Anh Huỳnh Văn Quốc, ấp Long Thạnh, xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo) quan sát trái thanh long bị bệnh đốm trắng. |
Thất thu
Những tháng qua, mưa nhiều liên tục làm cho bệnh đốm trắng có điều kiện phát triển và duy trì trên diện rộng. Tranh thủ buổi sáng, trời nắng, anh Huỳnh Văn Quốc, ấp Long Thạnh, xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo) mang bình ra phun thuốc cho vườn thanh long của gia đình. Anh Quốc cho biết, dù đã chủ động phun thuốc ngừa đốm trắng nhưng bệnh vẫn xuất hiện.
Lúc đầu, bệnh xuất hiện trong nụ sau đó lan ra trái; ban đầu xuất hiện ít, sau đó tăng dần, có trái bị đốm trắng toàn phần. “Ở khu vực này gần như vườn thanh long nào cũng bị nhiễm bệnh đốm trắng. Có vườn bị nhiễm từ 70 - 80%. Chúng tôi phun thuốc dữ lắm nhưng chỉ làm cho bệnh giảm thôi chứ không hết và bệnh sẽ phát triển trở lại nếu không tiếp tục phun thuốc” - anh Quốc bày tỏ.
Chúng tôi đi dọc theo các con đường về vùng chuyên canh thanh long của huyện Chợ Gạo trong những ngày cuối tháng 7 và trung tuần tháng 8, trời đã trưa nhưng nhiều nông dân vẫn còn ở trong vườn để phun thuốc. Theo những nông dân này, những ngày qua, trời nắng nhiều, nông dân tranh thủ phun thuốc để ngăn ngừa bệnh từ xa và không chỉ phun trên trái mà còn phun cả trên thân.
“Mấy tháng qua, bệnh đốm trắng đã gây cho nhà vườn tổn thất không nhỏ. Bởi khi trái thanh long bị nhiễm bệnh sẽ không thể xuất khẩu được, thương lái chỉ mua để bán hàng chợ nên giá rất thấp. Đơn cử như nếu thanh long không bị bệnh, thương lái mua với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg; còn trái bệnh, giá không quá 6.000 đồng/kg và giá sẽ giảm theo mức độ nhiễm bệnh của trái, thậm chí có thể không mua.
Như vậy, ước tính sơ bộ, mỗi tấn thanh long, nông dân mất hàng triệu đồng. Đó là chưa tính đến chi phí thuốc phòng trị bệnh từ lúc thanh long mới ra nụ đến khi trái chín cũng không phải ít” - một nhà vườn trồng thanh long ở ấp Long Hòa, xã Quơn Long giải thích.
Ông Đinh Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quơn Long cho biết, bệnh đốm trắng năm nay bùng phát mạnh hơn năm rồi. Thời gian qua, bệnh đốm trắng trên thanh long lây lan trên diện rộng. Hiện nay, bệnh xuất hiện rải rác khắp các vườn thanh long trên địa bàn xã, chỉ có khác là tỷ lệ nhiễm ít hay nhiều. Những ngày qua, mưa ít nên mức độ bệnh có giảm chút ít.
Còn tại xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo), Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Văn Thảo cho biết, bệnh đốm trắng cũng xuất hiện khắp các vườn thanh long trên địa bàn xã. Trước đây, bệnh xuất hiện chủ yếu ở các vườn lâu năm, giờ đây lây lan sang cả các vườn mới trồng. Bệnh đã gây tổn thất không nhỏ cho nhà vườn.
Theo ông, giá thanh long hiện nay vẫn đang ở mức thấp (dù có nhích lên so với trước đây), cộng với bệnh đốm trắng gây hại càng gây thất thu nặng cho nhà vườn. Trong khi đó, chi phí phòng trị tăng cao đã đẩy nhà vườn vào tình thế khó càng thêm khó.
Ông Nguyễn Văn Ân cho biết, bệnh đốm trắng đã và đang gây thất thu rất lớn cho nhà vườn trồng thanh long. |
Khó phòng trị
Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), trong tuần qua, bệnh đốm trắng tiếp tục gây nhiễm trên diện rộng với diện tích 500 ha (tương đương so với tuần trước đó và giảm 100 ha so với cuối tháng 7), trong đó có 380 ha nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 5 - 10%; 100 ha có tỷ lệ nhiễm từ 10 - 15%; 15 ha nhiễm từ 20 - 30% và 5 ha nhiễm từ 30 - 50%. Hiện nay hầu hết nông dân trồng thanh long đã thực hiện khâu vệ sinh vườn và phòng bệnh khá tốt so với trước đây nên phần nào ngăn chặn được đà lây lan của bệnh.
Cũng theo Chi cục BVTV bệnh đốm trắng phát triển và lây lan mạnh trong những tháng qua là do mùa mưa, ẩm độ không khí tăng là điều kiện tốt cho bệnh phát triển. Thời gian qua, cơ quan chức năng cùng với các xã mở nhiều cuộc tập huấn về quy trình phòng, chống bệnh đốm trắng hại thanh long cho nông dân trực tiếp sản xuất cây trồng này; cấp phát tờ bướm... Hiện nay, các cán bộ kỹ thuật tiếp tục bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến bệnh và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị kịp thời.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, khó khăn hiện nay là áp lực bệnh xuất hiện cao do mùa mưa bão, việc áp dụng quy trình phòng trừ tạm thời chưa đạt hiệu quả như mong muốn do chưa có thuốc đặc trị; hiệu quả của các nhóm thuốc khuyến cáo phòng trị bệnh chưa đáp ứng theo yêu cầu nên tỷ lệ tái nhiễm thường khá nhanh, chỉ từ 1 - 2 ngày sau khi phun thuốc. |
Tuy nhiên, qua thực tế công tác phòng trị bệnh đốm trắng trên địa bàn xã, ông Tiến cho rằng, điều băn khoăn hiện nay trong nhà vườn là dù đã được tập huấn, hướng dẫn cách phòng trị nhưng khi về áp dụng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Theo các nhà vườn kỳ cựu, bệnh đốm trắng thường phát triển mạnh vào mùa mưa, nhất là vào thời điểm mưa dầm. Năm nay, bệnh đốm trắng bùng phát sớm hơn năm rồi và mức độ bùng phát cũng mạnh mẽ hơn.
Điều quan tâm hiện nay, công tác phòng trị vẫn chưa mang lại hiệu quả mà chỉ có tác dụng hạn chế sự phát triển và lây lan của bệnh, trong khi từ nay đến mùa mưa kết thúc còn khoảng 2 tháng nữa, tháng cao điểm mùa mưa với những đợt mưa dầm, mưa đêm thường diễn ra vào gần cuối mùa mưa.
Từ đó, nhiều dự đoán cho rằng, khả năng bệnh đốm trắng sẽ còn duy trì và thậm chí phát triển mạnh vào thời gian tới, nhất là vào thời điểm mưa dầm. “Nhiều cuộc hội thảo, tập huấn cách phòng trị bệnh được các ngành chức năng phối hợp với xã tổ chức nhưng khi áp dụng lại không phát huy hiệu quả. Với tình hình này, diễn biến bệnh đốm trắng trong thời gian tới sẽ còn phức tạp” - ông Nguyễn Văn Ân, một nông dân trồng thanh long lâu năm ở Chợ Gạo bày tỏ.
Càng lo lắng hơn khi hiện nay thanh long đang vào thời điểm xử lý nghịch vụ, chi phí sản xuất sẽ tăng cao. Dù hiện nay giá thanh long đang nhích lên nhưng vẫn còn thấp và diễn biến ra sao trong thời gian tới vẫn còn là một “ẩn số”. Với dự đoán bệnh đốm trắng vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới, trong khi giá thanh long còn đang thấp càng làm tăng thêm áp lực lên người trồng thanh long.
Ý kiến bạn đọc