Vũ Đình Liên: lòng tiếc thương và tình hoài cổ

Đăng lúc: Thứ bảy - 21/12/2013 13:41
Trong phong trào Thơ mới 1932-1945, Vũ Đình Liên là một hồn thơ độc đáo. Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam: “Trong làng thơ mới, Vũ Đình Liên là một người cũ. Từ khi phong trào thơ mới ra đời, ta thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. … hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ… Có lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ… Ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết… Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời. Còn riêng đối với thi nhân thực chưa đủ. Tôi thấy Vũ Đình Liên còn bao điều muốn nói, cần nói mà nghẹn ngào không nói được”.

Nhân kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ (1913-2013), Báo điện tử Tổ Quốc - trang Văn học Quê nhà xin giới thiệu bài một bài viết sâu sắc, tinh tế với lời văn uyển chuyển, giàu cảm xúc khác để bạn đọc thêm yêu mến một hồn thơ mà “dư âm vẫn đồng vọng mãi trong văn học nước nhà”. Nhan đề bài viết do người sưu tầm, giới thiệu đặt.

 


Nhà thơ Vũ Đình Liên năm 66 tuổi (1979) (ảnh baobinhdinh.com.vn)


Vũ Đình Liên là tên thật. Sinh ngày 15 tháng 10 năm Quý Sửu (1913) ở Hà Nội.

Thuở nhỏ ông theo học trường Bảo-hộ; sau đó là trường Luật.

Có một thời ông dạy tư và đảm nhiệm việc quản lý cho báo Tinh hoa. Ông từng chủ trương Revue pédagogique và làm tham tá Sở Thương-chánh Hà Nội.

Thơ Vũ Đình Liên được đăng rải rác trên các báo: Loa, Tinh hoa, Phong hóa, Phụ nữ thời đàm.

Vũ Đình Liên từ giã thi đàn từ rất sớm, chỉ lưu lại rất ít vần thơ mà lại là đôi dòng có giá trị. Bài Ông đồ là xuất phẩm của họ Vũ.

*

Cũng đồng phóng tấm mắt về dĩ vãng, nếu một Nguyễn Nhược Pháp có cái nhìn vui tươi, hồn nhiên của tuổi trẻ, hay tìm kiếm những hình ảnh trong sáng, trẻ trung để ghi lại trong vần thơ của mình những nét nhộn nhịp cổ xưa, pha lẫn ý nghĩ dí dỏm, ngộ nghĩnh, thì Vũ Đình Liên, chỉ lớn hơn một tuổi đời, nhưng lại mang một cá tính trái ngược: đó là lòng tiếc thương và tình hoài cổ.

Thời quá khứ, nhất là những hình ảnh hoang tàn hoặc những kỉ niệm êm đềm không bao giờ tìm gặp lại là kích thích tố cho hồn thơ Vũ Đình Liên. Tiếng tơ của họ Vũ ngân lên một cách trung thực sự rung động của lòng mình khi tiếp nhận được đôi cảnh vật tiêu sơ của thời đại cũ.

Cổ xưa là cái gì đã chết, là cái gì tàn tạ đáng thương, là một ít dấu vết bị thời gian gặm mòn; cho nên tiếng thơ của Vũ Đình Liên luôn gieo vào lòng ta nỗi buồn man mác, khiến ta bồi hồi nhớ tiếc một quá khứ xa xôi.

Có ai ngờ chỉ một cảnh hoang phế, tiêu sơ của vùng đất Nam Giao (Huế) đã gợi lại mối sầu vạn cổ của thi nhân mà người ghi lại trong văn học nước nhà mấy vần thơ tưởng chừng không bao giờ “hoang phế” được.

Nhiều thế kỉ qua, cũng cái không gian này, đôi cảnh vật còn sót lại trơ trơ một tàn tích tang thương đập mạnh vào lòng người thời nay như những tiếng gọi chói lói trong tâm não, khơi động lại hồn xưa, và thính giác như mơ màng văng vẳng đâu đây tiếng loa vang của một thời lộng lẫy:

Tự ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh

Tiếng loa vang giây lát động trăng khuya

Trong những phút hồn mơ đắm chìm về dĩ vàng như cố theo đuổi thời đại rực rỡ cơ hồ đã bị quên lãng trong tiềm thức, lòng thi nhân náo nức, hăm hở, người thúc giục:

Trôi đi thuyền!Cứ trôi đi xa nữa!

Vỗ trăng khuya bơi mãi!Cánh chèo mơ!

Sự mơ tưởng là cái gì mong manh, ngắn ngủi, chóng tan rã. Thả hồn mơ về cảnh cũ trong giây lát thì được, nhưng mãi thì không. Thực tế của hiện tại không cho đi xa hơn nữa:

Nhưng giây lát lại rơi im, hiu quạnh,

Cả hồn xưa yên lặng trong trăng khuya

Vầng trăng bàng bạc buông tỏa ánh sáng lung linh, chao động trong không gian bôi xóa giấc mộng, hồn thi nhân bàng hoàng chợt tỉnh, tưởng chừng mình là con người từ một quá khứ xa xôi vừa trở về hiện tại, cho nên thi nhân còn đủ tỉnh trí để xác nhận lòng mình đã trải qua những phút chơi vơi của thần trí:

Lòng ta là những hàng thành quách cũ

Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa

Vũ Đình Liên cấu tạo hai vần thơ trên đây ta cứ ngỡ như hai dòng châu ngọc lóng lánh ánh sáng muôn màu trong thi ca đất nước.

Hãy thử đặt mình trước một cổ thành trong buổi chiều buồn mà ánh tà dương đã khuất dưới chân trời xa, để lại sau lưng đôi ánh vàng yếu ớt và một nền trời xám đục; ta nhìn về bờ thành quách loang lổ như tự thú sự mong manh đến đổ nát của khối gạch đá trước lớp bụi thời gian, lòng ta sẽ cảm thấy nỗi buồn rười rượi khi hình dung lại thời kiêu hãnh, ngạo nghễ của thành lũy xưa. Lúc bấy giờ ta đọc lại Vũ Đình Liên:

Lòng ta là những hàng thành quách cũ

Tự ngàn năm bổng vẳng tiếng loa xưa

để tận hưởng sự rung động của câu thơ.

*

Ta có thể nói, chính cái tình hoài cổ trong hồn thơ của Vũ Đình Liên đã dẫn nẻo thi nhân đạt đến cao độ nghệ thuật.

Bây giờ thử khảo sát qua bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Ông đồ!Một hình ảnh xưa cũ mà mỗi lần nhắc đến là bọn trẻ chúng ta thường bĩu môi trước cái dáng dấp già nua, thân choàng chiếc áo the thâm quần trắng, đầu chít chiếc khăn đen, trề trệ đôi mục kính trên chòm râu thưa dài như tự tố giác sự suy tàn của thế hệ cũ. Cũ từ hình thức lẫn tâm hồn.

Không gì đáng ngậm ngùi, luyến tiếc cho một thời đại hùng liệt, huy hoàng, chói lói mà giờ dây chỉ còn sót lại trong không gian đôi vết tích đổ nát, điêu tàn, trong nhân gian những ký ức lờ mờ về một giai đoạn lịch sử. Nó là sự tiêu tàn của đế quốc hùng cường La Mãn; nó là sự vắng lặng tịch diệt bước viễn chinh hùng bạo của quân Mông Cổ.

Gần đây hơn, nó là tàn tích sống sót đáng thương hại của thời vàng son hưng thịnh của nền Hán học nước ta còn rớt lại ở thế hệ này vài ông đồ già.

Một chiến sĩ dũng cảm kháng địch trong tình thế tuyệt vọng đáng cho ta nghiêng mình ngưỡng mộ; ông đồ là hình ảnh của người lính xưa, đang dốc hết tài lực phô diễn lại những tinh hoa của nền học cũ cũng được mọi người tán thưởng, ngợi khen. Đây, ta hãy xem ông đồ thi thố:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tắm tắc ngợi khen tài

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”

Ngọn đèn dầu sắp tắt thường bừng cháy. Ông đồ cố gắng lóe lên những tia sáng cuối cùng của thế hệ, cũng làm đẹp mắt phút giây những tâm hồn hoài cổ còn sót lại.

Nếu một con én không kéo nổi mùa xuân, thì ông đồ cũng không làm sao xoay lại được cảnh đời.

Những người tấm tắc ngợi khen và thuê viết trước kia, ngày nay, dường như bắt kịp được nhịp sống mới, họ hững hờ qua hay không buồn lưu ý. Thì ông đồ vẫn ngồi đó, nhưng cảm giác đang ở giữa thế giới mênh mông, quạnh quẽ, cách biệt hẳn loài người. Giấy hồng đã ngả màu, mực buồn đọng cạn trong nghiên, chiếc bút lông ráo mực gầy đét; vài chiếc lá vàng rơi như báo hiệu một mùa chết.

Năm nay hoa đào lại nở. Ta thử trở lại chỗ xưa thăm cái hình bóng gắng gượng tuyệt vọng năm nào. Than ôi!Chỗ ông đồ ngồi nay còn đó, nhưng không gian trống rỗng u buồn:

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Thật là buồn đau cho lòng ta khi phải làm chứng nhân trước sự giãy chết lần mòn của một thế hệ tàn tạ!

Bạn trẻ!Các bạn có nghe chăng dội thấu ở đáy hồn bạn tiếng hắt thở cuối cùng ấy?

Riêng Vũ Đình Liên đã phát biểu cảm tưởng trước hình ảnh thương tâm của ông đồ khi xây dựng tác phẩm của mình, thi sĩ nói: “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

*

Phải kể hồn thơ Vũ Đình Liên thật dễ dàng rung động trước những gì có dính dấp với thời xưa. Dưới mắt thi nhân “thành cũ” hoang phế, hình bóng tàn lụn của “ông đồ” đã đành dễ gợi lòng hoài cổ; thậm chí thính giác cũng cung cấp cho họ Vũ mạch thơ khá hứng thú.

Bé thơ là cái tuổi vô tư lự, ngây thơ hồn nhiên, tuổi của tâm hồn trong trắng không vẩn tí bụi đời. Mỗi người chúng ta đều trải qua thời tấm bé vui tươi mà mỗi lần nhắc đến khiến lòng ta bâng khuâng muốn sống trở lại thời ấy.

Vũ Đình Liên cũng có tâm hồn như thế. Sau những ngày vật lộn mệt mỏi với cuộc sống, thi nhân nằm đêm nghe vọng từ xa tiếng hát ru em như dội tận đáy hồn. Người mơ màng tưởng lại thời qua và tự hỏi:

Tiếng hát ai sao khêu gợi lúc đêm trường

Để ta nhớ những ngày vui đã hết

Nhớ mẹ hiền nay phương trời cách biệt

(Tiếng hát ru)

“Ạ ời ơi! Ạ ời ời!” Tiếng ru em mà nghĩa lí giản dị như những tâm hồn mộc mạc, nhưng âm thanh vang dội vào lòng êm đềm, thanh thoát, nhẹ nhàng để ru hồn trẻ chìm vào giấc ngủ say sưa. Vũ Đình Liên nhắc lại với niềm luyến tiếc:

Nhớ những đêm xưa yên lặng êm đềm

Ta ru lòng trong tiếng mẹ ru em

(Tiếng hát ru)

“Tiếng hát ru”của Vũ Đình Liên tuy có gợi lại thời măng sữa, nhưng tiếng thơ không được sáng sủa, không đủ sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nếu có sự rung động chăng, ít nhiều cũng nhờ sự hồi tưởng hỗ trợ của người đọc khi nhớ lại thời bé nhỏ của mình. Nó không làm sao cho ta quên được sức truyền cảm khi nghe “Tiếng võng đưa”của Bàng Bá Lân. “Cót ca cót két”, tiếng vọng tuy khô khan nhưng đượm tình chan chứa:

Tiếng võng đưa

Cót ca cót két

Đêm dài mưa rét

Mẹ ru con mơ màng….

Dân tộc Việt Nam

Lớn trong tiếng võng

Dân tộc Việt Nam

Già trong lời ru

Êm đềm thay tiếng võng đưa

Nhịp thơ

Dân tộc.

Mơ màng, ta nghe tiếng khóc

Của thời măng sữa xa xôi

(Tiếng võng đưa, B.B.L)

Cho nên ta có thể nói Vũ Đình Liên không đi xa hơn trong khía cạnh này.

Thi sĩ cũng tự hiểu. Mạch thơ như bị ứ đọng, uất nghẹn không sao thoát nhẹ ra được khiến họ Vũ chán nản. Mà chán nản thật. Sự bị đè nén của hồn thơ làm cho Vũ Đình Liên quyết định không làm thơ nữa. Trong một bức thư thổ lộ tâm tình gởi Hoài Thanh ngày 9/1/1941, họ Vũ nói rõ lý do giã từ thi đàn của mình:

Tôi bao giờ - lời Vũ Đình Liên - cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa.”

Sự uất nghẹn trong tâm tư mà không có lối thoát khiến thi nhân tức bực cho sự bất tài của mình, và coi nỗi niềm u ẩn là đày đọa tâm hồn, người gợi lại mấy dòng thơ như giãi bày tâm sự:

Nặng mang mãi khối hình hài ô nhục,

Tâm hồn ta đã nhọc tự lâu rồi!

Bao nhiêu xanh thăm thẳm trên bầu trời;

Bao bóng tối trong lòng ta vẩn đục.

Mà thật, từ đấy người ta không còn nghe tiếng thơ của Vũ Đình Liên nữa. Tiếng tơ không rung, nhưng dư âm vẫn đồng vọng mãi trong văn học nước nhà. Mặc dù Vũ Đình Liên không tin ở giá trị sáng tác của mình, nhưng công luận phải nhận bài Ông đồ là xuất phẩm đáng cho Vũ Đình Liên hãnh diện.

*

Ông đồ

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

 

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay.

 

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay.

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài trời mưa bụi bay.

 

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

 

Lòng ta là những hàng thành quách cũ

 

Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,

Vì đêm nay ta lại căng buồm đi.

Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến

Một phương trời mây lọc ánh giăng khuya.

 

Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh,

Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa.

Trên chòi cao, tự ngàn năm sực tỉnh

Trong giăng khuya bỗng vắng tiếng loa mơ.

 

Tự ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh,

Tiếng loa vang giây lát động giăng khuya,

Nhưng giây lát lại rơi im, hiu quạnh,

Cả hồn xưa yên lng trong giăng khuya.

 

Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa!

Vỗ giăng khuya bơi mãi! Cánh chèo mơ!

Lòng ta là những hàng thành quách cũ,

Tự ngàn năm bỗng vắng tiếng loa xưa.

Hữu Vui
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Vũ Đình Liên

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 224
  • Khách viếng thăm: 222
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 47284
  • Tháng hiện tại: 2279834
  • Tổng lượt truy cập: 46247067