Tân Phước: Đầu tư xây dựng hệ thống chợ, thúc đẩy thương mại phát triển

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/08/2014 23:37
Để thúc đẩy thương mại - dịch vụ của huyện Tân Phước phát triển, trong những năm qua, Tân Phước đã không ngừng đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống chợ, không chỉ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, mà còn góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chợ Tân Phước được đầu tư xây mới, đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 (chợ đô thị trung tâm huyện) sắp đưa vào hoạt động.
Chợ Tân Phước được đầu tư xây mới, đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 (chợ đô thị trung tâm huyện) sắp đưa vào hoạt động.

Do là vùng đất nằm trong phần trũng của vùng Đồng Tháp Mười nên khi mới thành lập, huyện Tân Phước đã gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện đi lại, nhất là giao thông đường bộ. Đến khi mạng lưới giao thông của huyện được đầu tư phát triển, điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa cũng dễ dàng hơn nhưng trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhiều chợ.

Do đó, vào thời điểm này, một loại hình giao thương mang nét đặc trưng thương mại của vùng sâu ở miền đất Tân Phước được hình thành, đó là chợ “di động”. Chợ “di động” ở huyện Tân Phước là những chiếc xe gắn máy bán hàng lưu động ở trên bờ. Còn dưới sông, rạch là những chiếc xuồng, ghe chở đầy hàng hóa len lỏi vào khắp “hang cùng, ngõ hẻm” của tất cả các xã vùng sâu của huyện, để phục vụ tận tay khách hàng.

Vào thời điểm những năm 2000, mô hình chợ “di động” ở huyện Tân Phước phát triển mạnh, với lượng xe, ghe, xuồng lên đến hàng chục chiếc, chạy dập dìu trên các con đường, sông, rạch để bán hàng. Chủ yếu là bán hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng thiết yếu...

Với đặc điểm của Tân Phước là một huyện đất rộng, người thưa, dân cư sinh sống không tập trung, loại hình chợ “di động” đã từng một thời mang lại nhiều tiện ích cho người dân như phục vụ tận tay, không phải tốn chi phí đi lại để mua sắm hàng hóa, giá cả phải chăng, đặc biệt là mua hàng được “ghi sổ” đến mùa thu hoạch nông sản mới thanh toán nợ...

Mặc dù loại hình chợ “di động” ở Tân Phước được nhìn nhận là phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân vùng sâu. Song, loại hình chợ này không mang lại sự phát triển thương mại ổn định, bền vững. Do đây là một loại hình chợ tự phát, chỉ mang tính chất hoạt động tạm thời, thiếu sự ổn định và không thể đáp ứng nổi nhu cầu mua sắm ngày càng nhiều của người dân. Do đó, chỉ có phát triển hệ thống chợ mới tạo động lực thúc đẩy thương mại, dịch vụ của huyện Tân Phước phát triển.

Xác định mục tiêu và với sự nỗ lực vươn lên của vùng đất còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, từ năm 1994 đến nay, huyện Tân Phước đã hình thành mạng lưới thương mại hoạt động có hiệu quả, với 6 chợ phân bố ở các xã và thị trấn Mỹ Phước.

Cụ thể có chợ Tân Phước, chợ Phú Mỹ, chợ Bắc Đông (xã Thạnh Mỹ), chợ Tân Hòa Thành, chợ Thạnh Tân và 1 chợ tự phát thuộc địa bàn xã Tân Lập 1, với tổng số hộ kinh doanh ở các chợ là 950 hộ. Trong đó, chợ Tân Phước được đầu tư xây mới, đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 (chợ đô thị trung tâm huyện) với diện tích 26.000 m2 và sẽ có khoảng 424 hộ kinh doanh buôn bán. Dự kiến chợ Tân Phước sẽ được khánh thành và hoạt động vào tháng 9-2014.

Ông Lê Đức Nhuận, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết, huyện Tân Phước có 13 xã, thị trấn nhưng ban đầu chỉ có 2 chợ, với khoảng 225 hộ được cấp giấy phép kinh doanh. Chính vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của huyện Tân Phước vào năm 1994 chỉ đạt 167 triệu đồng. Khu vực dân doanh đóng góp nhỏ lẻ không đáng kể. Đến nay, hệ thống chợ trên địa bàn huyện đã phát triển lên 6 chợ.

Đầu tư phát triển 8 chợ, 5 siêu thị, trung tâm thương mại

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phước, từ nay đến năm 2020, dự kiến huyện sẽ đầu tư phát triển 8 chợ và 5 siêu thị, trung tâm thương mại, với tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, trong đó, có 7 chợ được đầu tư xây dựng từ ngân sách tỉnh, với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng; 1 chợ đầu tư bằng vốn xã hội hóa, dự kiến tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng và 5 siêu thị, trung tâm thương mại sẽ được đầu tư bằng vốn xã hội hóa, với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

Mặc dù trên địa bàn huyện chưa có siêu thị và trung tâm thương mại nhưng với kết quả của việc xây dựng và phát triển hệ thống chợ trong thời gian qua được xem là một trong những thành tựu góp phần thức đẩy thương mại - dịch vụ của một huyện “thuần nông” như Tân Phước phát triển; đồng thời góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, hiện các chợ trên địa bàn huyện đảm bảo lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, góp phần tiêu thụ nông sản và hàng hóa của huyện.

Công tác quản lý chợ thời gian qua cũng có nhiều tiến bộ, góp phần đưa mạng lưới chợ đi vào mua bán nền nếp. Ở các chợ, vấn đề vệ sinh môi trường được cải thiện.

Công tác phòng cháy, chữa cháy được đảm bảo. Ý thức chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước trong kinh doanh, mua bán của tiểu thương ở các chợ cũng được nâng cao.

Nhìn chung, mạng lưới chợ trên địa bàn huyện Tân Phước phát triển tương đối đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của nhân dân, tạo văn minh thương mại và đã góp phần phát triển ngành thương mại dịch vụ; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách huyện.

Từ đó, đã nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của huyện không ngừng tăng lên qua từng năm. Khu vực dân doanh đã đóng góp đáng kể vào sự thay đổi bộ mặt thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện.

Phương Nghi
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 441
  • Khách viếng thăm: 439
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 90545
  • Tháng hiện tại: 1956324
  • Tổng lượt truy cập: 48330451