Ngày nào, ông Nguyễn Văn Nuôi cũng phun thuốc trừ sâu bệnh. |
Ngày nào cũng vậy, trời vừa hừng sáng, gia đình ông Lê Văn Sơn, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho cũng đã có mặt tại ruộng hoa cho đến chiều tối. Ông Sơn cho biết, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, buổi sáng hanh hanh, trưa nắng gay gắt và nhiều lúc có mưa rào nên xuất hiện sâu bệnh rất nhiều. Vì vậy, ông phải túc trực chăm sóc hoa thường xuyên để khi có sâu bệnh là phun thuốc trừ sâu ngay. “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng phun thuốc trừ sâu bệnh.
Tính đến nay, chi phí đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 40%. Nếu thời tiết diễn biến như thế này thì chi phí còn tăng cao nữa” - ông Sơn cho biết. Năm nay, gia đình ông Sơn trồng 4.000 giỏ cúc Hà Lan và 1.000 giỏ vạn thọ, mồng gà.
Ruộng hoa của ông Nguyễn Văn Nuôi, ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho mùi thuốc trừ sâu bốc lên nồng nặc. Nét mặt đầy lo lắng, ông Nuôi cho biết: “Năm nay sâu bệnh nhiều, có hôm đến tối tôi còn phải pha đèn để phun thuốc. Nếu thấy sâu bệnh mà không phun ngay thì hôm sau sâu bệnh sẽ lan ra những giỏ hoa khác và rất khó trị, tỷ lệ phát triển của nó cũng giảm đi rất nhiều”. Trong vụ hoa tết 2016, gia đình ông Nuôi trồng 10.000 giỏ cúc mâm xôi, vàng hòe, Hà Lan, hướng dương, vạn thọ, cát tường, đồng tiền.
Năm nay, Tổ hợp tác (THT) hoa tươi Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho có trên 180 hộ trồng khoảng 650.000 giỏ hoa các loại như: Cúc mâm xôi, vàng hòe, Hà Lan, vạn thọ, mồng gà… Trong đó, cúc mâm xôi 40.000 giỏ, Hà Lan 300.000 giỏ, vàng hòe 200.000 giỏ, còn lại là các loại hoa khác.
Ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng THT cho biết, thời tiết thất thường khiến tỷ lệ hoa gieo trồng đạt thấp hơn. Nhưng điều nông dân lo lắng nhất là với diễn biến thất thường của thời tiết, rủi ro hoa đón tết sớm hoặc nở không đúng như mong muốn của người trồng dễ xảy ra. Chính vì vậy, nhiều nhà vườn không dám mạo hiểm trồng thêm các giống hoa cần đầu tư lớn, lại nhạy cảm với thời tiết như: Cát tường, hoa Lyli…
Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho cho biết, vụ hoa tết 2016 TP. Mỹ Tho trồng trên 875.000 giỏ hoa các loại, tăng 40.000 giỏ so với năm trước. Các loại hoa được trồng phổ biến ở xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, phường 9, phường 8 như:
Cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc vàng hòe, vạn thọ, mồng gà… chiếm trên 80% tổng lượng hoa; số còn lại là những giống được trồng từ việc thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố như: Cát tường 80.000 giỏ, Lyli 1.000 giỏ và một số rau thực phẩm thử nghiệm làm kiểng chưng tết như dâu tây, cà chua bi…
“Thời tiết năm nay có phần bất lợi cho người trồng hoa như nắng nóng gay gắt, sương mù nhiều hơn, thỉnh thoảng có những cơn mưa trái mùa đã khiến sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều và tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Trước tình hình trên, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho đã thường xuyên cử cán bộ xuống các khu trồng hoa để nắm tình hình và có hướng hỗ trợ cho nông dân. Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng tích cực tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình trồng hoa ở Sa Đéc (Đồng Tháp), TP. Đà Lạt, Chợ Lách (Bến Tre).
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phối hợp với các địa phương ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để nông dân tiêu thụ hoa tết nhiều hơn ở các địa phương này” - ông Đinh Ngọc Tùng cho biết.
Còn không đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2016, nông dân trồng hoa đang thấp thỏm trước tình hình thời tiết bất lợi. Hy vọng rằng, với những kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, người dân Làng hoa TP. Mỹ Tho sẽ có cách xử lý giúp hoa nở đúng dịp tết.
Ý kiến bạn đọc