Lãnh binh Cẩn và chuyện về phần mộ

Đăng lúc: Chủ nhật - 26/05/2013 16:10

ĐÔI NÉT VỀ  THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP LÃNH BINH CẨN

Lãnh binh Cẩn (1802 - 1902) tên thật là Nguyễn Văn Cẩn, quê Cái Thia, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều là hai thuộc tướng của Võ Duy Dương trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ trong những năm từ 1861- 1867.

Nguyễn Văn Cẩn là một nông dân có sức khỏe, võ nghệ cao cường. Thuở trai trẻ ông tham gia lực lượng đồn điền theo các cơ đội của tỉnh Định Tường trong các Sở đồn điền Mỹ Thiện, Hậu Mỹ, Mỹ Thành, Thạnh Phú (thuộc địa phận 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy ngày nay). Đồn điền là tổ chức bán quân sự theo chính sách “Ngụ binh ư nông” thời bấy giờ.

Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định. Tháng 5-1861 Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, quân triều đình chống cự không lại. Phong trào kháng Pháp nổi lên khắp nơi. Quản cơ Thiên hộ Dương cùng với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tổ chức căn cứ kháng chiến rộng lớn từ Bình Cách đến Thuộc Nhiêu và Đồng Tháp Mười. Trong đó, Đồng Tháp Mười là một căn cứ mạnh, gây cho Pháp nhiều tổn thất. Nhiều cuộc tấn công của Pháp vào căn cứ này bị thất bại.

Đầu năm 1866 tướng Pháp De La Grandière tập trung binh lực quy mô lớn tấn công Đồng Tháp Mười từ 3 hướng chính. Nghĩa quân thất trận. Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tử trận. Thiên hộ Dương rút quân về Tân An. Lãnh binh Cẩn rút quân về Hồng Ngự. Đến Hồng Ngự, bị quân Pháp và thân binh của Trần Bá Lộc vây đánh, Lãnh binh Cẩn lui về vùng Gia Định củng cố lực lượng. Sau đó ông cho quân về lại Hồng Ngự và tấn công hạ thành Châu Đốc nhưng không giữ được thành. Bị vây đánh, ông rút lên núi Sập. Tuy nhiên do khó khăn kéo dài về lương thực và vũ khí, cánh quân của ông dần tan rã sau nhiều năm chống cự.

Đến năm 60 tuổi, mặc dù Lãnh binh Cẩn ý chí có thừa nhưng lực bất tòng tâm, ông nghĩ rằng làm người cứu nước chưa tròn, thôi thì theo hạnh Bồ Tát để cứu đời, cứu người. Ông đến chùa Tây An gặp các nhà sư yêu nước xuất gia đầu Phật, pháp danh là Minh Mai, pháp hiệu là Phương Danh.

Trong những năm cuối 1870 ông trở về làng Hòa Hưng - Cái Bè trùng tu xây chùa Thắng Quang để hành đạo. Ông lại vào Gò Tháp Mười xây dựng chùa Cổ Tháp, lập bàn thờ Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều và những nghĩa binh tử trận năm xưa ở nơi này.

Bị Trần Bá Lộc đánh hơi theo dõi, ông trở về làng Mỹ Lợi - Cái Bè lập chùa Phước Quang và trụ trì. Ông viên tịch tại đây ngày 25 tháng Chạp (âl) năm 1902, thọ 100 tuổi và được an táng nơi này.

PHẦN MỘ LÃNH BINH CẨN

Mộ Lãnh binh Cẩn được xây bằng đá ong dưới danh nghĩa mộ của một danh tăng. Mộ ông được người con trai thứ là Nguyễn Văn Thái chăm sóc thờ tự. Đến năm 1918 viên chủ tỉnh người Pháp biết được việc này đã cho đòi ông Thái đến giao nộp tất cả giấy tờ, sắc phong của Lãnh binh Cẩn cho bọn chúng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, một trái bom nổ gần ngôi mộ của Lãnh binh Cẩn đã đánh bạt mất cấu trúc bên trên của ngôi mộ. Sau này cháu chắt của ông đã trùng tu lại một phần ngôi mộ này.

Chùa Phước Quang - nơi có bàn thờ của Lãnh binh Cẩn vẫn tồn tại, hoạt động cho đến những năm 1964. Chiến tranh ác liệt, ngôi chùa bị hư hại dần. Các tượng Phật được mang gửi ở chùa Ông Đạo Sáu rồi dời qua chùa Liên Trì, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè. Thiếu người chăm sóc, trùng tu, chùa Phước Quang bị hư, sập. Bàn thờ Lãnh binh Cẩn được dời về  nhà của một người chắt để thờ cúng, ngôi chùa được tạm dựng lại thành một ngôi miếu nhỏ trên nền cũ.

Hiện nay, phần mộ và bàn thờ của Lãnh binh Cẩn tọa lạc tại địa chỉ số 331/12, ấp Lợi Tường (Mỹ Lợi A, Cái Bè) trong vườn và nhà của ông Nguyễn Văn Tâm - người chắt 5 đời của Lãnh binh Cẩn và là người cúng giỗ Lãnh binh Cẩn hàng năm (ông Tâm gọi Lãnh binh Cẩn là ông sơ).

Trong một lần đi công tác, tôi đã được đến địa chỉ này. Đây là địa chỉ có di tích lịch sử của địa phương. Tuy nhiên, nếu so với các di tích khác cùng thời thì di tích này đang bị xuống cấp, mai một, lãng quên.

THAY LỜI KẾT

Lãnh binh Cẩn là một võ quan cao cấp của triều đình Nhà Nguyễn. Lãnh binh là chức chỉ huy quân sự cấp tỉnh thời bấy giờ. Tên của Lãnh binh Cẩn đã gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng thời với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều… Ông là nhân vật lịch sử, tên ông đã được đặt cho nhiều tên đường, khu phố ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Mỹ Tho, huyện Cái Bè…

Mong rằng các nhà nghiên cứu lịch sử trong tỉnh, Bảo tàng Tiền Giang, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội Nghiên cứu khoa học lịch sử tỉnh… nên đến thăm di tích này để xem xét, nghiên cứu và có kế hoạch hỗ trợ gia đình trùng tu, tôn tạo.
 

TS. Phạm Văn Khanh
(CLB Trí thức tỉnh Tiền Giang)

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Lãnh binh Cẩn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 226
  • Khách viếng thăm: 217
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 74408
  • Tháng hiện tại: 2442833
  • Tổng lượt truy cập: 48816960