: 258727
  • Tổng lượt truy cập: 67233218