Lãnh đạo Sở NN&PTNT phát biểu tại buổi họp. |
Theo Công ty TNHH 1 TV Khai thác Công trình Thủy lợi, từ cuối tháng 11 trở đi, nguồn tiếp nước duy nhất vào Dự án ngọt hóa Gò Công chỉ qua cống Xuân Hòa. Thế nhưng từ đầu tháng 1 đến nay, cống Xuân Hòa lấy nước không ổn định làm cho lượng nước nội đồng giảm xuống nhanh.
Tính đến ngày 15-1, mực nước khu vực nội đồng trên kênh trục dao động ở mức 0,3 đến 0,39 m (so cùng kỳ 0,48 đến 0,82 m) và mỗi ngày mực nước nội đồng trên kênh trục giảm khoảng 5 đến 10 cm.
Chất lượng nước cũng đang xấu dần do phèn mặn tiềm tàng trong đất, độ mặn trong khu vực nội đồng tăng cao, nhất là các khu vực cặp đê. Từ đó, một số diện tích lúa ở các khu vực xa nguồn, khu vực mực nước nội đồng trên các tuyến kinh trục thấp, kinh dẫn cạn, các địa phương đã tổ chức bơm chuyền với tổng số 117 điểm bơm phục vụ cho gần 4.000 ha.
Tại buổi họp bàn, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác bơm chuyền, bơm trữ, vệ sinh nguồn nước; đơn vị vận hành công trình Dự án theo dõi sát diễn biến độ mặn trên sông để tổ chức lấy nước khi độ mặn cho phép.
Cơ quan Bảo vệ Thực vật, Khuyến nông tổ chức hội thảo đầu bờ cho từng khu vực hướng dẫn người dân biết nhu cầu nước của cây lúa trong từng giai đoạn để có giải pháp điều tiết sử dụng nước hợp lý.
Theo thống kê, đến nay, toàn Dự án ngọt hóa Gò Công xuống giống lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 gần 29.000 ha, trong đó phần lớn trà lúa ở giai đoạn không quá 30 ngày tuổi.
Ý kiến bạn đọc