Tiền Giang đứng ở nhóm đầu về giá trị xuất khẩu của ĐBSCL

Đăng lúc: Thứ tư - 23/12/2015 08:27
Theo số liệu mới nhất cho thấy, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) của tỉnh trong năm 2015 đạt khoảng 1,82 tỷ USD, đưa Tiền Giang đứng thứ nhì (sau tỉnh Long An) so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Phú Đạt, dự kiến năm 2015 đạt kim ngạch XK 5 triệu USD.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Phú Đạt, dự kiến năm 2015 đạt kim ngạch XK 5 triệu USD.

DOANH NGHIỆP FDI CHIẾM TỶ TRỌNG LỚN

Tiếp tục đà tăng trưởng giá trị XK của các doanh nghiệp (DN) phần lớn là nhờ vào các nhóm hàng may mặc, túi xách, giày. Tỷ trọng trong kim ngạch XK 3 mặt hàng này chiếm trên 60% (tăng 40% so cùng kỳ).

Còn theo đánh giá chung, XK nông, thủy sản tiếp tục khó khăn, kim ngạch XK chỉ còn chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch của tỉnh, do nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi nguồn cung các nước tăng, cạnh tranh dẫn đến giá giảm, bên cạnh đó thị trường ngày càng đòi hỏi độ an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, dư lượng thuốc trừ sâu…

Cũng như thực tế những năm gần đây, kim ngạch XK toàn tỉnh trong năm 2015 tăng chủ yếu nhờ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 60% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh, còn lại là các DN có vốn đầu tư trong nước.

Trong khi đó, châu Âu không còn là thị trường chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường XK của tỉnh (chỉ còn chiếm 23%). Thời gian qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh XK sang thị trường châu Mỹ, kim ngạch XK sang thị trường này tăng 33,5% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 40% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh.

Đáng kể là XK sang thị trường Hoa Kỳ tăng 21% so với cùng kỳ, chiếm gần 70% trong tổng kim ngạch XK sang châu Mỹ và chiếm 27,6% tổng kim ngạch XK của tỉnh, với các mặt hàng XK chủ yếu như: Hàng may mặc, ống đồng, giày, túi xách; các mặt hàng khác như thủy sản, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo chiếm chưa đến 5%.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, chính các DN trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu XK của tỉnh. Số liệu mới nhất về giá trị XK của các DN trong các KCN, CCN cho thấy, các DN này đã chiếm trên 65% kim ngạch XK toàn tỉnh; trong đó hàng thủy sản chiếm 25%, may mặc chiếm 15%, ống đồng chiếm 30%, còn lại các ngành nghề khác chiếm 10 - 15%.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN, thời gian qua thị trường XK của DN được mở rộng, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được uy tín trên thị trường thế giới. Nhìn tổng thể, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong năm 2015 tăng trưởng từ 10 - 20% so với cùng kỳ.

Qua đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng công nghiệp khá cao trong giai đoạn này là do sự lấp đầy KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương và đang kêu gọi tiếp tục đầu tư vào KCN Long Giang, KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp; đặc biệt là KCN Long Giang và Tân Hương đã thu hút một số lượng lớn DN có quy mô khá lớn đến đầu tư và sản xuất có hiệu quả. Hàng năm, tỷ trọng đóng góp của các KCN trong ngành công nghiệp cả tỉnh trên khoảng 60%.

THỦY SẢN LẠI LAO DỐC

Mặc dù kim ngạch XK toàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm khá cao của nhóm ngành Thủy sản. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, XK thủy sản đang mất dần ngôi vị đầu bảng trong cơ cấu các ngành hàng XK chủ lực của tỉnh và đang có dấu hiệu lao dốc mạnh. Bởi đến cuối năm 2015, mặt hàng thủy sản thực hiện khoảng 119.000 tấn, với trị giá 267,3 triệu USD, giảm 18,3% về lượng và giảm 17,8% về trị giá.

Những năm trước, thủy sản được xem là mặt hàng XK chủ lực của tỉnh, thường chiếm xấp xỉ 50% trong tổng cơ cấu kim ngạch XK. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố nên ngành Thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Lý giải nguyên nhân về thực trạng của ngành Thủy sản hiện nay, ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cho rằng, trong thời gian qua hoạt động XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, giá cả sụt giảm. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên các nhà nhập khẩu cũng quan ngại dẫn đến giá cả không ổn định.

“Trước khó khăn như thế, bản thân DN phải tìm cách giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, đối với Công ty TNHH Đại Thành, phải làm thêm kho lạnh để trữ hàng, hạn chế sản xuất để giảm lượng hàng tồn kho, chủ động vùng nuôi, nhập máy móc sản xuất cần thiết để giảm chi phí sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có giá thành hợp lý để dễ cạnh tranh hơn” - ông Hà Văn Tính cho biết.

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Hữu Thọ, đại diện Công ty TNHH XNK Thực phẩm Á Châu (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cho biết, trong năm 2015 dự kiến đạt kim ngạch XK khoảng 11 triệu USD, chỉ đạt khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, chủ yếu là do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ châu Âu do nhiều biến động đã và đang xảy ra. Công ty TNHH XNK Thực phẩm Á Châu được biết đến là một trong số ít DN trên địa bàn tỉnh chuyên sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, với nguyên liệu chủ yếu từ thủy hải sản các loại.

Sản phẩm của công ty chủ yếu là hàng thực phẩm chế biến như: Cua hộp, sò hộp, cá hộp, tôm hộp, đông lạnh; được xuất chủ yếu sang thị trường châu Âu, nhất là thị trường Anh. “Năm 2016, công ty dự kiến đạt kim ngạch XK tăng 10% so với năm 2015. Bên cạnh giữ vững thị trường tiêu thụ truyền thống, công ty dự kiến mở thêm một số thị trường tiêu thụ mới; đồng thời chú trọng vào thị trường nội địa” - ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết.

Thu hút 7 dự án đầu tư mới

Tại buổi Họp mặt DN trong các KCN, CCN diễn ra ngày 18-12, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết, riêng trong năm 2015 các KCN và CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 7 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký mới 71,12 triệu USD và 50 tỷ đồng, diện tích đất thuê 18,7 ha. Ngoài ra, các DN còn tăng vốn đầu tư 36,9 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh.

Theo Ban Quản lý các KCN, toàn tỉnh hiện có 7 KCN, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động, với diện tích 1.101 ha. Trong 4 KCN đang hoạt động đã thu hút được 77 dự án đầu tư (51 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 1,366 tỷ USD và trên 3.983 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 26 CCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Các DN trong các KCN, CCN trong năm 2015 đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp trên 36.157 tỷ đồng, kim ngạch XK đạt 1,131 tỷ USD; nộp ngân sách 49,26 triệu USD (DN có vốn FDI) và trên 253 tỷ đồng đối với DN trong nước.


Phương Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 357
  • Khách viếng thăm: 355
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 75158
  • Tháng hiện tại: 1716571
  • Tổng lượt truy cập: 48090698