Vài suy nghĩ về học tập và làm theo phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác Hồ gắn với thực hiện Dân vận chính quyền

Đăng lúc: Thứ ba - 08/10/2013 08:20
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị trong việc tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp..."; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", nhằm chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh.
Lãnh đạo Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh trao đổi với lãnh đạo Đoàn Thanh niên tại Tọa đàm "Học tập và làm theo Bác..." Ảnh: Túc Phúc.

Lãnh đạo Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh trao đổi với lãnh đạo Đoàn Thanh niên tại Tọa đàm "Học tập và làm theo Bác..." Ảnh: Túc Phúc.

Một trong những yêu cầu mà Nghị quyết TW4 đặt ra là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, mà trước hết phải là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Như Bác nói, cán bộ, đảng viên với tư cách là người lãnh đạo, quản lý, ví như "cái đầu", "bộ óc" của quần chúng nhân dân. Do vậy cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Thực hiện tốt Quy định 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", là thiết thực làm theo phong cách nêu gương theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chúng ta biết rằng, tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong cách là một chỉnh thể, tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh, là các mặt có liên quan chặt chẽ với nhau. Tư tưởng chi phối đạo đức, tác phong, phong cách; tác phong, phong cách là sự thể hiện, cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức.

Về phong cách quần chúng, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng, phục vụ nhân dân, Bác nói: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên rằng: quần chúng nhân dân là người làm ra lịch sử, làm nên thành công của cách mạng, là người chủ đất nước.

Do đó, mỗi đảng viên, cán bộ ở bất cứ cương vị nào, làm công việc gì đều phải "vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", nghiêm túc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Sự gần gũi, sâu sát quần chúng của người cán bộ cách mạng là hết sức cần thiết; nhờ đó mà cán bộ, đảng viên mới không mắc bệnh chủ quan, không quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức.

Mỗi khi về thăm địa phương, nhà máy, công trường, Bác thường không báo trước là mình đi. Bác thường xuống ngay hiện trường sản xuất, làm việc của người lao động, đi thăm nơi ăn, chốn ở, nhà kho nhà bếp, khu vệ sinh, giếng nước; sau đó mới có buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, đơn vị.

Người nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên: Cần hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng điều quan trọng hơn là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu được rõ ràng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chính là đem lại "lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được".

Vì vậy, yêu cầu học tập và làm theo phong cách quần chúng theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là: Mỗi cán bộ, đảng viên phải gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng; cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải "từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng".

Đối với người lãnh đạo, phong cách quần chúng không chỉ trong quan hệ với dân, mà còn thể hiện trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Bác yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải "khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng".

Phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng, đạo đức vì dân, vì nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới không có sức mạnh nào mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân"; "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương là do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân...".

Thực hành phong cách dân chủ, Bác dạy: Phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; cương vị lãnh đạo càng cao thì càng phải có tác phong tập thể - dân chủ thật sự. Ngược lại mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, phá vỡ tập thể. Là người đứng đầu đảng cầm quyền, đứng đầu nhà nước dân chủ, ở đỉnh cao của quyền lực, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể là phương châm chỉ đạo suy nghĩ và hành động xuyên suốt của Bác.

Như vậy, thực hành dân chủ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là mọi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể; phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể; cán bộ, đảng viên nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Về phong cách nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương thức nêu gương. Nêu gương đạo đức trước hết là một yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể xã hội. Bác thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên "Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính".

Để có được những tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo, Bác luôn đặt ra những yêu cầu cao, nhưng lại rất sát thực đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Có như vậy mới tăng được tính thuyết phục trong tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng xây dựng đạo đức mới.

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Bác đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, nhất là sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức.

Trong tình hình hiện nay, bên cạnh đội ngũ cán bộ, đảng viên tận tụy phục vụ nhân dân, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên xa rời quần chúng, quan liêu, cửa quyền và tiêu cực, tham nhũng, thì những bài học quí giá của Bác về gần dân, trọng dân, phục vụ tốt nhân dân; thực hành dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra",... càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết, là một trong những giải pháp để chúng ta cùng soi rọi, đánh giá lại chính mình, đồng chí mình; thực hiện tốt công tác phê và tự phê bình cũng như kiểm tra, giám sát để xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng với lòng tin của nhân dân.

Quang Minh
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 216
  • Hôm nay: 16128
  • Tháng hiện tại: 2461018
  • Tổng lượt truy cập: 48835145