Hiện hữu nguy cơ cháy, nổ trên tàu

Đăng lúc: Thứ hai - 01/12/2014 13:52
Những năm gần đây, lĩnh vực vận tải thủy, đóng tàu biển trên địa bàn tỉnh ta liên tiếp xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nặng về tài sản. Đơn cử như, lúc 4 giờ ngày 13-10 vừa qua, tại Cảng Cá (phường 2, TP. Mỹ Tho) xảy ra 1 vụ cháy tàu cá.

Nguyên nhân vụ cháy được nhận định bắt nguồn từ bình ắc quy trong cabin của tàu cá gây ra hỏa hoạn. Ngay sau đó, các ngư phủ đã sử dụng nhiều dụng cụ chữa cháy, nhưng do trên tàu có nhiều vật dụng và nhiên liệu dễ cháy nên không dập tắt được đám cháy. Ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ cabin tàu. Dập tắt không thành, các ngư phủ đã nhanh chóng nhảy xuống sông thoát thân nên không bị thương vong.

Cảnh sát PCCC & CNCH làm nhiệm vụ tại hiện trường 1 vụ cháy tàu.
Cảnh sát PCCC & CNCH làm nhiệm vụ tại hiện trường 1 vụ cháy tàu.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) - Công an tỉnh đã huy động lực lượng khẩn trương đến hiện trường để chữa cháy. Sau gần 1 giờ đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Thiệt hại nặng nhất về tài sản phải kể đến vụ cháy 2 chiếc tàu đánh bắt thủy sản xảy ra vào đầu tháng 2-2013, tại xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho. 2 tàu này đang đậu trong ụ để sửa chữa. Nguyên nhân gây cháy là do chập đường điện từ tàu này sang tàu kia. Vụ cháy đã làm thiệt hại 80% 2 chiếc tàu và các vật dụng trên tàu, trị giá hơn 5 tỷ đồng.

Vào năm 2012, 1 tàu vận tải chở 800 kiện xơ dừa lưu thông trên sông Tiền, đến đoạn thuộc ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho thì bất ngờ bị bốc cháy. Nguyên nhân được xác định là do tự sinh nhiệt gây cháy. Mặc dù trên sông nước nhưng công tác chữa cháy rất khó khăn vì thiếu phương tiện và chất cháy quá lớn. Hậu quả làm 800 kiện xơ dừa trị giá khoảng 800 triệu đồng bị thiêu rụi hoàn toàn.

Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết: “Tính từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở, phương tiện thủy, đơn vị đã lập 14 biên bản vi phạm hành chính, trong đó chủ yếu là các lỗi: không trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy như bình bọt, bình bột, lăng, giá, máy bơm nước; chủ phương tiện không xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ.

Mặt khác, việc tự ý sửa chữa, khắc phục các sự cố trên tàu thường xuyên diễn ra, nhất là các phương tiện vận tải hàng hóa, chỉ một chút sơ ý khi sửa chữa, những tia lửa điện phát sinh do hàn, cắt kim loại có thể dẫn tới cháy bất cứ lúc nào và tình trạng sử dụng các dụng cụ dễ cháy, nổ như bếp ga mini, đun nấu không đúng chỗ, lỗi câu mắc điện bừa bãi... khiến tình hình cháy, nổ càng thêm phức tạp”.

Mặc dù các thuyền trưởng và thuyền viên đã được tập huấn thường xuyên về an toàn cháy, nổ cho tàu cá, nhưng nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nắm bắt, hiểu rõ các nội quy, quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ.

Nhiều ngư dân chưa biết cách sử dụng trang thiết bị chữa cháy; tàu trang bị bình chữa cháy không đảm bảo chất lượng; nhiều chủ tàu đã không bố trí người trực trên tàu nên khi sự cố xảy ra đã không phản ứng kịp thời, thậm chí vì sợ mất các thiết bị dập lửa trên tàu nên chủ tàu đã đem về nhà khi tàu về neo đậu, nếu xảy ra sự cố sẽ không kịp trở tay.

Trên thực tế, chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm sau mỗi vụ cháy. Mong rằng các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng cá nhân hãy nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn PCCC, luôn đề cao cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng và phương tiện để kịp thời xử lý có hiệu quả khi sự cố vừa mới phát sinh.

Đặng Thanh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 197
  • Khách viếng thăm: 189
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 10173
  • Tháng hiện tại: 2566616
  • Tổng lượt truy cập: 48940743