Ông Lê Hồng Quang trao Cờ truyền thống của UBND tỉnh Tiền Giang tặng Viện Cây ăn quả miền Nam. |
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đã báo cáo tóm tắt kết quả 20 năm xây dựng và phát triển của Viện (1994 - 2004) với những kết quả nổi bật như:
Về giống cây ăn quả: Giai đoạn đầu từ năm 1994 - 2004 đã chọn được 1 dòng sầu riêng, 4 dòng măng cụt, 3 dòng mít (năm 2002) làm cây đầu dòng; chọn được 18 giống và được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời (khu vực hóa), bao gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, sầu riêng sữa hạt lép, sầu riêng hạt lép Đồng Nai, chôm chôm nhãn, chôm chôm Java, nhãn xuồng cơm vàng…
Từ năm 2005 đến nay, Viện đã có 11 giống quả, rau, hoa mới được Bộ NN&PTNT công nhận: Giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, Giống cam mật không hạt, dứa Cayenne Long Định 2, giống ớt cay F1 Long Định 3, giống bưởi đường lá cam ít hạt LĐ4, giống thanh long ruột tím hồng LĐ5…
Ông Nguyễn Văn Khang trao Bằng chứng nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho lãnh đạo Viện Cây ăn quả miền Nam. |
Có 14 giống/dòng được Sở NN&PTNT các tỉnh công nhận cây đầu dòng: 2 dòng bưởi lông Cổ Cò, 4 dòng dứa Queen, 2 dòng bưởi da xanh, 2 dòng bưởi Năm Roi, 2 dòng nhãn xuồng cơm vàng - NXCVMĐ01 và NXCVMĐ26, 1 dòng xoài cát Hoà Lộc và 1 dòng xoài cát Chu.
Có 13 quy trình (QT) được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật như: QT sản xuất cây có múi sạch bệnh; QT phòng trừ rầy chổng cánh bằng biện pháp tổng hợp; QT giám định bệnh vàng lá Greening trên cây có múi; QT phòng trừ tổng hợp bệnh thối gốc, chảy nhựa thân, thối quả do nấm Phytophthora palmivora trên cây sầu riêng….
Về kỹ thuật canh tác: Đã có nhiều biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn rau quả như: QT sản xuất thanh long, nhãn tiêu da bò, chôm chôm Java, bưởi da xanh, măng cụt, dứa, sơ ri, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, khoai lang, dưa hấu... theo tiêu chuẩn VietGAP; giảm hàm lượng nitrate lưu tồn trên khóm; sử dụng đèn Compact tiết kiệm điện thay bóng đèn sợi đốt để chong đèn cho trái nghịch vụ trên cây thanh long…
Về bảo vệ thực vật: Có 4 sản phẩm khoa học công nghệ được Bộ NN và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật…
Về công nghệ sau thu hoạch: Chuẩn hóa biện pháp xử lý hơi nóng (Vapour Heat Treatment) sau thu hoạch trên thanh long, xoài, măng cụt để diệt trứng ruồi đục quả; kéo dài thời gian bảo quản thanh long từ 40 ngày lên được 60 ngày; chỉ số thu hoạch cho nhiều loại trái cây; các thông số kỹ thuật cho việc bảo quản trái thanh long, xoài, chôm chôm, măng cụt, khóm…
Kết quả nổi bật về chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật: Đã triển khai 134 mô hình cam sành trồng xen ổi phòng trừ bệnh vàng lá Greening; có 32 mô hình sản xuất rau quả theo tiêu chí an toàn do Viện tư vấn được chứng nhận VietGAP/EurepGAP/ GlobalGAP đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm;
Đã triển khai nhiều mô hình quản lý tổng hợp bệnh “chổi rồng” trên nhãn tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Vĩnh Long; nhiều mô hình quản lý sâu, bệnh hại trên cây thanh long, sầu riêng, cam, quýt, bưởi, nhãn, dứa...
Trong giai đoạn 2006-2013, Viện đã tổ chức 145 lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, cán bộ kỹ thuật, khuyến nông viên... Hàng năm Viện hỗ trợ cho 5 tỉnh/thành tổ chức Hội thi Trái ngon và an toàn thực phẩm từ năm 2000 đến nay. Viện còn thành lập Bệnh viện Cây trồng phục vụ bà con nông dân các tỉnh.
Tại buổi lễ, cán bộ viên chức của Viện được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước, Cờ truyền thống của UBND tỉnh Tiền Giang; Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bẳng khen cho nhiều tập thể và cá nhân của Viện.
Ông Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong phát biểu đã chúc mừng kết quả đạt được của Viện trong 20 năm qua. Thành tựu mà Viện đạt được góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước, khu vực nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, làm cho ngành rau quả trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông cho rằng sự nỗ lực miệt mài, tìm tòi chịu thương chịu khó của các nhà khoa học của Viện đã tạo ra nhiều loại giống cây ăn quả cho năng suất cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; đã chuyển giao thành tựu tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người nông dân, giúp chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo khoa học, theo thị trường.
Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Khang đề nghị Viện giúp tỉnh Tiền Giang tái cơ cấu trong lĩnh vực cây ăn quả để sản xuất đạt chất lượng, hiệu quả, bền vững, tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ý kiến bạn đọc